Hãy phát triển tình yêu thương anh em
Hãy phát triển tình yêu thương anh em
“Hãy bước đi trong sự yêu-thương, cũng như Đấng Christ đã yêu-thương anh em”.—Ê-PHÊ 5:2.
1. Chúa Giê-su đã nêu lên đặc điểm quan trọng nào của môn đồ ngài?
Công việc rao giảng từng nhà về tin mừng Nước Trời là đặc điểm giúp người ta nhận diện Nhân Chứng Giê-hô-va. Thế nhưng, Chúa Giê-su chọn một đặc điểm khác của tín đồ Đấng Christ để nhận diện môn đồ chân chính của ngài. Ngài phán: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”.—Giăng 13:34, 35.
2, 3. Tình yêu thương anh em tác động thế nào trên những người tham dự các buổi họp?
2 Trong xã hội, không ai có tình yêu thương như tình yêu thương giữa đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ. Như nam châm hút sắt, tình yêu thương thu hút những người phụng sự Đức Giê-hô-va hợp nhất với nhau và cũng thu hút những người có lòng thành đến với sự thờ phượng thật. Chẳng hạn, anh Marcelino, sống ở Cameroon bị mù vì tai nạn lao động. Sau tai nạn, người ta lan truyền tin đồn anh bị mù vì là phù thủy. Thay vì an ủi, mục sư và những thành viên khác đuổi anh ra khỏi hội thánh. Khi một Nhân Chứng Giê-hô-va mời anh đến nhóm họp, anh Marcelino ngần ngại. Anh không muốn bị hắt hủi một lần nữa.
3 Anh Marcelino ngạc nhiên trước những điều xảy ra tại Phòng Nước Trời. Anh được đón tiếp nồng nhiệt và được an ủi khi nghe những dạy dỗ từ Kinh Thánh. Anh bắt đầu tham dự tất cả các buổi nhóm, tiến bộ trong việc tìm hiểu Kinh Thánh và đã báp-têm vào năm 2006. Hiện nay anh chia sẻ lẽ thật cho gia đình cùng hàng xóm và có vài học hỏi Kinh Thánh. Anh Marcelino muốn những người học Kinh Thánh với mình cảm nhận được tình yêu thương mà anh nghiệm thấy trong dân sự Đức Chúa Trời.
4. Tại sao chúng ta nên ghi nhớ lời khuyên của Phao-lô là “hãy bước đi trong sự yêu-thương”?
4 Tuy tình yêu thương anh em có sức thu hút nhưng nó không tự nhiên mà có. Hãy nghĩ đến ngọn lửa trại bập bùng vào ban đêm, thu hút người ta đến gần để sưởi ấm. Họ phải thêm chất đốt, nếu không ngọn lửa sẽ tắt. Tương tự, tình yêu thương tuyệt vời trong hội thánh sẽ phai nhạt nếu mỗi tín đồ Đấng Christ không cố gắng phát huy. Chúng ta làm điều đó như thế nào? Sứ đồ Phao-lô trả lời: “Hãy bước đi trong sự yêu-thương, cũng như Đấng Christ đã yêu-thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế-lễ, như một thức hương có mùi thơm” (Ê-phê 5:2). Câu hỏi cần xem xét là: “Tôi có thể bước đi trong sự yêu thương qua những cách nào?”.
“Hãy mở rộng lòng anh em!”
5, 6. Tại sao Phao-lô khuyến khích anh em ở Cô-rinh-tô “mở rộng lòng”?
5 Sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô thời xưa: “Hỡi người Cô-rinh-tô, miệng chúng tôi hả ra vì anh em, lòng chúng tôi mở rộng. Chẳng phải chúng tôi hẹp-hòi đãi anh em, nhưng ấy là lòng anh em 2 Cô 6:11-13). Tại sao Phao-lô khuyến khích anh em ở Cô-rinh-tô mở rộng tình yêu thương?
tự làm nên hẹp-hòi. Hãy báo-đáp chúng tôi như vậy—tôi nói với anh em như nói với con-cái mình—cũng hãy mở rộng lòng anh em!” (6 Hãy xem xét sự khởi đầu của hội thánh Cô-rinh-tô xưa. Sứ đồ Phao-lô đến thành phố Cô-rinh-tô vào mùa thu năm 50 CN. Dù công việc rao giảng ở đấy khởi đầu gặp nhiều khó khăn nhưng ông không bỏ cuộc. Trong một thời gian ngắn, nhiều người trong thành đó đã tin nơi tin mừng. Khoảng “một năm sáu tháng”, Phao-lô cố gắng hết sức để dạy dỗ và củng cố hội thánh mới. Rõ ràng ông rất yêu thương anh em ở Cô-rinh-tô (Công 18:5, 6, 9-11). Họ có mọi lý do để yêu thương và kính trọng Phao-lô. Tuy nhiên, một số người trong hội thánh xa lánh ông. Có lẽ vài người không thích lời khuyên thẳng thắn của ông (1 Cô 5:1-5; 6:1-10). Những người khác có lẽ đã nghe lời vu khống của “các sứ đồ siêu đẳng” (2 Cô 11:5, 6, Bản Dịch Mới). Phao-lô muốn tất cả anh em thành thật yêu thương ông. Vì vậy, Phao-lô khuyến khích họ “mở rộng lòng” bằng cách đến gần ông cũng như những anh em đồng đạo khác.
7. Làm thế nào chúng ta có thể “mở rộng lòng” trong việc thể hiện tình yêu thương anh em?
7 Còn chúng ta thì sao? Làm thế nào chúng ta có thể “mở rộng lòng” trong việc thể hiện tình yêu thương anh em? Những người cùng lứa tuổi hoặc cùng chủng tộc có thể dễ đến gần nhau hơn. Những người cùng sở thích trong việc giải trí thường dành nhiều thời gian với nhau. Nhưng nếu sở thích giúp chúng ta gần gũi một số anh em lại ngăn cách mình với các anh em khác thì chúng ta cần “mở rộng lòng”. Thật khôn ngoan khi tự hỏi: “Tôi có ít đi rao giảng hoặc sinh hoạt chung với các anh chị không cùng nhóm bạn tôi thân thiết không? Tại Phòng Nước Trời, tôi có ít tiếp xúc với những người mới vì nghĩ rằng cần phải có thời gian họ mới trở thành bạn của tôi? Trong hội thánh, tôi có chào hỏi anh chị lớn tuổi và trẻ tuổi không?”.
8, 9. Lời khuyên của Phao-lô nơi Rô-ma 15:7 giúp chúng ta chào hỏi nhau như thế nào để phát triển tình yêu thương anh em?
8 Về vấn đề chào hỏi nhau, lời Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma có thể giúp chúng ta vun trồng quan điểm đúng về anh em. (Đọc Rô-ma 15:7). Từ Hy Lạp được dịch là “tiếp lấy” có nghĩa “tiếp đón cách tử tế hay niềm nở, nhận một người là bạn mình”. Vào thời Kinh Thánh, khi chủ nhà niềm nở tiếp đón bạn bè, người đó cho các bạn biết ông rất vui khi gặp họ. Nói theo nghĩa bóng, Chúa Giê-su đã tiếp lấy chúng ta theo cách này, và chúng ta được khuyên noi gương ngài trong việc tiếp đón anh em đồng đạo.
9 Khi chào hỏi anh em tại Phòng Nước Trời và những nơi khác, chúng ta có thể để ý đến những người lâu nay mình không gặp hoặc những người gần đây mình chưa có dịp trò chuyện. Sao không dành ít phút nói chuyện với họ? Vào buổi họp tới, chúng ta có thể làm
thế với những anh chị khác. Sau một thời gian ngắn, chúng ta sẽ có những cuộc trò chuyện thú vị với đa số anh chị. Không cần lo lắng nếu như chúng ta không thể nói chuyện với mọi người trong ngày. Không ai bực mình nếu chúng ta không thể chào hỏi họ tại mỗi buổi nhóm họp.10. Mọi thành viên trong hội thánh có cơ hội vô giá nào, và chúng ta có thể tận dụng cơ hội đó như thế nào?
10 Chào hỏi người khác là bước đầu tiên để tiếp đón họ. Đó là bước có thể dẫn đến những cuộc thảo luận thú vị và tình bạn lâu dài. Chẳng hạn, khi những người đến dự hội nghị tự giới thiệu mình với người khác và bắt đầu nói chuyện, họ mong sẽ gặp nhau lần tới. Những người tình nguyện xây dựng Phòng Nước Trời thường trở thành bạn thân vì họ biết các tính tốt của nhau qua thời gian làm việc chung, những người tham gia công việc cứu trợ cũng thế. Trong tổ chức của Đức Giê-hô-va có nhiều cơ hội để xây dựng tình bạn lâu dài. Nếu “mở rộng lòng”, chúng ta sẽ có thêm bạn và làm vững mạnh tình yêu thương giúp chúng ta hợp nhất trong sự thờ phượng thật.
Dành thời gian cho người khác
11. Như được ghi nơi Mác 10:13-16, Chúa Giê-su đã nêu gương mẫu nào?
11 Như Chúa Giê-su, mọi tín đồ Đấng Christ cố gắng là người dễ đến gần. Hãy xem cách Chúa Giê-su phản ứng khi các môn đồ cố ngăn cha mẹ đem con trẻ đến với ngài. Ngài phán: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy”. Rồi “ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho” (Mác 10:13-16). Hãy hình dung những em này hẳn vui mừng biết bao vì được Thầy Vĩ Đại tỏ lòng quan tâm đầy yêu thương như thế!
12. Điều gì có thể cản trở chúng ta nói chuyện với người khác?
12 Mỗi tín đồ Đấng Christ nên tự hỏi: “Tôi có sẵn sàng dành thời gian cho người khác không, hay tôi thường cho họ thấy mình quá bận rộn?”. Một số thói quen thì không xấu nhưng đôi khi nó có thể gây trở ngại cho việc trò chuyện. Chẳng hạn, nếu chúng ta thường sử dụng điện thoại di động hoặc đeo tai nghe trước sự hiện diện của người khác, như thế chẳng khác nào chúng ta gửi cho họ thông điệp là mình không thích trò chuyện. Nếu người khác thường thấy chúng ta mải mê với máy tính cầm tay, có lẽ họ nghĩ rằng chúng ta không muốn nói chuyện với họ. Dĩ nhiên “có kỳ nín-lặng”, nhưng khi có người ở xung quanh chúng ta, đó thường là “kỳ nói ra” (Truyền 3:7). Một số người có thể nói: “Tôi thích ở một mình” hoặc “Tôi không thích nói chuyện vào buổi sáng”. Tuy nhiên, trò chuyện thân thiện ngay cả khi chúng ta không muốn làm thế là bằng chứng của tình yêu thương “chẳng kiếm tư-lợi”.—1 Cô 13:5.
13. Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê có quan điểm nào về các anh chị đồng đạo?
13 Phao-lô khuyến khích người trẻ Ti-mô-thê tôn trọng mọi thành viên trong hội thánh. (Đọc 1 Ti-mô-thê 5:1, 2). Chúng ta cũng nên đối xử với các anh chị lớn tuổi như thể họ là cha mẹ chúng ta, với những người trẻ như anh chị em ruột. Khi có thái độ đó, không anh chị em nào cảm thấy xa lạ với chúng ta.
14. Cuộc trò chuyện có tính xây dựng với người khác mang lại một số lợi ích nào?
14 Khi tham gia vào những cuộc trò chuyện mang tính xây dựng, chúng ta góp phần củng cố người khác về thiêng liêng và giúp họ cảm thấy hạnh phúc và thỏa lòng. Một anh làm việc tại nhà Bê-tên trìu mến nhớ lại khi anh mới vào, vài thành viên cao tuổi thường dành thời gian nói chuyện với anh. Những lời khích lệ của họ khiến anh cảm thấy mình là một thành viên được quý mến. Giờ đây, anh cố gắng noi gương họ bằng cách trò chuyện với các anh chị khác trong gia đình Bê-tên.
Sự khiêm nhường giúp chúng ta làm hòa
15. Điều gì cho thấy chúng ta không tránh khỏi những bất đồng?
15 Hai nữ tín đồ ở thành Phi-líp xưa là Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ dường như thấy khó giải quyết vấn đề nảy sinh giữa họ (Phi-líp 4:2, 3). Mọi người đều biết cuộc tranh cãi dữ dội giữa Phao-lô và Ba-na-ba, trong một thời gian họ không đi chung với nhau nữa (Công 15:37-39). Hai lời tường thuật này cho thấy những người thờ phượng thật không tránh khỏi các bất đồng. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta để giải quyết các xung đột và phục hồi tình bạn. Tuy nhiên, Ngài đòi hỏi chúng ta một điều.
16, 17. (a) Trong việc giải quyết các xung đột cá nhân, tính khiêm nhường quan trọng thế nào? (b) Làm thế nào lời tường thuật về lúc Gia-cốp tiến đến gần Ê-sau cho thấy giá trị của sự khiêm nhường?
16 Hãy tưởng tượng bạn sắp lái xe đi chơi xa với một người bạn. Trước khi khởi hành, bạn phải tra chìa vào ổ khóa và bắt đầu khởi động máy. Tiến trình giải quyết những bất đồng cá nhân cũng bắt đầu với chiếc chìa khóa, đó là sự khiêm nhường. (Đọc Gia-cơ 4:10). Như gương trong Kinh Thánh sau đây cho thấy, chìa khóa ấy giúp những người bất hòa với nhau bắt đầu áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh.
17 Hai mươi năm đã trôi qua từ khi Ê-sau cay đắng và muốn giết người em song sinh là Gia-cốp vì mất quyền trưởng nam. Sau ngần ấy thời gian, anh em song sinh này sắp gặp lại nhau, “Gia-cốp rất sợ-hãi và sầu-não”. Ông nghĩ rất có thể Ê-sau sẽ tấn công mình. Tuy nhiên khi gặp mặt, Gia-cốp đã làm một điều mà Ê-sau không ngờ. Khi đến gần Ê-sau, ông “sấp mình xuống đất”. Điều gì xảy ra sau đó? “Ê-sau chạy đến trước mặt người, ôm choàng cổ mà hôn, rồi hai anh em đều khóc”. Nguy cơ xảy ra cuộc chiến bị đẩy lùi. Tính khiêm nhường của Gia-cốp giúp ông vượt qua bất kỳ sự thù ghét nào mà Ê-sau có lẽ đã nung nấu trong lòng.—Sáng 27:41; 32:3-8; 33:3, 4.
18, 19. (a) Khi nảy sinh những xung đột cá nhân, tại sao việc chúng ta chủ động áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh là quan trọng? (b) Nếu lúc đầu người khác không phản ứng cách tích cực, tại sao chúng ta không nên bỏ cuộc?
18 Kinh Thánh chứa những lời khuyên tuyệt diệu về việc giải quyết các xung đột (Mat 5:23, 24; 18:15-17; Ê-phê 4:26, 27) *. Tuy nhiên, nếu không khiêm nhường áp dụng lời khuyên ấy, chúng ta sẽ khó làm hòa. Chờ đợi người khác biểu lộ tính khiêm nhường không phải là giải pháp khi chúng ta cũng nắm giữ chìa khóa.
19 Nếu việc cố gắng chủ động làm hòa dường như không có kết quả vì một lý do nào đó, chúng ta không nên tuyệt vọng. Người kia có lẽ cần thời gian để thay đổi suy nghĩ. Các anh của Giô-sép đã đối xử tệ bạc với ông. Lâu rồi họ không gặp Giô-sép, giờ đây ông là tể tướng của nước Ê-díp-tô. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã thay đổi và nài xin được tha thứ. Giô-sép tha lỗi cho họ, và các con trai Gia-cốp trở thành một dân tộc có đặc ân mang danh Đức Giê-hô-va (Sáng 50:15-21). Qua việc duy trì sự hòa thuận giữa các anh chị, chúng ta góp phần vào sự vui mừng và hợp nhất của hội thánh.—Đọc Cô-lô-se 3:12-14.
Hãy yêu thương “bằng việc làm và lẽ thật”
20, 21. Qua việc Chúa Giê-su rửa chân cho các sứ đồ, chúng ta rút ra được bài học nào?
20 Không lâu trước khi chịu chết, Chúa Giê-su phán cùng các sứ đồ: “Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi” (Giăng 13:15). Ngài vừa rửa chân cho 12 sứ đồ. Chúa Giê-su làm điều đó không chỉ vì theo phong tục hoặc thể hiện lòng tử tế. Trước khi tường thuật về việc Chúa Giê-su rửa chân cho các sứ đồ, Giăng viết: “Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế-gian, thì cứ yêu cho đến cuối-cùng” (Giăng 13:1). Tình yêu thương đối với các sứ đồ đã thúc đẩy Chúa Giê-su làm công việc thường chỉ dành cho đầy tớ. Vậy, giờ đây họ phải khiêm nhường đối xử với nhau cách yêu thương. Thật thế, tình yêu thương chân thành nên thôi thúc chúng ta thể hiện sự quan tâm với tất cả anh chị em đồng đạo.
21 Sứ đồ Phi-e-rơ, người từng được Con Đức Chúa Trời rửa chân, hiểu được ý nghĩa của hành động Chúa Giê-su đã làm. Ông viết: “Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu-thương anh em cách thật-thà, nên hãy yêu nhau sốt-sắng hết lòng” (1 Phi 1:22). Sứ đồ Giăng, người cũng được Chúa Giê-su rửa chân, viết: “Hỡi các con-cái bé-mọn, chớ yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (1 Giăng 3:18). Mong sao chúng ta hãy thể hiện tình yêu thương anh em qua hành động.
[Chú thích]
^ đ. 18 Xem sách Được tổ chức để thi hành thánh chức rao giảng, trang 138-145.
Bạn còn nhớ không?
• Chúng ta có thể “mở rộng lòng” trong việc thể hiện tình yêu thương với nhau qua những cách nào?
• Điều gì sẽ giúp chúng ta dành thời gian cho người khác?
• Tính khiêm nhường đóng vai trò nào trong việc làm hòa?
• Điều gì nên thôi thúc chúng ta quan tâm đến anh em đồng đạo?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 21]
Hãy nồng nhiệt tiếp đón anh em đồng đạo
[Hình nơi trang 23]
Đừng bỏ lỡ cơ hội dành thời gian cho người khác