Tự truyện
“Tại bên hữu Chúa có điều vui-sướng vô-cùng”
Do chị Lois Didur kể lại
Trong đời, ai trong chúng ta cũng có lần nói những câu như: “Giá mà tôi đã không quyết định thế!”. Tuy nhiên, sau 50 năm phụng sự trọn thời gian, tôi không hề hối tiếc là mình đã quyết định ở bên hữu Đức Giê-hô-va. Hãy để tôi giải thích tại sao.
Tôi chào đời năm 1939 và lớn lên cùng ba chị gái, một em trai và một em gái ở vùng thảo nguyên của tỉnh Saskatchewan, Canada. Cuộc sống ở trang trại thật hạnh phúc. Ngày nọ, Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà nói chuyện với bố tôi, và tôi hỏi họ Đức Chúa Trời có tên không. Họ cho tôi xem tên ngài là Giê-hô-va nơi Thi-thiên 83:18. Điều đó khiến tôi muốn biết thêm về Đức Chúa Trời và Lời ngài.
Trong những năm đó, những đứa trẻ vùng quê từ lớp một đến lớp tám đi học tại ngôi trường mà mỗi khối học chung trong một phòng. Chúng cưỡi ngựa hoặc đi bộ nhiều cây số đến trường. Mỗi vùng, các gia đình phải chăm lo cho nhu cầu đời sống của giáo viên. Năm nọ, đến lượt bố mẹ tôi lo chỗ ở cho giáo viên mới, là anh John Didur.
Tôi đã không biết là chàng trai trẻ này cũng chú ý đến Lời Đức Chúa Trời. Một lần, khi tôi ca ngợi các chế độ mà bố tôi ủng hộ thì anh John nhẹ nhàng nói: “Không ai có quyền cai trị người khác. Chỉ Đức Chúa Trời mới có quyền làm thế”. Từ đó, nhiều cuộc trò chuyện lý thú đã bắt đầu.
Sinh năm 1931, anh John đã nghe nhiều về sự đau khổ mà chiến tranh gây ra. Khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950, anh hỏi các giới chức nhà thờ xem họ có quan điểm nào về việc tham gia chiến tranh. Tất cả đều nói rằng môn đồ Chúa Giê-su được phép tham gia chiến tranh. Sau đó, anh cũng hỏi Nhân Chứng Giê-hô-va cùng câu hỏi. Họ cho anh xem Kinh Thánh nói gì về lập trường của môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu. Anh John làm Thi 37:3, 4). Tháng 7 năm 1957, tôi và anh John kết hôn.
báp-têm năm 1955. Năm sau, tôi cũng làm báp-têm. Cả hai chúng tôi đều muốn dùng hết cuộc đời và sức lực của mình để phụng sự Đức Giê-hô-va (Có nhiều năm, ngày kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi trùng vào ngày hội nghị. Chúng tôi rất vui được kết hợp với hàng ngàn anh chị cũng quý trọng hôn nhân. Lần đầu tiên chúng tôi tham dự hội nghị quốc tế là năm 1958. Nhóm chúng tôi gồm năm người khởi hành từ Saskatchewan đến Thành phố New York. Trong một tuần, chúng tôi lái xe ban ngày và đêm thì ngủ trong lều. Thật bất ngờ khi một anh chúng tôi gặp ở Bethlehem, Pennsylvania, đã mời chúng tôi ở lại nghỉ qua đêm ở nhà anh! Nhờ lòng tử tế của anh mà chúng tôi được gọn gàng, sạch sẽ khi đến New York. Hội nghị lớn đó làm chúng tôi cảm nhận được niềm vui sướng lớn lao khi phụng sự Đức Giê-hô-va! Như người viết Thi-thiên nói: “Tại bên hữu Chúa có điều vui-sướng vô-cùng”.—Thi 16:11.
LÀM TIÊN PHONG
Một năm sau, là năm 1959, chúng tôi làm tiên phong và sống trong một nhà lưu động nhỏ trên đồi thuộc vùng thảo nguyên của Saskatchewan. Ở vị trí này, chúng tôi có thể phóng tầm nhìn xa hàng cây số, trong đó có vài cây số là khu vực rao giảng của chúng tôi.
Một hôm, nhận được thư của chi nhánh, tôi vội vàng mang thư đến cho anh John khi anh đang sửa chiếc máy kéo. Chúng tôi được mời làm tiên phong đặc biệt ở Red Lake, Ontario. Không biết nơi đó ở đâu, chúng tôi vội lấy bản đồ ra tìm.
Thật khác với vùng thảo nguyên bao la, vùng mới này có những cánh rừng lớn và những thị trấn nhỏ nằm gần các mỏ khai thác vàng. Ngày đầu tiên, khi chúng tôi đang tìm chỗ ở, một em gái nhỏ nghe thấy chúng tôi nói chuyện với hàng xóm của em. Em chạy về nhà nói với mẹ và mẹ em đã tử tế cho chúng tôi ngủ nhờ qua đêm. Chiếc giường ở trong một hầm vách đất. Hôm sau, chúng tôi tìm được một nhà gỗ có hai phòng, không có hệ thống dẫn nước và đồ nội thất, chỉ có một lò sưởi bằng thiếc và dùng củi để đốt. Chúng tôi mua vài thứ ở tiệm đồ cũ, và không lâu sau chúng tôi cảm thấy rất mãn nguyện.
Không có hội thánh nào trong vòng hơn 200km. Nhiều công nhân trong những mỏ khai thác vàng đến từ châu Âu và họ nhờ chúng tôi tìm giúp Kinh Thánh trong ngôn ngữ của họ. Trong thời gian ngắn, chúng tôi có 30 học hỏi tốt. Chưa đầy sáu tháng, một hội thánh nhỏ được thành lập.
Chồng của một học viên Kinh Thánh đã gọi điện cho linh mục đến để “chỉnh đốn” vợ anh. Trong cuộc chạm trán đó, linh mục liệt kê một số giáo lý mà chúng tôi phải dạy, trong đó có giáo lý Chúa Ba Ngôi. Người học viên đưa cho linh mục cuốn Kinh Thánh của Công giáo và đề nghị ông chứng minh những điều ông vừa nói. Ông ta ném cuốn Kinh Thánh sang bên kia bàn và nói rằng ông chẳng cần chứng minh gì hết. Khi rời khỏi, ông ta nói bằng tiếng Ukraine rằng vợ chồng đó nên đuổi chúng tôi ra khỏi nhà và không bao giờ cho vào nữa. Ông ta không biết là anh John cũng hiểu tiếng Ukraine!
Không lâu sau đó, chúng tôi rời Red Lake vì anh John sẽ được huấn luyện cho công việc vòng quanh. Tuy nhiên, khoảng một năm sau, khi anh John làm bài giảng báp-têm ở một hội nghị địa hạt, chồng của người học viên ấy nằm trong số những ứng viên báp-têm! Sự việc xảy ra với linh mục đã khiến anh bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh.
BẬN RỘN TRONG CÔNG VIỆC LƯU ĐỘNG
Trong công việc vòng quanh, chúng tôi được ở với nhiều gia đình, và đây là một niềm vui rất đặc biệt. Chúng tôi trở nên thân thiết với những anh em chia sẻ nhà và cuộc sống với chúng tôi. Một lần, chúng tôi ở một phòng trên lầu, vào mùa đông phòng này rất lạnh. Sáng sớm, chúng tôi nghe thấy chị lớn tuổi khẽ bước vào phòng để nhóm lửa lò sưởi nhỏ. Sau đó, chị mang cho chúng tôi thêm cái thau và nước nóng để dùng khi ngủ dậy. Tôi học được nhiều từ tính cách nhẹ nhàng của chị.
Công việc lưu động giúp tôi đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Tại một thị trấn mỏ ở miền Viễn Bắc, thuộc một vòng quanh ở tỉnh Alberta, chỉ có một chị Nhân Chứng. Tổ chức của Đức Giê-hô-va đã xem chị như thế nào? Mỗi sáu tháng, chúng tôi bay tới đó và dành một tuần để đi rao giảng và nhóm họp cùng chị, giống như với một hội thánh lớn ở thành phố. Đó là sự nhắc nhở nồng ấm về lòng quan tâm dịu dàng của Đức Giê-hô-va đối với mỗi một con chiên bé nhỏ của ngài.
Chúng tôi giữ liên lạc với nhiều anh chị đã cho chúng tôi ở nhờ. Việc đó làm tôi nhớ đến một trong những món quà đầu tiên anh John tặng tôi, là chiếc hộp nhiều màu đựng đầy giấy viết thư. Chúng tôi rất thích giữ liên lạc với các anh chị qua thư từ bằng những giấy viết thư ấy. Đến bây giờ tôi vẫn gìn giữ chiếc hộp đó.
Khi chúng tôi đang phục vụ tại một vòng quanh ở Toronto, một anh từ Bê-tên Canada gọi điện hỏi chúng tôi có muốn đến làm việc tại Bê-tên không. Anh ấy muốn chúng tôi trả lời ngay ngày hôm sau, nếu được! Chúng tôi đã chấp nhận lời mời đó.
PHỤNG SỰ TẠI BÊ-TÊN
Mỗi lần thay đổi nhiệm sở, chúng tôi đều cảm nhận được những niềm vui mới đến từ việc ở bên hữu Đức Giê-hô-va. Khi chúng tôi chuyển đến Bê-tên năm 1977 cũng vậy. Tại đó, chúng tôi có cơ hội kết hợp với một số anh chị được xức dầu. Điều đó giúp chúng tôi thấy không chỉ những tính cách khác nhau của họ mà cả lòng quý trọng sâu xa của họ đối với Lời Đức Chúa Trời.
Nếp sống mới trong nhà Bê-tên làm tôi cảm thấy thoải mái. Chẳng hạn, giờ đây chúng tôi cho quần áo vào tủ thay vì vali, và chúng tôi thuộc về một hội thánh. Ngoài công việc chính, tôi còn có nhiệm vụ dẫn các nhóm đi tham quan, và việc này luôn làm tôi thấy hạnh phúc. Tôi giải thích cho khách tham quan về những công việc được thực hiện ở Bê-tên, nghe những lời nhận xét cũng như trả lời những câu hỏi của họ.
Thời gian trôi qua thật nhanh. Năm 1997, anh John được mời tham dự Trường dành cho thành viên ủy ban chi nhánh ở Patterson, New York. Sau đó, tổ chức hỏi chúng tôi có muốn đến phụng sự ở Ukraine không. Chúng tôi được khuyến khích là cầu nguyện và suy nghĩ kỹ về điều này. Cuối ngày hôm đó, chúng tôi biết câu trả lời là “có”.
NHIỆM SỞ TIẾP THEO—UKRAINE
Chúng tôi đã tham dự hội nghị quốc tế lớn ở St. Petersburg, Nga, vào năm 1992 và sau đó là hội nghị ở Kiev, Ukraine, vào năm 1993. Những dịp đó khiến chúng tôi yêu mến các anh chị ở Đông Âu. Chỗ ở mới của chúng tôi tại Lviv, Ukraine, nằm ở tầng hai của một căn nhà cũ. Từ cửa sổ nhìn ra là sân có mảnh vườn nhỏ, một chú gà trống lớn màu đỏ và một đàn gà mái. Tôi cảm thấy như mình đang ở trang trại tại Saskatchewan. Mười hai người chúng tôi sống trong căn nhà ấy. Mỗi ngày, từ sáng sớm, chúng tôi lái xe qua thành phố để đến Bê-tên làm việc.
Chúng tôi cảm thấy thế nào khi ở Ukraine? Ngồi giữa nhiều anh chị đã giữ vững đức tin dù trải qua những thử thách, sự cấm đoán và nhà tù, chúng tôi thấy mình thật nhỏ bé. Khi chúng tôi khen họ, họ nói: “Chúng tôi làm vì Đức Giê-hô-va”. Họ không bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi. Thậm chí bây giờ, nếu bạn cám ơn anh chị nào đó về một hành động tử tế, anh chị ấy sẽ đáp “cám ơn Đức Giê-hô-va”, họ thừa nhận ngài chính là Nguồn của mọi điều tốt lành.
Ở Ukraine, nhiều anh chị đi bộ đến buổi nhóm họp nên họ có thời gian trò chuyện và khích lệ lẫn nhau. Có khi họ đi bộ đến một tiếng đồng hồ hoặc hơn. Ở Lviv có hơn 50 hội thánh, trong số đó có 21 hội thánh dùng chung một khu phức hợp Phòng Nước Trời. Chủ nhật, từng dòng người đổ về đây tạo thành một cảnh rất đẹp mắt.
Chúng tôi nhanh chóng cảm thấy thoải mái với các anh chị ở đây, những người cư xử mềm mại và nhiệt tình chăm sóc người khác. Khi tôi gặp vấn đề trong việc hiểu tiếng địa phương, các anh chị rất kiên nhẫn với tôi. Mắt họ thường diễn đạt nhiều như lời họ nói.
Trong lúc diễn ra hội nghị quốc tế vào năm 2003 ở Kiev, một sự việc xảy ra cho thấy sự tin cậy thật sự giữa các anh em chúng ta. Chúng tôi vừa xuống ga xe điện ngầm, một em gái bước đến chỗ chúng tôi và nói khẽ: “Cháu bị lạc. Cháu không thấy bà cháu đâu cả”. Em đã thấy phù hiệu của chúng tôi và biết chúng tôi là Nhân Chứng. Em rất dũng cảm và không khóc. Một chị đi cùng chúng tôi, vợ anh giám thị vòng quanh, nhanh chóng dẫn em đến Ban Thất lạc ở sân vận động. Chẳng mấy chốc, em được gặp lại bà mình. Tôi rất cảm động trước lòng tin cậy tuyệt vời của em gái nhỏ ấy, dù em ở trong đám đông hàng ngàn người.
Các anh chị từ nhiều nước đến Ukraine vào tháng 5 năm 2001 để tham dự lễ khánh thành chi nhánh mới. Sau bài giảng đặc biệt ở một sân vận động vào sáng chủ nhật, một dòng người đổ xuống đường để đi tham quan nhà Bê-tên mới, họ đi rất trật tự. Thật là một cảnh tượng đáng nhớ! Tôi vô cùng cảm động trước cảnh đó và càng vui sướng hơn vì được phụng sự Đức Chúa Trời.
SỰ THAY ĐỔI ĐỘT NGỘT
Đáng buồn là năm 2004, anh John được chẩn đoán là bị ung thư. Chúng tôi về Canada để anh trị bệnh. Đợt hóa trị đầu tiên gần như quá sức của anh, và anh phải ở khu chăm sóc đặc biệt trong vài tuần. Mừng thay, anh đã tỉnh lại. Dù hầu như không nói được nhưng mắt anh luôn thể hiện lòng biết ơn tất cả mọi người đến thăm.
Thế nhưng, anh đã không thể bình phục. Mùa thu năm đó, anh qua đời. Tôi cảm thấy như mất đi một phần rất lớn của mình. Anh John và tôi rất vui khi được cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi sẽ làm gì đây? Tôi đã chọn trở lại Ukraine. Tôi vô cùng biết ơn tình yêu thương nồng ấm của gia đình Bê-tên và hội thánh ở đó.
Không khi nào chúng tôi hối tiếc về những quyết định của mình. Chúng tôi đã có một cuộc đời vui sướng, với những bạn bè tốt nhất. Tôi biết vẫn còn nhiều điều để học về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va, và tôi hy vọng mình sẽ tiếp tục làm công việc của ngài đến mãi mãi vì tôi thấy ‘vui sướng vô cùng khi ở tại bên hữu Đức Giê-hô-va’.
[Câu nổi bật nơi trang 6]
“Không khi nào chúng tôi hối tiếc về những quyết định của mình”
[Hình nơi trang 3]
Trong ngày cưới
[Hình nơi trang 4]
Làm tiên phong đặc biệt ở Red Lake, Ontario
[Hình nơi trang 5]
Với anh John ở Ukraine năm 2002