Hỡi các bậc cha mẹ! Hãy dạy con bằng tình thương
Hỡi các bậc cha mẹ! Hãy dạy con bằng tình thương
“Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu-thương mà làm”.—1 CÔ-RINH-TÔ 16:14.
1. Cha mẹ có cảm nghĩ gì khi nhìn thấy đứa con bé bỏng chào đời?
ĐA SỐ các bậc cha mẹ đều đồng ý rằng giây phút con chào đời là giây phút hạnh phúc nhất. Một người mẹ tên Aleah nói: “Khi nhìn thấy đứa con gái bé bỏng vừa chào đời, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi nghĩ cháu là đứa bé đẹp nhất trần đời!” Tuy nhiên, niềm vui đó cũng đi đôi với nỗi lo lắng. Chồng của chị Aleah cho biết: “Tôi lo không biết mình có thể hướng dẫn con đương đầu với những khó khăn của cuộc sống hay không”. Nhiều bậc cha mẹ cũng có cảm nghĩ như vậy và nhận thấy rằng họ cần phải dạy con bằng tình thương. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ theo đạo Đấng Christ muốn dạy con theo cách này lại gặp phải khó khăn. Họ gặp một số khó khăn nào?
2. Các bậc cha mẹ phải đối phó với những khó khăn nào?
2 Hiện nay chúng ta đang sống rất gần ngày tàn của thế gian này. Như được báo trước, thế giới ngày nay có rất nhiều người thờ ơ lãnh đạm. Ngay cả trong gia đình, người ta cũng đối xử với nhau một cách “vô-tình”, họ trở nên vô ơn, bất nghĩa, “không tiết-độ, dữ-tợn”. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Khi giao tiếp hằng ngày với những người có thái độ như thế, cách cư xử của các thành viên trong gia đình đạo Đấng Christ cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng phải đối phó với khuynh hướng bẩm sinh là không tiết độ, nói những lời vô ý, và thiếu sáng suốt trong những vấn đề khác.—Rô-ma 3:23; Gia-cơ 3:2, 8, 9.
3. Làm thế nào cha mẹ có thể nuôi dạy con cái để chúng được hạnh phúc?
3 Dù gặp khó khăn như thế, cha mẹ vẫn có thể nuôi dạy con cái để chúng được hạnh phúc và yêu mến Đức Chúa Trời. Bằng cách nào? Bằng cách làm theo lời Kinh Thánh khuyên: “Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu-thương mà làm”. (1 Cô-rinh-tô 16:14) Thật vậy, lòng yêu thương là “dây liên-lạc của sự trọn-lành”. (Cô-lô-se 3:14) Hãy xem xét ba khía cạnh của tình yêu thương mà sứ đồ Phao-lô đề cập trong lá thư thứ nhất gửi cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô, đồng thời phân tích vài cách cụ thể mà cha mẹ có thể áp dụng đức tính này khi dạy dỗ con cái.—1 Cô-rinh-tô 13:4-8.
Cần phải kiên nhẫn
4. Tại sao cha mẹ cần phải kiên nhẫn?
4 Sứ đồ Phao-lô viết: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục”. (1 Cô-rinh-tô 13:4) Từ Hy Lạp được dịch là “nhịn-nhục” bao hàm tính kiên nhẫn và chậm giận. Tại sao cha mẹ cần phải kiên nhẫn? Đa số các bậc cha mẹ có thể đưa ra nhiều lý do. Hãy xem xét vài lý do. Khi muốn một điều gì, con cái thường xin cha mẹ nhiều lần. Ngay cả khi cha mẹ nhất quyết không cho phép, chúng vẫn cố nài nỉ và hy vọng cha mẹ sẽ đổi ý. Ở tuổi thiếu niên, con cái thường viện hết lý do này đến lý do khác để được phép làm một điều mà cha mẹ biết là thiếu khôn ngoan. (Châm-ngôn 22:15) Như tất cả chúng ta, con cái thường có khuynh hướng tái phạm lỗi lầm.—Thi-thiên 19:12.
5. Điều gì có thể giúp cha mẹ kiên nhẫn với con cái?
5 Điều gì giúp cha mẹ kiên nhẫn với con cái? Vua Sa-lô-môn viết: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận”. (Châm-ngôn 19:11) Cha mẹ có được sự khôn ngoan để hiểu hành động của con cái nếu nhớ lại mình cũng từng ‘nói như con trẻ, có tư-tưởng như con trẻ, suy-xét như con trẻ’. (1 Cô-rinh-tô 13:11) Hỡi các bậc cha mẹ, các bạn còn nhớ mình từng quấy rầy cha mẹ để họ chiều theo ý muốn dại dột của mình không? Khi ở tuổi vị thành niên, có bao giờ bạn nghĩ rằng cha mẹ không hiểu được mình? Nếu nghĩ thế, bạn có thể hiểu tại sao con mình hành động như vậy và tại sao bạn cần kiên nhẫn nhắc lại quyết định của mình. (Cô-lô-se 4:6) Điều đáng chú ý là Đức Giê-hô-va giao cho các bậc cha mẹ người Y-sơ-ra-ên trách nhiệm phải “ân-cần dạy-dỗ” luật pháp của Ngài cho con cái. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7) Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “ân-cần dạy-dỗ” có nghĩa “lặp lại”, “nói đi nói lại” hoặc “khắc sâu”. Cụm từ này ngụ ý rằng cha mẹ có lẽ phải lặp lại nhiều lần lời khuyên nào đó để giúp con cái biết cách áp dụng luật pháp của Đức Chúa Trời. Việc lặp lại như thế thường là điều cần thiết để dạy con cái những bài học trong cuộc sống.
6. Tại sao cha mẹ kiên nhẫn không phải là cha mẹ dễ dãi?
6 Tuy nhiên, kiên nhẫn không có nghĩa là dễ dãi. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh cảnh báo: “Con trẻ phóng-túng làm mắc-cỡ cho mẹ mình”. Để tránh tình trạng này, câu châm ngôn trên cũng cho biết: “Roi-vọt và sự quở-trách ban cho sự khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 29:15) Đôi khi, con cái nghĩ cha mẹ không có quyền sửa phạt chúng. Tuy nhiên, trong gia đình đạo Đấng Christ, quyền của cha mẹ không tùy thuộc vào sự chấp thuận của con cái. Đức Giê-hô-va, Đấng làm đầu gia đình nhân loại, đã ban cho cha mẹ quyền dạy dỗ và sửa trị con cái một cách yêu thương. (1 Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 3:15; 6:1-4) Thật thế, sự sửa trị gắn liền với một khía cạnh khác của tình yêu thương mà sứ đồ Phao-lô đề cập đến.
Cách sửa phạt bằng tình thương
7. Tại sao cha mẹ nhân từ phải sửa trị con cái, và sự sửa trị bao hàm những gì?
7 Sứ đồ Phao-lô viết rằng “tình yêu-thương hay nhân-từ”. (1 Cô-rinh-tô 13:4) Cha mẹ nhân từ sẽ sửa trị con cái một cách nhất quán. Khi làm thế, họ noi gương Đức Giê-hô-va. Ông Phao-lô viết: “Chúa sửa-phạt kẻ Ngài yêu”. Hãy lưu ý rằng hình thức sửa phạt mà Kinh Thánh nói đến không chỉ có nghĩa là trừng phạt. Hình thức này còn có nghĩa là dạy dỗ và giáo dục. Mục tiêu của việc sửa trị là gì? Phao-lô nói: “Thật các sự sửa-phạt. . . về sau sanh ra bông-trái công-bình và bình-an cho những kẻ đã chịu luyện-tập như vậy”. (Hê-bơ-rơ 12:6, 11) Khi được cha mẹ nhân từ dạy dỗ theo ý Đức Chúa Trời, con cái có thể trở thành những người có tính hiếu hòa và ngay thẳng. Ngoài ra, nếu chấp nhận sự “sửa-phạt của Đức Giê-hô-va”, chúng có được sự khôn ngoan, hiểu biết và thông sáng, là những điều quý hơn vàng bạc.—Châm-ngôn 3:11-18.
8. Khi cha mẹ không sửa trị con, hậu quả thường là gì?
8 Cha mẹ không thương con nếu không sửa trị chúng. Đức Giê-hô-va soi dẫn cho Vua Sa-lô-môn viết: “Người nào kiêng roi-vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa-trị nó”. (Châm-ngôn 13:24) Khi không được dạy dỗ một cách nhất quán, con cái sẽ trở thành những người ích kỷ và không vui vẻ. Ngược lại, nếu có cha mẹ biết thông cảm và nhất quán khi dạy dỗ, con cái sẽ trở thành những học sinh gương mẫu, biết hòa đồng và thường vui vẻ. Vì vậy, chắc chắn cha mẹ nào nhân từ sửa trị con là những bậc cha mẹ thương con.
9. Các bậc cha mẹ theo đạo Đấng Christ dạy con cái những gì, và con cái phải có quan điểm nào về những điều đó?
9 Việc sửa trị con cái một cách yêu thương và nhân từ bao hàm điều gì? Cha mẹ cần cho con cái biết rõ những điều chúng được phép làm. Chẳng hạn, ngay từ thuở thơ ấu, con cái đã được cha mẹ theo đạo Đấng Christ dạy những nguyên tắc căn bản trong Kinh Thánh cũng như tham gia những hoạt động trong sự thờ phượng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12-17; Ma-thi-ơ 22:37-40; 28:19; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Con cái cần hiểu rằng những điều nói trên không thể thay đổi.
10, 11. Tại sao cha mẹ nên cân nhắc ý kiến của con cái khi đặt những luật lệ trong gia đình?
10 Tuy nhiên, đôi khi cha mẹ có thể cũng muốn con cái đóng góp ý kiến khi đặt ra những luật lệ trong gia đình. Nếu được đóng góp ý kiến, con cái dễ vâng theo những luật lệ đó hơn. Chẳng hạn, khi cha mẹ quy định giờ về nhà, con cái có thể được phép chọn hoặc đề nghị một giờ nào đó và giải thích lý do. Sau đó, cha mẹ có thể cho biết họ muốn con về giờ nào và tại sao giờ đó là hợp lý. Rất có thể sẽ xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa cha mẹ và con cái. Trong trường hợp đó, cha mẹ nên làm gì? Có những trường hợp cha mẹ có thể chấp nhận ý muốn của con nếu ý muốn đó không trái với nguyên tắc Kinh Thánh. Phải chăng điều này có nghĩa là họ từ bỏ quyền làm cha làm mẹ?
11 Để trả lời câu hỏi này, hãy xem xét Đức Giê-hô-va dùng uy quyền một cách yêu Sáng-thế Ký 19:17-22) Đức Giê-hô-va có từ bỏ quyền của Ngài không? Hiển nhiên không! Trong trường hợp này, Ngài xem xét lời cầu xin đó và cư xử với Lót nhân từ hơn. Nếu là bậc cha mẹ, có bao giờ bạn cân nhắc ý kiến của con cái khi đặt những luật lệ trong gia đình không?
thương như thế nào khi cư xử với Lót và gia đình ông. Sau khi đưa Lót cùng vợ và hai con gái ra khỏi thành Sô-đôm, các thiên sứ nói: “Hãy chạy trốn lên núi, kẻo phải bỏ mình chăng”. Lót đáp lại rằng: “Lạy Chúa, không được!” Rồi ông đề nghị: “Kìa, thành kia đã nhỏ, lại cũng gần đặng tôi có thế ẩn mình. Ôi! chớ chi Chúa cho tôi ẩn đó”. Đức Giê-hô-va xử sự thế nào? Ngài phán: “Đây, ta ban ơn nầy cho ngươi nữa”. (12. Điều gì giúp con cái cảm thấy an toàn?
12 Dĩ nhiên, con cái không những phải biết luật lệ mà còn phải biết hình phạt nếu vi phạm luật đó. Khi con cái đã biết và hiểu những hình phạt ấy thì cha mẹ phải áp dụng. Nếu con đáng bị phạt mà cha mẹ chỉ luôn đe dọa và không áp dụng hình phạt; điều đó có nghĩa là cha mẹ không thương con đúng cách. Kinh Thánh nói: “Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác”. (Truyền-đạo 8:11) Thật vậy, có những trường hợp cha mẹ không sửa phạt con trước mặt người khác hoặc bạn bè chúng vì muốn giữ thể diện cho con. Tuy nhiên, con cái sẽ cảm thấy an toàn, kính trọng và thương cha mẹ hơn khi biết cha mẹ có thì nói có, không thì nói không, ngay cả khi chúng bị phạt.—Ma-thi-ơ 5:37.
13, 14. Các bậc cha mẹ có thể noi gương Đức Giê-hô-va như thế nào trong việc dạy dỗ con cái?
13 Nếu muốn sửa phạt con một cách yêu thương, cha mẹ cần áp dụng biện pháp và hình phạt tùy từng đứa. Chị Pam kể: “Tôi phải áp dụng cách sửa phạt khác nhau đối với hai đứa con gái của tôi. Cách thích hợp với đứa này thì không thích hợp với đứa kia”. Chồng chị là anh Larry giải thích: “Đứa lớn thì rất ương ngạnh, nhẹ không ưa mà chỉ ưa nặng. Còn em nó thì chỉ cần nói một tiếng hoặc trừng mắt là đủ”. Thật vậy, những bậc cha mẹ yêu thương con cái cố gắng nhận biết cách sửa trị thích hợp nhất cho từng đứa.
14 Đức Giê-hô-va nêu gương cho các bậc cha mẹ. Ngài biết ưu điểm và khuyết điểm của từng tôi tớ Ngài. (Hê-bơ-rơ 4:13) Ngoài ra, khi cần phải trừng phạt, Ngài không quá khắc nghiệt hoặc quá dễ dãi. Thay vì thế, Ngài luôn luôn ‘sửa-phạt dân Ngài có chừng-mực’. (Giê-rê-mi 30:11) Hỡi các bậc cha mẹ, bạn có biết ưu điểm và khuyết điểm của con mình không? Bạn có dựa vào đó để có cách dạy con tích cực và yêu thương không? Nếu làm thế, bạn chứng tỏ mình yêu thương con cái.
Khuyến khích con thành thật trò chuyện
15, 16. (a) Cha mẹ nên lưu ý điều gì khi khuyến khích con cái thành thật trò chuyện? (b) Về phương diện này, một số bậc cha mẹ theo đạo Đấng Christ đã có cách hữu hiệu nào?
15 Một khía cạnh khác của tình yêu thương là “chẳng vui về điều không công-bình, nhưng vui trong lẽ thật”. (1 Cô-rinh-tô 13:6) Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể dạy con biết quý trọng tính thật thà? Một điều cơ bản là khuyến khích con thành thật bày tỏ cảm xúc, dù những điều chúng nói rất khó chấp nhận. Dĩ nhiên, cha mẹ cảm thấy vui khi con cái nói lên những tư tưởng và cảm xúc phù hợp với các tiêu chuẩn công bình. Dù vậy, có những lúc lời nói thành thật của con cái cho thấy chúng có khuynh hướng nghĩ về điều không công bình. (Sáng-thế Ký 8:21) Trong trường hợp này, cha mẹ nên làm gì? Phản ứng đầu tiên của họ thường là mắng con ngay lập tức. Nếu phản ứng như thế, không lâu sau con cái sẽ tìm cách chỉ nói những điều vừa lòng cha mẹ. Dĩ nhiên là phải sửa ngay cách nói hỗn hào, nhưng có sự khác biệt giữa việc dạy con cách nói chuyện lễ phép và buộc chúng nói điều phải nói.
16 Làm thế nào cha mẹ khuyến khích con thành thật trò chuyện? Chị Aleah, người được đề cập ở đầu bài, phát biểu như sau: “Chúng tôi tạo bầu không khí trò chuyện cởi mở bằng cách kiềm chế cảm xúc khi nghe con nói những điều làm chúng tôi bực mình”. Một người cha tên là Tom nói: “Vợ chồng tôi khuyến khích con nói lên cảm nghĩ, ngay cả khi cháu không đồng ý với lối suy nghĩ của chúng tôi. Theo chúng tôi nhận xét, nếu luôn ngắt lời con và buộc con theo ý mình, cháu sẽ tức tối và không chịu nói lên cảm nghĩ sâu xa trong lòng. Ngược lại, nếu chúng tôi lắng nghe cháu thì cháu sẽ chịu nghe chúng tôi”. Dĩ nhiên, con cái phải nghe lời cha mẹ. (Châm-ngôn 6:20) Dù thế, cha mẹ có cơ hội giúp con cái phát triển khả năng lý luận khi trò chuyện cởi mở với chúng. Anh Vincent, một người cha có bốn đứa con, chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về cái lợi, cái hại của một vấn đề để các cháu thấy được giải pháp tốt nhất. Điều này giúp các cháu phát triển khả năng suy luận”.—Châm-ngôn 1:1-4.
17. Cha mẹ có thể tin chắc điều gì?
17 Hiển nhiên không bậc cha mẹ nào có thể áp dụng trọn vẹn lời khuyên của Kinh Thánh về việc nuôi dạy con. Dù vậy, bạn có thể tin chắc rằng con cái sẽ quý trọng nỗ lực của bạn khi dạy dỗ chúng với lòng kiên nhẫn, nhân từ và tình yêu thương. Chắc chắn bạn sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước khi cố gắng nuôi dạy con như thế. (Châm-ngôn 3:33) Nói cho cùng, tất cả các bậc cha mẹ theo đạo Đấng Christ đều muốn con cái noi gương họ yêu mến Đức Giê-hô-va. Làm sao các bậc cha mẹ có thể đạt được mục tiêu đáng quý này? Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ thảo luận về một số cách cụ thể.
Bạn có nhớ không?
• Làm thế nào sự khôn ngoan có thể giúp cha mẹ kiên nhẫn?
• Lòng yêu thương và việc sửa trị liên quan với nhau thế nào?
• Tại sao cha mẹ và con cái thành thật trò chuyện là điều quan trọng?
[Câu hỏi thảo luận]
[Các hình nơi trang 23]
Hỡi các bậc cha mẹ, bạn có nhớ khi còn trẻ mình từng hành động và suy nghĩ thế nào không?
[Hình nơi trang 24]
Bạn có khuyến khích con cái trò chuyện cởi mở và thành thật không?