Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Làm trọn việc nên thánh’ trong sự kính sợ Đức Chúa Trời

‘Làm trọn việc nên thánh’ trong sự kính sợ Đức Chúa Trời

‘Làm trọn việc nên thánh’ trong sự kính sợ Đức Chúa Trời

Kinh Thánh quy cho Đức Giê-hô-va sự thánh khiết tột bậc khi nói: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va!” (Ê-sai 6:3; Khải 4:8). Từ “thánh” trong tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp muốn nói đến sự trong sạch hoặc sự thánh khiết về tôn giáo, tách biệt với những điều ô uế. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời ám chỉ sự hoàn hảo tuyệt đối về đạo đức của Ngài.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời thánh khiết có muốn những người thờ phượng Ngài nên thánh, tức trong sạch về mặt thể chất cũng như đạo đức và thiêng liêng không? Kinh Thánh nói rõ ràng rằng Đức Giê-hô-va muốn dân Ngài trở nên thánh khiết. Nơi 1 Phi-e-rơ 1:16 cho biết: “Hãy nên thánh, vì ta là thánh”. Con người bất toàn có thể thật sự noi theo sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va không? Có, dù không thể noi theo cách hoàn hảo. Đức Chúa Trời có thể xem chúng ta là thánh nếu chúng ta giữ tình trạng trong sạch về thiêng liêng khi thờ phượng Ngài, và có một mối quan hệ mật thiết với Ngài.

Vậy làm thế nào để giữ sự thánh khiết trong một thế gian suy đồi về đạo đức? Chúng ta nên tránh những thực hành nào? Chúng ta cần thay đổi gì trong lời nói và hạnh kiểm? Hãy cùng xem chúng ta học được gì từ những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi dân Do Thái khi họ từ Ba-by-lôn trở về quê nhà vào năm 537 TCN.

‘Sẽ có một lối gọi là đường thánh’

Đức Giê-hô-va báo trước rằng dân sự Ngài bị lưu đày ở Ba-by-lôn sẽ được trở về quê nhà. Lời tiên tri này cũng đảm bảo như sau: “Tại đó sẽ có một đường cái, và một lối gọi là đường thánh” (Ê-sai 35:8a). Những lời ấy cho thấy rằng Đức Giê-hô-va không chỉ mở đường cho dân Giu-đa trở về quê nhà mà còn đảm bảo sẽ che chở họ trên đường đi về.

Đối với những tôi tớ trên đất ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng mở một “đường thánh” dẫn họ ra khỏi Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo sai lầm trên thế giới. Vào năm 1919, Ngài giải thoát những tín đồ Đấng Christ được xức dầu ra khỏi sự kìm kẹp về mặt thiêng liêng của các tôn giáo giả, và họ dần dần loại trừ mọi giáo lý sai lầm khỏi sự thờ phượng của họ. Là tôi tớ Đức Giê-hô-va thời nay, chúng ta được vui hưởng một môi trường thiêng liêng trong sạch và bình an. Tại đó, chúng ta có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va và có mối quan hệ hòa thuận với Ngài cũng như với người đồng loại.

Các thành viên của “bầy nhỏ” (những tín đồ Đấng Christ được xức dầu) cùng với đám đông vô số người thuộc lớp “chiên khác” đã chọn bước đi trong con đường thánh, và cũng mời người khác cùng đi với họ (Lu 12:32; Khải 7:9; Giăng 10:16). “Đường thánh” luôn rộng mở cho tất cả những ai sẵn lòng “dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời”.—Rô 12:1.

“Kẻ nào ô-uế sẽ không được đi qua”

Năm 537 TCN, dân Do Thái đang trên đường hồi hương phải đáp ứng một đòi hỏi quan trọng. Về những người hội đủ điều kiện để bước đi trên “đường thánh”, Ê-sai 35:8b cho biết: “Kẻ nào ô-uế sẽ không được đi qua; song nó sẽ dành cho những người được chuộc”. Vì mục đích dân Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem là để tái lập sự thờ phượng thật, nên những ai có động cơ ích kỷ, thiếu tôn trọng điều thánh hoặc ô uế về thiêng liêng không được đi trên “đường thánh”. Dân Do Thái cần phải giữ tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va. Ngày nay, những ai muốn được Ngài chấp nhận cũng cần phải đáp ứng đòi hỏi đó. Họ phải “lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh” của mình (2 Cô 7:1). Vậy, chúng ta nên tránh những thực hành ô uế nào?

Sứ đồ Phao-lô viết: “Các việc làm của xác-thịt là rõ-ràng lắm: Ấy là gian-dâm, ô-uế, luông-tuồng” (Ga 5:19). Gian dâm bao gồm tất cả các hành vi tính dục liên quan đến việc sử dụng bộ phận sinh dục ngoài khuôn khổ hôn nhân. Luông tuồng muốn nói đến “phóng túng, bừa bãi, hành vi trơ trẽn hoặc hạnh kiểm dâm dật”. Cả gian dâm lẫn luông tuồng đều hoàn toàn trái ngược với sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va. Vì thế, ai tiếp tục thực hành những điều này sẽ không được phép là thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ, hoặc sẽ bị khai trừ. Điều này cũng áp dụng cho những người phạm tội ô uế nghiêm trọng, tức là “đem lòng mê-đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô-uế”.—Ê-phê 4:19.

“Ô-uế” là từ nói đến nhiều tội khác nhau. Trong tiếng Hy Lạp, từ này ám chỉ bất cứ hình thức không trong sạch nào—trong hạnh kiểm, lời nói và sự kết hợp về tôn giáo với những người không tin đạo. Nó bao gồm cả những tội không cần đến sự xét xử của ủy ban tư pháp. * Nhưng những ai thực hành những điều ô uế như thế có đang ‘làm trọn việc nên thánh’ không?

Giả sử một tín đồ Đấng Christ bắt đầu lén xem tài liệu khiêu dâm. Dần dần, khi các ham muốn xấu nảy sinh, người ấy không còn quyết tâm giữ vị thế thanh sạch trước mặt Đức Giê-hô-va nữa. Hạnh kiểm của tín đồ này có thể chưa lên đến mức phạm tội ô uế nghiêm trọng, nhưng anh không còn tiếp tục chỉ nghĩ đến những ‘điều thanh-sạch, điều có tiếng tốt, điều có nhân-đức đáng khen’ (Phi-líp 4:8). Tài liệu khiêu dâm là ô uế và chắc chắn nó sẽ phá hoại mối quan hệ của một người với Đức Chúa Trời. Chúng ta ngay cả không nên nói đến sự ô uế dù ở bất cứ hình thức nào.—Ê-phê 5:3.

Hãy xem trường hợp khác: một tín đồ Đấng Christ thường xuyên thủ dâm—hành động cố ý tự kích thích thú nhục dục. Dù người ấy có hành động cùng lúc với việc xem tài liệu khiêu dâm hay không và dù Kinh Thánh không nói đến từ “thủ dâm”, nhưng đây chắc chắn là thực hành gây ô uế về tâm trí lẫn cảm xúc. Chẳng lẽ thường xuyên hành động như thế lại không hủy hoại mối quan hệ của một người với Đức Chúa Trời và khiến người ấy trở nên ô uế trước mặt Ngài hay sao? Chúng ta hãy ghi nhớ kỹ lời Phao-lô khuyên, đó là “làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh” và “làm chết các chi-thể của [mình] ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam”.—2 Cô 7:1; Cô 3:5.

Thế gian dưới sự cai trị của Sa-tan dung túng, ngay cả cổ vũ hạnh kiểm đồi bại. Cưỡng lại cám dỗ làm những thực hành ô uế có thể là cả một thử thách. Nhưng các tín đồ Đấng Christ chân chính phải tránh “ăn-ở như người ngoại-đạo”, vì thế gian này “theo sự hư-không của ý-tưởng mình” (Ê-phê 4:17). Chỉ khi chúng ta tránh thực hành những điều ô uế, dù lén lút hay công khai, Đức Giê-hô-va mới cho phép chúng ta bước đi trên “đường thánh”.

“Trên đường đó không có sư-tử”

Để nhận được ân phước từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời thánh khiết, chúng ta có thể phải thay đổi tận gốc rễ một số điều trong lời nói và hạnh kiểm. Câu Ê-sai 35:9 cho biết: “Trên đường đó không có sư-tử, không có một thú dữ nào lên”. “Đường đó” chính là “đường thánh”. Nói theo nghĩa bóng, những người hung bạo, nói năng và hành động dữ tợn được ví như thú dữ. Họ chắc hẳn không có chỗ trong thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời (Ê-sai 11:6; 65:25). Vì thế, điều thiết yếu là những ai mong muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận phải từ bỏ những tính nết như thú dữ và theo đuổi một đời sống thánh sạch.

Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc, cùng mọi điều hung-ác” (Ê-phê 4:31). Nơi Cô-lô-se 3:8 nói: “Anh em nên trừ-bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh-nộ, buồn-giận và hung-ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục-tỉu nào ra từ miệng anh em”. Trong tiếng nguyên thủy, “mắng-nhiếc” và “nói hành” là cùng một từ, ám chỉ đến cách nói gây tổn thương, hạ thấp người khác, hoặc phạm thượng với Đức Chúa Trời.

Ngày nay, người ta rất thường nghe những lời nói thô tục và gây tổn thương, thậm chí trong gia đình. Nhiều cặp vợ chồng buông những lời cay đắng, độc ác hoặc làm mất phẩm giá của người hôn phối và con cái họ. Cách nói năng hung hăng như thế không nên có trong các gia đình tín đồ Đấng Christ.—1 Cô 5:11.

‘Làm trọn việc nên thánh’ trong sự kính sợ Đức Chúa Trời—Một ân phước!

Thật là một đặc ân khi được phụng sự Đức Chúa Trời thánh, Đức Giê-hô-va! (Giô-suê 24:19). Địa đàng thiêng liêng mà Ngài ban cho chúng ta thật rất quý giá. Giữ gìn hạnh kiểm thánh trước mắt Đức Giê-hô-va chắc chắn là lối sống tốt nhất.

Chẳng bao lâu nữa, Địa Đàng mà Đức Chúa Trời đã hứa sẽ trở thành hiện thực (Ê-sai 35:1, 2, 5-7). Những ai trông mong sống trong Địa Đàng và tiếp tục theo đuổi lối sống tin kính sẽ nhận được một chỗ ở đó (Ê-sai 65:17, 21). Trên hết, chúng ta hãy tiếp tục gìn giữ tình trạng thanh sạch về thiêng liêng khi thờ phượng Đức Chúa Trời, và duy trì một mối quan hệ mật thiết với Ngài.

[Chú thích]

^ đ. 12 Để biết thêm sự khác nhau giữa “điều ô-uế” bởi “lòng mê-đắm không biết chán” và sự ô uế, xin xem Tháp Canh số ra ngày 15-7-2006, trang 29-31.

[Hình nơi trang 26]

Dân Do Thái phải đáp ứng đòi hỏi nào nếu muốn bước đi trên “đường thánh”?

[Hình nơi trang 27]

Tài liệu khiêu dâm phá hoại mối quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 28]

“Phải bỏ khỏi anh em những sự. . . kêu-rêu, mắng-nhiếc”