Những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va đáng tin cậy
“Lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va là đáng tin cậy, khiến người thiếu kinh nghiệm trở nên khôn ngoan”.—THI 19:7, NW.
1. Dân Ðức Chúa Trời thảo luận nhiều lần những chủ đề nào, và xem xét những chủ đề này giúp chúng ta ra sao?
Khi chuẩn bị cho Buổi học Tháp Canh, có bao giờ bạn nghĩ: “Chẳng phải trước đây mình đã học về điều này rồi sao?”. Nếu đã kết hợp với hội thánh một thời gian, hẳn bạn thấy một số chủ đề được thảo luận nhiều lần, chẳng hạn như Nước Trời, giá chuộc, công việc đào tạo môn đồ và các đức tính như tình yêu thương và đức tin. Xem xét những chủ đề này giúp chúng ta giữ vững đức tin và ‘làm theo lời Ðức Chúa Trời, không chỉ nghe thôi’.—Gia 1:22.
2. (a) Danh từ Hê-bơ-rơ được dịch là “lời nhắc nhở” thường nói đến điều gì? (b) Luật lệ của Ðức Chúa Trời khác với của loài người như thế nào?
2 Danh từ Hê-bơ-rơ được dịch là “lời nhắc nhở” thường nói đến những luật lệ, điều răn và quy định mà Ðức Chúa Trời ban cho dân ngài. Luật lệ của loài người thường phải sửa đổi và cập nhật, nhưng luật lệ của Ðức Giê-hô-va thì luôn đáng tin cậy. Một số điều luật của ngài chỉ áp dụng trong một giai đoạn hoặc hoàn cảnh nào đó, nhưng không có nghĩa là chúng sai hay lỗi thời. Người viết Thi-thiên nói: “Chứng-cớ [“những lời nhắc nhở”, NW] Chúa là công-bình đời đời”.—Thi 119:144.
3, 4. (a) Những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va cũng bao hàm điều gì? (b) Dân Y-sơ-ra-ên sẽ được lợi ích ra sao nếu làm theo những lời nhắc nhở ấy?
3 Những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va cũng bao hàm lời cảnh báo. Dân Y-sơ-ra-ên thường xuyên nhận những lời cảnh báo từ Ðức Chúa Trời qua các nhà tiên tri. Chẳng hạn, không lâu trước khi dân Y-sơ-ra-ên tiến vào Ðất Hứa, Môi-se cảnh báo họ: “Các ngươi khá cẩn-thận, kẻo lòng mình bị dụ-dỗ, xây bỏ Chúa, mà hầu-việc các thần khác, và quì-lạy trước mặt chúng nó chăng; e cơn thạnh-nộ của Ðức Giê-hô-va sẽ phừng lên cùng các ngươi” (Phục 11:16, 17). Kinh Thánh ghi lại nhiều lời nhắc nhở hữu ích mà Ðức Chúa Trời ban cho dân ngài.
4 Trong nhiều dịp khác, Ðức Giê-hô-va khuyến giục dân Y-sơ-ra-ên kính sợ ngài, lắng nghe tiếng phán ngài và làm sáng danh ngài (Phục 4:29-31; 5:28, 29). Nếu làm theo những lời nhắc nhở ấy, chắc chắn họ sẽ nhận được nhiều ân phước.—Lê 26:3-6; Phục 28:1-4.
DÂN Y-SƠ-RA-ÊN PHẢN ỨNG THẾ NÀO TRƯỚC NHỮNG LỜI NHẮC NHỞ CỦA ÐỨC GIÊ-HÔ-VA?
5. Tại sao Ðức Giê-hô-va chiến đấu cho vua Ê-xê-chia?
5 Trong suốt lịch sử đầy sóng gió của dân Y-sơ-ra-ên, Ðức Chúa Trời luôn giữ lời hứa. Chẳng hạn, khi vua của A-si-ri là San-chê-ríp xâm lược nước Giu-đa và dọa lật đổ vua Ê-xê-chia, Ðức Giê-hô-va đã can thiệp bằng cách phái một thiên sứ đến. Chỉ trong một đêm, thiên sứ của Ðức Chúa Trời đã tiêu diệt tất cả “những người mạnh-dạn” trong đội quân A-si-ri, và San-chê-ríp buộc phải trở về cách nhục nhã (2 Sử 32:21; 2 Vua 19:35). Tại sao Ðức Chúa Trời chiến đấu cho vua Ê-xê-chia? Vì ‘người tríu-mến Ðức Giê-hô-va, gìn-giữ các điều-răn của ngài’.—2 Vua 18:1, 5, 6.
6. Vua Giô-si-a đã thể hiện lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va như thế nào?
6 Một người khác đã vâng theo điều răn của Ðức Giê-hô-va là vua Giô-si-a. Từ khi lên tám tuổi, ‘người làm điều thiện trước mặt Ðức Giê-hô-va, không xây về bên hữu hay là bên tả’ (2 Sử 34:1, 2). Giô-si-a thể hiện lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va bằng cách đập bể các tượng thờ và khôi phục sự thờ phượng thật. Hành động ấy không chỉ mang lại ân phước cho ông mà cho cả đất nước.—Ðọc 2 Sử-ký 34:31-33.
7. Dân Y-sơ-ra-ên gặp hậu quả nào khi xem thường những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va?
7 Ðáng buồn là dân Ðức Chúa Trời không luôn tin cậy tuyệt đối nơi những lời nhắc nhở của ngài. Qua hàng thế kỷ, có lúc họ vâng lời, có lúc không. Khi đức tin của dân Y-sơ-ra-ên suy yếu, họ thường “bị mọi sự dạy dỗ đưa đi đây đó như gió thổi” (Ê-phê 4:13, 14). Như được báo trước, khi họ không tin cậy những lời nhắc nhở của Ðức Chúa Trời, họ gặt lấy trái đắng.—Lê 26:23-25; Giê 5:23-25.
8. Chúng ta có điểm tương đồng nào với dân Y-sơ-ra-ên?
8 Chúng ta có điểm tương đồng nào với dân Y-sơ-ra-ên? Giống như họ, tôi tớ Ðức Chúa Trời thời nay cũng nhận được lời khuyên và sự sửa trị (2 Phi 1:12). Mỗi khi chúng ta đọc Kinh Thánh, Lời Ðức Chúa Trời có thể đóng vai trò nhắc nhở. Vì được ban sự tự do ý chí, chúng ta có thể chọn vâng theo các chỉ dẫn của Ðức Giê-hô-va hoặc theo đuổi những gì dường như là đúng trong mắt mình (Châm 14:12). Hãy xem tại sao chúng ta có thể tin cậy những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va và làm theo những lời nhắc nhở ấy mang lại lợi ích nào.
VÂNG LỜI ÐỨC CHÚA TRỜI ÐỂ ÐƯỢC SỐNG
9. Khi dân Y-sơ-ra-ên ở trong hoang mạc, qua cách nào Ðức Giê-hô-va nhắc họ nhớ rằng ngài đang hỗ trợ họ?
9 Khi dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 40 năm trong ‘đồng vắng gớm-ghê’, Ðức Giê-hô-va không cho họ biết rõ ngài sẽ hướng dẫn, che chở và chăm sóc họ như thế nào. Thế nhưng, nhiều lần ngài cho thấy họ có thể tin cậy ngài và những hướng dẫn của ngài. Qua việc cung cấp trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm, Ðức Giê-hô-va nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ rằng ngài đang hỗ trợ họ khi băng qua vùng đất khắc nghiệt ấy (Phục 1:19; Xuất 40:36-38). Ngài cũng cung cấp cho họ những thứ cần thiết. ‘Quần-áo họ không cũ rách, và chân họ chẳng phù lên’. Quả thật, ‘họ chẳng thiếu-thốn chi cả’.—Nê 9:19-21.
10. Ngày nay, Ðức Giê-hô-va đang hướng dẫn dân ngài như thế nào?
10 Ngày nay, tôi tớ của Ðức Chúa Trời đang đứng trước ngưỡng cửa thế giới mới công chính. Chúng ta có tin rằng ngài cung cấp những gì mình cần để có thể sống sót qua “hoạn nạn lớn” không? (Mat 24:21, 22; Thi 119:40, 41). Ðành rằng Ðức Giê-hô-va không cung cấp trụ mây và trụ lửa để hướng dẫn chúng ta, nhưng ngài đang dùng tổ chức của ngài để giúp chúng ta tiếp tục tỉnh thức. Chẳng hạn, tổ chức khuyến khích chúng ta củng cố mối quan hệ với Ðức Giê-hô-va qua việc đọc Kinh Thánh, duy trì Buổi thờ phượng của gia đình cũng như đều đặn tham dự nhóm họp và tham gia thánh chức. Bạn đã điều chỉnh để làm theo những chỉ dẫn ấy chưa? Làm thế sẽ giúp bạn vun trồng đức tin mạnh mẽ hầu có thể đứng vững để bước vào thế giới mới.
11. Ðức Chúa Trời cho thấy ngài quan tâm đến chúng ta qua những cách nào?
11 Ngoài ra, những hướng dẫn nhận được giúp chúng ta đối phó với các vấn đề trong đời sống thường ngày. Ví dụ, lời khuyên có quan điểm thăng bằng về vật chất và giữ mắt đơn giản giúp chúng ta giảm thiểu lo lắng. Chúng ta cũng nhận lợi ích từ chỉ dẫn liên quan đến cách phục sức, giải trí và học vấn. Ngoài ra, chúng ta còn nhận được những lời nhắc nhở liên quan đến sự an toàn, chẳng hạn như về nhà cửa, xe cộ, Phòng Nước Trời và chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp. Những lời khuyên như thế cho thấy Ðức Chúa Trời quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.
NHỮNG LỜI NHẮC NHỞ GIÚP CÁC TÍN ÐỒ THỜI BAN ÐẦU GIỮ LÒNG TRUNG THÀNH
12. (a) Chúa Giê-su nhiều lần nói với môn đồ chủ đề nào? (b) Hành động khiêm nhường nào của Chúa Giê-su đã để lại ấn tượng sâu sắc trong Phi-e-rơ, và gương của ngài nên tác động thế nào đến chúng ta?
12 Vào thế kỷ thứ nhất, dân Ðức Chúa Trời thường xuyên nhận được những lời nhắc nhở. Chúa Giê-su nhiều lần nói với các môn đồ rằng họ cần vun trồng tính khiêm nhường. Tuy nhiên, ngài không chỉ nói với họ thế nào là khiêm nhường mà còn chỉ cho họ biết cách thể hiện đức tính ấy. Vào ngày cuối của cuộc đời trên đất, Chúa Giê-su nhóm các sứ đồ lại để ăn Lễ Vượt Qua. Khi các sứ đồ đang ăn, ngài đứng dậy và rửa chân cho họ—một công việc thường do đầy tớ làm (Giăng 13:1-17). Hành động khiêm nhường này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong các sứ đồ. Khoảng 30 năm sau, sứ đồ Phi-e-rơ, người có mặt trong bữa ăn đó, cho anh em đồng đạo lời khuyên về sự khiêm nhường (1 Phi 5:5). Gương của Chúa Giê-su nên thôi thúc tất cả chúng ta đối xử khiêm nhường với nhau.—Phi-líp 2:5-8.
13. Chúa Giê-su thường dạy các môn đồ về điều gì?
13 Một chủ đề khác mà Chúa Giê-su nhiều lần thảo luận với môn đồ là cần có đức tin mạnh. Khi các môn đồ không đuổi được ác thần ra khỏi một đứa trẻ, họ hỏi Chúa Giê-su: “Tại sao chúng tôi không đuổi được nó?”. Ngài phán: ‘Vì anh em thiếu đức tin. Quả thật, tôi nói với anh em: Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải thì chẳng có gì mà anh em không làm được’ (Mat 17:14-20). Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su thường dạy các môn đồ về tầm quan trọng của việc có đức tin. (Ðọc Ma-thi-ơ 21:18-22). Chúng ta có đang tận dụng mọi cơ hội để củng cố đức tin qua những chỉ dẫn nhận được tại hội nghị và các buổi nhóm họp không? Những buổi ấy không chỉ là dịp hội tụ vui vẻ, đó là cơ hội để chúng ta thể hiện lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va.
14. Tại sao vun trồng tình yêu thương bất vị kỷ là điều quan trọng ngày nay?
14 Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp chứa đựng nhiều lời nhắc nhở về việc thể hiện tình yêu thương với nhau. Chúa Giê-su nói rằng điều răn lớn thứ hai là “yêu người lân cận như chính mình” (Mat 22:39). Gia-cơ, em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su, gọi tình yêu thương là “điều luật cao trọng” (Gia 2:8). Sứ đồ Giăng viết: “Hỡi những người yêu dấu, tôi không viết cho anh em một điều răn mới, nhưng viết điều răn cũ mà anh em đã có từ lúc đầu” (1 Giăng 2:7, 8). Ở đây, sứ đồ Giăng muốn nói đến điều răn về tình yêu thương. Ðiều răn này “cũ” theo nghĩa là Chúa Giê-su đã đưa ra “từ lúc đầu”, tức hàng thập kỷ trước. Nhưng điều răn này cũng “mới” vì trong tương lai các môn đồ phải thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ trong hoàn cảnh mới. Là môn đồ Ðấng Ki-tô, chúng ta quý trọng những lời cảnh báo giúp chúng ta đề phòng tinh thần ích kỷ phổ biến trong thế gian này, điều có thể làm tình yêu thương của chúng ta với người lân cận bị nguội lạnh.
15. Sứ mạng chính trên đất của Chúa Giê-su là gì?
15 Chúa Giê-su quan tâm sâu xa đến người ta. Ðiều này được thể hiện khi ngài chữa lành cho những người đau bệnh và làm người chết sống lại. Tuy nhiên, sứ mạng chính của ngài không phải là chữa lành người ta về thể chất. Việc rao giảng và giảng dạy của ngài mang lại lợi ích lâu dài hơn. Tại sao có thể nói như thế? Vì những người mà Chúa Giê-su từng chữa lành và làm cho sống lại vào thế kỷ thứ nhất về sau vẫn già đi và chết, nhưng những người hưởng ứng thông điệp ngài rao giảng có triển vọng sống vĩnh cửu.—Giăng 11:25, 26.
16. Công việc rao giảng và đào tạo môn đồ đang được mở rộng ra sao?
16 Ngày nay, công việc rao giảng mà Chúa Giê-su đã bắt đầu vào thế kỷ thứ nhất đang được thực hiện trên bình diện rộng lớn hơn nhiều. Chúa Giê-su giao cho các môn đồ sứ mạng: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi” (Mat 28:19). Thật vậy, họ đã thi hành sứ mạng ấy, và chúng ta cũng thế! Hơn bảy triệu Nhân Chứng Giê-hô-va đang sốt sắng rao truyền về Nước Trời trong hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, và đều đặn giúp hàng triệu người học Kinh Thánh. Ðây là bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống trong những ngày sau cùng.
CÁC TÍN ÐỒ NGÀY NAY HÃY TIN CẬY ÐỨC GIÊ-HÔ-VA
17. Phao-lô và Phi-e-rơ đã đưa ra những lời khuyên nào?
17 Rõ ràng, những lời nhắc nhở đã giúp các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất giữ vững đức tin. Hẳn Ti-mô-thê được khích lệ rất nhiều khi nhận được những lời của sứ đồ Phao-lô, lúc đó đang bị giam ở Rô-ma: “Hãy luôn giữ khuôn mẫu của sự dạy dỗ đúng đắn mà con đã nghe từ ta” (2 Ti 1:13). Sau khi khuyến khích anh em đồng đạo vun trồng sự chịu đựng, tình huynh đệ, tính tự chủ và những đức tính khác, sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Tôi sẽ luôn sẵn sàng nhắc nhở anh em về mọi điều tôi đã viết, dù anh em biết những điều ấy và được lập vững vàng trong sự thật”.—2 Phi 1:5-8, 12.
18. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất xem những lời nhắc nhở ra sao?
18 Trong thư gửi cho các hội thánh, Phao-lô và Phi-e-rơ viết những lời tương tự với “những lời trước đây của các tiên tri thánh” (2 Phi 3:2). Anh em vào thế kỷ thứ nhất có cảm thấy khó chịu khi nhận chỉ dẫn ấy không? Không, vì đó là biểu hiện về tình yêu thương của Ðức Chúa Trời, điều giúp họ “tiếp tục đón nhận thêm ân huệ cùng sự hiểu biết về Chúa Giê-su Ki-tô là Ðấng Cứu Rỗi chúng ta”.—2 Phi 3:18.
19, 20. Tại sao chúng ta nên tin cậy những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va, và làm thế mang lại lợi ích nào?
19 Ngày nay, chúng ta có nhiều lý do để tin cậy những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va trong Lời đáng tin cậy của ngài là Kinh Thánh. (Ðọc Giô-suê 23:14). Qua các trang Kinh Thánh, chúng ta thấy cách Ðức Giê-hô-va đối xử với loài người bất toàn trong hàng ngàn năm. Những lời tường thuật này được viết nhằm mang lại lợi ích cho chúng ta (Rô 15:4; 1 Cô 10:11). Chúng ta cũng thấy sự ứng nghiệm của những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Các lời tiên tri ấy có thể ví như những lời nhắc nhở được đưa ra từ nhiều năm về trước. Chẳng hạn, hàng triệu người đã đổ về thờ phượng Ðức Giê-hô-va, như được tiên tri là sẽ xảy ra “trong những ngày sau-rốt” (Ê-sai 2:2, 3). Tình trạng thế giới ngày càng tồi tệ cũng làm ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Và như đã đề cập, công việc rao giảng lan rộng khắp đất trực tiếp làm ứng nghiệm lời của Chúa Giê-su.—Mat 24:14.
20 Qua hàng thế kỷ, Ðấng Tạo Hóa đã cho thấy rõ chúng ta có thể tin cậy ngài. Chúng ta có đang nhận lợi ích từ những lời nhắc nhở của ngài không? Một chị tên Rosellen nói: “Khi hoàn toàn tin cậy Ðức Giê-hô-va, tôi bắt đầu thấy rõ hơn bàn tay yêu thương của ngài gìn giữ và thêm sức cho tôi”. Mong sao chúng ta cũng nhận được lợi ích từ việc làm theo những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va.