Những điều chúng ta phải tránh
Những điều chúng ta phải tránh
“Hỡi dòng-dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh [“trốn”, Ghi-đê-ôn] khỏi cơn giận ngày sau?”.—MAT 3:7.
1. Kinh Thánh nói đến những trường hợp nào mà người ta phải chạy trốn?
Bạn nghĩ gì khi nghe từ “tránh” hoặc “trốn khỏi”? Một số người có thể nghĩ đến chàng Giô-sép đẹp trai chạy trốn vợ của Phô-ti-pha khi bà nắm lấy áo chàng với ý định vô luân (Sáng 39:7-12). Người khác có thể nghĩ đến các tín đồ Đấng Christ chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem vào năm 66 CN, vâng theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem. . . Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài”.—Lu 21:20, 21.
2, 3. (a) Lời phê phán của Giăng Báp-tít đối với những nhà lãnh đạo tôn giáo có nghĩa gì? (b) Chúa Giê-su đã nhấn mạnh lời cảnh báo của Giăng như thế nào?
2 Những trường hợp kể trên nói đến việc chạy trốn theo nghĩa đen. Ngày nay ở khắp nơi trên đất, tín đồ thật của Đấng Christ cũng cần khẩn trương chạy trốn theo nghĩa bóng. Giăng Báp-tít dùng từ “tránh” hay “trốn” theo nghĩa đó. Trong số những người đến gặp Giăng có những nhà lãnh đạo Do Thái giáo tự cho mình là công bình, cảm thấy không cần ăn năn. Họ coi khinh những người thường dân làm báp têm để biểu trưng sự ăn năn. Giăng đã can đảm vạch trần sự giả hình của những nhà lãnh đạo tôn giáo này, ông nói: “Hỡi dòng-dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh [“trốn”, Ghi] khỏi cơn giận ngày sau? Vậy, các ngươi hãy kết-quả xứng-đáng với sự ăn-năn”.—Mat 3:7, 8.
3 Giăng không nói đến việc chạy trốn theo nghĩa đen. Qua câu trên, ông cảnh báo về sự phán xét sắp đến, ngày thịnh nộ, và lưu ý những nhà lãnh đạo tôn giáo là nếu muốn thoát khỏi ngày đó, họ cần cho thấy kết quả chứng tỏ sự ăn năn. Sau này, Chúa Giê-su mạnh dạn lên án những người đó—mưu đồ giết người của họ cho thấy cha thật sự của họ là Ma-quỉ (Giăng 8:44). Nhấn mạnh lời cảnh báo trước đó của Giăng, Chúa Giê-su gọi họ là “dòng-dõi rắn lục” và hỏi: “Thế nào mà tránh khỏi sự đoán-phạt nơi địa-ngục [“Ghê-hen-na”, NW] được?” (Mat 23:33). Chúa Giê-su có ý nói gì qua từ “Ghê-hen-na”?
4. Qua từ “Ghê-hen-na”, Chúa Giê-su có ý nói gì?
4 Ghê-hen-na là thung lũng nằm bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem, nơi người ta thiêu rác và xác thú vật. Chúa Giê-su dùng từ Ghê-hen-na tượng trưng cho sự chết vĩnh viễn. (Xem trang 27). Câu hỏi của ngài về việc thoát khỏi Ghê-hen-na cho thấy rằng những nhà lãnh đạo tôn giáo nói chung đáng bị hủy diệt đời đời.—Mat 5:22, 29 *.
5. Lịch sử cho thấy những lời cảnh báo của Giăng và Chúa Giê-su đã xảy ra như thế nào?
5 Tội lỗi của những nhà lãnh đạo Do Thái càng chồng chất khi họ bắt bớ Chúa Giê-su và các môn đồ ngài. Sau này, như Giăng và Chúa Giê-su đã cảnh báo, ngày thịnh nộ của Đức Chúa Trời đã đến. Trong trường hợp ấy, “cơn giận ngày sau” chỉ xảy ra tại một vùng cụ thể là thành Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê, thế nên người ta có thể chạy trốn theo nghĩa đen. “Cơn giận” đã đến khi thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị quân La Mã hủy diệt vào năm 70 CN. “Hoạn-nạn” ấy lớn hơn bất cứ tai họa nào đã xảy ra tại Giê-ru-sa-lem. Nhiều người bị giết hoặc bị bắt đi làm phu tù. Điều này cho thấy một sự hủy diệt lớn hơn đang chờ đợi nhiều người xưng là tín đồ Đấng Christ và những người thuộc các tôn giáo khác.—Mat 24:21.
Tránh khỏi cơn giận sắp đến
6. Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã phát sinh điều gì?
6 Trong vòng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, một số người đã bội đạo và nhiều người theo họ (Công 20:29, 30). Lúc còn sống, các sứ đồ của Chúa Giê-su là lực “ngăn-trở” sự bội đạo, nhưng sau khi họ chết, nhiều giáo phái xưng là đạo Đấng Christ đã xuất hiện. Ngày nay có hàng trăm tôn giáo đối lập trong khối đạo xưng theo Đấng Christ. Kinh Thánh nói trước về sự xuất hiện của hàng giáo phẩm trong khối đạo ấy, miêu tả nhóm người đó là “người tội-ác” hay “kẻ nghịch cùng luật-pháp” và “con của sự hư-mất”, là kẻ mà ‘Đức Chúa Jêsus sẽ trừ-bỏ bởi sự chói-sáng của sự Ngài đến’.—2 Tê 2:3, 6-8.
7. Tại sao nhóm từ “người tội-ác” hay “kẻ nghịch cùng luật-pháp” phù hợp với hàng giáo phẩm của khối đạo xưng theo Đấng Christ?
7 Hàng giáo phẩm trong khối đạo xưng theo Đấng Christ là kẻ nghịch cùng luật pháp vì đã lừa dối hàng triệu người qua việc phổ biến những dạy dỗ, ngày lễ và hành vi trái với Kinh Thánh. Giống như các nhà lãnh đạo tôn giáo mà Chúa Giê-su lên án, ngày nay những người thờ phượng thuộc thành phần “con của sự hư-mất” đang đối mặt với sự hủy diệt và không có hy vọng sống lại (2 Tê 1:6-9). Nhưng, đối với những người bị lầm đường lạc lối bởi hàng giáo phẩm của khối đạo xưng theo Đấng Christ và giới tăng lữ của các tôn giáo sai lầm khác, thì điều gì đang chờ đón họ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét những sự kiện diễn ra sau sự hủy diệt lần đầu của thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN.
“Hãy trốn khỏi giữa Ba-by-lôn”
8, 9. (a) Giê-rê-mi có một thông điệp mang tính cách tiên tri nào cho dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn? (b) Sau khi Mê-đi và Phe-rơ-sơ chinh phục Ba-by-lôn, dân Do Thái có cơ hội trốn khỏi theo nghĩa nào?
8 Nhà tiên tri Giê-rê-mi báo trước về sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem xảy ra vào năm 607 TCN. Ông nói rằng dân Đức Chúa Trời sẽ bị bắt làm phu tù nhưng sẽ được trở về quê hương sau “bảy mươi năm” (Giê 29:4, 10). Đối với những người Do Thái bị lưu đày sang Ba-by-lôn, Giê-rê-mi có một thông điệp quan trọng; họ không được để mình bị ô uế bởi tôn giáo giả ở Ba-by-lôn. Như thế, khi đến kỳ định của Đức Chúa Trời, họ sẽ sẵn sàng trở về Giê-ru-sa-lem và tái lập sự thờ phượng thanh sạch. Điều này xảy ra không lâu sau khi Mê-đi và Phe-rơ-sơ chinh phục Ba-by-lôn vào năm 539 TCN. Vua Phe-rơ-sơ là Si-ru II ban chiếu chỉ cho người Do Thái được trở về và tái thiết đền thờ của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem.—E-xơ 1:1-4.
9 Hàng ngàn người Do Thái nắm lấy cơ hội này và lên đường trở về quê hương (E-xơ 2:64-67). Như thế, họ làm ứng nghiệm mệnh lệnh có tính cách tiên tri của Giê-rê-mi, trong trường hợp của họ, phải trốn khỏi theo nghĩa là đi đến nơi khác. (Đọc Giê-rê-mi 51:6, 45, 50). Hoàn cảnh không cho phép tất cả người Do Thái thực hiện cuộc hành trình dài trở về Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa. Những người ở lại Ba-by-lôn, như nhà tiên tri Đa-ni-ên cao tuổi, có thể nhận được ân phước của Đức Chúa Trời, miễn là họ hết lòng ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch tại Giê-ru-sa-lem và tiếp tục tránh xa sự thờ phượng giả của Ba-by-lôn.
10. “Ba-by-lôn lớn” phải chịu trách nhiệm về “sự đáng gớm-ghê” nào?
10 Ngày nay, hàng tỉ người theo nhiều tôn giáo sai lầm mà chúng ta có thể truy ra nguồn gốc từ Ba-by-lôn xưa (Sáng 11:6-9). Nói chung, những tôn giáo đó được gọi “Ba-by-lôn lớn, là mẹ kẻ tà-dâm và sự đáng gớm-ghê trong thế-gian” (Khải 17:5). Từ lâu, tôn giáo sai lầm đã ủng hộ các nhà cai trị của thế gian này. Trong những “sự đáng gớm-ghê” mà Ba-by-lôn Lớn phải chịu trách nhiệm là nhiều cuộc chiến đã khiến hàng trăm triệu người “bị giết trong thế-gian” (Khải 18:24). Những “sự đáng gớm-ghê” khác bao gồm việc lạm dụng tình dục trẻ em và các hành vi vô luân khác mà hàng giáo phẩm đã phạm nhưng giới thẩm quyền trong giáo hội lại dung túng. Chẳng ngạc nhiên gì khi Đức Chúa Trời sẽ loại trừ tôn giáo sai lầm khỏi trái đất trong một ngày gần đây.—Khải 18:8.
11. Cho đến khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, tín đồ thật của Đấng Christ có trách nhiệm nào?
11 Vì biết điều này, tín đồ thật của Đấng Christ có trách nhiệm cảnh báo những người thuộc Ba-by-lôn Lớn. Một cách để làm điều này là phân phát Kinh Thánh và các ấn phẩm do lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” xuất bản; lớp người này được Chúa Giê-su bổ nhiệm để cung cấp “đồ ăn [thiêng liêng] đúng giờ” (Mat 24:45). Đối với những người chú ý đến thông điệp của Kinh Thánh, thì có sự sắp đặt để giúp họ học hỏi Kinh Thánh. Hy vọng rằng họ sẽ nhận ra là cần phải “trốn khỏi giữa Ba-by-lôn” trước khi quá muộn.—Khải 18:4.
Tránh thờ hình tượng
12. Đức Chúa Trời có quan điểm nào về việc thờ hình tượng?
12 Một thực hành gớm ghiếc khác rất phổ biến trong Ba-by-lôn Lớn là thờ hình tượng. Đức Chúa Trời gọi các hình tượng ấy là “sự gớm-ghiếc” và “tà-thần quái-gở” (Phục 29:17). Tất cả những ai muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời phải tránh việc thờ hình tượng, phù hợp với lời Ngài phán: “Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn-trọng ta cho những tượng chạm”.—Ê-sai 42:8.
13. Chúng ta cần tránh những hình thức thờ hình tượng tinh vi nào?
13 Lời Đức Chúa Trời cũng cho thấy có những hình thức thờ hình tượng rất tinh vi. Chẳng hạn, Lời Ngài gọi sự tham lam là “thờ hình-tượng” (Cô 3:5). Kinh Thánh cấm tham muốn những gì thuộc về người khác (Xuất 20:17). Thiên sứ trở thành Sa-tan Ma-quỉ đã nuôi dưỡng lòng tham muốn được giống như Đấng Tối Cao và muốn được thờ phượng (Lu 4:5-7). Vì thế, hắn phản lại Đức Giê-hô-va và dụ dỗ Ê-va tham muốn điều mà Đức Chúa Trời cấm. Có thể nói A-đam cũng phạm tội thờ hình tượng bởi vì ông đã ích kỷ đặt tình cảm đối với vợ lên trên việc vâng lời Cha yêu thương ở trên trời. Ngược lại, tất cả những ai muốn tránh khỏi ngày thịnh nộ của Đức Chúa Trời phải thờ phượng Ngài một cách chuyên độc và kháng cự tính tham lam như thế.
“Tránh xa sự gian dâm”
14-16. (a) Tại sao Giô-sép là gương tốt về đạo đức? (b) Chúng ta nên làm gì nếu có những ham muốn nhục dục xấu xa? (c) Làm thế nào chúng ta có thể tránh xa sự gian dâm?
14 Đọc 1 Cô-rinh-tô 6:18. Khi vợ của Phô-ti-pha cố quyến rũ Giô-sép, ông đã chạy trốn. Thật là một gương tốt cho các tín đồ Đấng Christ, cả người độc thân lẫn người đã lập gia đình! Rõ ràng lương tâm của Giô-sép đã được uốn nắn qua những sự kiện trong quá khứ cho thấy quan điểm của Đức Chúa Trời. Nếu muốn vâng theo mạng lệnh “tránh sự dâm-dục” hoặc “tránh xa sự gian dâm” (theo Bản Dịch Mới), chúng ta sẽ tránh những điều có thể khơi dậy lòng ham muốn nhục dục với người không phải là người hôn phối của mình. Chúng ta được khuyên: “Hãy làm chết các chi-thể của anh em. . . tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng: bởi những sự ấy cơn giận của Đức Chúa Trời giáng trên các con không vâng-phục”.—Cô 3:5, 6.
15 Hãy lưu ý là “cơn giận của Đức Chúa Trời giáng trên các con không vâng-phục”. Nhiều người trong thế gian này có những ham muốn nhục dục sai trái và chiều theo những ham muốn đó. Vì vậy, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta cần phải cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và ban thánh linh để những ham muốn xấu xa ấy không chế ngự chúng ta. Ngoài ra, học hỏi Kinh Thánh, tham dự các buổi họp của đạo Đấng Christ và chia sẻ tin mừng với người khác sẽ giúp chúng ta “bước đi theo Thánh-Linh”. Như thế, chúng ta sẽ không “làm trọn những điều ưa-muốn của xác-thịt”.—Ga 5:16.
16 Rõ ràng, nếu xem hình ảnh khiêu dâm, chúng ta sẽ không “bước đi theo Thánh-Linh”. Tương tự thế, mỗi tín đồ Đấng Christ cần phải tránh đọc, nghe hay xem những tài liệu kích dục. Cũng vậy, dân của Đức Chúa Trời không nên thích nói đùa hoặc thảo luận một cách không đứng đắn về những vấn đề đó (Ê-phê 5:3, 4). Như thế, chúng ta cho Cha yêu thương thấy rằng chúng ta thật sự muốn tránh khỏi cơn giận của Ngài và muốn sống trong thế giới mới công bình.
Tránh “tham tiền-bạc”
17, 18. Tại sao chúng ta phải tránh “sự tham tiền-bạc”?
17 Trong thư thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô nêu bật các nguyên tắc phải ảnh hưởng đến những người làm đầy tớ theo đạo Đấng Christ, một số có lẽ muốn hưởng lợi về vật chất vì chủ họ cũng là tín đồ. Những người khác thì cố lợi dụng việc thánh để trục lợi. Sứ đồ Phao-lô cảnh báo phải tránh việc “coi sự tin-kính như là nguồn lợi [vật chất]”. Căn nguyên của vấn đề rất có thể là “sự tham tiền-bạc”, là điều có thể ảnh hưởng xấu đến bất kỳ ai, dù giàu hay nghèo.—1 Ti 6:1, 2, 5, 9, 10.
18 Kinh Thánh kể về những người mà mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời đã bị tổn hại vì “sự tham tiền-bạc” hay tham muốn những thứ không cần thiết. Bạn có nhớ đến trường hợp nào không? (Giô-suê 7:11, 21; 2 Vua 5:20, 25-27). Sứ đồ Phao-lô khuyên giục Ti-mô-thê: “Hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công-bình, tin-kính, đức-tin, yêu-thương, nhịn-nhục, mềm-mại” (1 Ti 6:11). Làm theo lời khuyên đó là điều rất quan trọng cho tất cả những ai muốn sống sót qua ngày thịnh nộ sắp đến.
“Tránh khỏi tình-dục trai-trẻ”
19. Tất cả người trẻ cần điều gì?
19 Đọc Châm-ngôn 22:15. Sự ngu dại trong lòng có thể khiến người trẻ dễ dàng lầm đường lạc lối. Sự sửa dạy dựa trên Kinh Thánh là điều có thể giúp họ tránh được vấn đề này. Đối với các tín đồ trẻ có cha mẹ không cùng đức tin, họ phải cố gắng tìm và áp dụng các nguyên tắc trong Kinh Thánh. Những người trẻ khác thì được lợi ích từ lời khuyên khôn ngoan của các tín đồ thành thục trong hội thánh. Dù người nào đưa ra lời khuyên dựa trên Kinh Thánh, việc nghe theo lời khuyên đó có thể giúp người trẻ hạnh phúc trong hiện tại lẫn tương lai.—Hê 12:8-11.
20. Làm thế nào người trẻ tìm được sự giúp đỡ để tránh xa những ham muốn sai trái?
20 Đọc 2 Ti-mô-thê 2:20-22. Nhiều người trẻ không được dạy dỗ đàng hoàng đã theo con đường ngu dại, như tinh thần cạnh tranh, tham lam, tà dâm, tham tiền bạc và theo đuổi lạc thú. Những điều này phản ánh “tình-dục trai-trẻ”, là điều mà Kinh Thánh khuyên chúng ta phải tránh. Muốn thế, một tín đồ trẻ phải cẩn thận tránh những ảnh hưởng tai hại dù chúng đến từ đâu. Điều đặc biệt hữu ích là làm theo lời khuyên hãy cùng “với kẻ lấy lòng tinh-sạch kêu-cầu Chúa” mà tìm hay đeo đuổi những đức tính tin kính.
21. Chúa Giê-su đã đưa ra lời hứa tuyệt vời nào cho các môn đồ được ví như chiên?
21 Dù già hay trẻ, chúng ta cần từ chối lắng nghe những kẻ cố làm chúng ta lầm lạc. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình muốn là những môn đồ được Chúa Giê-su ví như chiên “chạy trốn, vì chẳng quen tiếng người lạ” (Giăng 10:5). Tuy nhiên, để thoát khỏi ngày thạnh nộ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ tránh những điều tai hại. Chúng ta cũng phải đeo đuổi những tính tốt. Bài kế tiếp sẽ xem xét bảy đức tính trong số đó. Chúng ta nên xem xét thêm về điều này, vì Chúa Giê-su đưa ra lời hứa tuyệt vời: “Ta ban cho [chiên ta] sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta”.—Giăng 10:28.
Bạn trả lời thế nào?
• Chúa Giê-su đã đưa ra lời cảnh báo nào cho các nhà lãnh đạo tôn giáo?
• Ngày nay, hàng triệu người đang đứng trước tình trạng nguy hiểm nào?
• Chúng ta phải tránh những hình thức thờ hình tượng tinh vi nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Các hình nơi trang 8, 9]
Bạn nghĩ gì khi nghe từ “tránh” hoặc “trốn khỏi”?
[Chú thích]
^ đ. 4 Từ “Ghê-hen-na” trong nguyên ngữ thường được dịch là “địa ngục” trong nhiều bản Kinh Thánh.