Đấng Mê-si! Đấng cứu rỗi đến từ Đức Chúa Trời
Đấng Mê-si! Đấng cứu rỗi đến từ Đức Chúa Trời
“Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại”.—1 CÔ 15:22.
1, 2. (a) Anh-rê và Phi-líp đã phản ứng thế nào khi gặp Chúa Giê-su? (b) Tại sao có thể nói chúng ta có nhiều bằng chứng về Chúa Giê-su là Đấng Mê-si hơn các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất?
Anh-rê nói với anh mình là Phi-e-rơ: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”. Ông tin chắc Chúa Giê-su người Na-xa-rét là đấng được Đức Chúa Trời chọn. Phi-líp cũng tin như thế và tìm bạn của ông là Na-tha-na-ên để báo tin: “Chúng ta đã gặp Đấng mà Môi-se có chép trong luật-pháp, và các đấng tiên-tri cũng có nói đến; ấy là Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét, con của Giô-sép”.—Giăng 1:40, 41, 45.
2 Bạn có hoàn toàn tin Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã được hứa trước, “Đấng làm cội-rễ sự cứu-rỗi” của Đức Giê-hô-va không? (Hê 2:10). Ngày nay chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy ngài là Đấng Mê-si hơn các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất. Lời Đức Chúa Trời cung cấp bằng chứng rõ ràng Chúa Giê-su là Đấng Christ, từ khi ngài được sinh ra cho đến khi sống lại. (Đọc Giăng 20:30, 31). Kinh Thánh cũng cho thấy Chúa Giê-su từ trên trời sẽ tiếp tục hoàn thành vai trò Đấng Mê-si (Giăng 6:40; đọc 1 Cô-rinh-tô 15:22). Dựa vào những điều học được từ Kinh Thánh, bạn cũng có thể nói rằng bạn “đã gặp Đấng Mê-si”. Nhưng trước tiên hãy xem xét làm thế nào các môn đồ thời ban đầu có thể kết luận ngay rằng họ đã gặp Đấng Mê-si.
“Sự mầu-nhiệm” về Đấng Mê-si dần dần được tiết lộ
3, 4. (a) Làm thế nào các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất “đã gặp Đấng Mê-si”? (b) Tại sao bạn có thể nói rằng chỉ một mình Chúa Giê-su có thể làm ứng nghiệm các lời tiên tri về Đấng Mê-si?
3 Làm thế nào các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất có thể khẳng định ngài là Đấng Mê-si? Qua các nhà tiên tri, Đức Giê-hô-va dần dần tiết lộ những dấu hiệu để nhận diện Đấng Mê-si sắp đến. Một học giả Kinh Thánh ví việc này như tiến trình ráp những mảnh rời của một pho tượng đá cẩm thạch. Hãy hình dung nhiều người chưa bao giờ biết nhau, mỗi người mang một mảnh của pho tượng vào căn phòng. Nếu những mảnh này khớp với nhau và tạo thành pho tượng hoàn chỉnh, hẳn bạn sẽ kết luận rằng có một người đứng đằng sau đã gửi từng mảnh của pho tượng ấy cho mỗi người. Như mỗi mảnh của pho tượng, mỗi lời tiên tri về Đấng Mê-si đều cung cấp thông tin quan trọng về ngài.
4 Vậy, tất cả các lời tiên tri về Đấng Mê-si có thể nào lại ngẫu nhiên ứng nghiệm nơi một người không? Một nhà nghiên cứu nói rằng “tỉ lệ chênh lệch quá lớn” nên không ai có thể làm ứng nghiệm các lời tiên tri một cách ngẫu nhiên! Vì thế, ông nói: “Chúa Giê-su—và trong suốt lịch sử chỉ một mình ngài—mới có thể làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri như thế”.
5, 6. (a) Sa-tan sẽ bị phán xét như thế nào? (b) Đức Chúa Trời dần dần tiết lộ “dòng-dõi” đã hứa như thế nào?
5 Trọng tâm của những lời tiên tri về Đấng Mê-si là một “sự mầu-nhiệm”. “Sự mầu-nhiệm” ấy có nhiều khía cạnh liên quan đến vấn đề hoàn vũ, cũng bao gồm sự phán xét Sa-tan Ma-quỉ là “con rắn xưa”, kẻ đã đẩy nhân loại vào tội lỗi và sự chết (Cô 1:26, 27; Sáng 3:15; Khải 12:9). Vậy, điều đó được thực thi như thế nào? Đức Giê-hô-va đã báo trước “dòng-dõi” do “người nữ” sinh ra sẽ giày đạp đầu con rắn, nhờ đó loại trừ nguyên nhân của sự phản loạn, bệnh tật và sự chết. Tuy nhiên, trước hết Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan cắn gót chân “dòng-dõi” người nữ theo nghĩa tượng trưng.
6 Đức Giê-hô-va đã dần dần tiết lộ ai là “dòng-dõi” được hứa. Ngài phán với Áp-ra-ham: “Các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước” (Sáng 22:18). Môi-se nói trước đấng này sẽ là “một đấng tiên-tri” lớn hơn ông (Phục 18:18, 19). Đa-vít được bảo đảm, đồng thời các nhà tiên tri về sau cũng khẳng định, rằng Đấng Mê-si sẽ là hậu duệ của Đa-vít và thừa kế ngôi vua đời đời.—2 Sa 7:12, 16; Giê 23:5, 6.
Chúa Giê-su hội đủ điều kiện là Đấng Mê-si
7. Chúa Giê-su ra từ “người nữ” của Đức Chúa Trời bằng cách nào?
7 Tổ chức gồm những tạo vật thần linh trên trời được ví như vợ của Đức Chúa Trời. Và Ngài đã sai Con Ngài, tạo vật đầu tiên, rời tổ chức đó để trở thành “dòng-dõi” được hứa trước. Điều này đòi hỏi Con độc sanh của Ngài phải “tự bỏ” đời sống trên trời và được sinh ra là một người hoàn toàn (Phi-líp 2:5-7; Giăng 1:14). Bà Ma-ri đã được thánh linh “che-phủ”, nhờ đó con được sinh ra được “xưng là Con Đức Chúa Trời”.—Lu 1:35.
8. Khi làm báp têm, Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm lời tiên tri về Đấng Mê-si như thế nào?
8 Lời tiên tri về Đấng Mê-si cho biết Chúa Giê-su sẽ xuất hiện ở đâu và khi nào. Chúa Giê-su được sinh ra ở Bết-lê-hem như được tiên tri (Mi 5:1). Vào thế kỷ thứ nhất, người Do Thái rất mong đợi Đấng Mê-si. Đoán trước Đấng Mê-si sẽ xuất hiện, họ hỏi: “Giăng phải là Đấng Christ chăng?”. Nhưng Giăng trả lời: “Có một Đấng quyền-phép hơn ta sẽ đến” (Lu 3:15, 16). Khi đến gặp Giăng vào mùa thu năm 29 CN để làm báp têm vào lúc 30 tuổi, Chúa Giê-su cho thấy Đấng Mê-si đã xuất hiện đúng thời điểm (Đa 9:25). Sau đó, ngài bắt đầu làm công việc thánh chức đầy hào hứng, rao giảng rằng: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần”.—Mác 1:14, 15.
9. Dù không hiểu mọi chi tiết, các môn đồ Chúa Giê-su đã tin chắc điều gì?
9 Dù dân Do Thái có lý do để tung hô Chúa Giê-su là vua, nhưng lúc đó họ không hiểu rõ ngài sẽ cai trị trong tương lai và từ trên trời (Giăng 12:12-16; 16:12, 13; Công 2:32-36). Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su hỏi: “Các ngươi thì xưng ta là ai?”, Phi-e-rơ đã không ngần ngại trả lời rằng: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Mat 16:13-16). Một dịp khác, khi nhiều môn đồ bỏ Chúa Giê-su vì họ vấp phạm về một sự dạy dỗ của ngài, Phi-e-rơ cũng trả lời như thế.—Đọc Giăng 6:68, 69.
Hãy nghe Đấng Mê-si
10. Tại sao Đức Giê-hô-va nhấn mạnh việc cần phải lắng nghe Con Ngài?
10 Trên trời, Con độc sanh của Đức Chúa Trời là tạo vật thần linh đầy quyền năng. Trên đất, ngài đại diện cho Cha khi nói: “Ta từ nơi Cha mà đến” (Giăng 16:27, 28). Ngài cho biết: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến” (Giăng 7:16). Trong lần Chúa Giê-su hóa hình, Đức Giê-hô-va đã xác nhận Con Ngài là Đấng Mê-si khi phán: “Hãy nghe Người” (Lu 9:35). Đúng vậy, chúng ta hãy lắng nghe, tức vâng lời, đấng được Đức Chúa Trời chọn. Điều này đòi hỏi có đức tin và làm việc lành—hai điều thiết yếu để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và nhận sự sống vĩnh cửu.—Giăng 3:16, 35, 36.
11, 12. (a) Những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất không công nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si vì những lý do nào? (b) Ai đã đặt đức tin nơi Chúa Giê-su?
11 Dù có nhiều bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, phần lớn những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất đã chối bỏ ngài. Tại sao? Vì họ có quan điểm riêng về Đấng Mê-si, cho rằng ngài phải là đấng lãnh đạo, giải thoát họ khỏi sự áp bức của La Mã. (Đọc Giăng 12:34). Vì vậy, họ không chấp nhận Đấng Mê-si, người làm ứng nghiệm các lời tiên tri nói rằng ngài sẽ bị khinh dể, chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm và cuối cùng bị giết (Ê-sai 53:3, 5). Ngay cả một vài môn đồ trung thành của Chúa Giê-su cũng thất vọng khi ngài không giải cứu họ khỏi ách đô hộ. Nhưng họ vẫn tiếp tục trung thành và theo thời gian, họ có được sự hiểu biết chính xác.—Lu 24:21.
12 Một lý do khác khiến người ta không công nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si là vì sự dạy dỗ của ngài, trong đó có nhiều điều họ khó chấp nhận. Muốn vào Nước Trời, họ phải “từ bỏ bản thân”, “ăn thịt” và “uống huyết” của Chúa Giê-su, được “sanh lại” và “không thuộc về thế-gian” (Mác 8:34, Bản Dịch Mới; Giăng 3:3; 6:53; 17:14, 16). Những người giàu, kiêu ngạo và giả hình cho rằng những điều này quá khó. Tuy nhiên, những người Do Thái khiêm nhường đã chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, và một số người Sa-ma-ri cũng thế khi họ nói: “Chính Ngài thật là Cứu-Chúa của thế-gian”.—Giăng 4:25, 26, 41, 42; 7:31.
13. Chúa Giê-su đã bị “cắn gót chân” theo nghĩa tượng trưng như thế nào?
13 Chúa Giê-su báo trước ngài sẽ bị các thầy tế lễ cả kết án và dân ngoại đóng đinh, nhưng đến ngày thứ ba ngài sẽ sống lại (Mat 20:17-19). Chúa Giê-su quả quyết trước Tòa Công Luận rằng ngài là “Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời”, và vì vậy bị xem là phạm thượng (Mat 26:63-66). Phi-lát nhận thấy Chúa Giê-su “không làm điều gì đáng chết”, nhưng vì người Do Thái cũng cáo buộc ngài tội nổi loạn nên Phi-lát đã “phó Đức Chúa Jêsus cho mặc ý họ” (Lu 23:13-15, 25). Vì thế, người Do Thái đã “chối-bỏ” và âm mưu giết “Chúa của sự sống”, bất kể rất nhiều bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời đã sai ngài đến (Công 3:13-15). Đấng Mê-si đã “bị trừ đi” như được báo trước, bị đóng đinh trên cây khổ hình vào ngày Lễ Vượt Qua năm 33 CN (Đa 9:26, 27; Công 2:22, 23). Khi chết một cách đau đớn như thế, Chúa Giê-su bị “cắn gót chân” như được tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15.
Tại sao Đấng Mê-si chết?
14, 15. (a) Đức Giê-hô-va để Chúa Giê-su chết vì hai lý do nào? (b) Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã làm gì?
14 Đức Giê-hô-va để cho Chúa Giê-su chết vì hai lý do quan trọng. Thứ nhất, sự trung thành của Chúa Giê-su cho đến chết làm sáng tỏ một khía cạnh quan trọng của “sự mầu-nhiệm”. Ngài chứng minh một cách trọn vẹn rằng người hoàn toàn có thể giữ “sự tin-kính” chuyên độc và ủng hộ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, bất kể những thử thách khắc nghiệt nhất của Sa-tan (1 Ti 3:16). Thứ nhì, như Chúa Giê-su nói, ‘Con người đã đến để phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người’ (Mat 20:28). “Giá chuộc” này trả cho án tội lỗi mà con cháu A-đam phải gánh chịu, và mở đường đến sự sống vĩnh cửu cho những ai chấp nhận Chúa Giê-su là đấng Đức Chúa Trời dùng để cứu nhân loại.—1 Ti 2:5, 6.
15 Sau ba ngày ở trong mồ, Đấng Christ được sống lại. Trong vòng 40 ngày, ngài hiện ra với các môn đồ để chứng minh ngài được sống lại và ban thêm nhiều chỉ thị cho họ (Công 1:3-5). Sau đó, ngài lên trời trình diện cho Đức Giê-hô-va giá trị của sự hy sinh quý báu, và chờ đợi đến thời điểm được hiện diện với tư cách là Vua Mê-si. Trong thời gian đó, ngài có nhiều việc phải làm.
Hoàn thành vai trò là Đấng Mê-si
16, 17. Hãy miêu tả vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Mê-si sau khi ngài lên trời.
16 Kể từ khi được sống lại, suốt nhiều thế kỷ, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục giám sát các hoạt động của hội thánh đạo Đấng Christ mà ngài cai trị với tư cách là vua (Cô 1:13). Vào đúng thời điểm, ngài bắt đầu thi hành quyền làm vua của Nước Đức Chúa Trời. Các lời tiên tri trong Kinh Thánh và những biến cố trên thế giới khẳng định điều đó đã bắt đầu vào năm 1914, và đây cũng là khởi đầu “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự” (Mat 24:3, NW; Khải 11:15). Không lâu sau, Chúa Giê-su dẫn đầu các thiên sứ đánh đuổi Sa-tan và các quỉ khỏi trời.—Khải 12:7-10.
17 Chúa Giê-su khởi xướng công việc rao giảng và dạy dỗ vào năm 29 CN, và hiện nay công việc này gần đến đỉnh điểm. Chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ thi hành sự đoán xét. Về phần những người như chiên—những người chấp nhận ngài là đấng Đức Giê-hô-va dùng để cứu nhân loại—Chúa Giê-su nói họ sẽ “nhận lấy nước thiên-đàng đã sắm-sẵn cho [họ] từ khi dựng nên trời đất” (Mat 25:31-34, 41). Những ai không chấp nhận ngài là vua sẽ bị hủy diệt khi ngài lãnh đạo đội quân thiên sứ tẩy sạch mọi điều ác. Rồi Chúa Giê-su sẽ xiềng Sa-tan và quăng hắn cùng các quỉ vào “vực sâu”.—Khải 19:11-14; 20:1-3.
18, 19. Với tư cách là Đấng Mê-si, Chúa Giê-su sẽ thực hiện điều gì? Và nhân loại biết vâng lời sẽ nhận được ân phước nào?
18 Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, Chúa Giê-su sẽ làm tròn mọi danh hiệu của ngài, chẳng hạn ‘Đấng Mưu-luận, Đức Chúa Trời Quyền-năng, Cha Đời đời, Chúa Bình-an’ (Ê-sai 9:5, 6). Triều đại của ngài sẽ giúp loài người đạt đến tình trạng hoàn toàn, kể cả những người được sống lại (Giăng 5:26-29). Đấng Mê-si sẽ hướng dẫn loài người biết vâng lời đến “những suối nước sống”, nhờ đó họ có thể hòa thuận lại với Đức Giê-hô-va. (Đọc Khải-huyền 7:16, 17). Sau thử thách cuối cùng, mọi kẻ phản nghịch kể cả Sa-tan và các quỉ sẽ bị “quăng xuống hồ lửa và diêm”. Đó là khi “con rắn” bị giày đạp đầu.—Khải 20:10.
19 Chúa Giê-su hoàn thành vai trò Đấng Mê-si một cách trọn vẹn và tuyệt diệu biết bao! Địa đàng sẽ đầy dẫy những người được chuộc, là những người sẽ sống mãi trong hạnh phúc với sức khỏe hoàn hảo. Mọi sự sỉ nhục danh thánh của Đức Giê-hô-va đều bị xóa bỏ, và quyền tối thượng hoàn vũ của Ngài sẽ được biện minh. Thật là một món quà quý giá dành cho tất cả những ai vâng lời đấng được Đức Chúa Trời chọn!
Bạn “đã gặp Đấng Mê-si” chưa?
20, 21. Bạn có những lý do nào để nói với người khác về Đấng Mê-si?
20 Kể từ năm 1914, chúng ta đang sống trong giai đoạn pa·rou·siʹa, tức thời kỳ hiện diện của Chúa Giê-su. Dù người ta không thấy sự hiện diện của ngài với tư cách là vua Nước Trời, nhưng điều này chắc chắn đã xảy ra vì các lời tiên tri được ứng nghiệm (Khải 6:2-8). Tuy nhiên, như người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người ngày nay lờ đi bằng chứng về sự hiện diện của Đấng Mê-si. Họ cũng muốn có đấng lãnh đạo hoặc ít nhất là đấng cai trị họ qua một chính phủ loài người. Dù vậy, có lẽ bạn đã nhận biết Chúa Giê-su hiện nay đang cai trị với tư cách là vua Nước Trời. Bạn không nức lòng khi biết điều đó sao? Như các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất, hẳn bạn muốn tuyên bố: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si’.
21 Ngày nay, khi nói về lẽ thật, bạn có nhấn mạnh vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Mê-si không? Làm thế, bạn sẽ càng biết ơn những gì Chúa Giê-su đã làm, đang làm và sẽ làm cho bạn. Như Anh-rê và Phi-líp, hẳn bạn đã nói với người thân và bạn bè về Đấng Mê-si. Hãy chia sẻ những điều hào hứng mà bạn vừa học được với họ, cho họ biết Chúa Giê-su quả thật là Đấng Mê-si, đấng Đức Chúa Trời dùng để cứu nhân loại!
Bạn giải thích thế nào?
• Các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất “đã gặp Đấng Mê-si” như thế nào?
• Chúa Giê-su chết vì hai lý do quan trọng nào?
• Chúa Giê-su sẽ làm gì để hoàn thành vai trò là Đấng Mê-si?
[Câu hỏi thảo luận]
[Các hình nơi trang 21]
Làm thế nào những người vào thế kỷ thứ nhất có thể nói rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si?
[Hình nơi trang 23]
Khi nói với người khác, bạn có nhấn mạnh vai trò Chúa Giê-su là Đấng Mê-si không?