Bạn có lý do để vui mừng
Bạn có lý do để vui mừng
Từ tế bào nhỏ nhất cho đến những thiên hà khổng lồ hợp lại thành quần thiên hà và siêu quần thiên hà, tất cả đều cho thấy có sự trật tự. Điều này không có gì là ngạc nhiên, vì Đấng Tạo Hóa “không phải là Đức Chúa Trời hỗn loạn” (1 Cô 14:33, Bản Dịch Mới). Sự sắp đặt của Đức Chúa Trời trong việc thờ phượng cũng gây ấn tượng. Hãy xem xét điều Đức Giê-hô-va đã làm. Ngài đã tạo ra một vũ trụ trật tự gồm hàng trăm triệu tạo vật thông minh—trong thể xác thịt cũng như thể thần linh—có tự do ý chí, hợp nhất trong sự thờ phượng thanh sạch. Thật tuyệt vời làm sao!
Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, phần tổ chức của Đức Chúa Trời ở trên đất được tượng trưng bởi Giê-ru-sa-lem, là nơi đền thờ Đức Giê-hô-va tọa lạc và nơi ở của vua được Ngài bổ nhiệm. Một người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn đã nói lên cảm xúc của mình về thành thánh này: “Nguyện lưỡi ta mắc cứng nơi vòm miệng nếu ta không nhớ đến Giê-ru-sa-lem; không đặt Giê-ru-sa-lem làm niềm vui tuyệt đỉnh của ta”.—Thi 137:6, BDM.
Đó có phải là cảm xúc của bạn về tổ chức của Đức Chúa Trời ngày nay không? Tổ chức của Ngài có mang lại nhiều niềm vui cho bạn hơn bất cứ điều gì không? Con cái bạn có hiểu biết về lịch sử và hoạt động của phần tổ chức Đức Chúa Trời ở trên đất không? Các em có biết ơn vì được thuộc về đoàn thể anh em quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va không? (1 Phi 2:17). Sao không thực hiện những gợi ý sau đây trong buổi tối dành cho Buổi thờ phượng của gia đình, hầu giúp gia đình bạn gia tăng sự hiểu biết và lòng biết ơn đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va?
Nhớ lại “buổi ngày xưa”
Hằng năm, các gia đình người Y-sơ-ra-ên thường nhóm lại để cử hành Lễ Vượt Qua. Khi kỳ lễ được thiết lập, Môi-se chỉ dẫn dân sự: “Một mai con trai ngươi hỏi rằng: Điều đó có ý-nghĩa chi? thì hãy đáp rằng: Ấy vì cớ Đức Giê-hô-va đã dùng tay quyền-năng rút chúng ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức là nhà nô-lệ” (Xuất 13:14). Dân Y-sơ-ra-ên không được quên những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho họ. Chắc chắn nhiều người cha đã làm theo chỉ dẫn của Môi-se. Sau đó nhiều thế hệ, một người Y-sơ-ra-ên đã cầu nguyện: “Hỡi Đức Chúa Trời, lỗ tai chúng tôi có nghe, tổ-phụ chúng tôi đã thuật lại công-việc Chúa đã làm trong đời họ, buổi ngày xưa”.—Thi 44:1.
Đối với người trẻ ngày nay, lịch sử của Nhân Chứng Giê-hô-va trong hơn 100 năm qua cũng có thể giống như “buổi ngày xưa”. Làm thế nào bạn có thể giúp con cái thấy những sự kiện ấy là có thật? Một số bậc cha mẹ đã dùng sách Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời), Yearbook (Niên giám), những tự truyện được đăng trong tạp chí và các báo cáo khác về lịch sử của Nhân Chứng, kể cả DVD mới về dân Đức Chúa Trời trong thời hiện đại. Nói về các anh em bị bắt bớ trong chính quyền Liên Bang Xô Viết cũ và Đức Quốc Xã, các video đã giúp các gia đình nương cậy nơi Đức Giê-hô-va khi gặp thử thách. Hãy dùng những tài liệu này trong Buổi thờ phượng của gia đình. Nhờ đó, đức tin của con bạn được củng cố hầu có thể đối phó với thử thách về lòng trung kiên.
Tuy nhiên, thuyết giảng về lịch sử có thể khiến trẻ mau chán. Vậy hãy khuyến khích
con cái tham gia. Chẳng hạn, bạn có thể cho con chọn một nước mà con thích, tìm hiểu về lịch sử của Nhân Chứng ở nước ấy và trình bày với gia đình một số điểm con học được. Trong hội thánh, có thể có những anh em trung thành phụng sự nhiều năm mà bạn có thể mời tham dự buổi thờ phượng của gia đình vào một tối nào đó. Có lẽ con bạn có thể nói chuyện và xin họ kể lại kinh nghiệm. Hoặc bạn có thể bảo con vẽ tranh liên quan đến những sự kiện thần quyền quan trọng, như việc xây dựng một chi nhánh, một kỳ hội nghị quốc tế hay việc dùng máy quay đĩa trong thánh chức từng nhà.Học biết về cách ‘mỗi bộ phận làm trọn chức năng riêng’
Sứ đồ Phao-lô ví hội thánh của tín đồ Đấng Christ với “mọi bộ phận trong thân thể kết hợp và nâng đỡ nhau. Mỗi bộ phận đều làm trọn chức năng riêng, và cả thân thể lớn mạnh trong tình yêu thương” (Ê-phê 4:16, Bản Diễn Ý). Học biết về cách hoạt động của cơ thể sẽ gia tăng lòng biết ơn và kính trọng đối với Đấng Tạo Hóa. Tương tự, khi xem xét cách hội thánh trên thế giới hoạt động, chúng ta sẽ thán phục “sự khôn-sáng mọi đường của Đức Chúa Trời”.—Ê-phê 3:10.
Đức Giê-hô-va cho thấy cách hoạt động của tổ chức Ngài, kể cả phần ở trên trời. Chẳng hạn, Ngài cho biết rằng đầu tiên Ngài tiết lộ một sự hiện thấy cho Chúa Giê-su, rồi Chúa Giê-su “đã sai thiên-sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi-tớ Ngài, là kẻ đã rao-truyền lời Đức Chúa Trời” (Khải 1:1, 2). Nếu Đức Chúa Trời đã tiết lộ cách hoạt động của phần tổ chức vô hình trên trời, thì hẳn Ngài muốn chúng ta biết cách ‘mỗi bộ phận làm trọn chức năng riêng’ trên đất.
Chẳng hạn, nếu giám thị vòng quanh sắp đến thăm hội thánh, tại sao không thảo luận với gia đình về những trách nhiệm và đặc ân của các giám thị làm công tác lưu động? Họ giúp mỗi người chúng ta như thế nào? Có thể xem xét những câu hỏi khác như: Tại sao báo cáo rao giảng là quan trọng? Tổ chức của Đức Chúa Trời được tài trợ về tài chính như thế nào? Hội đồng lãnh đạo được tổ chức ra sao, và cung cấp thức ăn thiêng liêng như thế nào?
Khi hiểu biết cách dân Đức Giê-hô-va được tổ chức, chúng ta nhận lợi ích qua ba điều: Chúng ta càng biết ơn những người khó nhọc làm việc vì chúng ta (1 Tê 5:12, 13). Chúng ta được thúc đẩy để hỗ trợ các sắp đặt của tổ chức (Công 16:4, 5). Cuối cùng, chúng ta càng tin cậy nơi những người dẫn đầu khi thấy những quyết định và sắp đặt của họ dựa trên Kinh Thánh.—Hê 13:7.
“Hãy chăm-xem các đồn-lũy”
Kinh Thánh nói: “Hãy đi xung-quanh Si-ôn, hãy dạo vòng thành, đếm các ngọn tháp nó; Hãy chăm-xem các đồn-lũy, xem-xét các đền nó, hầu cho các ngươi thuật lại cho dòng-dõi sẽ đến” (Thi 48:12, 13). Người viết Thi-thiên khuyến khích dân Y-sơ-ra-ên “chăm-xem” Giê-ru-sa-lem. Bạn có thể hình dung những kỷ niệm quý báu mà các gia đình người Y-sơ-ra-ên có, khi họ đến thành thánh để dự các kỳ lễ hằng năm và thấy đền thờ lộng lẫy không? Hẳn họ được thôi thúc để “thuật lại cho dòng-dõi sẽ đến”.
Hãy nghĩ đến nữ vương Sê-ba, người ban đầu nghi ngờ những lời đồn về triều đại huy hoàng và sự khôn ngoan vượt bậc của Sa-lô-môn. Điều gì thuyết phục bà tin những điều đó là đúng? Bà cho biết “tôi chẳng tin lời họ”, đến khi “thấy tận mắt những điều nầy” (2 Sử 9:6). Đúng vậy, những điều chúng ta “thấy tận mắt” có thể có tác động sâu xa.
Làm thế nào bạn có thể giúp con cái “thấy tận mắt” những điều tuyệt vời trong tổ chức của Đức Giê-hô-va? Nếu gần nơi bạn sinh sống có chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, hãy đến tham quan. Khi còn nhỏ, hai chị Mandy và Bethany sống cách nhà Bê-tên của nước họ khoảng 1.500 cây số. Dù vậy, cha mẹ họ thường tổ chức những chuyến tham quan nơi này khi các con còn nhỏ. Hai chị cho biết: “Trước khi đi tham quan, chúng tôi nghĩ nhà
Bê-tên là một nơi kỷ luật và chỉ dành cho người lớn tuổi. Nhưng chúng tôi đã gặp những người trẻ làm việc chăm chỉ cho Đức Giê-hô-va và vui thích công việc! Chúng tôi đã thấy được tổ chức của Đức Giê-hô-va không chỉ là khu vực nhỏ nơi chúng tôi sinh sống, và mỗi lần đến thăm nhà Bê-tên chúng tôi được thêm sức rất nhiều về thiêng liêng”. Nhờ thấy rõ tổ chức của Đức Giê-hô-va, Mandy và Bethany được thúc đẩy làm tiên phong, sau đó họ được mời vào làm việc tạm thời ở nhà Bê-tên.Chúng ta có một cách khác để “thấy” tổ chức của Đức Giê-hô-va mà dân Y-sơ-ra-ên thời xưa không có. Trong những năm gần đây, dân Đức Chúa Trời đã nhận được các video và DVD trình bày nhiều hoạt động của tổ chức, chẳng hạn như Jehovah’s Witnesses—Organized to Share the Good News, Our Whole Association of Brothers, To the Ends of the Earth, và United by Divine Teaching (Nhân Chứng Giê-hô-va—Được tổ chức để chia sẻ tin mừng, Đoàn thể anh em của chúng ta, Cho đến đầu cùng trái đất, và Hợp nhất nhờ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời). Khi bạn và gia đình thấy sự chăm chỉ của các thành viên nhà Bê-tên, những anh chị làm công tác cứu trợ, giáo sĩ cũng như các anh chuẩn bị và tổ chức hội nghị, hẳn lòng bạn sẽ càng cảm kích trước tình anh em quốc tế.
Mỗi hội thánh của dân Đức Chúa Trời đóng vai trò quan trọng trong việc rao giảng tin mừng và hỗ trợ các anh em địa phương. Tuy nhiên, hãy dành thời gian cùng gia đình để nhớ đến đoàn thể “anh em mình ở rải khắp thế-gian”. Khi làm thế, bạn và con cái sẽ “đứng vững trong đức-tin”, biết rằng bạn có lý do để vui mừng.—1 Phi 5:9.
[Khung/Hình nơi trang 18]
Tổ chức của Đức Chúa Trời—Chủ đề nên xem xét
Chúng ta có rất nhiều tài liệu để giúp mọi người học biết thêm về lịch sử và hoạt động của tổ chức Đức Giê-hô-va. Bạn có thể bắt đầu bằng những câu hỏi sau:
☞ Công việc của các giám thị lưu động thời hiện đại bắt đầu như thế nào?—Tháp Canh, số ra ngày 15-11-1996, trang 10-15 hoặc Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời), trang 222-227.
☞ Một số điểm về lịch sử của nhà Bê-tên ở Brooklyn là gì?—Tháp Canh, số ra ngày 1-5-2009, trang 22-25.
☞ Hội đồng lãnh đạo được tổ chức như thế nào?—Tháp Canh, số ra ngày 15-5-2008, trang 29.