Ðừng bao giờ đánh mất hy vọng!
Có phải bạn là một Nhân Chứng Giê-hô-va lâu năm, mong ước người bạn đời của mình cùng phụng sự Ðức Giê-hô-va?
Hoặc bạn cảm thấy nản lòng khi một học hỏi Kinh Thánh ban đầu rất có triển vọng nhưng không đứng về phía sự thật?
Một vài kinh nghiệm ở Anh Quốc sẽ giúp bạn thấy tại sao đừng bao giờ đánh mất hy vọng. Bạn cũng sẽ thấy điều có thể làm để ‘liệng bánh mình nơi mặt nước’, theo nghĩa bóng, nhằm giúp những người chưa hưởng ứng sự thật.—Truyền 11:1.
KIÊN TRÌ—MỘT YẾU TỐ QUAN TRỌNG
Sự kiên trì là một yếu tố quan trọng mà bạn nên có. Bạn cần bám chặt vào sự thật và gắn bó với Ðức Giê-hô-va (Phục 10:20). Ðó chính là điều chị Georgina đã làm. Khi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1970, chồng chị là anh Kyriacos rất tức giận. Anh cố ngăn chị học Kinh Thánh, không cho Nhân Chứng vào nhà và tịch thu mọi ấn phẩm của Nhân Chứng mà anh tìm được.
Khi chị Georgina bắt đầu dự nhóm họp tại hội thánh, anh Kyriacos càng giận hơn. Một ngày nọ, anh đến Phòng Nước Trời để gây sự. Nhận thấy anh Kyriacos nói tiếng Hy Lạp giỏi hơn tiếng Anh nên một chị đã gọi điện xin một anh người Hy Lạp ở hội thánh khác đến giúp. Anh Kyriacos phản ứng tốt với thái độ tử tế của anh Nhân Chứng kia, họ thậm chí còn cùng nhau tìm hiểu Kinh Thánh trong vài tháng. Nhưng rồi anh Kyriacos ngưng học.
Trong ba năm sau đó, chị Georgina phải tiếp tục đương đầu với sự chống đối. Anh Kyriacos nói rằng sẽ bỏ chị nếu chị làm báp-têm. Vào ngày báp-têm, chị Georgina tha thiết cầu nguyện Ðức Giê-hô-va để chồng đừng bỏ mình. Khi các Nhân Chứng đến đón chị đi dự hội nghị, anh Kyriacos nói: “Anh chị cứ đi trước. Chúng tôi sẽ theo sau bằng xe của mình”. Anh đã tham dự chương trình buổi sáng và chứng kiến vợ làm báp-têm!
Sau đó, sự chống đối của anh Kyriacos giảm đi và dần dần anh có những thay đổi đáng kể. Gần 40 năm sau lần đầu tiên gặp Nhân Chứng Giê-hô-va, chị Georgina đã chứng kiến chồng mình làm báp-têm! Ðiều gì đã giúp anh Kyriacos? Anh nói: “Tôi rất hài lòng về Georgina vì cô ấy thật quyết tâm”. Chị Georgina cho biết: “Bất chấp sự chống đối của chồng, tôi quyết tâm không ngừng phụng sự Ðức Chúa Trời của mình. Trong suốt thời gian đó, tôi cứ cầu nguyện với Ðức Giê-hô-va và không bao giờ đánh mất hy vọng”.
GIÁ TRỊ CỦA NHÂN CÁCH MỚI
Một yếu tố khác có thể giúp người hôn phối của bạn chính là việc bạn vun trồng nhân cách tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên những người vợ: “Hãy vâng phục chồng, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo lời Ðức Chúa Trời thì cũng được cảm hóa bởi hạnh kiểm của chị, mà không cần phải nói lời nào” (1 Phi 3:1). Chị Christine đã sống theo lời khuyên ấy, dù phải mất nhiều năm để cảm hóa người chồng. Khi chị trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va hơn 20 năm trước, chồng chị là anh John cảm thấy không cần có Ðức Chúa Trời trong đời sống. Anh John không muốn dính dáng đến tôn giáo, nhưng anh thấy vợ mình rất xem trọng niềm tin mới. Anh nói: “Tôi thấy niềm tin mới khiến cô ấy hạnh phúc hơn. Vợ tôi phát triển một nhân cách mạnh mẽ và đáng tin cậy, điều này giúp tôi vượt qua nhiều tình huống khó khăn”.
Chị Christine không bao giờ ép chồng theo đạo, anh John cho biết: “Vợ tôi nhận ra rằng tốt nhất là không nói chuyện tôn giáo với tôi, cô ấy kiên nhẫn để tôi học theo nhịp độ và cách thức riêng của mình”. Khi thấy có bài nào trong Tháp Canh hoặc Tỉnh Thức! nói về những đề tài anh John thích, chẳng hạn như khoa học hay thiên nhiên, chị đưa cho chồng và nói: “Em nghĩ anh sẽ thích đọc bài này”.
Sau này, anh John về hưu và làm vài công việc vườn tược. Với trí óc thảnh thơi hơn, anh suy nghĩ về những câu hỏi sâu xa của cuộc sống và bắt đầu thắc mắc: “Phải chăng chúng ta hiện hữu nơi đây là do một chuỗi trùng hợp ngẫu nhiên? Hay chúng ta được tạo ra có mục đích?”. Một ngày kia, khi đang nói chuyện với một Nhân Chứng, anh ấy hỏi John: “Anh có muốn thảo luận Kinh Thánh không?”. Anh John kể lại: “Vì lúc đó tôi đã bắt đầu tin Ðức Chúa Trời nên tôi chấp nhận lời mời của anh ấy”.
Thật quan trọng biết bao khi chị Christine không đánh mất hy vọng! Sau hơn 20 năm cầu nguyện để chồng chấp nhận sự thật, anh John đã làm báp-têm. Hiện nay, họ đang cùng nhau sốt sắng phụng sự Ðức Giê-hô-va. Anh John cho biết: “Có hai điều đã góp phần rất lớn vào việc cảm hóa tôi: sự tử tế và thân thiện của các Nhân Chứng. Và khi kết hôn với một Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn sẽ có người bạn đời chung thủy, đáng tin cậy và đầy đức hy sinh”. Ðúng thế, chị Christine đã áp dụng lời khuyên nơi 1 Phi-e-rơ 3:1 và chị đã thành công!
NHỮNG HẠT GIỐNG SINH TRÁI SAU NHIỀU NĂM
Nói sao về những người học Kinh Thánh vì lý do nào đó đã đánh mất sự yêu thích ban đầu? Vua Sa-lô-môn viết: “Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống nầy, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đều sẽ ra tốt” (Truyền 11:6). Ðôi lúc hạt giống sự thật mất rất nhiều năm để nảy mầm. Nhưng cuối cùng, có thể một người sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc đến gần Ðức Chúa Trời (Gia 4:8). Thật vậy, một ngày nào đó, có lẽ bạn sẽ nhận được điều ngạc nhiên thú vị.
Hãy xem xét trường hợp của chị Alice, chị đã chuyển từ Ấn Ðộ đến sống ở Anh Quốc. Năm 1974, chị bắt đầu học Kinh Thánh. Chị nói tiếng Hindi nhưng muốn cải thiện trình độ Anh ngữ của mình. Cuộc học hỏi kéo dài vài năm, chị tham dự vài buổi họp trong một hội thánh tiếng Anh. Chị biết những gì mình đang học là sự thật nhưng chỉ xem đó là một thú tiêu khiển. Hơn nữa, chị chú tâm vào tiền bạc và ham mê tiệc tùng. Cuối cùng, chị Alice ngưng học Kinh Thánh.
Gần 30 năm sau, người từng giúp chị Alice tìm hiểu Kinh Thánh là chị Stella nhận được một lá thư với nội dung như sau: “Chắc chắn chị sẽ rất xúc động khi biết người học Kinh Thánh với mình từ năm 1974 đã làm báp-têm tại hội nghị địa hạt vừa qua. Chị đóng một vai trò rất quan trọng trong đời tôi. Chị đã gieo hạt giống sự thật trong tôi và dù lúc đó tôi chưa sẵn sàng dâng mình cho Ðức Chúa Trời, tôi vẫn giữ hạt giống ấy trong tâm trí và trái tim mình”.
Chuyện gì đã xảy ra? Chị Alice giải thích rằng chị bị trầm cảm sau cái chết của chồng vào năm 1997. Chị đã cầu nguyện với Ðức Chúa Trời và khoảng mười phút sau, hai Nhân Chứng nói tiếng Punjabi đến nhà chị và để lại tờ chuyên đề Có hy vọng gì cho những người thân đã chết?. Chị cảm thấy lời cầu nguyện đã được nhậm và quyết định kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng tìm họ nơi đâu? Chị tìm lại cuốn nhật ký ngày xưa có ghi địa chỉ hội thánh tiếng Punjabi mà chị Stella đã cho. Chị Alice đến Phòng Nước Trời và được các anh chị nói tiếng Punjabi nồng nhiệt chào đón. Chị nói: “Cảm giác ấm áp cứ ở trong tôi và giúp tôi thấy đỡ trầm cảm”.
Chị bắt đầu tham dự nhóm họp đều đặn, tìm hiểu Kinh Thánh trở lại, học nói và viết lưu loát tiếng Punjabi. Chị làm báp-têm vào năm 2003. Lá thư gửi chị Stella kết thúc như sau: “Cám ơn chị rất nhiều vì đã gieo những hạt giống ấy 29 năm về trước và đã nêu gương tốt để tôi noi theo”.
“Cám ơn chị rất nhiều vì đã gieo những hạt giống ấy 29 năm về trước và đã nêu gương tốt để tôi noi theo”.—Alice
Bạn học được gì qua những kinh nghiệm trên? Có thể mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ, nhưng nếu một người đói khát về tâm linh, có lòng thành thật và khiêm nhường, Ðức Giê-hô-va sẽ để sự thật phát triển trong lòng họ. Hãy nhớ lại lời nhận xét trong minh họa của Chúa Giê-su: “Hạt giống nảy mầm và mọc lên, như thế nào thì [người gieo] chẳng biết. Ðất tự nó sinh hoa lợi, ban đầu là cây, sau đó trổ bông rồi cuối cùng kết hạt” (Mác 4:27, 28). Sự phát triển như thế phải từ từ và “tự nó” diễn ra. Trên thực tế, mỗi người công bố Nước Trời không biết điều này diễn ra như thế nào. Vì vậy, hãy tiếp tục gieo thật nhiều, có thể bạn sẽ gặt rất nhiều.
Cũng đừng quên tầm quan trọng của lời cầu nguyện. Chị Georgina và Christine đã tiếp tục cầu xin Ðức Giê-hô-va. Nếu bạn “kiên trì cầu nguyện” và không bao giờ đánh mất hy vọng thì “khỏi lâu ngày”, rất có thể bạn sẽ tìm lại được “bánh” mà mình đã liệng nơi mặt nước.—Rô 12:12; Truyền 11:1.