Khiêm nhường—Một thách đố
Khiêm nhường—Một thách đố
ĐỐI VỚI nhiều người, tính khiêm nhường dường như không có giá trị gì trong thế giới ngày nay. Những người thích tạo ấn tượng cũng như người có vẻ rất thành công trong xã hội thường là người kiêu ngạo, muốn hơn người bằng mọi giá và luôn muốn người khác làm theo ý mình. Nói chung trong xã hội, người ta thường ao ước được như người giàu có và nổi tiếng, chứ không muốn sống như người khiêm nhường và nhu mì. Những người thành công thường khoe rằng một tay họ dựng nên cơ nghiệp. Thay vì khiêm nhường, họ kiêu hãnh cho rằng thành công là do sức mình.
Một nhà nghiên cứu người Canada cho biết rằng “thái độ ‘cái tôi’ đã xuất hiện” trong nước của ông. Những người khác cảm thấy xã hội chúng ta đang sống đặt nặng tinh thần hưởng thụ hơn là tinh thần trách nhiệm và người ta ngày càng chỉ nghĩ đến mình. Trong một thế giới như thế, tính khiêm nhường dường như không được quý trọng.
Dĩ nhiên, đa số người ta đều tán đồng quan điểm cho rằng khiêm nhường là tính tốt mà người khác cần có, vì rất dễ sống với người như thế. Tuy nhiên, trong thế giới cạnh tranh ngày nay, một số người sợ rằng nếu khiêm nhường thì sẽ bị xem là nhu nhược.
Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, báo trước rằng thời kỳ chúng ta sẽ có những người “khoe-khoang, xấc-xược [“kiêu căng”, Bản Dịch Mới]”. (2 Ti-mô-thê 3:1, 2) Lẽ nào bạn không đồng ý rằng lời tiên tri này đang được ứng nghiệm hay sao? Bạn thấy tính khiêm nhường có giá trị nào không? Hay bạn cho rằng người khiêm nhường bị xem là nhu nhược và dễ bị lợi dụng?
Sự thật là Kinh Thánh đưa ra những lý do chính đáng để xem trọng và vun trồng tính khiêm nhường. Kinh Thánh giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng và tích cực về đức tính này và cho thấy rằng tính khiêm nhường thật sự là dấu hiệu của sức mạnh chứ không là sự nhu nhược. Bài kế tiếp sẽ cho biết lý do.
[Hình nơi trang 3]
Chúng ta nên nghĩ gì về thành quả của mình?