Tin mừng mà mọi người cần
Tin mừng mà mọi người cần
“Thật vậy, Tin-lành... là quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”.—RÔ 1:16.
1, 2. Tại sao bạn rao truyền “Tin-lành của nước Đức Chúa Trời”? Và bạn nêu lên những khía cạnh nào của tin mừng?
“Tôi vui mừng được chia sẻ tin mừng mỗi ngày”. Rất có thể bạn từng nghĩ đến hoặc nói lên cảm nghĩ ấy. Là Nhân Chứng đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, bạn biết việc rao giảng ‘Tin-lành về nước Đức Chúa Trời’ quan trọng biết bao. Có lẽ bạn có thể đọc thuộc lòng lời tiên tri của Chúa Giê-su về công việc chúng ta đang thực hiện.—Mat 24:14.
2 Khi rao giảng “Tin-lành của nước Đức Chúa Trời”, bạn đang tiếp tục công việc mà Chúa Giê-su đã khởi xướng. (Đọc Lu-ca 4:43). Hẳn một khía cạnh bạn thường nêu lên là không lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ can thiệp vào các vấn đề của nhân loại. Trong “hoạn-nạn lớn”, Ngài sẽ kết liễu tôn giáo sai lầm và loại trừ sự gian ác khỏi đất (Mat 24:21). Có lẽ bạn cũng thường nói về việc Nước Đức Chúa Trời sẽ tái lập địa đàng để hòa bình và hạnh phúc tràn đầy khắp đất. Thật thế, “Tin-lành của nước Đức Chúa Trời” là một phần của tin mừng “đã rao-truyền trước cho Áp-ra-ham”, đó là ‘các dân sẽ nhờ ông mà được phước’.—Ga 3:8.
3. Tại sao chúng ta có thể nói rằng trong sách Rô-ma sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh đến tin mừng?
3 Dù vậy, có một khía cạnh quan trọng khác của tin mừng mà người ta cần biết. Trong Kinh Thánh tiếng Hy Lạp nguyên thủy, lá thư sứ đồ Phao-lô gửi cho người ở Rô-ma chỉ dùng một lần cụm từ “nước Đức Chúa Trời”, nhưng 12 lần cụm từ “Tin-lành”. (Đọc Rô-ma 14:17). Trong lá thư ấy, Phao-lô thường nhắc đến khía cạnh nào của “Tin-lành” hay tin mừng? Tại sao khía cạnh này là thiết yếu? Và khi rao giảng “Tin-lành của Đức Chúa Trời” cho người trong khu vực, tại sao chúng ta nên ghi nhớ khía cạnh này?—Mác 1:14; Rô 15:16; 1 Tê 2:2.
Điều những người ở Rô-ma cần
4. Trong thời gian bị giam lần đầu ở Rô-ma, Phao-lô đã rao giảng về điều gì?
4 Điều hữu ích là lưu ý đến những chủ đề mà Phao-lô đã viết khi ông bị giam lần đầu ở Rô-ma. Khi một số người Do Thái đến thăm, ông ‘cứ làm chứng về (1) nước Đức Chúa Trời, gắng sức khuyên-bảo họ về (2) Đức Chúa Jêsus’. Kết quả là gì? “Có người chịu tin lời người nói, có kẻ chẳng tin”. Sau đó, Phao-lô ‘tiếp-rước mọi người đến thăm mình, Công 28:17, 23-31). Rõ ràng, Phao-lô chú ý đến Nước Đức Chúa Trời. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh về điều gì? Đó là về trọng tâm của Nước Trời: vai trò của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Chúa Trời.
giảng về (1) nước Đức Chúa Trời, và dạy-dỗ về (2) Đức Chúa Jêsus-Christ’ (5. Trong sách Rô-ma, Phao-lô nói đến nhu cầu cần thiết nào?
5 Mọi người cần biết về Chúa Giê-su và đặt đức tin nơi ngài. Trong sách Rô-ma, Phao-lô nói đến nhu cầu này. Trước đó, ông đã viết về “Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm-thần hầu việc, bởi sự giảng Tin-lành của Con Ngài”. Ông nói thêm: “Thật vậy, tôi không hổ-thẹn về Tin-lành đâu, vì là quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”. Sau này ông đề cập đến “ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus-Christ mà xét-đoán những việc kín-nhiệm của loài người, y theo Tin-lành tôi”. Và ông thuật lại: “Từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung-quanh cho đến xứ I-ly-ri, tôi đã đem đạo Tin-lành của Đấng Christ * đi khắp chốn” (Rô 1:9, 16; 2:16; 15:19). Theo bạn, tại sao Phao-lô đặc biệt nói về Chúa Giê-su với người ở Rô-ma?
6, 7. Chúng ta có thể nói gì về sự bắt đầu của hội thánh ở Rô-ma? Và hội thánh ấy gồm những thành phần nào?
6 Chúng ta không biết hội thánh ở Rô-ma đã bắt đầu như thế nào. Có phải một số người Do Thái và người cải đạo có mặt vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN đã quay về Rô-ma sau khi trở thành tín đồ Đấng Christ không? (Công 2:10). Hoặc những thương gia và lữ khách là môn đồ của Chúa Giê-su đã rao truyền lẽ thật ở Rô-ma? Dù trường hợp nào đi nữa, khi Phao-lô viết sách này vào khoảng năm 56 CN, hội thánh đã được thành lập từ lâu (Rô 1:8). Hội thánh gồm những thành phần nào?
7 Một số là người Do Thái. Phao-lô gọi An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a là “bà-con”, dường như ý muốn nói họ là bà con người Do Thái. Thợ may lều A-qui-la và vợ là Bê-rít-sin sống ở Rô-ma cũng là người Do Thái (Rô 4:1; 9:3, 4; 16:3, 7; Công 18:2). Nhưng nhiều anh chị mà Phao-lô gửi lời chào thăm rất có thể là dân ngoại. Một số người có lẽ là “người nhà Sê-sa”, có thể là các nô lệ và viên chức nhỏ của Sê-sa.—Phi-líp 4:22; Rô 1:5, 6; 11:13.
8. Những người ở Rô-ma đối mặt với tình trạng đáng buồn nào?
8 Mỗi tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma phải đối mặt với tình trạng đáng buồn, và chúng ta cũng thế. Phao-lô đã nói: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời” (Rô 3:23). Rõ ràng, những người đọc lá thư này của Phao-lô cần nhận thức họ là người có tội và phải đặt đức tin nơi phương tiện Đức Chúa Trời cung cấp để khắc phục tình trạng ấy.
Nhận thức mình có tội
9. Phao-lô lưu ý đến kết quả nào có thể xảy ra nhờ tin mừng?
9 Trong phần đầu lá thư viết cho người Rô-ma, Phao-lô cho thấy một kết quả tuyệt vời đến từ tin mừng mà ông nhiều lần đề cập: “Tôi không hổ-thẹn về Tin-lành đâu, vì là quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc”. Thật vậy, con người có thể được cứu chuộc. Tuy nhiên, đức tin là cần thiết. Điều này phù hợp với lẽ thật sâu sắc được trích nơi Ha-ba-cúc 2:4: “Người công-bình sẽ sống bởi đức-tin” (Rô 1:16, 17; Ga 3:11; Hê 10:38). Nhưng “Tin-lành”—là điều có thể dẫn đến sự cứu rỗi—liên quan thế nào đến việc “mọi người đều đã phạm tội”?
10, 11. Tại sao ý niệm được đề cập nơi Rô-ma 3:23 không xa lạ với một số người, nhưng với người khác thì ngược lại?
10 Trước khi một người có thể vun trồng đức tin mang lại sự sống, người ấy phải nhận biết mình có tội. Điều này không xa lạ đối với những người tin Đức Chúa Trời từ nhỏ và phần nào quen thuộc với Kinh Thánh. (Đọc Truyền-đạo 7:20). Dù chấp nhận hay không, ít ra họ cũng hiểu lời Phao-lô nói: “Mọi người đều đã phạm tội” (Rô 3:23). Nhưng khi làm thánh chức, chúng ta có thể gặp nhiều người không hiểu lời này.
11 Trong một số xứ, người ta không có ý niệm là mình sinh ra trong tội lỗi, mắc tội di truyền. Họ có thể nhận thức rằng mình phạm sai lầm, có những tính xấu và có thể đã làm một số điều sai trái. Họ cũng thấy người khác ở trong tình trạng tương tự. Nhưng vì gốc gác, họ không thật sự hiểu tại sao mình và người khác ở trong tình trạng ấy. Trong một vài ngôn ngữ, khi nói một người có tội, người ta có thể hiểu rằng bạn muốn nói người đó là tội nhân hoặc đã vi phạm quy tắc. Rõ ràng, một người lớn lên trong môi trường như thế thì có thể không tự nhiên nghĩ mình là người tội lỗi theo định nghĩa của Phao-lô.
12. Tại sao nhiều người không tin rằng mọi người đều phạm tội?
12 Ngay cả trong những nước mà phần lớn dân tự xưng theo Chúa Giê-su, nhiều người không tin nơi ý niệm tội lỗi. Tại sao? Dù thỉnh thoảng đi nhà thờ, họ xem lời tường thuật của Kinh Thánh về A-đam và Ê-va chỉ là ngụ ngôn hay huyền thoại. Những người khác lớn lên trong môi trường ủng hộ thuyết vô thần hoặc bất khả tri. Do đó họ nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, không hiểu rằng có Đấng Tối Cao đặt tiêu chuẩn đạo đức cho con người, và việc không làm theo tiêu chuẩn ấy đồng nghĩa với tội lỗi. Theo một nghĩa nào đó, họ giống như những người ở thế kỷ thứ nhất mà Phao-lô miêu tả là “không có sự trông-cậy và không có Đức Chúa Trời”.—Ê-phê 2:12.
13, 14. (a) Đối với người không tin nơi Đức Chúa Trời và tội lỗi, một lý do mà họ “không thể chữa mình được” là gì? (b) Việc không tin nơi Đức Chúa Trời dẫn nhiều người đến thực hành nào?
13 Trong thư gửi cho người Rô-ma, Phao-lô cho biết hai lý do tại sao không thể dựa vào gốc gác để biện hộ, dù vào thời đó lẫn thời nay. Lý do thứ nhất là chính sự sáng tạo chứng minh cho sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. (Đọc Rô-ma 1:19, 20). Điều này phù hợp với điều mà Phao-lô viết cho người Hê-bơ-rơ khi ở Rô-ma: “Chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời” (Hê 3:4). Lập luận của ông cho thấy có một Đấng Tạo Hóa dựng nên cả vũ trụ.
14 Vì thế, Phao-lô có cơ sở vững chắc khi viết cho người ở Rô-ma rằng bất cứ ai—kể cả dân Y-sơ-ra-ên xưa—thờ hình tượng vô tri thì “không thể chữa mình được”. Những người chiều theo thực hành vô luân cách trái tự nhiên cũng thế (Rô 1:22-27). Phao-lô kết luận rằng “người Giu-đa và người Gờ-réc thảy đều phục dưới quyền tội-lỗi”.—Rô 3:9.
Người “làm chứng”
15. Mọi người được ban cho gì, và nó có tác dụng gì?
15 Sách Rô-ma nói đến một lý do khác tại sao người ta nên nhận thức họ là người tội lỗi và cần thoát khỏi tình trạng đáng buồn này. Nói về bộ luật Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa, Phao-lô viết: “Những kẻ có luật-pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật-pháp đoán-xét” (Rô 2:12). Ông lý luận tiếp rằng dân từ các nước hay các nhóm sắc tộc không quen thuộc với luật pháp Đức Chúa Trời thường “tự-nhiên làm những việc luật-pháp dạy-biểu”. Tại sao các dân ấy cấm việc loạn luân, giết người và trộm cắp? Phao-lô cho biết lý do: Họ có lương tâm.—Đọc Rô-ma 2:14, 15.
16. Tại sao có lương tâm không đồng nghĩa với việc tránh được tội lỗi?
16 Lương tâm hoạt động như một người làm chứng trong lòng, nhưng không có nghĩa là người ta sẽ theo sự hướng dẫn của lương tâm. Trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên xưa cho thấy điều này. Dù Đức Chúa Trời đã ban lương tâm và những điều luật cụ thể cho họ về việc cấm trộm cắp cũng như ngoại tình, họ thường làm trái lương tâm và vi phạm Luật pháp của Đức Giê-hô-va (Rô 2:21-23). Họ đáng khiển trách bội phần và rõ ràng là người tội lỗi, không hội đủ tiêu chuẩn và không làm theo ý muốn Ngài. Vì thế, mối quan hệ của họ với Đấng Tạo Hóa bị tổn hại nghiêm trọng.—Lê 19:11; 20:10; Rô 3:20.
17. Điều gì trong sách Rô-ma khích lệ chúng ta?
17 Những điều chúng ta xem xét nơi sách Rô-ma dường như là một bức tranh ảm đạm về tình trạng con người, kể cả chúng ta, trước mắt Đấng Toàn Năng. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô không dừng vấn đề ở đấy, mà ông còn trích lời của Đa-vít nơi Thi-thiên 32:1, 2: “Phước thay cho kẻ, lỗi mình được tha-thứ, tội mình được che-đậy! Phước thay cho người mà Chúa chẳng kể tội-lỗi cho!” (Rô 4:7, 8). Thật vậy, Đức Chúa Trời đã cung cấp một phương tiện để tha thứ tội lỗi mà vẫn giữ tiêu chuẩn công bình của Ngài.
Tin mừng đặt trọng tâm nơi Chúa Giê-su
18, 19. (a) Trong sách Rô-ma, Phao-lô lưu ý khía cạnh nào của “Tin-lành”? (b) Để nhận ân phước của Nước Trời, chúng ta phải nhận thức điều gì?
18 Hẳn bạn thốt lên: “Đây quả là tin mừng!”. Điều này giúp chúng ta nghĩ đến khía cạnh về tin mừng mà Phao-lô đã nhấn mạnh nơi sách Rô-ma. Như đã đề cập, Phao-lô viết: “Thật vậy, tôi không hổ-thẹn về Tin-lành đâu, vì là quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”.—Rô 1:15, 16.
19 Tin mừng ấy đặt trọng tâm nơi vai trò của Chúa Giê-su trong việc thực hiện ý định Đức Chúa Trời. Phao-lô nói ông có thể trông mong “ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus-Christ mà xét-đoán những việc kín-nhiệm của loài người, y theo Tin-lành” (Rô 2:16). Khi nói câu này, ông không giảm nhẹ tầm quan trọng của “nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời” hay những điều mà Đức Chúa Trời sẽ làm qua Nước Trời (Ê-phê 5:5). Nhưng ông cho thấy, để được sống và hưởng ân phước dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhận thức (1) tình trạng tội lỗi của mình trước mắt Đức Chúa Trời và (2) tại sao chúng ta cần thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su để được tha tội. Khi một người hiểu và chấp nhận những điều này trong ý định của Đức Chúa Trời và thấy tương lai đầy hy vọng trước mắt, người đó có lý do để thốt lên: “Đúng thế, đây quả là tin mừng!”.
20, 21. Trong thánh chức, tại sao chúng ta nên ghi nhớ tin mừng được nhấn mạnh nơi sách Rô-ma, và điều này có thể mang lại kết quả gì?
20 Chúng ta nên ghi nhớ khía cạnh này của tin mừng khi làm thánh chức. Nói về Chúa Giê-su, Phao-lô trích dẫn lời của Ê-sai: “Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ-thẹn” (Rô 10:11; Ê-sai 28:16). Một số người có thể không lạ với thông điệp cơ bản này về Chúa Giê-su vì họ phần nào biết điều Kinh Thánh nói về tội lỗi. Tuy nhiên, một số người khác thì thấy mới lạ, vì họ chưa biết hoặc không có niềm tin ấy trong văn hóa của mình. Khi bắt đầu tin có Đức Chúa Trời và những gì được ghi trong Kinh Thánh, những người ấy sẽ cần chúng ta giải thích về vai trò của Chúa Giê-su. Bài kế tiếp sẽ xem xét làm thế nào Rô-ma chương 5 khai triển khía cạnh này của tin mừng. Bạn sẽ nhận thấy bài ấy hữu ích trong thánh chức.
21 Thật là một phần thưởng lớn khi giúp những người có lòng thành hiểu về tin mừng được nhắc lại nhiều lần trong sách Rô-ma. Tin mừng ấy “là quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô 1:16). Ngoài phần thưởng ấy, chúng ta sẽ thấy nhiều người có đồng tâm tình với lời của Phao-lô được trích nơi Rô-ma 10:15: “Những bàn chân kẻ rao-truyền tin lành là tốt-đẹp biết bao!”.—Ê-sai 52:7.
[Chú thích]
^ đ. 5 Những cụm từ tương tự cũng xuất hiện trong các sách được soi dẫn khác.—Mác 1:1; Công 5:42; 1 Cô 9:12; Phi-líp 1:27.
Bạn còn nhớ không?
• Sách Rô-ma nhấn mạnh khía cạnh nào của tin mừng?
• Chúng ta cần giúp người khác hiểu điều gì?
• Làm thế nào “Tin-lành của Đấng Christ” mang lại ân phước cho chúng ta và người khác?
[Câu hỏi thảo luận]
[Câu nổi bật nơi trang 8]
Tin mừng nơi sách Rô-ma bao gồm vai trò trọng yếu của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 9]
Tất cả chúng ta đều sinh ra với khiếm khuyết dẫn đến cái chết: tội lỗi!