Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hành động phù hợp với lương tâm

Hành động phù hợp với lương tâm

Hành động phù hợp với lương tâm

“Mọi sự là tinh-sạch cho những người tinh-sạch, nhưng, cho những kẻ dơ-dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh-sạch cả”.—TÍT 1:15.

1. Sứ đồ Phao-lô đã giúp hội thánh ở Cơ-rết như thế nào?

SAU KHI hoàn tất ba chuyến hành trình rao giảng, sứ đồ Phao-lô bị bắt và giải đến Rô-ma. Ông bị giam giữ ở đó trong hai năm. Sau khi được thả ra, ông đã làm gì? Ông cùng Tít đi đến đảo Cơ-rết. Một thời gian sau, Phao-lô viết thư cho Tít: “Ta đã để con ở lại Cơ-rết đặng sắp-đặt mọi việc chưa thu-xếp [“tu chỉnh lại những việc còn thiếu sót”, Trần Đức Huân], và. . . lập những trưởng-lão”. (Tít 1:5) Nhiệm vụ của Tít bao gồm việc giúp đỡ người có lương tâm tốt lẫn người có lương tâm không phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.

2. Tít đã phải đương đầu với vấn đề gì ở đảo Cơ-rết?

2 Phao-lô cho Tít biết tiêu chuẩn để bổ nhiệm những trưởng lão trong hội thánh. Ông cũng chỉ ra rằng có nhiều người “chẳng chịu vâng-phục, hay nói hư-không và phỉnh-dỗ”. Những người này “dạy điều không nên dạy, và phá-đổ cả nhà người ta”. Tít phải tiếp tục “quở nặng họ”. (Tít 1:10-14; 1 Ti-mô-thê 4:7) Phao-lô cho biết lối suy nghĩ và lương tâm của họ đã bị “dơ-dáy”, tức ô uế, giống như một chiếc áo đẹp bị thuốc nhuộm làm bẩn. (Tít 1:15) Một vài người trong số họ có thể là người Do Thái, vì họ một mực giữ phép cắt bì. Dù các hội thánh ngày nay không bị suy yếu bởi việc tranh cãi về phép cắt bì như thời đó, nhưng qua lời khuyên Phao-lô viết cho Tít, chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều về lương tâm.

Những người có lương tâm ô uế

3. Phao-lô đã viết gì cho Tít về vấn đề lương tâm?

3 Chúng ta hãy lưu ý đến bối cảnh khi sứ đồ Phao-lô đề cập đến lương tâm. Ông viết: “Mọi sự là tinh-sạch cho những người tinh-sạch, nhưng, cho những kẻ dơ-dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh-sạch cả; trái lại, tâm-thần và lương-tâm họ là dơ-dáy nữa. Họ xưng mình biết Đức Chúa Trời, nhưng theo những việc làm thì đều từ-chối Ngài”. Rõ ràng, một số tín đồ Đấng Christ thời đó cần phải thay đổi “hầu cho họ có đức-tin vẹn-lành”. (Tít 1:13, 15, 16) Họ không phân biệt đúng điều gì thanh sạch và điều gì ô uế. Đây là vấn đề liên quan đến lương tâm của họ.

4, 5. Một số tín đồ trong các hội thánh ở Cơ-rết có những khuyết điểm nào? Và điều này đã tác động xấu đến chính họ như thế nào?

4 Hơn mười năm trước đó, hội đồng lãnh đạo của tín đồ Đấng Christ đã quyết định rằng phép cắt bì không còn là điều kiện để một người trở thành người thờ phượng thật. Họ đã thông báo quyết định này đến các hội thánh. (Công-vụ 15:1, 2, 19-29) Tuy nhiên, một số tín đồ ở Cơ-rết vẫn giữ phép cắt bì. Họ công khai bác bỏ quyết định của hội đồng lãnh đạo và “dạy điều không nên dạy”. (Tít 1:10, 11) Lối suy nghĩ lệch lạc khiến họ khăng khăng giữ lấy những điều luật liên quan đến việc ăn uống và sự thanh sạch trong Luật Pháp. Thậm chí, giống như thế hệ trước vào thời Chúa Giê-su, các tín đồ này có thể đã thêm thắt vào Luật Pháp, cũng như đồn đại chuyện huyễn của người Giu-đa và làm theo điều lệ người ta đặt ra.—Mác 7:2, 3, 5, 15; 1 Ti-mô-thê 4:3.

5 Lối suy nghĩ như thế đã tác động xấu đến khả năng phán đoán và ý thức đạo đức, hay lương tâm của họ. Phao-lô viết: “Cho những kẻ dơ-dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh-sạch cả”. Lương tâm của họ trở nên lệch lạc đến nỗi không còn là nguồn hướng dẫn đáng tin cậy, không giúp họ hành động và đánh giá sự việc một cách đúng đắn nữa. Ngoài ra, họ xét đoán các anh em đồng đạo về những vấn đề cá nhân, những chuyện mà một người có thể quyết định cách này, còn người khác có thể chọn cách khác. Vì thế, các tín đồ này đã xem một số điều là ô uế mà thật ra thì không phải vậy. (Rô-ma 14:17; Cô-lô-se 2:16) Dù họ xưng là biết Đức Chúa Trời, nhưng việc làm của họ thì trái ngược với tiêu chuẩn của Ngài.—Tít 1:16.

“Tinh-sạch cho những người tinh-sạch”

6. Phao-lô đề cập đến hai loại người nào?

6 Làm thế nào chúng ta được lợi ích từ những lời Phao-lô viết cho Tít? Hãy xem xét sự đối lập trong câu này: “Mọi sự là tinh-sạch cho những người tinh-sạch, nhưng, cho những kẻ dơ-dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh-sạch cả; trái lại, tâm-thần và lương-tâm họ là dơ-dáy nữa”. (Tít 1:15) Chắc hẳn Phao-lô không có ý nói rằng một tín đồ Đấng Christ trong sạch về đạo đức sẽ xem mọi điều là hoàn toàn trong sạch và có thể chấp nhận được. Chúng ta tin chắc điều này vì trong một lá thư khác, Phao-lô đã từng cho biết rõ rằng ai thực hành sự gian dâm, thờ hình tượng, phù phép và những thực hành ô uế khác thì sẽ “không được hưởng nước Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 5:19-21) Vì vậy, chúng ta kết luận rằng Phao-lô đang nói đến hai loại người: một là những người trong sạch về đạo đức và thiêng liêng, hai là những người ô uế.

7. Điều luật nơi Hê-bơ-rơ 13:4 là gì, nhưng câu hỏi nào được nêu lên?

7 Có những điều mà Kinh Thánh không nêu ra một cách cụ thể nhưng các tín đồ Đấng Christ chân thật cần phải tránh. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem điều luật này: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn khuê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình”. (Hê-bơ-rơ 13:4) Ngay cả người không phải tín đồ Đấng Christ hoặc không biết về Kinh Thánh cũng hiểu câu này cấm việc phạm tội ngoại tình. Rõ ràng, câu này và những câu Kinh Thánh khác cho thấy Đức Chúa Trời lên án quan hệ vô luân giữa người đã lập gia đình với người không phải là người hôn phối của mình. Còn việc hai người chưa kết hôn mà quan hệ tình dục qua đường miệng thì sao? Nhiều người trẻ quan niệm rằng thực hành này là không có gì sai vì họ nghĩ đó không phải là quan hệ tình dục. Một tín đồ Đấng Christ có thể xem thực hành này là trong sạch không?

8. Về việc quan hệ tình dục qua đường miệng, tín đồ Đấng Christ có quan điểm khác những người thế gian như thế nào?

8 Hê-bơ-rơ 13:4 và 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10 cho thấy Đức Chúa Trời không chấp nhận cả việc ngoại tình lẫn gian dâm (tiếng Hy Lạp là por·neiʹa). Từ “gian dâm” bao hàm điều gì? Trong tiếng Hy Lạp, từ này liên quan đến việc sử dụng bộ phận sinh dục dù là theo cách tự nhiên hay cách đồi trụy trái tự nhiên. Từ này bao hàm tất cả các hình thức quan hệ tình dục bất chính, ngoài khuôn khổ hôn nhân theo tiêu chuẩn Đức Chúa Trời. Vì vậy, nó cũng bao gồm việc quan hệ tình dục qua đường miệng, dù trên khắp thế giới, người trẻ được bảo rằng điều này không có gì sai hoặc chính họ chấp nhận thực hành này. Tín đồ Đấng Christ chân chính không để cho những quan điểm “hư-không và phỉnh-dỗ” này hướng dẫn cách suy nghĩ và hành động của họ. (Tít 1:10) Họ giữ vững tiêu chuẩn cao của Kinh Thánh. Thay vì bào chữa cho việc quan hệ tình dục qua đường miệng không có gì sai, họ hiểu rằng theo Kinh Thánh, đó là gian dâm, hay por·neiʹa. Họ rèn luyện lương tâm để không chấp nhận thực hành này. *Công-vụ 21:25; 1 Cô-rinh-tô 6:18; Ê-phê-sô 5:3.

Lương tâm khác nhau, quyết định khác nhau

9. Nếu “mọi sự là tinh-sạch”, lương tâm có vai trò gì?

9 Vậy thì Phao-lô có ý gì khi ông nói “mọi sự là tinh-sạch cho những người tinh-sạch”? Phao-lô đang đề cập đến những tín đồ Đấng Christ có lối suy nghĩ và ý thức đạo đức phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Các tín đồ này nhận thấy có nhiều vấn đề Đức Chúa Trời không lên án, nên các anh chị đồng đạo có thể quyết định theo những cách khác nhau. Thay vì đoán xét anh em mình, họ nhận biết những điều Đức Chúa Trời không lên án là “tinh-sạch”. Họ không mong đợi mọi người sẽ suy nghĩ giống họ khi gặp những tình huống trong đời sống mà không có lời hướng dẫn cụ thể từ Kinh Thánh. Chúng ta hãy xem vài thí dụ.

10. Tại sao lễ cưới (hoặc lễ tang) có thể trở thành một thử thách?

10 Nhiều tín đồ Đấng Christ có người hôn phối không cùng đức tin. (1 Phi-e-rơ 3:1; 4:3) Điều này có thể mang đến nhiều thử thách, chẳng hạn khi có đám cưới hoặc đám tang của người thân. Hãy hình dung một chị có chồng không cùng đức tin. Một người thân bên nhà chồng kết hôn, và lễ cưới được tổ chức ở nhà thờ thuộc khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. (Hoặc một người thân, có thể là cha hay mẹ, đã qua đời và lễ tang được tổ chức ở nhà thờ). Cặp vợ chồng này được mời đến dự, và người chồng muốn chị đi chung. Lương tâm chị phản ứng thế nào? Chị sẽ làm gì? Hãy xem xét hai trường hợp có thể xảy ra.

11. Xin miêu tả làm thế nào một người vợ tín đồ Đấng Christ lý luận có nên tham dự lễ cưới tại nhà thờ hay không. Và chị đi đến quyết định nào?

11 Chị Lan suy ngẫm về một mệnh lệnh quan trọng trong Kinh Thánh: ‘Hãy ra khỏi Ba-by-lôn Lớn’, đế quốc tôn giáo sai lầm thế giới. (Khải-huyền 18:2, 4) Chị từng là thành viên của nhà thờ đó, nơi lễ cưới sắp diễn ra. Chị biết trong buổi lễ, mọi người có mặt phải làm những nghi thức tôn giáo, chẳng hạn cầu nguyện, hát thánh ca hoặc các hành động khác. Chị quyết tâm không tham gia và ngay cả không muốn có mặt ở đó vì chị biết áp lực sẽ khiến chị khó giữ lòng trung kiên. Chị Lan tôn trọng chồng và muốn hợp tác với anh, người làm đầu của chị. Nhưng chị không muốn thỏa hiệp những nguyên tắc Kinh Thánh. (Công-vụ 5:29) Vì vậy, chị khéo léo giải thích với chồng mình là dù anh ấy đi dự lễ cưới, chị sẽ không đi. Có lẽ chị lý luận rằng nếu chị đến nhà thờ mà từ chối làm một số nghi thức tôn giáo, thì anh có thể bị xấu hổ. Vì vậy, chị không đi là điều tốt nhất cho anh. Quyết định này giúp chị giữ một lương tâm trong sạch.

12. Khi nhận được lời mời tham dự lễ cưới ở nhà thờ, một người có thể lý luận và hành động ra sao?

12 Chị Ngọc cũng gặp phải tình thế khó xử tương tự. Chị tôn trọng chồng, quyết tâm trung thành với Đức Chúa Trời và hành động phù hợp với lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện. Sau khi suy nghĩ về những điều như chị Lan đã xem xét, chị Ngọc cầu nguyện và đọc phần “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh số ra ngày 15-5-2002. Chị cũng nhớ lại ba chàng thanh niên Hê-bơ-rơ dù vâng lệnh vua đi đến chỗ đặt pho tượng, nhưng họ vẫn giữ lòng trung kiên bằng cách không thực hành nghi thức thờ phượng. (Đa-ni-ên 3:15-18) Chị quyết định cùng chồng đi đến nhà thờ nhưng không tham gia vào bất cứ nghi thức tôn giáo nào, và chị hành động phù hợp với lương tâm mình. Chị khéo léo giải thích rõ ràng với chồng về những điều lương tâm cho phép chị làm và những điều chị không thể làm. Chị Ngọc hy vọng chồng chị sẽ nhận ra những khác biệt giữa sự thờ phượng thật và sự thờ phượng sai lầm.—Công-vụ 24:16.

13. Tại sao chúng ta không nên bối rối khi hai tín đồ Đấng Christ quyết định khác nhau?

13 Có phải việc hai tín đồ Đấng Christ quyết định khác nhau cho thấy một người muốn làm thế nào cũng được, hoặc một trong hai người đó có lương tâm yếu? Chắc chắn không. Khi nhớ lại âm nhạc và không khí của các buổi lễ ở nhà thờ, chị Lan có thể nhận thấy việc có mặt ở đó thật sự nguy hiểm cho chị. Chồng chị có lẽ đã từng khăng khăng buộc chị phải theo ý anh, thậm chí bắt chị làm các nghi thức tôn giáo sai lầm. Vì thế, nếu đi với anh đến lễ cưới ở nhà thờ thì chị có thể rơi vào tình huống khó khăn như trước. Điều này tác động đến lương tâm của chị và chị tin chắc quyết định không đi là tốt nhất cho chị.

14. Tín đồ Đấng Christ nên nhớ điều gì về những quyết định cá nhân?

14 Vậy thì quyết định của chị Ngọc có thiếu khôn ngoan không? Không ai có thể nói thế. Những người khác không có quyền lên án hoặc chỉ trích việc chị quyết định đi đến nhà thờ nhưng không thực hành các nghi thức tôn giáo. Hãy ghi nhớ lời khuyên của Phao-lô về những quyết định cá nhân trong việc ăn hay không ăn thức ăn nào đó: “Người ăn chớ khinh-dể kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét-đoán kẻ ăn. . . Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó;—song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững-vàng”. (Rô-ma 14:3, 4) Hiển nhiên, không có tín đồ Đấng Christ chân chính nào muốn khuyến khích người khác lờ đi sự hướng dẫn của lương tâm đã được rèn luyện, vì làm thế chẳng khác nào khiến họ phớt lờ tiếng nói nội tâm chứa đựng thông điệp cứu mạng.

15. Trước khi quyết định, tại sao chúng ta nên nghiêm túc nghĩ đến lương tâm và cảm xúc của người khác?

15 Đứng trước cùng một vấn đề, cả hai chị nên xem xét những yếu tố khác. Một trong số đó là quyết định của mình tác động đến người khác như thế nào. Phao-lô khuyên chúng ta: “Thà nhứt-định đừng để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa-ngã”. (Rô-ma 14:13) Chị Lan có thể biết rằng những tình huống như việc đi dự lễ cưới ở nhà thờ đã từng khiến hội thánh hoặc gia đình chị xáo trộn, và những gì chị làm có thể tác động mạnh đến con cái. Trái lại, chị Ngọc nhận thấy rằng những tình huống như thế không làm cho các anh chị trong hội thánh khó chịu, và không gây xôn xao trong cộng đồng. Cả hai chị cũng như tất cả chúng ta nên nhận biết rằng một người có lương tâm được rèn luyện đúng đắn phải nghĩ xem hành động của mình tác động thế nào đến người khác. Chúa Giê-su nói: “Nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn”. (Ma-thi-ơ 18:6) Nếu một người dù biết nhưng vẫn làm những điều có thể gây vấp phạm cho người khác, thì người đó có lương tâm bị ô uế giống như một số tín đồ ở đảo Cơ-rết.

16. Một tín đồ Đấng Christ có thể tiến bộ trong những lĩnh vực nào?

16 Một tín đồ Đấng Christ nên tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng, cũng như trong việc lắng nghe và hành động phù hợp với lương tâm. Chúng ta hãy hình dung trường hợp của anh Minh, một người mới báp têm. Lương tâm bảo anh tránh những điều trái với Kinh Thánh mà trước đây anh từng làm, như những thực hành liên quan đến hình tượng và huyết. (Công-vụ 21:25) Thật ra, anh Minh rất cẩn thận để tránh ngay cả những điều có vẻ như không làm hài lòng Đức Chúa Trời. Thế nhưng, anh không hiểu tại sao một số anh chị không làm những điều mà anh nghĩ là có thể chấp nhận được, chẳng hạn như họ không xem một số chương trình truyền hình mà anh thích.

17. Xin minh họa làm thế nào qua thời gian, sự tiến bộ về thiêng liêng có thể tác động đến lương tâm và quyết định của một tín đồ Đấng Christ.

17 Qua thời gian, anh Minh càng hiểu biết thêm về Đức Chúa Trời và đến gần Ngài hơn. (Cô-lô-se 1:9, 10) Kết quả là gì? Lương tâm của anh được huấn luyện kỹ càng hơn. Giờ đây, anh Minh càng tin cậy lương tâm của mình và cẩn thận xem xét các nguyên tắc Kinh Thánh khi quyết định. Anh nhận ra rằng một vài điều mà anh từng nghĩ là “có vẻ như không làm hài lòng Đức Chúa Trời” thì thật ra không trái với quan điểm của Ngài. Hơn nữa, nhờ hành động phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh và lương tâm được rèn luyện, anh Minh tránh xem những chương trình mà trước đây anh nghĩ là vô hại. Thật vậy, lương tâm của anh trở nên nhạy bén hơn.—Thi-thiên 37:31.

18. Điều gì khiến chúng ta vui mừng?

18 Hầu hết các hội thánh đều có người thành thục về thiêng liêng cũng như người mới trong lẽ thật. Lương tâm của những người mới có thể không phản ứng trước vấn đề nào đó, nhưng lại lên tiếng trong những trường hợp khác. Họ cần thời gian và cần được giúp đỡ để hành động phù hợp với sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và lương tâm được rèn luyện. (Ê-phê-sô 4:14, 15) Trong hội thánh cũng có nhiều anh chị hiểu biết sâu sắc về thiêng liêng, có kinh nghiệm trong việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh và có lương tâm phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời. Thật vui mừng khi được ở cùng “những người tinh-sạch”! Đối với họ, những điều “tinh-sạch” về đạo đức và thiêng liêng là những điều Đức Chúa Trời chấp nhận. (Ê-phê-sô 5:10) Mong rằng tất cả chúng ta đều đặt mục tiêu tiến bộ về thiêng liêng giống như họ, cũng như giữ gìn một lương tâm phù hợp với sự hiểu biết chính xác của lẽ thật và lối sống tin kính.—Tít 1:1.

[Chú thích]

^ đ. 8 Số Tháp Canh (Anh ngữ) ra ngày 15-3-1983, trang 30 và 31 đưa ra một số lời khuyên cho các cặp vợ chồng. Tháp Canh có nói như sau: “Các cặp vợ chồng nên tập ghét những điều ô uế trước mắt Đức Giê-hô-va, kể cả những thực hành tính dục rõ ràng là đồi trụy trái tự nhiên. Họ nên hành động sao cho lương tâm mình được trong sạch. . . và ghi nhớ rằng quan hệ tình dục phải được tôn trọng, lành mạnh và là cách để bày tỏ lòng yêu thương dịu dàng. Điều này chắc hẳn cũng bao hàm tránh bất cứ điều gì làm người hôn phối đau đớn về thể chất lẫn tinh thần.—Ê-phê-sô 5:28-30; 1 Phi-e-rơ 3:1, 7”.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao một số tín đồ Đấng Christ ở đảo Cơ-rết có lương tâm ô uế?

• Tại sao hai tín đồ Đấng Christ có lương tâm được rèn luyện có thể quyết định khác nhau?

• Qua thời gian, lương tâm chúng ta có thể thay đổi như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Bản đồ nơi trang 26]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Sicily

HY LẠP

Cơ-rết

TIỂU Á

Chíp-rơ

ĐỊA TRUNG HẢI

[Hình nơi trang 28]

Đứng trước cùng một vấn đề, mỗi tín đồ Đấng Christ có thể quyết định khác nhau