Đi trong đường lối Đức Giê-hô-va
Đi trong đường lối Đức Giê-hô-va
“Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường-lối Ngài!”—THI 128:1.
1, 2. Tại sao chúng ta có thể biết chắc rằng hạnh phúc nằm trong tầm tay?
Hạnh phúc—điều mà mọi người ao ước. Dầu vậy, hẳn bạn cũng đồng ý rằng mơ ước được hạnh phúc hoặc ngay cả theo đuổi hạnh phúc là một chuyện, nhưng có được hạnh phúc lại là chuyện khác.
2 Tuy nhiên, hạnh phúc nằm trong tầm tay của chúng ta. Thi-thiên 128:1 nói: “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường-lối Ngài!”. Chúng ta có thể được phước, hoặc có hạnh phúc nếu thờ phượng Đức Chúa Trời và đi trong đường lối Ngài bằng cách làm theo ý muốn Ngài. Điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến hạnh kiểm và các đức tính của chúng ta?
Hãy chứng tỏ là người đáng tin cậy
3. Đức tính đáng tin cậy liên quan thế nào đến lời hứa nguyện dâng mình cho Đức Chúa Trời?
3 Người kính sợ Đức Giê-hô-va là người đáng tin cậy, cũng như Ngài là Đấng đáng tin cậy. Đức Giê-hô-va đã giữ mọi lời Ngài hứa với dân Y-sơ-ra-ên xưa (1 Vua 8:56). Lời hứa nguyện dâng mình cho Đức Chúa Trời là lời hứa quan trọng nhất trong đời chúng ta, và việc thường xuyên cầu nguyện sẽ giúp chúng ta giữ lời hứa đó. Chúng ta có thể cầu nguyện như Đa-vít viết trong sách Thi-thiên: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa đã nghe lời hứa-nguyện tôi. . . tôi sẽ hát ngợi-khen danh Chúa đời đời, và hằng ngày làm xong các sự hứa-nguyện tôi” (Thi 61:5, 8; Truyền 5:4-6). Để được làm bạn với Đức Chúa Trời, chúng ta phải là người đáng tin cậy.—Thi 15:1, 4.
4. Giép-thê và con gái xem trọng lời ông hứa nguyện với Đức Giê-hô-va như thế nào?
4 Vào thời các quan xét của Y-sơ-ra-ên, Giép-thê hứa nguyện với Đức Giê-hô-va rằng nếu Ngài giúp ông thắng dân Am-môn thì khi chiến thắng trở về, ông sẽ dâng người đầu tiên chào đón ông làm “của-lễ thiêu”. Người đó lại là con gái duy nhất của ông. Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, cả Giép-thê lẫn người con gái đồng trinh đều giữ lời ông hứa nguyện. Tuy việc lập gia đình và có con là điều quan trọng đối với dân Y-sơ-ra-ên, con gái của Giép-thê đã sẵn lòng sống độc thân và vui vẻ với đặc ân hầu việc Đức Giê-hô-va tại đền tạm.—Quan 11:28-40.
5. Bà An-ne đã cho thấy mình là người đáng tin cậy trong khía cạnh nào?
5 An-ne, một phụ nữ tôn kính Đức Chúa Trời đã cho thấy bà là người đáng tin cậy. Bà là vợ của Ên-ca-na, một người thuộc chi phái Lê-vi. Chồng bà có người vợ kế là Phê-ni-na và cả gia đình đều sống tại vùng núi Ép-ra-im. Phê-ni-na có nhiều con nên chế nhạo An-ne vì bà son sẻ, đặc biệt là khi cả gia đình đi đến đền tạm. Vào một lần đến đền tạm, bà An-ne đã hứa nguyện rằng nếu có một con trai, bà sẽ dâng đứa trẻ ấy cho Đức Giê-hô-va. Không lâu sau bà mang thai, sinh một bé trai và đặt tên là Sa-mu-ên. Sau khi đứa trẻ dứt sữa, bà dẫn con đến Si-lô để ra mắt Đức Chúa Trời và phú dâng “nó trọn đời” cho Ngài (1 Sa 1:11). Vậy, bà đã giữ trọn lời hứa nguyện dù không biết mình sẽ sinh thêm những đứa con khác.—1 Sa 2:20, 21.
6. Ti-chi-cơ đã chứng tỏ là người đáng tin cậy như thế nào?
6 Ti-chi-cơ, một tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, là người đáng tin cậy và là “tôi-tớ trung-thành” (Cô 4:7). Ông cùng với sứ đồ Phao-lô đi từ Gờ-réc qua Ma-xê-đoan, đến Tiểu Á và có lẽ đi tiếp đến Giê-ru-sa-lem (Công 20:2-4). Có lẽ ông là “người anh em” đã giúp Tít sắp đặt việc quyên góp để giúp những tín đồ thiếu thốn ở Giu-đê (2 Cô 8:18, 19; 12:18). Khi bị tù lần đầu tiên ở Rô-ma, sứ đồ Phao-lô đã nhờ Ti-chi-cơ, người ông tin cậy, đem thư đến những anh em đồng đạo tại Ê-phê-sô và Cô-lô-se (Ê-phê 6:21, 22; Cô 4:8, 9). Khi bị tù lần thứ hai ở Rô-ma, Phao-lô đã phái Ti-chi-cơ đến Ê-phê-sô (2 Ti 4:12). Nếu là người đáng tin cậy, chúng ta cũng sẽ nhận nhiều ân phước khi phụng sự Đức Giê-hô-va.
7, 8. Tại sao có thể nói rằng Đa-vít và Giô-na-than là những người bạn chân tình?
7 Đức Chúa Trời muốn chúng ta là những người bạn đáng tin cậy (Châm 17:17). Giô-na-than, con trai vua Sau-lơ, đã kết bạn với Đa-vít. Khi nghe tin Đa-vít giết được Gô-li-át, “lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít, đến đỗi Giô-na-than yêu-mến Đa-vít như mạng-sống mình” (1 Sa 18:1, 3). Thậm chí ông còn báo cho Đa-vít biết là vua Sau-lơ đang tìm cách giết Đa-vít. Sau khi Đa-vít chạy trốn, Giô-na-than gặp lại Đa-vít và họ lập giao ước kết bạn với nhau. Những điều Giô-na-than tâu với vua Sau-lơ về Đa-vít khiến ông suýt mất mạng, nhưng hai người bạn này gặp lại nhau và nhắc lại mối quan hệ bằng hữu (1 Sa 20:24-41). Vào lần gặp nhau cuối cùng, Giô-na-than đã giúp Đa-vít vững lòng tin cậy “nơi Đức Chúa Trời”.—1 Sa 23:16-18.
8 Giô-na-than tử trận khi chiến đấu với quân Phi-li-tin (1 Sa 31:6). Trong một bài bi ca, Đa-vít hát: “Hỡi Giô-na-than, anh tôi! Lòng tôi quặn-thắt vì anh. Anh làm cho tôi khoái dạ; nghĩa bầu-bạn của anh lấy làm quí hơn tình thương người nữ” (2 Sa 1:26). Đây là tình cảm thắm thiết và trong sáng giữa hai người bạn, chứ không phải tình cảm lãng mạn. Đa-vít và Giô-na-than là những người bạn chân tình.
Luôn luôn “khiêm-nhượng”
9. Chương 9 của sách Các Quan Xét cho thấy tính khiêm nhường quan trọng như thế nào?
9 Để được làm bạn với Đức Chúa Trời, chúng ta phải “khiêm-nhường” (1 Phi 3:8; Thi 138:6). Tầm quan trọng của tính khiêm nhường được đề cập nơi chương 9 của sách Các Quan Xét. Giô-tham, con trai của Ghê-đê-ôn nói: “Các cây-cối đều đi đặng xức dầu cho một vua cai-trị chúng nó”. Cây ô-li-ve, cây vả và cây nho cũng được nhắc đến trong chương này. Các cây ấy tượng trưng cho những người đáng trọng vì không tìm cách cai trị người Y-sơ-ra-ên đồng hương. Tuy nhiên, cây gai gốc—thường dùng làm củi—tượng trưng cho vương quyền của vị vua kiêu ngạo A-bi-mê-léc, một kẻ giết người và thích đàn áp người khác. Mặc dù “cai-trị Y-sơ-ra-ên trong ba năm”, ông cũng không thoát khỏi cái chết đột ngột (Quan 9:8-15, 22, 50-54). Quả thật, tính “khiêm-nhường” thật tốt thay!
10. Bạn học được điều gì qua trường hợp vua Hê-rốt chẳng “nhường sự vinh-hiển cho Đức Chúa Trời”?
10 Vào thế kỷ thứ nhất CN, có sự xích mích giữa vị vua kiêu ngạo Hê-rốt Ạc-ríp-ba của xứ Giu-đê và dân thành Ty-rơ và Si-đôn. Dân ở hai thành này muốn giảng hòa với ông. Vào một dịp nọ, khi vua Hê-rốt truyền phán giữa công chúng, họ hô lớn: “Ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu!”. Ông đã không khước từ những lời tán tụng đó. “Bởi cớ chẳng nhường sự vinh-hiển cho Đức Chúa Trời” nên ông bị thiên sứ của Ngài đánh và chết một cách thảm thương (Công 12:20-23). Nếu chúng ta là người có khả năng trình bày bài giảng và khéo dạy Kinh Thánh thì sao? Chúng ta nên quy những thành quả đó cho Đức Chúa Trời vì Ngài ban cho chúng ta những điều ấy.—1 Cô 4:6, 7; Gia 4:6.
Hãy vững lòng và bền chí
11, 12. Kinh nghiệm của Hê-nóc cho thấy Đức Giê-hô-va giúp tôi tớ Ngài can đảm và bền chí như thế nào?
11 Nếu chúng ta khiêm nhường bước đi trong đường lối Đức Chúa Trời, Ngài sẽ giúp chúng ta vững lòng, can đảm và bền chí (Phục 31:6-8, 23). Hê-nóc, con cháu đời thứ bảy kể từ A-đam, đã can đảm bước đi với Đức Chúa Trời bằng cách theo đuổi lối sống ngay thẳng giữa những người gian ác cùng thời (Sáng 5:21-24). Đức Giê-hô-va giúp Hê-nóc can đảm để loan báo một thông điệp mạnh mẽ vì họ có lời nói và hành động bất kính đối với Đức Chúa Trời. (Đọc Giu-đe 14, 15). Bạn có can đảm để loan báo thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời không?
12 Đức Giê-hô-va đã dùng trận lụt toàn cầu thời Nô-ê để phán xét những người không tin kính. Tuy nhiên, lời tiên tri của Hê-nóc khích lệ chúng ta vì không lâu nữa những người không tin kính thời nay sẽ bị vô số thiên sứ của Đức Chúa Trời hủy diệt (Khải 16:14-16; 19:11-16). Để đáp lời cầu nguyện của chúng ta, Đức Giê-hô-va giúp chúng ta can đảm rao báo thông điệp liên quan đến sự phán xét của Ngài hoặc về những ân phước có được dưới quyền cai trị Nước Trời.
13. Làm sao chúng ta có thể biết chắc Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta vững lòng và bền chí để đối phó với những vấn đề gây buồn nản?
13 Chúng ta cần được Đức Chúa Trời giúp vững lòng và bền chí để đối phó với những vấn đề gây buồn nản. Khi Ê-sau lấy hai phụ nữ Hê-tít làm vợ, họ là “một sự cay-đắng lòng cho Y-sác và Rê-bê-ca [cha mẹ ông]”. Thậm chí Rê-bê-ca than thở: “Tôi đã chán, không muốn sống nữa, vì cớ mấy con gái họ Hếch. Nếu Gia-cốp [con mình] cưới một trong mấy con gái họ Hếch mà làm vợ, tức một người con gái trong xứ như các đứa đó; thôi, tôi còn sống mà chi?” (Sáng 26:34, 35; 27:46). Y-sác quyết định bảo Gia-cốp đi tìm vợ trong vòng những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Dù không thể thay đổi những gì Ê-sau đã làm, Y-sác và Rê-bê-ca được Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, vững lòng và bền chí để tiếp tục trung thành với Ngài. Nếu cầu xin Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng được Ngài giúp đỡ.—Thi 118:5.
14. Một bé gái người Y-sơ-ra-ên đã thể hiện lòng can đảm như thế nào?
14 Nhiều thế kỷ sau, một bé gái người Y-sơ-ra-ên bị toán cướp bắt đi và sau đó làm tớ gái trong nhà Na-a-man. Ông này bị bệnh phung và là quan tổng binh của đạo quân Sy-ri. Nhờ được 2 Vua 5:1-3). Bé gái ấy quả là một gương tốt cho những người trẻ nương cậy nơi Đức Giê-hô-va để có can đảm làm chứng cho thầy cô, bạn học và những người khác.
nghe về những phép lạ mà nhà tiên tri Ê-li-sê đã làm bởi quyền phép của Đức Chúa Trời, em đã can đảm nói với vợ của Na-a-man: ‘Chớ chi ông chủ đi đến xứ Y-sơ-ra-ên, nhà tiên-tri của Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu ông khỏi bệnh phung’. Na-a-man đã đến Y-sơ-ra-ên và được chữa lành một cách kỳ diệu (15. Áp-đia, người quản đốc hoàng cung của vua A-háp, đã can đảm làm gì?
15 Đức Chúa Trời ban sự can đảm để giúp chúng ta chịu đựng khi bị bắt bớ. Hãy xem trường hợp của Áp-đia, người quản đốc hoàng cung của vua A-háp. Ông sống cùng thời với nhà tiên tri Ê-li. Khi hoàng hậu Giê-sa-bên ra lệnh giết các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời, Áp-đia giấu 100 người trong các hang đá, “mỗi hang năm mươi người” (1 Vua 18:13; 19:18). Bạn có can đảm giúp anh em đồng đạo bị bắt bớ, như Áp-đia đã giúp các nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va không?
16, 17. A-ri-tạc và Gai-út xử sự ra sao khi bị bắt bớ?
16 Nếu bị bắt bớ, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ở cùng chúng ta (Rô 8:35-39). Tại nhà hát ngoài trời ở thành Ê-phê-sô, hai người bạn cùng làm việc với Phao-lô là A-ri-tạc và Gai-út đứng trước một đoàn dân hung bạo đông đến hàng ngàn người. Người thợ bạc Đê-mê-triu đã xúi giục đoàn người ấy hành hung các tín đồ này. Hắn và những người thợ khác sinh sống bằng nghề làm điện thờ bằng bạc để thờ nữ thần Đi-anh. Vì những lời Phao-lô rao giảng khiến nhiều người trong thành không thờ hình tượng nữa, thế nên việc làm ăn của họ bị ảnh hưởng. Đoàn người này kéo A-ri-tạc và Gai-út theo họ đến nhà hát và liên tục la hét: “Lớn thay là nữ-thần Đi-anh của người Ê-phê-sô!”. Có lẽ A-ri-tạc và Gai-út nghĩ mình sẽ chết nhưng viên thư ký thành phố đã dẹp yên đoàn người ấy.—Công 19:23-41.
17 Nếu lâm vào tình huống như thế, bạn có tìm cách để được an ổn không? Không điều gì cho thấy A-ri-tạc hoặc Gai-út cảm thấy sợ hãi. Vì sống ở thành Tê-sa-lô-ni-ca, A-ri-tạc biết rằng công việc rao giảng có thể dẫn đến sự bắt bớ. Trước đó một thời gian, cũng có một cuộc náo động khi Phao-lô rao giảng ở đấy (Công 17:5; 20:4). Vì A-ri-tạc và Gai-út đi trong đường lối Đức Giê-hô-va, họ được Ngài giúp vững lòng và bền chí để chịu đựng khi bị bắt bớ.
Chăm về lợi người khác
18. Bê-rít-sin và A-qui-la “chăm” về lợi người khác như thế nào?
18 Hiện nay, dù bị bắt bớ hay không, chúng ta cũng nên quan tâm đến anh em đồng đức tin. Chẳng hạn như Bê-rít-sin và A-qui-la đã “chăm” về lợi người khác. (Đọc Phi-líp 2:4). Cặp vợ chồng tốt bụng này mời Phao-lô trú ngụ trong nhà mình tại thành Ê-phê-sô, nơi người thợ bạc Đê-mê-triu gây nên cuộc náo động như đã đề cập ở trên. Rất có thể vì tình huống ấy mà Bê-rít-sin và A-qui-la “liều chết để cứu” Phao-lô (Rô 16:3, 4; 2 Cô 1:8). Ngày nay, vì quan tâm đến những anh em bị bắt bớ nên chúng ta cần “khôn-khéo như rắn” (Mat 10:16-18). Chúng ta tiếp tục công việc một cách thận trọng và không phản bội bằng cách tiết lộ cho kẻ bắt bớ biết danh tánh hay những thông tin khác về anh em.
19. Bà Đô-ca đã làm những điều tốt nào cho người khác?
19 Có nhiều hình thức để chăm về lợi người khác. Một số tín đồ Đấng Christ đang cần giúp Ê-phê 4:28; Gia 2:14-17). Vào thế kỷ thứ nhất, trong hội thánh tại thành Giốp-bê có một nữ tín đồ có lòng rộng rãi tên là Đô-ca. (Đọc Công-vụ 9:36-42). Bà “làm nhiều việc lành và hay bố-thí”, kể cả may áo cho những góa phụ thiếu thốn. Năm 36 CN, bà qua đời và để lại niềm thương tiếc trong lòng những góa phụ ấy. Đức Chúa Trời đã dùng sứ đồ Phi-e-rơ để làm cho bà Đô-ca sống lại. Rất có thể từ đó trở đi bà vui vẻ rao giảng tin mừng và làm việc lành cho nhiều người. Thật vui biết bao khi trong vòng chúng ta ngày nay cũng có những nữ tín đồ biết quan tâm đến người khác như thế!
đỡ và chúng ta có thể giúp họ (20, 21. (a) Lời khích lệ liên quan thế nào đến việc chăm về lợi người khác? (b) Bạn có thể làm gì để khích lệ người khác?
20 Chúng ta chăm về lợi người khác qua những lời khích lệ (Rô 1:11, 12). Si-la, bạn cùng làm việc với Phao-lô, là một nguồn khích lệ cho người khác. Vào khoảng năm 49 CN, sau khi quyết định về việc cắt bì, hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem đã phái những người đại diện mang thư đến cho anh em ở các nơi khác. Si-la, Giu-đe, Ba-na-ba và Phao-lô đem thư đến thành An-ti-ốt. Tại đó, Giu-đe và Si-la “lấy nhiều lời giảng mà khuyên-bảo, và giục lòng anh em mạnh-mẽ”.—Công 15:32.
21 Về sau, Phao-lô và Si-la bị tù ở thành Phi-líp nhưng được giải thoát nhờ một trận động đất. Thật tốt biết bao khi họ làm chứng và thấy người cai tù cùng với gia đình trở thành người tin đạo! Trước khi rời thành ấy, Si-la và Phao-lô đã khích lệ anh em mình (Công 16:12, 40). Giống như Phao-lô và Si-la, chúng ta hãy cố gắng khích lệ người khác qua những lời bình luận, bài giảng và sốt sắng trong việc rao giảng. Và khi bạn có “lời khích lệ. . . xin cứ nói!”.—Công 13:15, Bản Diễn Ý.
Luôn đi trong đường lối Đức Giê-hô-va
22, 23. Làm thế nào chúng ta có thể thật sự nhận được lợi ích qua những câu chuyện trong Kinh Thánh?
22 Chúng ta thật biết ơn về những câu chuyện có thật được ghi lại trong Kinh Thánh, Lời của Đức Giê-hô-va! Ngài là “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi [“khích lệ”, NW]” (2 Cô 1:3). Nếu muốn được lợi ích qua những câu chuyện ấy, chúng ta phải áp dụng các bài học trong Kinh Thánh và để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn đời sống chúng ta.—Ga 5:22-25.
23 Suy ngẫm về các câu chuyện trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta thể hiện những đức tính làm vui lòng Đức Chúa Trời. Khi làm thế, chúng ta có thể thắt chặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, Đấng ban cho chúng ta “sự khôn-ngoan, thông-sáng, và vui-vẻ” (Truyền 2:26). Nhờ thế, chúng ta có thể làm vui lòng Đức Chúa Trời (Châm 27:11). Mong sao chúng ta quyết tâm làm Đức Giê-hô-va vui lòng bằng cách luôn đi trong đường lối Ngài.
Bạn trả lời thế nào?
• Bạn cho thấy mình đáng tin cậy như thế nào?
• Tại sao chúng ta nên “khiêm-nhượng”?
• Những câu chuyện trong Kinh Thánh giúp chúng ta như thế nào để có lòng can đảm?
• Chúng ta có thể chăm về lợi người khác qua những cách nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 8]
Giép-thê và con gái ông, những người đáng tin cậy, đã giữ lời hứa nguyện của ông dù làm thế là điều rất khó
[Hình nơi trang 10]
Hỡi các bạn trẻ, bạn học được gì qua gương của bé gái người Y-sơ-ra-ên?
[Hình nơi trang 11]
Bà Đô-ca giúp đỡ những người đồng đạo như thế nào?