Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chiếc cầu nối ở Panama

Chiếc cầu nối ở Panama

Chiếc cầu nối ở Panama

“NƯỚC PANAMA là cầu nối của thế giới”. Cách đây nửa thế kỷ, câu nói trên được nêu lên trong một chương trình truyền thanh nổi tiếng ở đất nước thuộc Trung Mỹ này. Ngày nay, đó cũng chính là suy nghĩ của nhiều người về đất nước Panama.

Nước Panama đóng vai trò như một cầu nối giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Ngoài ra, trên thực tế cũng có một cây cầu gọi là Cầu Americas bắc qua Kênh Đào Panama nổi tiếng. Về mặt kỹ thuật, kênh đào này là cả một kỳ công vì nó xuyên qua lãnh thổ nước Panama, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Nhờ đó, lộ trình mà trước đây tàu biển phải mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần mới có thể vượt qua, nay rút ngắn chỉ còn vài giờ. Thật thế, nước Panama là một cầu nối quan trọng giữa nhiều vùng trên thế giới.

Một cầu nối và một quốc gia đa sắc tộc

Dân Panama là một dân đa sắc tộc bởi sự kết hợp giữa nhiều dân tộc và chủng tộc. Ngoài ra, cư dân Panama cũng bao gồm nhiều bộ tộc khác. Tất cả họ tạo thành một dân tộc với bản sắc muôn màu muôn vẻ, sống rải rác khắp nơi trong vùng đất xinh đẹp này. Tuy nhiên, có thể nào tạo một cầu nối giữa những người khác nhau về văn hóa, tầng lớp xã hội, tôn giáo và ngôn ngữ, để tất cả cùng hợp nhất về tư tưởng cũng như mục tiêu dựa trên sự dạy dỗ quý báu của Lời Đức Chúa Trời không?

Có thể được! Lời của sứ đồ Phao-lô nơi Ê-phê-sô 2:17, 18 cho thấy các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất— cả người gốc Do Thái lẫn người thuộc các dân khác— đã làm được điều này, tức giữa họ có sự hợp nhất vì tất cả đều đặt đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su Christ. Ông Phao-lô viết: “Ngài [Chúa Giê-su] lại đã đến rao-truyền sự hòa-bình cho anh em là kẻ ở xa, và sự hòa-bình cho kẻ ở gần. Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh-Linh”.

Ngày nay ở Panama cũng vậy, Nhân Chứng Giê-hô-va đang rao truyền tin mừng của “sự hòa-bình” cho những người dân và bộ tộc sống “ở xa” về mặt địa lý và khác xa nhau về tín ngưỡng. Nhờ vậy, trong vòng những người “đến gần” Đức Giê-hô-va này đã có được tinh thần hợp nhất đáng quý. Và kết quả là đã hình thành các hội thánh trong sáu ngôn ngữ—Tây Ban Nha, Quảng Đông, tiếng Panama ra dấu, tiếng Anh, ngôn ngữ của bộ tộc Kuna và ngôn ngữ của bộ tộc Ngobe (Guaymí). Quả là điều khích lệ khi biết làm thế nào những người khác nhau về ngôn ngữ này đã đạt đến sự hợp nhất trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va.

Vượt các chướng ngại ở Comarca

Trong số tám bộ tộc ở Panama, Ngobe là bộ tộc đông nhất với khoảng 170.000 người. Đa phần dân cư sống trong một khu vực rộng lớn mà gần đây đã được công nhận là comarca, tức khu vực cư trú riêng của một bộ tộc. Phần lớn lãnh thổ này là rừng núi hiểm trở, thường phải đi bộ mới vào được, còn miền duyên hải tuyệt đẹp thì phải đi bằng đường biển. Các cộng đồng cư dân thường sống gần sông vì đó là những tuyến đường giao thông thuận lợi, và họ cũng tập trung dọc theo bờ biển. Nhiều cư dân khu vực comarca sống chật vật bằng nghề trồng cà phê trên núi, câu cá hoặc trồng trọt. Nhiều người thuộc đạo xưng theo Đấng Christ, cũng có những người theo tôn giáo của địa phương là đạo Mama Tata. Số khác thì tìm đến các sukias (thầy pháp) để được chữa trị khi mắc bệnh hoặc bị quỉ ám. Dù có nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng ngôn ngữ thông dụng nhất là tiếng Ngobe.

Chèo thuyền để rao truyền tin mừng

Nhân Chứng Giê-hô-va nhận thấy rằng, khi giúp người ta học biết lẽ thật, điều quan trọng là không chỉ truyền kiến thức mà còn phải động đến lòng họ. Điều đó sẽ tạo động lực cần thiết để thúc đẩy họ thay đổi lối sống sao cho phù hợp với các nguyên tắc trong Kinh Thánh. Vì vậy, những người làm công tác tiên phong đặc biệt, được bổ nhiệm đến tám khu vực trong vùng cư trú của bộ tộc, đều đã học tiếng Ngobe từ những Nhân Chứng ở địa phương thạo ngôn ngữ này.

Mười bốn hội thánh của vùng đó có tiềm năng phát triển rất cao. Chẳng hạn, cách đây vài năm, một cặp tiên phong đặc biệt là anh Dimas và chị Gisela đã được bổ nhiệm đến một hội thánh nhỏ có khoảng 40 người công bố, ở làng Tobobe thuộc miền duyên hải. Quen dần với những chuyến đi rao giảng bằng thuyền không phải là điều dễ làm. Họ thường phải chèo thuyền đến rao giảng cho những người sống khiêm tốn dọc bờ biển Đại Tây Dương. Họ từng trải qua những lúc mặt nước đang phẳng lặng bỗng nhiên dậy sóng dữ dội và cực kỳ nguy hiểm. Sau những lần chèo thuyền từ làng này sang làng khác, tay và lưng của họ thường nhức mỏi. Học ngôn ngữ địa phương là một thử thách khác đối với họ. Tuy vậy, vào năm 2001, khi chứng kiến có đến 552 người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su, họ thỏa lòng vì thấy được kết quả nhờ sự kiên trì và lòng hy sinh của mình.

Đối diện làng Tobobe, bên kia vịnh là ngôi làng Punta Escondida. Có một thời, một nhóm nhỏ người công bố thường phải chèo thuyền băng qua vịnh—nếu thời tiết tốt—để tham dự nhóm họp tại hội thánh ở làng Tobobe. Và theo báo cáo cho thấy, có nhiều khả năng thành lập một hội thánh mới tại vùng này. Với mục đích đó, Dimas và Gisela được bổ nhiệm đến làng Punta Escondida. Chưa đầy hai năm, nhóm nhỏ ở Punta Escondida trở thành một hội thánh với 28 người công bố, và số người trung bình đến nghe bài diễn văn công cộng hàng tuần là 114 người. Năm 2004, hội thánh mới này thật vui mừng khi có tới 458 người đến dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su.

Lấp hố ngăn cách của nạn mù chữ

Đối với nhiều người có lòng thành thật, vượt qua tình trạng mù chữ đã giúp họ bắt đầu một mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Đó là trường hợp của Fermina, một thiếu nữ sống ở miền núi thuộc comarca. Hai giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va đang rao giảng tại vùng đất hẻo lánh này đã nhận ra rằng chị rất chú ý đến thông điệp Nước Trời. Khi được mời tìm hiểu Kinh Thánh, Fermina rất muốn học biết thêm. Tuy nhiên, có một vấn đề. Fermina biết nói tiếng Tây Ban Nha lẫn tiếng của người Ngobe, nhưng chị chẳng đọc hoặc viết được ngôn ngữ nào. Một trong hai giáo sĩ đề nghị giúp chị học bằng ấn phẩm Gắng công tập đọc và tập viết. *

Fermina là một học viên xuất sắc, chị chăm chỉ soạn bài, làm bài tập, siêng năng tập đánh vần và viết đúng chính tả. Chỉ trong vòng một năm, chị tiến bộ và có đủ khả năng học sách mỏng Bạn có thể là bạn Đức Chúa Trời! * Khi có sự sắp đặt các buổi họp hàng tuần, Fermina bắt đầu tham dự. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, rất khó cho chị có tiền để trang trải chi phí khi dẫn các con đi dự nhóm họp chung. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của Fermina, một người tiên phong đã gợi ý chị may và bán áo truyền thống của phụ nữ Ngobe. Fermina đã làm theo, và dù phải trang trải nhiều chi phí khác, chị đã ấn định chỉ dùng số tiền kiếm được để trang trải chi phí đi nhóm họp. Hiện nay, chị cùng gia đình đã chuyển đến vùng khác sinh sống, và chị vẫn tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng. Họ vui mừng không chỉ vì được thoát khỏi cảnh mù chữ, mà quan trọng hơn nữa là được học biết về Đức Giê-hô-va.

Bắc cầu nối với người khiếm thính

Ở Panama, nhiều gia đình cảm thấy xấu hổ khi có người nhà bị khiếm thính. Có khi, người khiếm thính không được đi học. Nhiều người trong số họ có cảm giác bị cô lập và ruồng bỏ vì người khác thấy khó giao tiếp với họ.

Điều này cho thấy cần phải làm gì đó để rao truyền tin mừng cho những người khiếm thính. Nhờ sự khích lệ của anh giám thị lưu động, một nhóm tiên phong sốt sắng cùng với những anh chị công bố khác đã bắt tay vào việc học tiếng Panama ra dấu. Nỗ lực và sáng kiến của họ đã mang lại kết quả.

Gần cuối năm 2001, một nhóm ngôn ngữ ra dấu đã được thành lập tại Thành Phố Panama, với khoảng 20 người tham dự buổi họp. Khi các anh chị thạo ngôn ngữ ra dấu hơn, họ có thể rao giảng cho nhiều người chưa từng “nghe” lẽ thật về Kinh Thánh bằng ngôn ngữ đó. Nhiều Nhân Chứng có con bị khiếm thính cũng bắt đầu tham dự các buổi họp, đồng thời họ cũng nhận ra rằng con họ dễ hiểu những dạy dỗ từ Kinh Thánh hơn và sốt sắng hơn với lẽ thật. Không thiếu những trường hợp cha mẹ đã phải học ngôn ngữ ra dấu, và nhờ đó có thể trò chuyện với con cái tốt hơn. Cha mẹ có thể giúp con cái về thiêng liêng và nhận thấy mối liên lạc trong gia đình được thắt chặt. Trường hợp của chị Elsa và con gái là Iraida đã chứng thực điều này.

Một Nhân Chứng thuộc nhóm ngôn ngữ ra dấu có nghe về Iraida, chị đến thăm em và để lại cho em sách mỏng Vui hưởng sự sống đời đời trên đất! * Iraida rất thích thú với những gì em học được từ những hình ảnh về thế giới mới. Em bắt đầu học Kinh Thánh bằng sách mỏng này. Khi học xong sách ấy, họ chuyển sang sách mỏng Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta? * Lúc ấy, Iraida bắt đầu nhờ mẹ giúp soạn bài và giải thích cho em.

Chị Elsa có hai vấn đề: Chị không biết ngôn ngữ ra dấu, và vì không là Nhân Chứng nên chị cũng không biết lẽ thật về Kinh Thánh. Người ta nói chị không nên dùng ngôn ngữ ra dấu với con gái mà con gái chị phải học nói. Vì vậy, việc trò chuyện giữa mẹ và con bị hạn chế. Thấy con nhờ giúp đỡ, thương con chị Elsa đã đề nghị một Nhân Chứng trong hội thánh đến hướng dẫn mình học Kinh Thánh. Chị nói: “Tôi làm vậy là vì con gái tôi, chưa bao giờ tôi thấy nó háo hức với bất cứ điều nào như vậy”. Chị Elsa cũng tham dự buổi học với con gái và học ngôn ngữ ra dấu. Khi chị Elsa dành nhiều thời gian hơn cho con gái, mối liên lạc trong gia đình dần được cải thiện. Iraida bắt đầu biết cân nhắc hơn trong việc chọn bạn, và em kết bạn với các anh chị trong hội thánh. Giờ thì cả hai mẹ con đều tham dự nhóm họp đều đặn. Gần đây, chị Elsa đã chịu phép báp têm, còn Iraida đang tiến đến mục tiêu đó. Chị thổ lộ đây là lần đầu tiên chị hiểu con gái, và giờ đây hai mẹ con có thể trò chuyện về nhiều điều quan trọng mà cả hai đều yêu quý.

Tháng 4 năm 2003, nhóm ngôn ngữ ra dấu này đã trở thành một hội thánh và hiện nay số người công bố lên đến 50 người, số người tham dự nhóm họp thì còn nhiều hơn nữa. Hơn một phần ba số công bố là người khiếm thính. Những nhóm ngôn ngữ ra dấu khác đang được thành lập ở ba thành phố thuộc vùng ngoại ô Thành Phố Panama. Dù vẫn còn nhiều công việc, hẳn đã có một bước tiến lớn trong việc bắc cầu để vượt qua “bức tường im lặng” giữa những người khiếm thính có lòng thành thật và Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Kết quả ấy là nét điển hình của những điều đang diễn ra trên khắp đất nước Panama. Dù xuất xứ từ những nền văn hóa, ngôn ngữ và gốc gác khác nhau, nhiều người đã hợp nhất trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật. Lẽ thật của Lời Đức Giê-hô-va đã làm cầu nối vượt những chướng ngại tại vùng đất được xem là “cầu nối của thế giới”.—Ê-phê-sô 4:4.

[Chú thích]

^ đ. 15 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Riêng ấn phẩm Gắng công tập đọc và tập viết không có trong tiếng Việt.

^ đ. 16 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 21 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 21 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Bản đồ nơi trang 8]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

BIỂN CA-RI-BÊ

PANAMA

Tobobe

THÁI BÌNH DƯƠNG

Kênh Đào Panama

[Hình nơi trang 8]

Hai phụ nữ người Kuna đang cầm những tấm vải thổ cẩm

[Hình nơi trang 9]

Một giáo sĩ đang rao giảng cho một phụ nữ người Ngobe

[Hình nơi trang 10]

Các Nhân Chứng người Ngobe đang xuống thuyền để đi dự hội nghị đặc biệt một ngày

[Các hình nơi trang 11]

Lẽ thật Kinh Thánh là cầu nối giữa những nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau ở Panama

[Hình nơi trang 12]

Buổi học “Tháp Canh” bằng ngôn ngữ ra dấu

[Hình nơi trang 12]

Hai mẹ con chị Elsa có cuộc “trò chuyện” đầy ý nghĩa

[Nguồn tư liệu nơi trang 8]

Thuyền và phụ nữ người Kuna: © William Floyd Holdman/Index Stock Imagery; làng: © Timothy O’Keefe/Index Stock Imagery