Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Truyền-đạo

Những điểm nổi bật trong sách Truyền-đạo

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Truyền-đạo

TỘC TRƯỞNG Gióp nhận xét: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy-dẫy sự khốn-khổ”. (Gióp 14:1) Điều quan trọng là chúng ta không phí đời sống ngắn ngủi của mình vào những nỗ lực và mối lo lắng không đáng! Chúng ta nên dùng thời giờ, năng lực và tài chính để theo đuổi điều gì? Chúng ta nên tránh điều gì? Lời khôn ngoan được ghi nơi sách Truyền-đạo của Kinh Thánh đưa ra sự hướng dẫn đáng tin cậy về phương diện này. Những lời trong đó có thể “xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng”, đồng thời cũng giúp chúng ta sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.—Hê-bơ-rơ 4:12.

Người viết sách Truyền-đạo là Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa, một vị vua nổi tiếng khôn ngoan. Sách này chứa đựng những lời khuyên thực tế về những gì thật sự có giá trị và vô giá trị. Vì Sa-lô-môn đề cập đến một số công trình xây dựng mà ông đã thực hiện, hẳn là ông viết sách này sau khi những công trình ấy hoàn tất và trước khi ông đi lệch khỏi sự thờ phượng thật. (Nê-hê-mi 13:26) Nếu vậy thì ông viết sách này trước năm 1000 TCN, gần cuối thời kỳ 40 năm trị vì của ông.

ĐIỀU GÌ CHẲNG HƯ KHÔNG?

(Truyền-đạo 1:1–6:12)

Người truyền đạo nói: “Thảy đều hư-không”. Ông hỏi: “Các việc lao-khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích-lợi chi?” (Truyền-đạo 1:2, 3) Những từ “hư-không” và “dưới mặt trời” xuất hiện nhiều lần trong sách Truyền-đạo. Từ “hư-không” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “hơi thở” hoặc “hơi nước” và hàm ý không có giá trị lâu dài. Cụm từ “dưới mặt trời” có nghĩa là “trên trái đất” hoặc “trong thế gian”. Vì vậy, mọi sự—tức mọi nỗ lực của những người không theo ý Đức Chúa Trời—đều là hư không.

Sa-lô-môn nói: “Khi ngươi vào nhà Đức Chúa Trời, hãy giữ chừng chân mình. Thà lại gần mà nghe”. (Truyền-đạo 5:1) Thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời chẳng phải là điều hư không. Thật vậy, mối quan hệ với Ngài là yếu tố thiết yếu để có một đời sống đầy ý nghĩa.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:4-10—Tại sao những chu trình thiên nhiên là điều “lao-khổ”? Người truyền đạo chỉ đề cập đến ba hoạt động cơ bản điều hành sự sống trên đất—mặt trời, hướng gió và chu trình của nước. Trên thực tế, có rất nhiều chu trình phức tạp trong thiên nhiên. Người ta có thể dành ra cả đời để nghiên cứu mà vẫn không hiểu hết được. Điều đó quả là “lao-khổ”. So sánh đời sống ngắn ngủi của con người với những chu trình bất tận đó cũng khiến chúng ta nản lòng. Cả đến nỗ lực khám phá điều mới lạ cũng là nhọc nhằn, lao khổ. Nói cho cùng, các phát minh mới cũng chỉ là sự ứng dụng những nguyên lý mà Đức Chúa Trời đã lập và sử dụng trong vũ trụ.

2:1, 2—Tại sao lại nói “cười là điên”? Vui cười có thể giúp chúng ta tạm thời quên đi những phiền muộn, và hội hè có thể khiến chúng ta xem nhẹ những vấn đề của mình. Tuy nhiên, vui cười không làm tan biến đi những khó khăn của chúng ta. Vì thế, việc theo đuổi hạnh phúc qua sự vui cười được cho là “điên”.

3:11—Đức Chúa Trời đã làm điều gì “tốt-lành trong thì nó”? Trong số những điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm “tốt-lành” vào đúng thời điểm là: sự sáng tạo A-đam và Ê-va, giao ước cầu vồng, giao ước với Áp-ra-ham, giao ước với Đa-vít, việc Đấng Mê-si đến và Chúa Giê-su Christ được lên ngôi làm Vua Nước Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, còn một điều khác mà Đức Giê-hô-va sẽ làm “tốt-lành” trong tương lai gần đây. Chúng ta có thể tin chắc rằng thế giới mới công bình sẽ trở thành hiện thực vào đúng thời điểm của nó.—2 Phi-e-rơ 3:13.

Bài học cho chúng ta:

1:15. Quả là vô ích nếu dành thì giờ và năng lực để cố sửa đổi tình trạng áp bức và bất công mà chúng ta thấy ngày nay. Chỉ có Nước Đức Chúa Trời mới có thể loại trừ mọi sự gian ác.—Đa-ni-ên 2:44.

2:4-11. Các hoạt động văn hóa thuộc những lĩnh vực như kiến trúc, vườn kiểng và âm nhạc cũng như lối sống xa hoa là “theo luồng gió thổi”, bởi vì những điều đó không làm đời sống thật sự có ý nghĩa cũng không mang lại hạnh phúc lâu dài.

2:12-16. Sự khôn ngoan có lợi hơn sự ngu dại vì có thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề nào đó. Tuy nhiên, đứng trước cái chết thì sự khôn ngoan của loài người không có lợi gì hơn. Và cho dù một người được nổi tiếng nhờ sự khôn ngoan đó, chẳng bao lâu người ấy cũng bị quên lãng.

2:24; 3:12, 13, 22. Hưởng kết quả của công khó mình không có gì sai.

2:26. Sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời đem lại vui mừng, và Ngài ban nó cho “kẻ nào đẹp lòng Ngài”. Không thể nào được sự khôn ngoan này nếu không có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời.

3:16, 17. Mong thấy sự công bằng trong mọi trường hợp là không thực tế. Thay vì lo lắng về những gì xảy ra trên thế gian ngày nay, chúng ta nên đợi Đức Giê-hô-va chỉnh lại mọi việc.

4:4. Làm việc siêng năng và khéo léo có thể mang lại sự thỏa lòng. Tuy nhiên, làm việc siêng năng chỉ nhằm vượt hẳn người khác thì gây ra tinh thần cạnh tranh, cũng có thể làm nảy sinh ác ý và lòng ghen tị. Khi siêng năng thực hiện thánh chức tín đồ Đấng Christ, chúng ta phải có động lực đúng.

4:7-12. Mối quan hệ với người khác quan trọng hơn của cải vật chất và không nên bỏ để theo đuổi sự giàu có.

4:13. Địa vị và tuổi tác không luôn luôn được người khác kính trọng. Những người có địa vị nên hành động khôn ngoan.

4:15, 16. “Kẻ trẻ ấy, là người kế-vị cho vua” có thể mới đầu được ‘dân dưới quyền người phục’, nhưng “những kẻ đến sau sẽ chẳng vui thích về người”. Quả thật, người ta thường chỉ được khâm phục một thời gian mà thôi.

5:2. Khi cầu nguyện, chúng ta phải suy nghĩ chín chắn và cung kính, chớ dài dòng.

5:3-7. Bận tâm theo đuổi vật chất có thể khiến chúng ta mơ tưởng những điều ích kỷ. Điều đó cũng khiến tâm trí một người bất an, mơ màng vào ban đêm, ngủ không ngon giấc. Do nhiều lời, một người có thể bị xem là ngu dại và khiến người đó hấp tấp khấn hứa với Đức Chúa Trời. Nếu “kính-sợ Đức Chúa Trời”, chúng ta sẽ không làm những điều như thế.

6:1-9. Giàu có, sang trọng, sống lâu và cả đến nhiều con cái có lợi gì nếu hoàn cảnh không cho phép chúng ta hưởng những điều đó? “Sự gì thấy bằng mắt” tốt hơn “sự tham-muốn buông-tuồng”, điều này có nghĩa là chúng ta nên đối diện với thực tại thay vì chiều theo những ham muốn không thể thỏa mãn. Thế thì lối sống tốt nhất là thỏa lòng với việc “đủ ăn đủ mặc”, đồng thời vui hưởng những điều lành mạnh trong đời sống và chú trọng đến việc duy trì mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va.—1 Ti-mô-thê 6:8.

LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI KHÔN NGOAN

(Truyền-đạo 7:1–12:8)

Làm sao chúng ta có thể giữ được tiếng tốt? Chúng ta nên có thái độ nào đối với nhà cầm quyền thế gian và những bất công mà chúng ta chứng kiến? Khi chết, chúng ta sẽ không biết chi hết, thế thì mình nên dùng đời sống như thế nào? Người trẻ có thể khôn ngoan dùng thì giờ và năng lực mình bằng cách nào? Truyền-đạo chương 7 đến 12 đưa ra lời khuyên hợp lý về các câu hỏi này cũng như những vấn đề khác.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

7:19—Sự khôn ngoan mạnh hơn “mười kẻ cai-trị” như thế nào? Trong Kinh Thánh, khi được dùng theo nghĩa bóng, số mười tượng trưng cho sự trọn vẹn. Sa-lô-môn đang nói về giá trị của sự khôn ngoan, nó có sức che chở mạnh hơn toàn thể số quân binh bảo vệ một thành.

10:2—Khi nói trái tim một người “ở bên hữu” hoặc “ở bên tả”, điều đó có nghĩa gì? Vì bên hữu thường biểu thị cho địa vị được ân huệ, trái tim của một người ở bên hữu có nghĩa là lòng người đó thúc đẩy làm điều tốt. Nhưng nếu nó thúc đẩy một người theo đuổi con đường sai trái, thì có thể nói là trái tim người ấy ở bên tả.

10:15—“Công-lao kẻ ngu-muội làm cho mệt-nhọc chúng nó” như thế nào? Nếu một người thiếu suy xét, công lao người đó sẽ không đạt được thành quả nào đáng kể. Người ấy không cảm thấy thỏa mãn gì cả, mà còn bị kiệt sức.

11:7, 8—Câu “ánh sáng thật là êm-dịu; con mắt thấy mặt trời lấy làm vui thích” có nghĩa gì? Ánh sáng và mặt trời đem lại sự vui thích cho người đang sống. Sa-lô-môn nói rằng được sống là có phước, và chúng ta nên “vui-vẻ” trước khi những ngày tối tămtức tuổi giàcướp mất sinh lực của mình.

11:10—Tại sao “lúc thiếu-niên và thì xuân-xanh là sự hư-không”? Nếu dùng không đúng cách, giai đoạn này chỉ là hư không bởi vì, như hơi nước, thời kỳ trẻ trung đầy sinh lực sẽ qua đi nhanh chóng.

Bài học cho chúng ta:

7:6. Cười không đúng lúc làm người ta khó chịu, và nó vô ích như gai nổ lốp bốp dưới nồi. Chúng ta không nên cười như thế.

7:21, 22. Chúng ta không nên quá bận tâm về những gì người khác nói về mình.

8:2, 3; 10:4. Khi bị cấp trên hay chủ chỉ trích hoặc khiển trách, thì chúng ta nên khôn ngoan giữ sự mềm mại. Làm vậy tốt hơn là “vội lui ra khỏi trước mặt người”, tức vội xin nghỉ việc.

8:8; 9:5-10, 12. Đời sống của chúng ta có thể chấm dứt bất ngờ như cá mắc lưới hoặc chim sa bẫy. Ngoài ra, khi chết không ai có thể cầm sinh lực lại và cũng không ai được miễn khỏi cuộc chiến do cái chết gây ra cho toàn thể nhân loại. Vì vậy, chúng ta không nên phí thời giờ vô ích. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta coi trọng sự sống và vui hưởng một cách lành mạnh. Để làm điều này, chúng ta nên đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống.

8:16, 17. Dù mất ngủ để cố tìm hiểu, chúng ta cũng không thể hiểu hết mọi điều mà Đức Chúa Trời đã làm và cho phép xảy ra trên đất. Bận tâm về mọi điều sai trái mà người ta đã phạm chỉ khiến chúng ta không còn vui hưởng đời sống nữa.

9:16-18. Cần phải quý trọng sự khôn ngoan dù nhiều người không xem trọng. Ai cũng thích lời nói êm dịu của người khôn ngoan hơn là tiếng la hét của kẻ dại dột.

10:1. Chúng ta phải thận trọng về lời nói và hành động của mình. Chỉ một hớ hênh nhỏ, chẳng hạn như nổi giận, một hành động lạm dụng rượu, hoặc hành vi không trong sạch về tính dục, cũng đủ làm mất đi danh thơm, tiếng tốt của một người đáng trọng.

10:5-11. Không nên ghen tị với người bất tài mà có địa vị cao. Dù làm một việc nhỏ mà thiếu khả năng cũng có thể đưa đến hậu quả tai hại. Vun trồng khả năng dùng “sự khôn-ngoan có ích” thì có lợi cho chúng ta. Quả là điều quan trọng biết bao nếu chúng ta trở nên hữu hiệu trong việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ!

11:1, 2. Chúng ta nên tập tính rộng rãi. Khi làm thế người khác cũng sẽ thể hiện tính rộng rãi.—Lu-ca 6:38.

11:3-6. Chúng ta không nên để sự bấp bênh của đời sống làm mình thiếu quả quyết.

11:9; 12:1-7. Những người trẻ chịu trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va về hành động của mình. Vì vậy, họ nên dùng thời giờ và năng lực để phụng sự Đức Chúa Trời trước khi tuổi già cướp đi sinh lực của họ.

“LỜI CỦA NGƯỜI KHÔN-NGOAN” HƯỚNG DẪN CHÚNG TA

(Truyền-đạo 12:9-14)

Chúng ta nên có quan điểm nào về “những câu luận tốt-đẹp” mà người truyền đạo đã tìm kiếm và viết ra? Không giống như “nhiều sách” viết về sự khôn ngoan của loài người, “lời của người khôn-ngoan giống như đót; sắp chọn các câu châm-ngôn khác nào đinh đóng chặt: Nó do một đấng chăn chiên mà truyền ra”. (Truyền-đạo 12:10-12) Những lời khôn ngoan, do “đấng chăn chiên” là Đức Giê-hô-va ban, có tác dụng làm đời sống của chúng ta được ổn định.

Áp dụng lời khuyên khôn ngoan trong sách Truyền-đạo quả thật sẽ giúp chúng ta có một đời sống đầy ý nghĩa và hạnh phúc. Ngoài ra, chúng ta có lời bảo đảm này: “Kẻ kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời, sau rốt ắt được phước”. Thế thì, chúng ta hãy quyết tâm “kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài”.—Truyền-đạo 8:12; 12:13.

[Hình nơi trang 15]

Một trong những công việc tốt lành nhất của Đức Chúa Trời sẽ trở thành hiện thực vào đúng thời điểm

[Hình nơi trang 16]

Những điều Đức Chúa Trời ban cho bao gồm đồ ăn, thức uống và được hưởng phước của lao khổ mình