Ai quan trọng nhất trong đời bạn?
Ai quan trọng nhất trong đời bạn?
“Chỉ một mình Chúa... là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”.—THI 83:18.
1, 2. Liên quan đến việc được cứu rỗi, tại sao chỉ biết danh Đức Giê-hô-va thôi thì chưa đủ?
Có lẽ bạn thấy danh của Đức Giê-hô-va lần đầu tiên là khi người khác cho bạn xem Thi-thiên 83:18. Có lẽ bạn ngạc nhiên khi đọc những lời đó: “Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Kể từ đấy, chắc chắn bạn đã dùng câu Kinh Thánh này để giúp người khác biết đến Đức Chúa Trời yêu thương, Đức Giê-hô-va.—Rô 10:12, 13.
2 Đành rằng biết danh Đức Giê-hô-va là điều quan trọng đối với mọi người, nhưng chỉ như thế thì chưa đủ. Hãy lưu ý người viết Thi-thiên đã nêu bật một lẽ thật khác, thiết yếu để chúng ta được cứu rỗi: “Chỉ một mình Chúa... là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va là Đấng quan trọng nhất trong toàn vũ trụ. Là Đấng Tạo Hóa của muôn vật, Ngài có quyền đòi hỏi các tạo vật hết lòng phục tùng (Khải 4:11). Vậy, chúng ta cần tự hỏi: “Ai là quan trọng nhất trong đời tôi?”. Điều trọng yếu là chúng ta cẩn thận xem xét câu trả lời của mình!
Vấn đề được nêu trong vườn Ê-đen
3, 4. Sa-tan đã có thể lừa Ê-va như thế nào? Và kết quả là gì?
3 Sự kiện đã xảy ra trong vườn Ê-đen cho thấy tầm quan trọng của câu hỏi nêu trên. Trong vườn ấy, một thiên sứ phản nghịch sau này được biết đến là Sa-tan Ma-quỉ đã cám dỗ người nữ đầu tiên, Ê-va, để bà đặt ước muốn của mình trên mạng lệnh Đức Giê-hô-va là không ăn trái của một cây (Sáng 2:17; 2 Cô 11:3). Bà đã chiều theo cám dỗ ấy, và vì thế cho thấy thiếu lòng tôn trọng quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Ê-va không nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Đấng quan trọng nhất trong đời bà. Nhưng làm thế nào Sa-tan đã có thể lừa gạt Ê-va?
4 Sa-tan đã dùng các mánh khóe tinh vi để nói chuyện với Ê-va. (Đọc Sáng-thế Ký 3:1-5). Thứ nhất, Sa-tan đã không dùng danh của Đức Giê-hô-va. Hắn chỉ nói về “Đức Chúa Trời”. Ngược lại, người viết sách Sáng-thế Ký đã dùng danh Đức Giê-hô-va ngay câu đầu tiên của chương ấy. Thứ nhì, Sa-tan chỉ hỏi về điều Đức Chúa Trời “phán dặn”, chứ không nói về “lệnh” của Ngài (Sáng 2:16, Bản Dịch Mới). Qua cách tinh vi này, có lẽ Sa-tan đã cố làm giảm nhẹ tầm quan trọng của mạng lệnh ấy. Thứ ba, dù chỉ nói với Ê-va, hắn đã dùng đại từ số nhiều “các ngươi”. Khi làm thế, có lẽ hắn cố khơi dậy lòng kiêu ngạo của Ê-va và làm cho bà cảm thấy mình quan trọng—như thể bà là người phát ngôn cho cả hai vợ chồng. Kết quả thế nào? Dường như Ê-va đã tự tin thay mặt hai người nói với con rắn: “Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn”.
5. (a) Sa-tan đã khiến Ê-va chú ý đến điều gì? (b) Ê-va đã cho thấy gì qua việc ăn trái cấm?
5 Sa-tan cũng bóp méo sự thật. Hắn ngụ ý rằng Đức Chúa Trời không công bằng khi ra lệnh là A-đam và Ê-va “không được phép ăn trái các cây trong vườn”. Kế đến, Sa-tan khiến Ê-va nghĩ về chính mình và làm thế nào để bà có đời sống tốt hơn, trở nên “như Đức Chúa Trời”. Cuối cùng, hắn khiến bà chú ý đến cây và trái của nó hơn là mối quan hệ với Đấng đã ban cho bà mọi thứ. (Đọc Sáng-thế Ký 3:6). Đáng buồn thay, khi ăn trái của cây, Ê-va cho thấy Đức Giê-hô-va không phải là Đấng quan trọng nhất trong đời bà.
Vấn đề được nêu trong thời Gióp
6. Sa-tan đã nêu nghi vấn về lòng trung kiên của Gióp như thế nào? Và Gióp đã có cơ hội nào?
6 Nhiều thế kỷ sau, người trung thành Gióp có cơ hội cho thấy ai là quan trọng nhất trong đời ông. Khi Đức Giê-hô-va nói với Sa-tan về lòng trung kiên của Gióp, Sa-tan vặn vẹo: “Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao?”. (Đọc Gióp 1:7-10). Sa-tan không phủ nhận là Gióp vâng lời Đức Chúa Trời. Nhưng hắn đặt nghi vấn về động lực của Gióp. Hắn quỷ quyệt vu cáo rằng Gióp phụng sự Đức Giê-hô-va không phải vì tình yêu thương, nhưng vì lợi ích riêng. Chỉ có Gióp mới trả lời được lời vu cáo này, và ông đã có cơ hội để làm thế.
7, 8. Gióp đã đương đầu với những thử thách nào? Và qua việc trung thành chịu đựng, ông đã cho thấy điều gì?
7 Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan gây ra hàng loạt tai họa cho Gióp, hết tai họa này đến tai họa khác (Gióp 1:12-19). Gióp phản ứng thế nào trước hoàn cảnh thay đổi như thế? Kinh Thánh cho biết ông “không phạm tội, và chẳng nói phạm-thượng cùng Đức Chúa Trời” (Gióp 1:22). Nhưng Sa-tan vẫn không để yên. Hắn lại phàn nàn: “Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình” * (Gióp 2:4). Sa-tan cho rằng nếu chính Gióp bị đau khổ, ông sẽ quyết định Đức Giê-hô-va không phải là Đấng quan trọng nhất trong đời ông.
8 Da thịt Gióp bị thâm đen và rớt ra vì một căn bệnh kinh tởm, rồi vợ ông gây áp lực, bảo ông rủa sả Đức Chúa Trời và chết đi (Gióp 7:5). Sau đó, ba người lấy danh nghĩa là bạn đến an ủi ông thì lại cáo buộc ông có hạnh kiểm sai trái (Gióp 2:11-13; 8:2-6; 22:2, 3). Tuy nhiên, qua những đau khổ ấy, Gióp vẫn không từ bỏ lòng trung kiên của mình. (Đọc Gióp 2:9, 10). Qua việc trung thành chịu đựng, Gióp chứng tỏ Đức Giê-hô-va là quan trọng nhất trong đời ông. Gióp cũng cho thấy rằng, dù một cách có giới hạn, người bất toàn vẫn có thể đáp lại lời cáo buộc gian trá của Ma-quỉ.—So sánh Châm-ngôn 27:11.
Câu trả lời hoàn hảo của Chúa Giê-su
9. (a) Sa-tan đã cố cám dỗ Chúa Giê-su chiều theo ước muốn riêng như thế nào? (b) Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước cám dỗ ấy?
9 Không lâu sau khi Chúa Giê-su làm báp-têm, Sa-tan cố gắng cám dỗ ngài chạy theo ước muốn ích kỷ thay vì đặt Đức Giê-hô-va là Đấng quan trọng nhất trong đời. Ma-quỉ đưa ra ba cám dỗ. Thứ nhất, hắn cố khơi dậy ham muốn xác thịt, dụ dỗ Chúa Giê-su biến đá Mat 4:2, 3). Chúa Giê-su đã nhịn ăn 40 ngày và rất đói. Vì vậy, Sa-tan thúc giục ngài lạm dụng quyền năng làm phép lạ để thỏa mãn cơn đói. Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào? Không như Ê-va, người không nghe theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su chú tâm đến Lời Ngài và kháng cự cám dỗ ấy ngay lập tức.—Đọc Ma-thi-ơ 4:4.
thành bánh (10. Tại sao Sa-tan thách Chúa Giê-su gieo mình xuống từ nóc đền thờ?
10 Sa-tan cũng cố dụ dỗ Chúa Giê-su hành động cách ích kỷ. Hắn thách ngài gieo mình xuống từ nóc đền thờ (Mat 4:5, 6). Mục tiêu của Sa-tan là gì? Hắn cho rằng nếu Chúa Giê-su gieo mình xuống mà không bị thương, điều đó chứng tỏ ngài là “Con Đức Chúa Trời”. Rõ ràng Sa-tan muốn Chúa Giê-su chú tâm nhiều đến danh tiếng của ngài, thậm chí phô trương điều đó. Hắn biết rằng một người có thể liều lĩnh làm theo sự thách thức chỉ vì kiêu ngạo và không muốn mất mặt trước người khác. Sa-tan đã áp dụng sai câu Kinh Thánh, nhưng Chúa Giê-su cho thấy ngài hiểu trọn vẹn Lời Đức Giê-hô-va. (Đọc Ma-thi-ơ 4:7). Qua việc kháng cự thách thức ấy, một lần nữa Chúa Giê-su cho thấy Đức Giê-hô-va là Đấng quan trọng nhất trong đời ngài.
11. Tại sao Chúa Giê-su từ chối đề nghị của Ma-quỉ là cho ngài tất cả các nước trên thế gian?
11 Trong nỗ lực lần cuối, Sa-tan đề nghị cho Chúa Giê-su tất cả các nước trên thế gian (Mat 4:8, 9). Ngay lập tức, Chúa Giê-su từ chối đề nghị này. Ngài biết chấp nhận điều đó đồng nghĩa với việc bác bỏ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va—quyền cai trị chính đáng của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Chí Cao. (Đọc Ma-thi-ơ 4:10). Trong mỗi trường hợp, Chúa Giê-su trả lời Sa-tan bằng cách dẫn chứng câu Kinh Thánh có danh Đức Giê-hô-va.
12. Tại sao Chúa Giê-su phiền muộn, nhưng ngài đã phản ứng thế nào? Và chúng ta học được gì từ phản ứng của ngài?
12 Khi sắp kết thúc đời sống trên đất, Chúa Giê-su đối mặt với một quyết định khó khăn. Trong suốt thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su đã nói ngài sẵn lòng hy sinh sự sống (Mat 20:17-19, 28; Lu 12:50; Giăng 16:28). Tuy nhiên, Chúa Giê-su ý thức rằng ngài cũng sẽ bị vu cáo và kết án theo hệ thống luật pháp Do Thái, và bị xử tử như một kẻ phạm thượng. Cái chết như thế khiến ngài rất phiền muộn. Chúa Giê-su cầu nguyện: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con!”. Nhưng ngài nói tiếp: “Song không theo ý-muốn Con, mà theo ý-muốn Cha” (Mat 26:39). Thật vậy, không nghi ngờ gì, sự trung thành cho đến chết của Chúa Giê-su cho thấy ai là Đấng quan trọng nhất trong đời ngài!
Câu trả lời của chúng ta
13. Chúng ta học được bài học nào qua trường hợp của Ê-va, Gióp và Chúa Giê-su?
13 Chúng ta học được gì? Trong trường hợp của Ê-va, chúng ta học được rằng đối với những người chiều theo ham muốn ích kỷ hoặc nghĩ mình là quan trọng, Đức Giê-hô-va không phải là Đấng quan trọng nhất trong đời họ. Trái lại, qua cuộc đời trung kiên của Gióp, chúng ta học được là ngay cả người bất toàn cũng có thể cho thấy họ đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu bằng cách trung thành chịu đựng nghịch cảnh—thậm chí khi không hiểu rõ nguyên nhân của các vấn đề ấy (Gia 5:11). Cuối cùng, gương của Chúa Giê-su dạy chúng ta nên sẵn sàng chịu sỉ nhục và không quá chú tâm đến danh tiếng của mình (Hê 12:2). Nhưng làm thế nào chúng ta có thể áp dụng những bài học này?
14, 15. Phản ứng của Chúa Giê-su trước cám dỗ khác với Ê-va như thế nào? Và làm sao chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su? (Bình luận về hình nơi trang 18).
14 Đừng bao giờ để cám dỗ làm bạn quên Đức Giê-hô-va. Ê-va đã chú tâm đến cám dỗ ngay trước mắt. Bà thấy trái ấy “bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí” (Sáng 3:6). Thật tương phản với phản ứng của Chúa Giê-su trước ba cám dỗ! Mỗi lần, ngài đã thấy xa hơn cám dỗ trước mắt và cân nhắc hệ quả của hành động mình. Ngài nương cậy nơi Lời Đức Chúa Trời và luôn hướng sự chú ý đến Đức Giê-hô-va.
15 Khi đối mặt với những cám dỗ khiến chúng ta làm buồn lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta tập trung vào điều gì? Càng chú ý đến cám dỗ, ham muốn xấu càng mạnh hơn (Gia 1:14, 15). Chúng ta nên nhanh chóng hành động để loại bỏ ham muốn đó, thậm chí hành động ấy có thể quyết liệt như thể cắt bỏ một phần thân thể (Mat 5:29, 30). Như Chúa Giê-su, chúng ta cần tập trung vào những hệ quả của hành động mình, xem chúng sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải nhớ đến những điều được ghi lại trong Lời Ngài là Kinh Thánh. Chỉ qua cách này, chúng ta mới có thể chứng tỏ rằng Đức Giê-hô-va là Đấng quan trọng nhất trong đời mình.
16-18. (a) Điều gì có thể khiến lòng chúng ta nặng trĩu? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta đối phó với hoàn cảnh khó khăn?
16 Đừng bao giờ để những bi kịch cá nhân khiến bạn cay đắng với Đức Giê-hô-va (Châm 19:3). Càng đến gần sự kết thúc của thế gian hung ác này, càng có nhiều người trong dân của Đức Giê-hô-va bị ảnh hưởng bởi tai ương và bi kịch. Chúng ta không mong đợi được che chở bằng phép lạ vào thời nay. Như Gióp, chúng ta có thể cảm thấy lòng nặng trĩu khi mất người thân hoặc gặp khó khăn riêng.
17 Gióp không hiểu tại sao Đức Giê-hô-va để cho một số việc xảy ra, cũng thế, đôi khi chúng ta có thể không hiểu tại sao điều xấu xảy ra. Có lẽ chúng ta nghe nói về một số anh em trung thành đã mất mạng trong một trận động đất, như ở Haiti, hay trong một thảm họa thiên nhiên khác. Có thể chúng ta biết tin một anh em giữ lòng trung kiên là nạn nhân của sự hung bạo hoặc qua đời trong một tai nạn khủng khiếp. Thậm chí chúng ta có thể thấy mình phải chịu hoàn cảnh khó khăn hoặc có vẻ bất công. Chúng ta có thể phiền não và thốt lên: “Đức Giê-hô-va ôi, tại sao lại là con? Con đã làm điều gì sai?” (Ha 1:). Điều gì sẽ giúp chúng ta đương đầu với những lúc như thế? 2, 3
18 Chúng ta nên cẩn thận, không cho rằng những sự kiện đó là dấu hiệu Đức Giê-hô-va không chấp nhận chúng ta. Chúa Giê-su nêu bật điểm này khi nói đến hai bi kịch xảy ra trong thời ngài. (Đọc Lu-ca 13:1-5). Nhiều tai họa là do “thời thế và sự bất trắc” (Truyền 9:11, NW). Nhưng dù nguyên nhân gây ra đau khổ là gì, chúng ta sẽ đối phó được nếu hướng đến ‘Đức Chúa Trời của mọi sự yên-ủi’ để được giúp đỡ. Ngài sẽ ban sức lực cần thiết để chúng ta tiếp tục trung thành chịu đựng.—2 Cô 1:3-6.
19, 20. Điều gì đã giúp Chúa Giê-su chịu đựng những tình huống bị sỉ nhục? Và điều gì có thể giúp chúng ta hành động như ngài?
19 Đừng bao giờ để sự kiêu ngạo và sợ bị xấu hổ trở thành mối quan tâm chính. Nhờ khiêm nhường, Chúa Giê-su có thể “tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ” (Phi-líp 2:5-8). Ngài có thể chịu được nhiều tình huống bị sỉ nhục nhờ nương cậy nơi Đức Giê-hô-va (1 Phi 2:23, 24). Khi làm thế, Chúa Giê-su đặt ý muốn của Đức Giê-hô-va lên hàng đầu, và kết quả là ngài được nhắc lên địa vị cao trọng (Phi-líp 2:9). Chúa Giê-su cũng khuyên các môn đồ theo đuổi lối sống như ngài.—Mat 23:11, 12; Lu 9:26.
20 Đôi khi một số thử thách đức tin có thể làm chúng ta xấu hổ. Dù vậy, chúng ta nên có lòng tin cậy như sứ đồ Phao-lô. Ông viết: “Ấy lại là cớ mà ta chịu khổ. Nhưng ta chẳng hề hổ-thẹn, vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền-phép giữ sự ta đã phó-thác cho đến ngày đó”.—2 Ti 1:12.
21. Bất kể thái độ ích kỷ của thế gian, bạn quyết tâm làm gì?
21 Kinh Thánh báo trước trong thời chúng ta, người ta sẽ “tư-kỷ” (2 Ti 3:2). Vậy, không ngạc nhiên gì khi chúng ta sống giữa những người chỉ nghĩ đến mình. Mong sao chúng ta không bao giờ bị nhiễm thái độ ích kỷ như thế! Thay vì vậy, dù phải đối mặt với cám dỗ, đương đầu với bi kịch hoặc những nỗ lực nhằm làm chúng ta xấu hổ, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm chứng tỏ Đức Giê-hô-va thật sự là Đấng quan trọng nhất trong đời mình!
[Chú thích]
^ đ. 7 Một số học giả nghĩ rằng cụm từ “lấy da đền da” có thể ngụ ý Gióp sẽ ích kỷ, sẵn sàng để con cái và thú vật của ông mất da, hay mạng sống, miễn là ông có thể giữ được da hay mạng sống của mình. Những người khác nghĩ rằng cụm từ này nhấn mạnh một người có thể sẵn sàng mất một phần da để cứu mạng sống. Chẳng hạn, một người có thể giơ tay lên đỡ một cú đánh trên đầu, như thể là bị mất một phần da để cứu mạng mình. Dù có nghĩa gì đi nữa, rõ ràng thành ngữ này ngụ ý Gióp sẵn sàng từ bỏ mọi thứ miễn là ông có thể giữ mạng sống của mình.
Chúng ta có thể học được gì từ...
• cách Sa-tan lừa dối Ê-va?
• phản ứng của Gióp trước bi kịch?
• mối quan tâm chính của Chúa Giê-su?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 17]
Ê-va đã không đặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va lên hàng đầu
[Hình nơi trang 18]
Chúa Giê-su kháng cự những cám dỗ của Sa-tan và tập trung vào việc làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va
[Các hình nơi trang 20]
Rao giảng từng lều sau trận động đất ở Haiti
Trong những lúc khó khăn, chúng ta có thể hướng đến ‘Đức Chúa Trời của mọi sự yên-ủi’ để được giúp đỡ