Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Học từ sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su

Học từ sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su

“Hãy xem sự kiên nhẫn của Chúa chúng ta là sự cứu rỗi”.—2 PHI 3:15.

1. Một số tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va thắc mắc điều gì?

Một chị trung thành, người đã trải qua thử thách trong nhiều thập kỷ, khiêm nhường hỏi: “Không biết Ha-ma-ghê-đôn có đến trong đời tôi không?”. Một số tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va cũng thắc mắc như thế. Chúng ta mong chờ ngày Đức Chúa Trời làm muôn vật nên mới, xóa bỏ các vấn đề mà mình gặp phải (Khải 21:5). Dù chúng ta có nhiều lý do để tin rằng ngày kết liễu của thế gian gần kề, nhưng việc kiên nhẫn chờ đợi ngày ấy có thể là một thách đố.

2. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào về sự kiên nhẫn?

2 Dù vậy, Kinh Thánh cho thấy chúng ta phải kiên nhẫn. Như các tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được nhận những gì ngài hứa nếu có đức tin mạnh và kiên nhẫn đợi đến lúc ngài thực hiện những lời hứa ấy. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:11, 12). Chính Đức Giê-hô-va cũng kiên nhẫn. Ngài có thể chấm dứt sự gian ác vào bất cứ lúc nào, nhưng ngài chờ đến đúng thời điểm (Rô 9:20-24). Tại sao ngài kiên nhẫn như vậy? Chúa Giê-su bắt chước tính kiên nhẫn của Cha và nêu gương cho chúng ta như thế nào? Chúng ta sẽ nhận được lợi ích nào nếu vun trồng tính kiên nhẫn như Đức Chúa Trời? Giải đáp những câu hỏi ấy sẽ giúp chúng ta vun trồng tính kiên nhẫn và đức tin, cho dù có lúc chúng ta thắc mắc không biết tại sao Đức Giê-hô-va chưa ra tay hành động.

TẠI SAO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KIÊN NHẪN?

3, 4. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va tỏ ra kiên nhẫn trong việc thực hiện ý định đối với trái đất? (b) Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước sự phản nghịch trong vườn Ê-đen?

3 Đức Giê-hô-va kiên nhẫn vì những lý do chính đáng. Ngài luôn nắm toàn quyền trên vũ trụ, nhưng sự phản nghịch trong vườn Ê-đen đã nêu lên những nghi vấn quan trọng liên quan đến toàn vũ trụ. Đức Giê-hô-va tỏ ra kiên nhẫn, ngài biết rằng cần phải có thời gian để giải đáp những nghi vấn ấy một cách thỏa đáng. Vì biết rõ suy nghĩ và hành động của mỗi tạo vật trên trời và dưới đất, nên chắc chắn ngài đang hành động vì lợi ích của chúng ta.—Hê 4:13.

4 Ý định của Đức Giê-hô-va là con cháu của A-đam và Ê-va sẽ đầy dẫy trái đất. Khi Sa-tan dụ dỗ Ê-va, rồi A-đam bất tuân, Đức Chúa Trời vẫn không từ bỏ ý định của ngài. Ngài không hốt hoảng, hấp tấp đưa ra quyết định. Ngài cũng không phản ứng thái quá, để mặc cho loài người tự lo liệu. Thay vì thế, ngài đưa ra một giải pháp để thực hiện ý định đối với trái đất và nhân loại (Ê-sai 55:11). Để hoàn thành ý định và biện minh cho quyền tối thượng của mình, Đức Giê-hô-va rất tự chủ và kiên nhẫn, thậm chí còn đợi hàng ngàn năm để một số khía cạnh trong ý định của ngài được tiến hành theo cách tốt nhất.

5. Sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va mang lại những lợi ích nào?

5 Một lý do khác khiến Đức Giê-hô-va kiên nhẫn chờ đợi là vì ngài muốn cho nhiều người có cơ hội nhận được sự sống vĩnh cửu. Hiện giờ, ngài đang chuẩn bị để cứu “một đám đông” (Khải 7:9, 14; 14:6). Qua công việc rao giảng, Đức Giê-hô-va mời họ học về Nước Trời cũng như các tiêu chuẩn công chính của ngài. Thông điệp Nước Trời quả là “tin mừng”, đó là tin tốt nhất cho nhân loại (Mat 24:14). Những ai được Đức Giê-hô-va kéo đến sẽ kết hợp với một hội thánh quốc tế, gồm những người chân thật, yêu thích điều lành (Giăng 6:44-47). Qua những cách đó, Đức Chúa Trời yêu thương giúp họ trở thành những người được ngài chấp nhận. Trong vòng nhân loại, ngài cũng thu nhóm những người có triển vọng để làm thành viên trong chính phủ trên trời của ngài. Khi nhận được vị trí trên trời, những người tận tụy này sẽ giúp nhân loại biết vâng lời đạt đến tình trạng hoàn hảo và đời sống vĩnh cửu. Rõ ràng, trong khi kiên nhẫn chờ đợi, Đức Giê-hô-va vẫn làm việc để thực hiện lời hứa của ngài. Nhờ thế, chúng ta được lợi ích.

6. (a) Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn như thế nào vào thời Nô-ê? (b) Ngài đang kiên nhẫn như thế nào trong thời chúng ta?

6 Đức Giê-hô-va kiên nhẫn dù con người làm những điều xấu xa, chọc giận ngài. Điều này được thấy qua cách ngài xử lý vấn đề vào thời trước trận Nước Lụt. Trái đất lúc bấy giờ đầy dẫy sự hung bạo và vô luân, và Đức Giê-hô-va thấy “buồn-rầu trong lòng” (Sáng 6:2-8). Không để cho tình trạng đó kéo dài mãi, ngài quyết định giáng một trận lụt để hủy diệt những kẻ bất tuân. “Vào thời Nô-ê, khi mà Đức Chúa Trời kiên nhẫn chờ đợi”, ngài thực hiện các bước để cứu Nô-ê và gia đình (1 Phi 3:20). Vào thời điểm thích hợp, Đức Giê-hô-va cho Nô-ê biết quyết định của ngài và giao cho ông nhiệm vụ đóng một chiếc tàu (Sáng 6:14-22). Ngoài ra, Nô-ê còn “là người rao giảng sự công chính”, ông đi nói cho người xung quanh biết về sự hủy diệt sắp đến (2 Phi 2:5). Chúa Giê-su nói rằng thời của chúng ta tương tự với thời Nô-ê. Đức Giê-hô-va đã quyết định khi nào ngài sẽ chấm dứt thế gian gian ác. Không người nào biết “ngày và giờ” của biến cố đó (Mat 24:36). Trong khoảng thời gian này, chúng ta được Đức Chúa Trời giao nhiệm vụ đi cảnh báo người ta và cho họ biết phải làm gì để được cứu.

7. Có phải Đức Giê-hô-va chậm trễ thực hiện lời hứa của ngài không? Hãy giải thích.

7 Rõ ràng, việc Đức Giê-hô-va kiên nhẫn không có nghĩa là ngài chỉ chờ cho thời gian trôi qua. Chúng ta đừng bao giờ nhầm lẫn giữa sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va với sự lơ là hay thờ ơ! Tuy nhiên, khi càng lớn tuổi hoặc trải qua đau khổ trong thế gian gian ác này, chúng ta có thể khó có quan điểm đúng. Chúng ta có thể nản lòng hoặc cảm thấy Đức Giê-hô-va chậm trễ thực hiện lời hứa (Hê 10:36). Đừng bao giờ quên rằng ngài kiên nhẫn vì những lý do chính đáng, và ngài tận dụng khoảng thời gian này để mang lại lợi ích cho các tôi tớ trung thành (2 Phi 2:3; 3:9). Chúng ta cũng hãy xem Chúa Giê-su đã kiên nhẫn giống Cha như thế nào.

CHÚA GIÊ-SU NÊU GƯƠNG TỐT NÀO VỀ SỰ KIÊN NHẪN?

8. Chúa Giê-su đã kiên nhẫn trong hoàn cảnh nào?

8 Chúa Giê-su đang làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời và ngài đã vui mừng làm thế trong hằng hà sa số năm. Khi Sa-tan phản nghịch, Đức Giê-hô-va quyết định phái Con một của ngài xuống đất với tư cách là Đấng Mê-si. Hãy nghĩ xem điều ấy có nghĩa gì với Chúa Giê-su: Ngài phải kiên nhẫn chờ đợi hàng ngàn năm cho đến đúng thời điểm. (Đọc Ga-la-ti 4:4). Chúa Giê-su không chờ đợi một cách thụ động, thay vì thế, ngài bận rộn trong công việc mà Cha giao phó. Khi xuống thế, ngài biết mình phải chết trong tay Sa-tan, như đã được tiên tri (Sáng 3:15; Mat 16:21). Ngài kiên nhẫn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, dù điều này đòi hỏi ngài phải trải qua nỗi đau đớn tột độ. Chúa Giê-su tuyệt đối trung thành với Cha, ngài không nghĩ đến bản thân và vị thế của mình. Chúng ta được lợi ích khi noi gương ngài.—Hê 5:8, 9.

9, 10. (a) Chúa Giê-su làm gì trong khi kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va ra tay hành động? (b) Chúng ta có thể bắt chước thái độ của Chúa Giê-su như thế nào?

9 Sau khi sống lại, Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời giao cho quyền hành ở trên trời và dưới đất (Mat 28:18). Ngài dùng quyền ấy để hoàn thành ý định của Cha, theo lịch trình mà Đức Chúa Trời sắp đặt. Chúa Giê-su kiên nhẫn đợi bên hữu Đức Chúa Trời đến năm 1914, khi những kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân ngài (Thi 110:1, 2; Hê 10:12, 13). Không lâu nữa, Chúa Giê-su sẽ ra tay kết liễu thế gian của Sa-tan. Hiện nay, ngài đang kiên nhẫn giúp người ta và hướng dẫn họ để nhận được “nước sự sống”.—Khải 7:17.

10 Chúng ta có thể bắt chước thái độ của Chúa Giê-su như thế nào? Dù nóng lòng làm những gì Cha dặn bảo, nhưng Chúa Giê-su vẫn sẵn sàng đợi đến đúng thời điểm mà Đức Chúa Trời đã ấn định. Khi chờ đợi thế gian gian ác của Sa-tan chấm dứt, tất cả chúng ta đều cần phải kiên nhẫn, không bao giờ vượt trước Đức Giê-hô-va hoặc bỏ cuộc vì nản lòng. Chúng ta có thể làm gì để vun trồng tính kiên nhẫn như thế?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ VUN TRỒNG SỰ KIÊN NHẪN NHƯ ĐỨC CHÚA TRỜI?

11. (a) Có mối liên hệ nào giữa đức tin và sự kiên nhẫn? (b) Ngày nay, chúng ta có thêm lý do nào để có đức tin vững chắc?

11 Trước khi Chúa Giê-su xuống trái đất, các nhà tiên tri cũng như tôi tớ trung thành khác đã nêu gương về cách mà người bất toàn có thể kiên nhẫn chịu đựng. Gương của họ cho thấy có mối liên hệ giữa đức tin sự kiên nhẫn. (Đọc Gia-cơ 5:10, 11). Nếu không thật sự tin vào những gì Đức Giê-hô-va báo trước, những người trung thành ấy có kiên nhẫn chờ đến khi ngài thực hiện lời hứa không? Dù gặp các thử thách gay go và khắc nghiệt, nhưng hết lần này đến lần khác, họ đều vượt qua vì tin chắc rằng cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa (Hê 11:13, 35-40). Ngày nay, chúng ta càng có lý do để có đức tin vững chắc vì Chúa Giê-su đang phụng sự với tư cách là “Đấng Làm Trọn Vẹn đức tin chúng ta” (Hê 12:2). Ngài làm ứng nghiệm các lời tiên tri và giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý định của Đức Chúa Trời, nhờ thế tạo nền tảng tốt cho đức tin của chúng ta.

12. Chúng ta có thể làm gì để củng cố đức tin?

12 Chúng ta có thể làm gì để củng cố đức tin và sự kiên nhẫn? Một điều tối quan trọng là áp dụng lời khuyên của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, hãy suy ngẫm tại sao bạn nên đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống. Bạn có thể cố gắng nhiều hơn để áp dụng lời khuyên nơi Ma-thi-ơ 6:33 không? Có thể điều này đòi hỏi bạn phải dành nhiều thời gian hơn cho thánh chức hoặc đơn giản hóa đời sống. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã ban phước khi bạn nỗ lực làm theo lời khuyên của ngài. Có lẽ ngài từng giúp bạn có học hỏi Kinh Thánh mới hoặc giúp bạn có ‘sự bình an của ngài’. (Đọc Phi-líp 4:7). Nếu tập trung vào những ân phước mà mình đã có được khi làm theo sự hướng dẫn của ngài, bạn sẽ càng nhận thấy sự kiên nhẫn rất có giá trị.—Thi 34:8.

13. Hãy nêu ví dụ để giải thích làm thế nào việc củng cố đức tin giúp chúng ta kiên nhẫn.

13 Để hiểu làm sao việc củng cố đức tin giúp chúng ta kiên nhẫn, hãy xem ví dụ về chu trình trồng trọt: gieo hạt, vun tưới và thu hoạch. Qua mỗi vụ mùa bội thu, người nông dân càng tự tin hơn về vụ mùa kế tiếp. Dĩ nhiên, ông phải kiên nhẫn chờ đợi đến mùa thu hoạch, nhưng điều này không cản trở việc ông gieo hạt, có lẽ ông còn gieo hạt trên diện tích rộng hơn. Ông tin rằng mình sẽ thu hoạch. Tương tự thế, mỗi khi tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, làm theo và nhận được lợi ích, thì chúng ta càng tin cậy nơi ngài. Khi đó, chúng ta càng dễ kiên nhẫn và chờ đợi những ân phước chắc chắn sẽ đến.—Đọc Gia-cơ 5:7, 8.

14, 15. Chúng ta cần có quan điểm nào về sự đau khổ của nhân loại?

14 Một cách khác để vun trồng sự kiên nhẫn là xem xét quan điểm của chúng ta về những điều xảy ra trên thế giới và hoàn cảnh của chính mình. Hãy tập nhìn mọi việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, hãy xem ngài cảm thấy thế nào về sự đau khổ của nhân loại. Từ lâu, ngài đã đau buồn khi con người chịu khốn khổ, nhưng ngài không đau buồn đến nỗi không làm gì được. Ngài phái Con một đến “để phá tan công việc của Kẻ Quỷ Quyệt” và xóa bỏ mọi hậu quả mà hắn gây ra cho nhân loại (1 Giăng 3:8). Thật vậy, sự đau khổ chỉ là tạm thời, còn giải pháp của Đức Chúa Trời là vĩnh viễn. Thế nên, chúng ta không muốn để sự gian ác hiện tại lấn át mình, cũng không muốn mất kiên nhẫn khi chờ đợi ngày Đức Giê-hô-va ra tay hành động. Thay vì thế, chúng ta hãy tin nơi những điều chưa thấy được nhưng còn lại mãi mãi. Đức Giê-hô-va chỉ để cho sự gian ác tồn tại trong một thời gian nhất định, và ngài sẽ hành động vào đúng lúc.—Ê-sai 46:13; Na 1:9.

15 Trong thời kỳ sau cùng đầy khó khăn này, có thể chúng ta phải trải qua những gian khổ khiến đức tin bị thử thách. Khi là nạn nhân của bạo lực hoặc mất người thân yêu, thay vì tỏ ra giận dữ, chúng ta cần quyết tâm tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va. Làm thế không dễ vì chúng ta là người bất toàn. Tuy vậy, hãy nhớ lại điều Chúa Giê-su đã làm nơi Ma-thi-ơ 26:39.Đọc.

16. Chúng ta phải tránh điều gì trong thời gian còn lại?

16 Một điều cản trở chúng ta kiên nhẫn là thái độ “để rồi xem”. Nếu không tin chắc thời điểm kết thúc gần kề, một người có thể bắt đầu lên các kế hoạch, phòng khi những lời hứa của Đức Giê-hô-va không thành hiện thực. Nói cách khác, người ấy có thể nghĩ: “Để rồi xem Đức Giê-hô-va có giữ lời không”. Rồi người ấy gắng sức tạo danh tiếng trong thế gian hoặc tìm kiếm sự an ổn về tài chính thay vì đặt Nước Trời lên hàng đầu. Hoặc người ấy theo đuổi việc học lên cao để có một đời sống thoải mái ngay bây giờ. Thế nhưng, chẳng phải đó là dấu hiệu cho thấy người ấy thiếu đức tin hay sao? Hãy nhớ rằng Phao-lô khuyên chúng ta bắt chước những người trung thành “nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn” mà được nhận lời hứa của Đức Giê-hô-va (Hê 6:12). Đức Giê-hô-va sẽ không để cho thế gian gian ác này tồn tại lâu hơn thời điểm ngài ấn định (Ha 2:3). Từ nay cho đến ngày đó, chúng ta phải tránh phụng sự Đức Giê-hô-va cách chiếu lệ. Thay vì thế, chúng ta cần giữ tinh thần tỉnh táo và siêng năng rao giảng tin mừng, là công việc mang lại sự thỏa nguyện không gì sánh bằng ngay bây giờ.—Lu 21:36.

SỰ KIÊN NHẪN MANG LẠI ÂN PHƯỚC NÀO?

17, 18. (a) Trong khi kiên nhẫn chờ đợi, chúng ta có cơ hội nào? (b) Nếu kiên nhẫn, chúng ta sẽ nhận được những ân phước nào?

17 Dù phụng sự Đức Chúa Trời được vài tháng hoặc nhiều thập kỷ, tất cả chúng ta đều muốn phụng sự ngài cho đến mãi mãi. Sự kiên nhẫn giúp chúng ta chịu đựng cho đến khi nhận được sự cứu rỗi, bất kể thế gian này còn tồn tại bao lâu. Ngày nay, Đức Giê-hô-va cho cơ hội để chúng ta chứng tỏ sự tin cậy tuyệt đối nơi quyết định của ngài và sẵn sàng chịu cực khổ vì danh ngài nếu cần (1 Phi 4:13, 14). Đức Chúa Trời cũng đang rèn luyện chúng ta để chúng ta có sự kiên nhẫn hầu được cứu.—1 Phi 5:10.

18 Chúa Giê-su có mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất, và không điều gì có thể ngăn cản ngài bảo vệ chúng ta nếu chúng ta trung thành (Giăng 10:28, 29). Chúng ta không cần phải lo sợ về tương lai, ngay cả cái chết. Những ai kiên nhẫn, bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu. Vì vậy, chúng ta chớ để thế gian này dẫn dụ và khiến mình không còn nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Trong khi Đức Giê-hô-va vẫn kiên nhẫn chờ đợi, chúng ta hãy quyết tâm củng cố đức tin và dùng thời gian một cách khôn ngoan.—Mat 24:13; đọc 2 Phi-e-rơ 3:17, 18.