Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vâng lời những người chăn của Ðức Giê-hô-va

Vâng lời những người chăn của Ðức Giê-hô-va

“Hãy vâng lời những người đang dẫn đầu trong vòng anh em và phục tùng họ, bởi họ đang coi sóc anh em”.—HÊ 13:17.

1, 2. Tại sao Ðức Giê-hô-va tự ví ngài như một người chăn chiên?

Ðức Giê-hô-va tự ví ngài như một người chăn chiên (Ê-xê 34:11-14). Hình ảnh này giúp chúng ta hiểu ngài là đấng như thế nào. Một người chăn chiên yêu thương thấy có trách nhiệm về sự an nguy của bầy chiên. Ông dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và những suối nước mát trong (Thi 23:1, 2); canh chừng chúng ngày và đêm (Lu 2:8); bảo vệ chúng khỏi những con thú săn mồi (1 Sa 17:34, 35); bồng ẵm những con chiên non (Ê-sai 40:11); tìm kiếm những con bị lạc và chăm sóc chu đáo những con bị thương.—Ê-xê 34:16.

2 Vào thời xưa, đa số dân Ðức Chúa Trời sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Vì thế, họ dễ hiểu khi Ðức Giê-hô-va ví ngài như một người chăn chiên. Họ biết chiên cần được chăm sóc thì mới phát triển tốt. Về phương diện thiêng liêng, con người cũng giống như vậy (Mác 6:34). Nếu không được dẫn dắt và chăm sóc tốt về thiêng liêng, người ta sẽ khổ sở. Họ không biết phân biệt điều đúng điều sai, dễ bị tổn hại và lạc lối như “chiên không có người chăn” (1 Vua 22:17). Tuy nhiên, Ðức Giê-hô-va yêu thương đáp ứng nhu cầu cho dân ngài.

3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

3 Hình ảnh Ðức Giê-hô-va là người chăn chiên vẫn có ý nghĩa với chúng ta ngày nay. Ngài vẫn đáp ứng nhu cầu cho chiên của ngài. Chúng ta hãy xem cách ngài hướng dẫn và thỏa mãn nhu cầu cho bầy chiên của ngài thời nay. Cũng hãy xem chiên nên hưởng ứng ra sao trước sự quan tâm đầy yêu thương của Ðức Giê-hô-va.

 NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT LÀNH BỔ NHIỆM NHỮNG NGƯỜI CHĂN PHỤ

4. Chúa Giê-su đóng vai trò nào trong việc chăm sóc chiên của Ðức Giê-hô-va?

4 Ðức Giê-hô-va bổ nhiệm Chúa Giê-su làm Ðầu hội thánh đạo Ðấng Ki-tô (Ê-phê 1:22, 23). Là “người chăn chiên tốt lành”, Chúa Giê-su phản ánh sự quan tâm, ý định và những đức tính của Cha. Thậm chí, ngài còn “hy sinh mạng sống mình vì chiên” (Giăng 10:11, 15). Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su quả là ân phước đối với nhân loại! (Mat 20:28). Vì theo ý định của Ðức Giê-hô-va, “ai thể hiện đức tin nơi [Chúa Giê-su] sẽ không bị hủy diệt mà được sống đời đời”!—Giăng 3:16.

5, 6. (a) Chúa Giê-su bổ nhiệm ai để chăm sóc chiên của ngài, và chiên phải làm gì để được lợi ích từ sắp đặt này? (b) Lý do chính yếu để chúng ta vâng phục các trưởng lão là gì?

5 Chiên hưởng ứng ra sao trước sự hướng dẫn của Người Chăn Chiên Tốt Lành là Chúa Giê-su Ki-tô? Ngài nói: “Chiên tôi nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Giăng 10:27). Nghe tiếng Người Chăn Chiên Tốt Lành có nghĩa là làm theo chỉ dẫn của ngài trong mọi việc. Ðiều này bao gồm hợp tác với những người chăn phụ được ngài bổ nhiệm. Chúa Giê-su cho biết rằng các sứ đồ và môn đồ của ngài cần tiếp tục công việc mà ngài đã khởi xướng. Họ phải “dạy” và ‘nuôi những con chiên bé bỏng của Chúa Giê-su’ (Mat 28:20; đọc Giăng 21:15-17). Vì tin mừng tiếp tục lan rộng và số môn đồ ngày càng gia tăng, nên Chúa Giê-su bổ nhiệm những tín đồ thành thục làm người chăn phụ để chăn dắt các hội thánh.—Ê-phê 4:11, 12.

6 Khi nói với các trưởng lão của hội thánh ở Ê-phê-sô vào thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô lưu ý rằng họ được thần khí bổ nhiệm để “chăn dắt hội thánh của Ðức Chúa Trời” (Công 20:28). Ngày nay cũng vậy, các trưởng lão được bổ nhiệm dựa trên những tiêu chuẩn được ghi lại trong Kinh Thánh dưới sự hướng dẫn của thần khí. Vì vậy, khi vâng lời các trưởng lão, chúng ta cho thấy mình tôn trọng Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, hai Ðấng Chăn Chiên vĩ đại nhất (Lu 10:16). Chắc chắn, đây là lý do chính yếu để chúng ta sẵn lòng vâng phục các trưởng lão. Tuy nhiên, còn những lý do khác để chúng ta làm thế.   

7. Các trưởng lão giúp bạn như thế nào để gìn giữ mối quan hệ gần gũi với Ðức Giê-hô-va?

7 Khi chỉ dẫn và khuyến khích anh em đồng đạo, các trưởng lão luôn dựa vào Kinh Thánh. Mục tiêu của họ không phải là kiểm soát cuộc sống của anh em (2 Cô 1:24). Thay vì vậy, họ chia sẻ sự hướng dẫn dựa trên Kinh Thánh để giúp anh em đưa ra quyết định khôn ngoan. Khi làm thế, các trưởng lão đẩy mạnh sự trật tự và bình an trong hội thánh (1 Cô 14:33, 40). Họ “coi sóc” anh em, muốn giúp mỗi thành viên trong hội thánh gìn giữ mối quan hệ gần gũi với Ðức Giê-hô-va. Do đó, họ mau mắn giúp đỡ khi nhận thấy một anh chị sắp hoặc đang “lạc lối” (Ga 6:1, 2; Giu 22). Chẳng phải đó là những lý do chính đáng để chúng ta “vâng lời những người đang dẫn đầu” hay sao?—Ðọc Hê-bơ-rơ 13:17.

8. Các trưởng lão bảo vệ bầy của Ðức Chúa Trời như thế nào?

8 Sứ đồ Phao-lô, bản thân là người chăn về thiêng liêng, viết cho anh em ở Cô-lô-se: “Ðừng để bất cứ ai giam cầm anh em bằng các triết lý cùng những tư tưởng gian trá và rỗng tuếch theo truyền thống của loài người, theo những điều sơ đẳng của thế gian, và  không theo Ðấng Ki-tô” (Cô 2:8). Lời cảnh báo này cho biết một lý do khác để nghe theo lời khuyên của những trưởng lão. Các anh bảo vệ anh em khỏi những người muốn hủy hoại đức tin của họ. Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo về “các tiên tri giả” và “các thầy dạy giả”, những kẻ cố “lôi kéo những người không vững vàng” làm điều sai trái (2 Phi 2:1, 14). Các trưởng lão ngày nay phải đưa ra lời cảnh báo tương tự khi cần. Là những tín đồ thành thục, họ có kinh nghiệm trong cuộc sống. Hơn nữa, trước khi được bổ nhiệm, họ đã chứng tỏ là người hiểu biết rõ ràng về Kinh Thánh và hội đủ điều kiện để dạy dỗ sự thật (1 Ti 3:2; Tít 1:9). Sự thành thục, thăng bằng và sự khôn ngoan dựa trên Kinh Thánh giúp họ đưa ra chỉ dẫn hữu ích cho bầy.

Như người chăn bảo vệ bầy, các trưởng lão bảo vệ anh em trong hội thánh (Xem đoạn 8)

NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT LÀNH NUÔI NẤNG VÀ BẢO VỆ CHIÊN

9. Ngày nay, Chúa Giê-su chỉ dẫn và nuôi nấng chiên như thế nào?

9 Qua tổ chức, Ðức Giê-hô-va cung cấp dư dật thức ăn thiêng liêng cho đoàn thể anh em chúng ta trên khắp thế giới. Chúng ta nhận được nhiều lời khuyên dựa trên Kinh Thánh qua những ấn phẩm. Ngoài ra, thỉnh thoảng các trưởng lão nhận được những chỉ dẫn của tổ chức qua thư từ hoặc giám thị lưu động. Bằng những cách này, chiên nhận được sự hướng dẫn rõ ràng.

10. Các trưởng lão có trách nhiệm nào với người đi lạc khỏi bầy?

 10 Các trưởng lão có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc những thành viên trong hội thánh về thiêng liêng, nhất là người yếu đức tin hoặc phạm lỗi lầm nghiêm trọng. (Ðọc Gia-cơ 5:14, 15). Thậm chí, có một số người đi lạc khỏi bầy và ngưng tham gia các hoạt động của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Trong trường hợp đó, các trưởng lão có nỗ lực hết sức để tìm chiên bị lạc và khuyến khích người ấy trở về với bầy, tức hội thánh, không? Dĩ nhiên là có! Chúa Giê-su nói: “Cha tôi ở trên trời không muốn mất một ai trong số những người hèn mọn ấy”.—Mat 18:12-14.

CHÚNG TA NÊN CÓ QUAN ÐIỂM NÀO VỀ NHỮNG THIẾU SÓT CỦA NGƯỜI CHĂN PHỤ?

11. Tại sao một số người có thể cảm thấy khó vâng theo sự dẫn dắt của trưởng lão?

11 Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su là hai Ðấng Chăn Chiên hoàn hảo, còn những người chăn phụ mà hai đấng ấy dùng để chăm sóc hội thánh thì không. Ðiều này có thể khiến một số người thấy khó vâng theo sự dẫn dắt của các trưởng lão. Có lẽ họ lý luận: “Trưởng lão cũng bất toàn như chúng ta. Tại sao chúng ta phải nghe lời khuyên của họ?”. Ðúng là những trưởng lão là người bất toàn, nhưng chúng ta cần có quan điểm đúng về thiếu sót của họ.

12, 13. (a) Một số người được Ðức Giê-hô-va giao trách nhiệm đã mắc những sai lầm nào? (b) Tại sao Ðức Giê-hô-va cho ghi lại các thiếu sót của những người có trách nhiệm?

12 Kinh Thánh trung thực ghi lại lỗi lầm của những người được Ðức Giê-hô-va dùng để dẫn dắt dân ngài trong quá khứ. Chẳng hạn, Ða-vít được bổ nhiệm làm vua dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, ông đã khuất phục trước cám dỗ, dẫn đến phạm tội ngoại tình và giết người (2 Sa 12:7-9). Cũng hãy nghĩ về trường hợp của sứ đồ Phi-e-rơ. Dù được giao trọng trách trong hội thánh vào thế kỷ thứ nhất, ông đã mắc những sai lầm nghiêm trọng (Mat 16:18, 19; Giăng 13:38; 18:27; Ga 2:11-14). Ngoài Chúa Giê-su, không người nào kể từ thời A-đam và Ê-va là hoàn hảo.

13 Tại sao Ðức Giê-hô-va cho ghi lại các thiếu sót của những người có trách nhiệm? Một lý do là Ðức Giê-hô-va muốn cho thấy ngài có thể dùng những người nam bất toàn để dẫn dắt dân sự, và thực tế ngài đã luôn làm thế. Vì vậy, chúng ta không nên lấy thiếu sót của những người dẫn đầu làm cớ để phàn nàn hoặc lờ đi quyền hành của họ. Ðức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng và vâng lời họ.—Ðọc Xuất Ê-díp-tô Ký 16:2, 8.

14, 15. Chúng ta rút ra bài học nào từ cách Ðức Giê-hô-va truyền chỉ thị cho dân ngài trong quá khứ?

14 Vâng lời những người đang dẫn đầu trong vòng chúng ta là điều thiết yếu. Hãy nhớ lại cách Ðức Giê-hô-va truyền chỉ thị cho dân ngài trong quá khứ vào những thời điểm quyết định. Khi dân Y-sơ-ra-ên rời Ai Cập, ngài ban chỉ dẫn cho họ qua Môi-se và A-rôn. Ðể sống sót qua tai vạ thứ mười, dân Y-sơ-ra-ên phải làm theo chỉ thị là chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt và vẩy huyết của chiên lên hai thanh dọc cùng thanh ngang trên của cửa nhà. Ðức Giê-hô-va có trực tiếp ban chỉ thị cho dân sự không? Không. Họ phải lắng nghe các trưởng lão, những người nhận chỉ dẫn từ Môi-se (Xuất 12:1-7, 21-23, 29). Trong tình huống này, Môi-se và các trưởng lão đóng vai trò là người truyền các chỉ thị của Ðức Giê-hô-va cho dân ngài. Các trưởng lão ngày nay cũng thực hiện một vai trò tương tự.

 15 Hẳn bạn nhớ đến nhiều trường hợp khác trong Kinh Thánh khi Ðức Giê-hô-va cung cấp chỉ dẫn cứu mạng qua con người hoặc thiên sứ. Trong tất cả những trường hợp ấy, ngài đều chọn ủy quyền cho người khác. Các sứ giả nói nhân danh ngài và cho dân sự biết họ cần làm gì để được sống sót qua thời kỳ nguy nan. Chúng ta có mọi lý do để tin rằng khi Ha-ma-ghê-đôn đến, Ðức Giê-hô-va sẽ dùng cách tương tự. Dĩ nhiên, các trưởng lão ngày nay đại diện cho Ðức Giê-hô-va hoặc tổ chức của ngài cần hết sức cẩn thận để không lạm quyền.

‘MỘT BẦY VÀ MỘT NGƯỜI CHĂN’

16. Chúng ta cần lắng nghe “tiếng” nào?

16 Dân Ðức Giê-hô-va hợp thành “một bầy” dưới “một người chăn” là Chúa Giê-su Ki-tô (Giăng 10:16). Chúa Giê-su nói rằng ngài sẽ luôn ở cùng các môn đồ “cho đến khi thời đại này kết thúc” (Mat 28:20). Là Vua trên trời, ngài hoàn toàn kiểm soát mọi biến cố dẫn đến ngày thế gian của Sa-tan bị hủy diệt. Ðể tiếp tục được an toàn và hợp nhất trong bầy của Ðức Chúa Trời, chúng ta cần lắng nghe “tiếng đằng sau” cho biết con đường mình phải đi. “Tiếng” này bao gồm những gì thần khí nói qua Kinh Thánh và những gì Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nói qua những người được bổ nhiệm làm người chăn phụ.—Ðọc Ê-sai 30:21; Khải huyền 3:22.

Các trưởng lão nỗ lực bảo vệ các gia đình đơn chiếc khỏi những mối giao tiếp tai hại (Xem đoạn 17, 18)

17, 18. (a) Có mối nguy hiểm nào đang đe dọa bầy, nhưng chúng ta có thể tin chắc điều gì? (b) Bài kế tiếp sẽ giải đáp câu hỏi nào?

17 Sa-tan được ví “như sư tử gầm rống, tìm kiếm người nào đó để cắn nuốt” (1 Phi 5:8). Như dã thú háu mồi, hắn đang rình rập quanh bầy, chờ thời cơ để chộp những con thiếu cảnh giác hoặc đi xa bầy. Ðiều này cho chúng ta thêm lý do để luôn ở trong bầy và gắn bó với ‘đấng chăn dắt và bảo vệ sự sống chúng ta’ (1 Phi 2:25). Về những người được sống sót qua hoạn nạn lớn, Khải huyền 7:17 nói: ‘Chiên Con [Chúa Giê-su] sẽ chăn dắt họ, hướng dẫn họ đến các suối nước sự sống. Và Ðức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt khỏi mắt họ’. Có lời hứa nào tuyệt vời hơn không?

18 Thật vậy, các trưởng lão đạo Ðấng Ki-tô có vai trò rất quan trọng trong việc chăn dắt hội thánh. Những anh được bổ nhiệm cần lưu ý điều gì để luôn đối xử yêu thương với chiên của Chúa Giê-su? Câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài kế tiếp.