Anh từng có đặc ân? Anh có thể vươn lên không?
Anh từng có đặc ân? Anh có thể vươn lên không?
Anh từng có trách nhiệm trong hội thánh? Có lẽ anh đã là tôi tớ thánh chức hoặc trưởng lão. Có thể anh đã phụng sự trọn thời gian. Chắc hẳn anh cảm thấy vui và thỏa nguyện sâu xa khi phụng sự, nhưng vì một lý do nào đó anh phải từ bỏ đặc ân ấy.
Có lẽ anh đã quyết định như thế nhằm chăm sóc gia đình. Nguyên nhân khác có thể là tuổi già hoặc sức khỏe kém. Những quyết định ấy không phải là dấu hiệu của sự thất bại (1 Ti 5:8). Vào thế kỷ thứ nhất, Phi-líp là một giáo sĩ nhưng sau đó ông về sống ở Sê-sa-rê và chăm sóc cho gia đình (Công 21:8, 9). Về già, vua Đa-vít của xứ Y-sơ-ra-ên xưa sắp đặt cho con là Sa-lô-môn lên nối ngôi (1 Vua 1:1, 32-35). Dù vậy, Phi-líp lẫn Đa-vít vẫn được Đức Giê-hô-va yêu thương, quý mến và được nhiều người kính trọng cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, có thể anh đã mất đặc ân phụng sự vì lý do nào đó. Vì một hành động thiếu khôn ngoan chăng? Hay vì các vấn đề trong gia đình? (1 Ti 3:2, 4, 10, 12). Có thể anh cảm thấy lý do mất đặc ân là không chính đáng, và cho đến nay anh vẫn còn giận.
Anh có thể vươn tới đặc ân phụng sự một lần nữa
Mất đặc ân phụng sự có phải là tình trạng không thể thay đổi không? Không hẳn thế. Tuy nhiên, để có lại đặc ân phụng sự, anh phải có ước muốn vươn tới (1 Ti 3:1). Nhưng tại sao có ước muốn đó? Vì tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và với những người phụng sự Ngài, đây cũng là lý do khiến anh dâng mình cho Đức Chúa Trời. Nếu anh sẵn sàng biểu lộ tình yêu thương ấy bằng cách đảm nhận trách nhiệm một lần nữa thì Đức Giê-hô-va có thể dùng những kinh nghiệm mà anh đã thu thập từ trước và sau khi mất đặc ân.
Hãy nhớ lại lời Đức Giê-hô-va đảm bảo với dân Y-sơ-ra-ên sau khi Ngài đã lấy lại đặc ân của dân ấy với lý do chính đáng. Lời Ngài nói: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi; bởi cớ đó, các ngươi là con trai Gia-cốp, chẳng bị diệt-vong” (Mal 3:6). Đức Giê-hô-va đã yêu thương dân Y-sơ-ra-ên và muốn dùng họ trong tương lai. Ngài cũng quan tâm đến anh và muốn cho anh thêm trách nhiệm trong tương lai. Anh có thể làm gì trong hoàn cảnh hiện tại? Phục vụ hội thánh tùy thuộc vào mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va hơn là khả năng. Vì vậy, khi anh không còn trách nhiệm trong hội thánh như trước, hãy chú tâm vào việc củng cố thiêng liêng tính của mình.
Để “mạnh-mẽ” trong đức tin, anh phải “tìm kiếm Chúa và sức lực Ngài” (1 Cô 16:13; Thi 105:4, Bản Dịch Mới). Một cách anh có thể làm điều này là qua lời cầu nguyện tha thiết. Khi trình bày hoàn cảnh của mình với Đức Giê-hô-va, hãy nói rõ cảm xúc và xin Ngài ban thánh linh. Làm thế, anh sẽ đến gần Đức Giê-hô-va hơn, và được vững mạnh (Thi 62:8; Phi-líp 4:6, 13). Một cách khác để củng cố thiêng liêng tính là cải tiến việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Vì giờ đây có ít trách nhiệm trong hội thánh, anh có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc học hỏi cá nhân và cho gia đình, có lẽ lập lại thói quen học hỏi mà trước đây anh thấy khó giữ.
Dĩ nhiên, anh vẫn là Nhân Chứng, đại điện cho Đức Giê-hô-va (Ê-sai 43:10-12). Đặc ân cao quý nhất mà mỗi chúng ta có thể có là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô 3:9). Gia tăng hoạt động trong thánh chức là một cách tuyệt vời để anh củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và giúp các anh chị cùng đi rao giảng với anh cũng làm thế.
Đối phó với cảm xúc
Mất đặc ân phụng sự có thể làm anh cảm thấy xấu hổ hoặc ân hận. Có thể anh có khuynh hướng tự bào chữa cho những hành động của mình. Tuy nhiên, nếu các anh có trách nhiệm đã lắng nghe lời biện hộ nhưng họ vẫn cảm thấy anh không nên tiếp tục giữ một đặc ân nào đó thì sao? Cảm nghĩ tiêu cực về các trưởng lão có thể vẫn dai dẳng, ngăn trở anh vươn tới hoặc ngay cả làm cho anh khó rút ra bài học từ lỗi lầm đó. Chúng ta hãy xem xét làm thế nào những kinh nghiệm của ông Gióp, Ma-na-se và Giô-sép có thể giúp một người đối phó với cảm xúc tiêu cực.
Gióp đã đại diện cho người khác trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va, là trưởng lão và quan xét trong cộng đồng tộc trưởng (Gióp 1:5; 29:7-17, 21-25). Rồi vào thời kỳ đẹp nhất trong đời, Gióp đã mất tài sản, con cái và sức khỏe. Cùng với những mất mát ấy, ông cũng mất danh tiếng trước mắt những người khác. Gióp nói: “Kẻ trẻ tuổi hơn tôi nhạo-báng tôi”.—Gióp 30:1.
Gióp hoàn toàn cảm thấy mình vô tội và muốn tự bào chữa trước mặt Đức Giê-hô-va (Gióp 13:15). Tuy nhiên, ông đã sẵn sàng chờ đợi Ngài, và điều này mang lại kết quả tốt. Ông học rằng ông cần được sửa dạy, đặc biệt là về cách đã phản ứng khi bị thử thách (Gióp 40:1-3; 42:3, 6). Cuối cùng, vì khiêm nhường nên Gióp được Đức Chúa Trời ban phước dồi dào.—Gióp 42:10-13.
Nếu mất một đặc ân vì đã có hành động sai trái, anh có thể thắc mắc không biết Đức Giê-hô-va và các anh em đồng đạo có thật sự tha thứ và bỏ qua lỗi lầm của mình chưa. Hãy xem xét trường hợp của vua Ma-na-se xứ Giu-đa. Ông đã “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va quá chừng, chọc giận Ngài hoài” (2 Vua 21:6). Tuy nhiên, khi chết Ma-na-se đã được phục hồi vương quyền và trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Tại sao lại như thế?
Ma-na-se cuối cùng đã chấp nhận sự sửa dạy. Sau khi ông lờ đi lời cảnh báo, Đức Giê-hô-va đã dùng quân A-si-ri phạt ông. Họ xiềng ông và đày sang xứ Ba-by-lôn xa xôi. Ở đấy, Ma-na-se đã “cầu-khẩn Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người và hạ mình xuống lắm trước mặt Đức Chúa Trời của tổ-phụ người. Ma-na-se cầu-nguyện cùng Ngài”. Thành thật ăn năn thúc đẩy Ma-na-se sửa sai, và ông đã được tha thứ.—2 Sử 33:12, 13.
Hiếm khi những đặc ân đã mất được phục hồi cùng một lúc. Tuy nhiên, với thời gian có thể anh sẽ nhận một ít trách nhiệm. Chấp nhận những trách nhiệm này và cố gắng hoàn thành thường sẽ dẫn đến những trách nhiệm khác. Nhưng điều này không luôn dễ dàng. Có khi anh sẽ cảm thấy thất vọng. Dù thế, tinh thần sẵn sàng và kiên trì sẽ mang lại kết quả tốt.
Hãy xem trường hợp của Giô-sép, con trai Gia-cốp. Lúc 17 tuổi, Giô-sép bị các anh bán Sáng 37:2, 26-28). Đó hẳn không phải là cách ông mong các anh đối xử với mình. Tuy nhiên, ông chấp nhận hoàn cảnh, tiếp tục làm việc và nhờ ân phước của Đức Giê-hô-va ông được ‘chủ đặt cai-quản cửa-nhà’ (Sáng 39:4). Sau đó, Giô-sép bị bỏ tù. Nhưng ông vẫn chứng tỏ lòng trung thành và Đức Giê-hô-va đã ở với ông. Vì vậy, cuối cùng ông được giao coi sóc mọi việc trong tù.—Sáng 39:21-23.
làm nô lệ một cách bất công (Giô-sép đã không hiểu rằng mọi việc xảy ra nhằm vào một mục đích. Ông chỉ tiếp tục làm những gì trong khả năng. Do đó, Đức Giê-hô-va đã có thể dùng ông để bảo tồn dòng họ dẫn đến Dòng Dõi được hứa từ trước (Sáng 3:15; 45:5-8). Dù không ai trong chúng ta mong rằng mình đóng vai trò quan trọng như Giô-sép, lời tường thuật được soi dẫn cho thấy Đức Giê-hô-va có phần trong việc ban đặc ân cho các tôi tớ Ngài. Hãy noi gương Giô-sép, luôn bày tỏ tinh thần sẵn sàng nhận trách nhiệm.
Học được từ những kinh nghiệm đau buồn
Ông Gióp, Ma-na-se và Giô-sép đã trải qua những kinh nghiệm đau buồn. Ba người này đã chấp nhận những điều Đức Giê-hô-va cho phép xảy ra, và mỗi người đã rút ra được những bài học quý giá. Vậy, anh có thể học được gì?
Cố gắng nhận ra bài học Đức Giê-hô-va muốn dạy. Khi phấn đấu với sự thất vọng, Gióp đã quá chú tâm đến bản thân và không thấy những vấn đề quan trọng hơn. Tuy nhiên, với sự sửa dạy đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va, ông đã thăng bằng trở lại và thừa nhận: “Tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến” (Gióp 42:3). Nếu cảm thấy bị tổn thương vì mất đặc ân, anh “chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường” (Rô 12:3). Đức Giê-hô-va có thể đang rèn luyện anh theo một cách mà anh chưa hiểu thấu.
Chấp nhận sự sửa phạt. Thoạt tiên, có thể Ma-na-se cảm thấy ông không đáng bị sửa phạt nặng đến thế. Tuy nhiên, ông đã chấp nhận điều đó, ăn năn và từ bỏ đường lối xấu. Dù anh cảm thấy thế nào về sự sửa phạt mà mình gánh chịu, “hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên”.—Gia 4:10; 1 Phi 5:6.
Hãy kiên nhẫn và sẵn sàng. Những kinh nghiệm của Giô-sép có thể dễ dàng khiến ông nuôi lòng oán giận và muốn trả thù. Thay vì thế, ông có được sự hiểu biết sâu xa và lòng thương xót (Sáng 50:15-21). Nếu anh đã thất vọng, hãy kiên nhẫn. Hãy sẵn sàng để được Đức Giê-hô-va huấn luyện.
Anh từng có trách nhiệm trong hội thánh không? Hãy để Đức Giê-hô-va có cơ hội giao cho anh những đặc ân trong tương lai. Hãy củng cố thiêng liêng tính, và làm dịu các cảm xúc bằng tính kiên nhẫn, khiêm nhường. Sẵn lòng chấp nhận bất cứ nhiệm vụ nào dành cho anh. Hãy tin rằng ‘Đức Giê-hô-va sẽ chẳng từ-chối điều tốt-lành gì cho ai ăn-ở ngay-thẳng’.—Thi 84:11.
[Câu nổi bật nơi trang 30]
Hãy làm vững mạnh đức tin qua lời cầu nguyện tha thiết
[Hình nơi trang 31]
Gia tăng hoạt động trong thánh chức là một cách tuyệt vời để anh củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 32]
Hãy để Đức Giê-hô-va có cơ hội giao cho anh những đặc ân trong tương lai