Cánh đồng “vàng sẵn cho mùa gặt”
Cánh đồng “vàng sẵn cho mùa gặt”
Tọa lạc tại đỉnh của miền nam châu Mỹ về hướng bắc là bán đảo Guajira. Bán đảo này nằm ở phía bắc nước Colombia và tây bắc nước Venezuela. Ánh nắng thiêu đốt của mặt trời và lượng mưa ít ỏi là những điều biến vùng này thành một nơi gần như là sa mạc, có nhiệt độ lên đến 43°C. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, người nông dân ở đây rất bận rộn và làm việc có năng suất cao. Gió mát từ biển và gió đông nam liên tục thổi vào khiến người ta cảm thấy dễ chịu, nhờ đó du khách có thể thưởng thức những phong cảnh tuyệt vời và vui chơi ở những bãi biển xinh đẹp.
HOAN NGHÊNH các bạn đến thăm xứ sở của thổ dân Wayuu. Có khoảng 305.000 người Wayuu, trong số đó có 135.000 người sống ở Colombia. Bộ lạc này sinh sống ở đây rất lâu trước khi vùng này trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha.
Phương kế sinh nhai chính của người Wayuu là trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Họ cũng đánh cá và buôn bán với những nước láng giềng. Phụ nữ rất khéo léo dệt những sản phẩm có màu tươi, được nhiều khách du lịch ưa chuộng.
Người Wayuu có tiếng là chân thật và hiếu khách. Tuy nhiên, họ cũng sống trong “những thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Nghèo đói là một trong những nguyên nhân chính đưa đến nhiều vấn đề, chẳng hạn như nạn mù chữ, trẻ con suy dinh dưỡng, dịch vụ y tế thiếu thốn và thiếu niên phạm pháp ở một số nơi.
Trong nhiều năm, giáo hội của các đạo tự xưng theo đấng Christ đã gửi những nhà truyền giáo đến sống cùng với dân Wayuu. Kết quả là đại đa số các trường sư phạm và những trường nội trú đều nằm dưới quyền kiểm soát của các giáo hội đó. Nhiều người Wayuu đã chấp nhận một số tập tục của các đạo tự xưng theo đấng Christ, chẳng hạn như thờ hình tượng và báp têm hoặc rửa tội cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, họ tiếp tục giữ những niềm tin cùng nghi thức xuất phát từ các chuyện thần thoại và mê tín của tổ tiên.
Nói chung, người Wayuu kính sợ Đức Chúa Trời và yêu thích những lẽ thật Kinh Thánh mà Nhân Chứng Giê-hô-va rao truyền. Vào đầu thập niên 1980, chỉ có bảy Nhân Chứng người Wayuu ở Guajira, trong số đó có ba người sống ở thủ đô Ríohacha. Ngoài những Nhân Chứng bản xứ, có 20 người công bố khác rao giảng tin mừng về Nước Trời ở đó bằng tiếng Tây Ban Nha.
Thông điệp bằng tiếng mẹ đẻ
Ngoài tiếng mẹ đẻ là Wayuunaiki, đa số người Wayuu sống ở Ríohacha cũng nói được chút ít tiếng Tây Ban Nha. Ban đầu, công việc rao báo thông điệp về Nước Trời không hiệu quả lắm. Dân địa phương có vẻ tránh tiếp xúc với người arijunas, tên mà họ gọi những người không phải là người Wayuu. Khi Nhân Chứng đến nhà của họ, đa số dân Wayuu đáp lại bằng tiếng của mình chứ không phải tiếng Tây Ban Nha. Nhân Chứng Giê-hô-va đành phải đi sang nhà bên cạnh.
Tuy nhiên, đến cuối năm 1994, văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va đã gửi một nhóm tiên phong đặc biệt, tức những người dạy Kinh Thánh trọn thời gian, đến phục vụ tại hội thánh Ríohacha. Những người tiên phong đó nhờ một anh Nhân Chứng người Wayuu dạy họ tiếng Wayuunaiki. Sau khi học thuộc vài câu đơn giản để chia sẻ thông điệp trong Kinh Thánh, những người đó đi đến khu vực để truyền giáo và thấy ngay phản ứng của người ta hoàn toàn thay đổi. Tuy những người tiên phong đặc biệt này chỉ nói bập bẹ được vài câu bằng tiếng Wayuunaiki, nhưng chủ nhà lấy làm ngạc nhiên và sẵn sàng lắng nghe, đôi khi lại còn tiếp tục trò chuyện vui vẻ bằng tiếng Tây Ban Nha dù không nói được nhiều!
“Vàng sẵn cho mùa gặt”
Sứ đồ Phao-lô ví công việc đào tạo môn đồ với việc trồng trọt—một hình ảnh mà nông dân Wayuu hiểu rõ. (1 Cô-rinh-tô 3:5-9) Theo nghĩa bóng, cánh đồng Wayuu thật sự đã “vàng sẵn cho mùa gặt”.—Giăng 4:35.
Em Neil, một thổ dân Wayuu, sống ở thị trấn Manaure, bị tật từ khi mới sinh ra. Vì nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra mình như vậy nên em thiếu niên này buồn đến độ tìm cách tự tử. Tuy nhiên, em gặp một Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh này tận dụng thời gian trong khi đi làm ở nhiều thị trấn để rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Anh nói với Neil về Nước của Đức Giê-hô-va. Lúc đó, Neil chỉ mới 14 tuổi. Khi thấy Neil chú ý, anh Nhân Chứng bắt đầu học Kinh Thánh với em. Neil cảm thấy sung sướng được biết về những đức tính đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va, và em hiểu ra là Đức Chúa Trời không làm em đau khổ. Khi đọc những lời hứa của Đức Chúa Trời về địa đàng, là nơi không còn bệnh tật nữa, em thật cảm động biết bao!—Ê-sai 33:24; Ma-thi-ơ 6:9, 10.
Lúc đó, gia đình Neil đang có hận thù với một gia đình khác. Để đảm bảo gia đình được an toàn, bà con của em đã làm lễ theo truyền thống của bộ lạc. Neil kể lại: “Mới đầu tôi sợ, không dám nói về niềm tin mới của tôi với gia đình, nhất là với những người lớn và có quyền trong gia đình”. Cha mẹ của Neil giận dữ vì em không những không chấp nhận niềm tin khác với Kinh Thánh mà còn không theo tập tục liên quan đến ma thuật. Rồi Neil dọn tới Ríohacha và bắt đầu kết hợp với hội thánh ở đây. Sau đó Neil làm báp têm. Năm 1993, anh được bổ nhiệm làm tôi tớ thánh chức, và ba năm sau, anh làm tiên phong đều đều. Rồi vào năm 1997, anh được bổ nhiệm làm trưởng lão. Năm 2000, anh nới rộng thánh chức và trở thành tiên phong đặc biệt.
Cũng hãy xem xét trường hợp của bà Teresa, một thổ dân Wayuu, học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Người chồng không giá thú của bà là Daniel thường hay chế nhạo, đánh đập bà và ba đứa con. Mặc dù sau này đồng ý học Kinh Thánh chung với vợ, nhưng ông thường đi nhậu với bạn bè, đôi khi say sưa đến bốn, năm ngày. Ông bỏ gia đình nghèo đói. Bà Teresa tiếp tục đều đặn học Kinh Thánh và đi nhóm họp. Điều này giúp Daniel thấy tầm quan trọng của việc học
Kinh Thánh. Rồi một đứa con của họ ngã vào nồi nước sôi và chết vì bị phỏng. Không những chịu đựng nỗi đau vì mất đi một đứa con, bà Teresa còn phải đối phó với áp lực của bè bạn và hàng xóm. Họ muốn bà làm đám tang theo những tục lệ không phù hợp với Kinh Thánh.Đang lúc khó khăn, gia đình này được nhiều người trong các hội thánh gần nhà giúp đỡ và an ủi. Sau đám tang, họ tiếp tục được hội thánh nói tiếng Wayuu ở địa phương đến thăm và an ủi. Khi thấy tình yêu thương mà hội thánh bày tỏ, ông Daniel cảm động và quyết tâm học để hiểu biết về Đức Chúa Trời. Ông bỏ rượu và không đối xử tệ bạc với vợ nữa. Hai người làm đám cưới và ông bắt đầu làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình. Họ ngày càng hiểu biết nhiều về Đức Giê-hô-va và làm báp têm vào năm 2003. Cả hai đều đang giúp nhiều người học hỏi Kinh Thánh. Nhờ bà Teresa làm chứng tốt cho gia đình, nên giờ đây họ hàng của bà sẵn sàng lắng nghe khi Nhân Chứng đến thăm. Một cháu trai của ông Daniel là người công bố chưa báp têm. Hai cháu gái của ông đang học Kinh Thánh và tham dự các buổi nhóm họp trong hội thánh. Chị dâu của bà Teresa—người cũng mất một đứa con trai vì tai nạn—và gia đình muốn học Kinh Thánh.
Thức ăn thiêng liêng bằng tiếng Wayuunaiki
Năm 1998, sách mỏng có tựa đề Vui hưởng sự sống đời đời trên đất! * bằng tiếng Wayuunaiki được xuất bản. Sách mỏng này đã trở thành một công cụ hữu ích để giúp cánh đồng Wayuu phát triển và hướng dẫn các cuộc học hỏi Kinh Thánh. Năm 2003, một số anh chị được huấn luyện để dịch các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va sang tiếng Wayuunaiki. Nhờ sự siêng năng làm việc của nhóm người thông dịch ở Ríohacha, có thêm nhiều sách mỏng được xuất bản. Điều này đã giúp làm vững mạnh đức tin và gia tăng số môn đồ nói tiếng Wayuunaiki.
Kể từ năm 2001, vài bài giảng của chương trình đại hội đã được dịch sang tiếng Wayuunaiki. Các học viên Kinh Thánh được khích lệ rất nhiều về phương diện thiêng liêng khi nghe các bài giảng được dịch sang tiếng của mình. Họ hy vọng một ngày trong tương lai họ cũng được xem kịch dựa trên Kinh Thánh bằng tiếng Wayuunaiki.
Một cánh đồng chín vàng
Uribia là một thị trấn cách Ríohacha khoảng 100 cây số về hướng đông bắc. Hội thánh Uribia Wayuu có 16 người công bố, trong số đó có nhiều người cố gắng để rao giảng cho thổ dân sống ở những vùng nông thôn. Một trưởng lão của hội thánh kể lại một chuyến đi như sau: “Chúng tôi đến thăm một khu nông trại có khoảng hơn mười căn nhà. Những căn nhà này có mái thấp và cửa sổ nhỏ. Trước mỗi nhà có lợp một mái làm bằng yotojolo, một chất gỗ trong thân cây xương rồng. Mái này dùng để che ánh nắng gay gắt của mặt trời khi gia đình có khách hoặc khi quây quần bên nhau. Chúng tôi vui khi thấy nhiều người rất thích biết Kinh Thánh, và sắp xếp trở lại để học hỏi Kinh Thánh với họ. Khi trở lại, chúng tôi thấy nhiều người không biết đọc biết viết. Họ cho chúng tôi biết là có một trường học bỏ hoang vì không có tiền trang trải. Người trông nom nơi đó cho phép chúng tôi dùng một lớp để dạy những người mù chữ và hướng dẫn các học hỏi Kinh Thánh. Sáu người Wayuu đã biết đọc, biết viết và đang tiến bộ trong việc học hỏi Kinh Thánh. Chúng tôi cảm động khi thấy họ quí mến việc học hỏi, vì thế chúng tôi dự định tổ chức những buổi nhóm họp tại nông trại”.
Một số Nhân Chứng không phải là thổ dân đã học tiếng Wayuunaiki, và sự giúp đỡ của họ là điều rất quí. Tại bán đảo Guajira, tám hội thánh và hai nhóm hiện đang nói thứ tiếng này.
Rõ ràng Đức Giê-hô-va đã ban phước cho những nỗ lực của các Nhân Chứng ấy. Hiển nhiên, việc rao giảng tin mừng cho người Wayuu còn có thể gặt hái được nhiều thành quả hơn. Viễn cảnh tốt đẹp đang chờ đón khi những người có ý thức về nhu cầu thiêng liêng trở thành môn đồ Chúa Giê-su. Mong Đức Giê-hô-va gửi thêm người truyền giáo đến để vun trồng cánh đồng này, một cánh đồng đã “vàng sẵn cho mùa gặt”.—Ma-thi-ơ 9:37, 38.
[Chú thích]
^ đ. 18 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Bản đồ nơi trang 16]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
VENEZUELA
COLOMBIA
LA GUAJIRA
Manaure
Ríohacha
Uribia
[Nguồn tư liệu nơi trang 16]
Hình dưới là trại của dân Wayuu: Victor Englebert