Tiền tài và đạo đức—Một bài học từ quá khứ
Tiền tài và đạo đức—Một bài học từ quá khứ
VÀO ngày 7-4-1630, bốn chiếc thuyền buồm chở khoảng 400 người từ Anh Quốc vượt biển sang Tân Thế Giới—tên gọi Châu Mỹ vào thời đó. Trong số đó có nhiều người trí thức, số khác là những doanh nhân thành đạt, thậm chí có vài người là nghị sĩ quốc hội. Nền kinh tế tại quê nhà đang xuống dốc, và ngày càng kiệt quệ hơn vì Châu Âu đang diễn ra Cuộc Chiến Ba Mươi Năm (1618-1648). Vì thế, họ bỏ nhà cửa, cơ sở làm ăn và thân nhân để đi tìm cuộc sống tốt dù không biết tương lai sẽ ra sao.
Tuy nhiên, đoàn người với lòng đầy hy vọng này không những là một nhóm thương gia biết tận dụng thời cơ mà còn là những tín đồ sốt sắng của Thanh giáo trốn chạy vì bị bắt bớ về tôn giáo. * Mục tiêu chính của họ là thành lập một cộng đồng những người kính sợ Đức Chúa Trời, nơi mà họ và con cháu được thịnh vượng về vật chất đồng thời vẫn giữ được tiêu chuẩn Kinh Thánh. Không lâu sau khi đến Salem, Massachusetts, họ chọn một miếng đất nhỏ ven biển và gọi nơi sinh sống mới là Boston.
Khó giữ thăng bằng
John Winthrop, lãnh tụ và thống đốc của họ, hết sức khuyến khích cá nhân lẫn tập thể theo đuổi sự giàu có tại vùng đất mới. Ông muốn mọi người có tiền tài lẫn đạo đức. Tuy nhiên, giữ thăng bằng là một điều khó thực hiện. Dự đoán những thách đố sẽ đến, ông nói rất nhiều với những người đồng hành về vai trò của sự giàu có trong một xã hội tin kính.
Giống như những lãnh tụ khác của Thanh giáo, ông Winthrop nghĩ việc theo đuổi tiền tài không có gì là sai. Ông lý luận rằng mục tiêu chính của sự giàu có là để giúp người khác. Vì thế, một người càng giàu thì càng làm được nhiều việc thiện. Sử gia Patricia O’Toole nhận xét: “Ít có vấn đề nào làm người Thanh giáo khó chịu bằng sự giàu có. Đó vừa là dấu hiệu được Đức Chúa Trời ban phước vừa là một cám dỗ mạnh mẽ về tội kiêu căng... và về tội lỗi của xác thịt”.
Ông Winthrop khuyến giục người ta tự chủ để tránh phạm những tội đến từ lối sống giàu có và đầy xa hoa. Tuy nhiên, tinh thần kinh doanh của người dân nhanh chóng trở nên mâu thuẫn với việc ông cố ép họ sống cuộc đời tin kính và yêu thương nhau. Một số người bất đồng và bắt đầu phản đối, họ cho là ông Winthrop đã xen vào đời tư của họ một cách quá đáng. Một số người bắt đầu kêu gọi người khác cùng tham gia bầu cử một hội đồng nhằm đưa ra quyết định chung. Những người khác tỏ sự bất mãn bằng cách dọn đi Connecticut để theo đuổi quyền lợi riêng.
Bà O’Toole nói: “Cơ hội, tiền tài và dân chủ đều là những mãnh lực đáng kể trong cuộc sống của những người Thanh Giáo ở Massachusetts. Chúng nung đúc thêm tham vọng cá nhân và không màng đến tư tưởng của ông Winthrop về quyền lợi chung của mọi người”. Vào năm 1649, ông qua đời ở tuổi 61, trong túi hầu như không còn một đồng xu. Tuy cộng đồng dễ bị phân tán đó vẫn tồn tại qua bao khó khăn, nhưng ông không bao giờ thấy được ước mơ của mình thành hiện thực.
Tiếp tục tìm kiếm
John Winthrop không chỉ là người duy nhất mơ ước một thế giới tốt hơn. Mỗi năm hàng trăm ngàn người Châu Phi, Đông Âu, Đông Nam Á và Châu Mỹ La Tinh di cư với ước mơ tìm được một cuộc sống tốt hơn. Trong số đó có những người cảm thấy hứng thú và bị thôi thúc bởi ý tưởng làm giàu từ nhiều sách mới xuất bản, hàng trăm buổi hội thảo và vô số trang Web tung ra hàng năm, tất cả đều đưa ra những lời hão huyền về bí quyết làm giàu. Rõ ràng, nhiều người còn đang cố kiếm tiền và hy vọng sẽ không bỏ quên những giá trị đạo đức.
Thành thật mà nói, những điều đó đã đưa đến thất vọng. Những ai muốn làm giàu thường phải hy sinh những nguyên tắc đạo đức và đôi khi cả đức tin của họ để thờ thần tài. Do đó, bạn có lý do chính đáng để thắc mắc: “Một người có thể vừa giàu và vừa có đạo đức không? Chúng ta có thể nào có được một xã hội gồm những người kính sợ Đức Chúa Trời được thịnh vượng về cả vật chất lẫn thiêng liêng không?” Kinh Thánh trả lời những câu hỏi đó trong bài kế tiếp.
[Chú thích]
^ đ. 3 Thanh giáo là tên gọi những người theo đạo Tin Lành thuộc Giáo Hội Anh Quốc. Họ muốn thanh tẩy giáo hội của họ khỏi bất cứ ảnh hưởng nào của Công Giáo La Mã.
[Nguồn tư liệu nơi trang 3]
Những chiếc thuyền: The Complete Encyclopedia of Illustration/J. G. Heck; Winthrop: Brown Brothers