Làm thế nào kiên trì trong thánh chức?
Làm thế nào kiên trì trong thánh chức?
Bạn có bao giờ cảm thấy kiệt quệ đến mức muốn ngưng công việc rao giảng chưa? Sự chống đối mạnh mẽ, nỗi lo lắng, sức khỏe yếu kém, áp lực bạn bè hoặc không đạt kết quả rõ ràng có thể thử thách lòng kiên trì của chúng ta. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến gương của Chúa Giê-su. Ngài đã chịu đựng những thử thách gay go nhất “vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình” (Hê 12:2). Chúa Giê-su biết rằng bằng cách chứng minh lời kẻ thù vu khống Đức Chúa Trời là hoàn toàn vô căn cứ, ngài làm Đức Giê-hô-va vui lòng.—Châm 27:11.
Qua việc kiên trì thi hành thánh chức, bạn cũng có thể làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Tuy nhiên, nếu một số trở ngại dường như đã bào mòn năng lực bạn dành cho công việc rao giảng thì sao? Chị Krystyna, cao tuổi và sức khỏe yếu kém, đã thừa nhận: “Tôi thường cảm thấy mệt mỏi và nản lòng. Những vấn đề liên quan đến tuổi già, như sức khỏe sa sút và những lo lắng về đời sống hằng ngày có thể làm giảm đi lòng sốt sắng của tôi”. Vậy, làm thế nào bạn có thể kiên trì trong thánh chức cho dù gặp những trở ngại như thế?
Noi gương các nhà tiên tri
Để kiên trì trong công việc rao giảng, những người công bố trung thành về Nước Trời cố gắng vun trồng thái độ như các nhà tiên tri thời xưa. Hãy xem gương của Giê-rê-mi. Khi được mời phụng sự với tư cách là một nhà tiên tri, lúc đầu ông do dự. Tuy nhiên, Giê-rê-mi có thể kiên trì trong nhiệm vụ khó khăn của ông hơn 40 năm vì ông hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời.—Giê 1:6; 20:7-11.
Anh Henryk được khích lệ nhờ gương của Giê-rê-mi. Anh nói: “Trong hơn 70 năm làm thánh chức, đôi khi tôi cảm thấy nản lòng vì phản ứng của người ta, sự chống đối hoặc sự thờ ơ của họ. Những lúc ấy, tôi nhớ đến gương của Giê-rê-mi. Tình yêu thương, đức tin và lòng tin cậy của ông đối với Đức Giê-hô-va đã giúp ông tiếp tục công việc tiên tri” (Giê 1:17). Anh Rafał cũng có thêm nghị lực nhờ gương của Giê-rê-mi. Anh cho biết: “Thay vì tập trung vào bản thân và cảm xúc của mình, Giê-rê-mi nương cậy nơi Đức Chúa Trời. Ông can đảm thi hành sứ mạng dù có nhiều sự thù địch. Tôi cố gắng nhớ đến điều đó”.
Một gương khác giúp nhiều người kiên trì trong thánh chức là nhà tiên tri Ê-sai. Đức Chúa Trời bảo ông rằng những người đồng xứ sẽ không nghe thông điệp ông giảng. Đức Giê-hô-va phán: “Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai”. Như thế, công việc của Ê-sai chắc chắn sẽ thất bại không? Theo quan điểm Đức Chúa Trời thì không! Khi được giao sứ mạng làm nhà tiên tri, ông nói: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8-10). Ê-sai đã kiên trì thi hành nhiệm vụ đó. Bạn có phản ứng giống như thế đối với mệnh lệnh đi rao giảng không?
Như Ê-sai, để kiên trì trong thánh chức dù người ta không hưởng ứng, chúng ta cần tránh tập trung vào những phản ứng tiêu cực. Anh Rafał vượt qua sự nản lòng theo cách này: “Tôi tránh tập trung vào những lời nói tiêu cực. Những người trong khu vực có quyền phản ứng theo bất cứ cách nào họ muốn”. Chị Anna thêm vào: “Tôi cố gắng không nghĩ đến bất cứ điều gì khiến mình khó chịu hoặc nản lòng. Điều giúp tôi làm thế là cầu nguyện và xem đoạn Kinh Thánh mỗi ngày trước khi đi rao giảng. Mọi ý nghĩ tiêu cực nhanh chóng tan biến”.
Tiên tri Ê-xê-chi-ên phụng sự giữa những người Do Thái ương ngạnh bị lưu đày tại Ê-xê 2:6). Nếu không rao báo lời Đức Chúa Trời cho người ta và người ác chết mà chưa được nghe thông điệp cảnh báo, Ê-xê-chi-ên phải chịu trách nhiệm. Đức Giê-hô-va phán với ông: “Ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi”.—Ê-xê 3:17, 18.
Ba-by-lôn (Anh Henryk cố gắng vun trồng quan điểm giống như Ê-xê-chi-ên: “Tôi muốn tinh sạch về huyết của mọi người. Tính mạng người khác đang lâm nguy” (Công 20:26, 27). Anh Zbigniew chia sẻ cảm nghĩ: “Ê-xê-chi-ên kiên trì thi hành sứ mạng bất chấp người khác nghĩ gì. Điều này giúp tôi xem công việc rao giảng theo quan điểm của Đấng Tạo Hóa”.
Bạn không đơn độc
Bạn không đơn độc khi tham gia công việc rao giảng. Như sứ đồ Phao-lô, chúng ta có thể nói: “Chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô 3:9). Chị Krystyna thừa nhận đôi khi chị bị nản lòng. Chị nói: “Vì thế mà tôi tiếp tục nài xin Đức Giê-hô-va ban cho tôi sức mạnh. Ngài luôn nhậm lời cầu xin của tôi”. Đúng vậy, chúng ta cần thánh linh Đức Chúa Trời hỗ trợ khi đi rao giảng!—Xa 4:6.
Khi tham gia thánh chức, thánh linh cũng giúp chúng ta thể hiện những đức tính hợp thành “trái của Thánh-Linh” (Ga 5:22). Các đức tính ấy giúp chúng ta kiên trì trong công việc rao giảng, cho dù có chuyện gì xảy ra. Anh Henryk thổ lộ: “Tham gia công việc rao giảng giúp tôi cải thiện nhân cách. Tôi học được tính kiên nhẫn, quan tâm và không dễ bỏ cuộc”. Bền bỉ trong thánh chức bất chấp gặp nhiều trở ngại có thể giúp bạn vun trồng trái thánh linh nhiều hơn.
Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ khi hướng dẫn công việc đặc biệt này (Khải 14:6). Kinh Thánh tiết lộ có “hàng muôn hàng ngàn” thiên sứ (Khải 5:11). Dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su, thiên sứ giúp các tôi tớ Đức Chúa Trời trên đất. Bạn có ghi nhớ điều này mỗi khi đi rao giảng không?
Chị Anna nói: “Suy ngẫm về việc các thiên sứ hỗ trợ chúng ta trong thánh chức là nguồn khích lệ đối với tôi. Tôi quý trọng sự giúp đỡ của họ dưới sự giám sát của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su”. Thật vinh dự khi được làm việc chung với các thiên sứ trung thành!
Còn về những người cùng tham gia rao giảng với chúng ta thì sao? Chúng ta có ân phước được quen biết với rất nhiều Nhân Chứng trung thành. Chắc chắn, bạn cảm nghiệm được câu châm ngôn trong Kinh Thánh sau đây là đúng: “Sắt mài nhọn sắt. Cũng vậy người bổ-dưỡng diện-mạo bạn-hữu mình”.—Châm 27:17.
Khi làm việc chung với những người công bố khác, chúng ta có cơ hội tuyệt vời là quan sát những phương pháp hữu hiệu, có lẽ mới đối với chúng ta. Chị Elżbieta nói: “Làm việc chung với nhiều người công bố cho tôi cơ hội thể hiện tình yêu thương đối với anh chị đồng đạo và với những người chúng tôi gặp trong thánh chức”. Vậy, hãy cố gắng đi rao giảng với nhiều người công bố khác nhau. Nhờ thế, thánh chức của bạn sẽ thú vị hơn.
Hãy chăm sóc chính mình
Để duy trì lòng sốt sắng trong thánh chức, chúng ta phải có thời biểu chu đáo, có thói quen thường xuyên học hỏi cá nhân và nghỉ ngơi đầy đủ. Nói cách khác, chúng ta phải chăm sóc chính mình cả về phương diện thiêng liêng lẫn thể chất.
Kinh Thánh nói: “Các ý-tưởng của người cần-mẫn dẫn đến sự dư-dật” (Châm 21:5). Anh Zygmunt, hiện nay 88 tuổi, nói: “Lập thời gian biểu tốt cho thánh chức giúp tôi đạt được mục tiêu. Tôi cẩn thận sắp xếp thì giờ để có đủ thời gian cho thánh chức”.
Có sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh sẽ củng cố và trang bị chúng ta để thi hành công việc rao giảng. Như chúng ta cần thực phẩm để có sức làm việc, cũng thế chúng ta phải đều đặn dùng thức ăn thiêng liêng để tiếp tục tham gia công việc rao giảng. Nuôi dưỡng mình bằng Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày và tiếp nhận “đồ ăn đúng giờ” có thể tiếp sức cho chúng ta thi hành thánh chức.—Mat 24:45-47.
Chị Elżbieta đã có những thay đổi cơ bản trong đời sống để cải thiện thánh chức. Chị
nói: “Tôi đã giảm được khá nhiều thời gian xem tivi, nhờ thế tôi có thêm thời gian chuẩn bị cho công việc rao giảng. Mỗi tối, khi đọc Kinh Thánh, tôi nghĩ về những người tôi gặp trong khu vực. Tôi nghiên cứu các câu Kinh Thánh và các bài có thể giúp được họ”.Nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp bạn giữ được sức lực tốt và bạn có thể tham gia trọn vẹn vào thánh chức. Trái lại, giải trí quá nhiều ảnh hưởng không tốt đến chất lượng công việc của bạn. Anh Andrzej, một người công bố sốt sắng, lưu ý: “Nghỉ ngơi không đủ có thể khiến kiệt sức và dẫn đến nản lòng. Tôi làm bất cứ điều gì để tránh điều đó xảy ra”.
Mặc dù chúng ta nỗ lực rất nhiều nhưng chỉ ít người quý trọng tin mừng. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bao giờ quên công việc của chúng ta (Hê 6:10). Ngay cả nếu có nhiều người không muốn nói chuyện với chúng ta, họ có thể nói về cuộc viếng thăm sau khi chúng ta đi khỏi. Theo một cách nào đó, kết quả có thể giống với những gì chúng ta đọc về Ê-xê-chi-ên: Người ta sẽ “biết rằng ở giữa mình đã có một đấng tiên-tri” (Ê-xê 2:5). Chắc chắn, thánh chức của chúng ta không dễ dàng nhưng chúng ta nhận được những lợi ích rõ ràng từ công việc này và những người hưởng ứng cũng thế.
Anh Zygmunt cho biết: “Tham gia rao giảng giúp chúng ta mặc lấy nhân cách mới cũng như thể hiện tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận”. Anh Andrzej thêm vào: “Quả là một đặc ân khi được tham gia vào công việc cứu người. Công việc này sẽ không bao giờ được lặp lại với quy mô rộng lớn và với hoàn cảnh như hiện nay”. Vậy, khi kiên trì tham gia thánh chức, bạn cũng nhận được vô vàn ân phước.—2 Cô 4:1, 2.
[Các hình nơi trang 31]
Chăm sóc về phương diện thiêng liêng lẫn thể chất giúp chúng ta kiên trì trong thánh chức