Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn sẽ hy sinh vì Nước Trời không?

Bạn sẽ hy sinh vì Nước Trời không?

“Ðức Chúa Trời yêu thương người nào hiến tặng một cách vui lòng”.—2 CÔ 9:7.

1. Nhiều người đã hy sinh như thế nào, và tại sao?

Người ta sẵn sàng hy sinh cho những điều quan trọng với họ. Cha mẹ hy sinh thời gian, tiền bạc và công sức vì lợi ích của con. Trong khi bạn bè đồng trang lứa vui chơi, những vận động viên trẻ mong ước được thi đấu cho đất nước tại Thế vận hội thì dành nhiều giờ mỗi ngày để vất vả luyện tập. Chúa Giê-su cũng hy sinh cho những điều quan trọng với ngài. Mục tiêu của ngài không phải là hưởng thụ cuộc sống xa hoa hoặc có con. Thay vì thế, ngài chọn tập trung vào việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời (Mat 4:17; Lu 9:58). Các môn đồ ngài cũng từ bỏ nhiều thứ để ủng hộ Nước Ðức Chúa Trời. Ðiều quan trọng hàng đầu với họ là quyền lợi Nước Trời, và họ đã hy sinh để ủng hộ Nước này (Mat 4:18-22; 19:27). Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: “Ðiều gì là quan trọng trong đời mình?”.

2. (a) Mọi tín đồ đạo Ðấng Ki-tô đều phải thực hiện những hy sinh nào? (b) Một số tín đồ hy sinh thêm qua những cách nào?

2 Có những hy sinh mà mọi tín đồ đạo Ðấng Ki-tô chân chính phải thực hiện, và đây là điều thiết yếu để vun trồng và gìn giữ mối quan hệ gần gũi với Ðức Giê-hô-va. Những hy sinh đó bao gồm dành thời gian và sức lực để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, thờ phượng cùng với gia đình, tham dự nhóm họp và rao giảng * (Giô-suê 1:8; Mat 28:19, 20; Hê 10:24, 25). Nhờ nỗ lực của chúng ta cùng với sự ban phước của Ðức Giê-hô-va, công việc rao giảng được đẩy mạnh và ngày càng có nhiều người đổ về “núi của nhà Ðức Giê-hô-va” (Ê-sai 2:2). Vì muốn ủng hộ Nước Trời, nhiều người đã hy sinh để phụng sự ở nhà Bê-tên, trợ giúp công việc xây Phòng Nước Trời và Phòng hội nghị, tổ chức các kỳ hội nghị hoặc tham gia công tác cứu trợ trong vùng xảy ra thiên tai. Những việc  này không phải là đòi hỏi để một người nhận được sự sống vĩnh cửu nhưng là điều thiết yếu để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời.

3. (a) Chúng ta nhận được lợi ích nào khi hy sinh vì Nước Trời? (b) Chúng ta nên xem xét những câu hỏi nào?

3 Hiện nay nhu cầu ủng hộ Nước Trời gia tăng hơn bao giờ hết. Chúng ta vui mừng khi thấy nhiều anh chị tình nguyện hy sinh cho Ðức Giê-hô-va. (Ðọc Thi-thiên 54:6). Tinh thần rộng rãi đó mang lại nhiều niềm vui cho chúng ta trong khi chờ đợi Nước Trời đến (Phục 16:15; Công 20:35). Tuy nhiên, tất cả chúng ta nên xem xét kỹ bản thân. Có cách nào để chúng ta hy sinh nhiều hơn cho Nước Trời không? Chúng ta đang dùng thời gian, tiền bạc, sức lực và khả năng như thế nào? Liên quan đến việc hy sinh, chúng ta phải thận trọng điều gì? Hãy xem một khuôn mẫu mà chúng ta có thể bắt chước trong việc dâng lễ vật tự nguyện, nhờ thế chúng ta có thêm niềm vui.

LỄ VẬT CỦA DÂN Y-SƠ-RA-ÊN

4. Việc dâng lễ vật mang lại lợi ích nào cho dân Y-sơ-ra-ên?

4 Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, việc dâng vật tế lễ là cơ sở để được tha tội. Người dân phải dâng lễ vật thì mới có ân huệ của Ðức Giê-hô-va. Một số là lễ vật bắt buộc, còn số khác là lễ vật “lạc-ý”, hay tự nguyện (Lê 23:37, 38). Các lễ vật thiêu có thể được dùng làm lễ vật tự nguyện, hay món quà, dâng lên Ðức Giê-hô-va. Một trường hợp điển hình về việc dâng lễ vật là vào lễ khánh thành đền thờ trong thời Sa-lô-môn.—2 Sử 7:4-6.

5. Ðức Giê-hô-va có sắp đặt nào dành cho người nghèo?

5 Là đấng yêu thương, Ðức Giê-hô-va hiểu rằng không phải mọi người đều có thể dâng lễ vật giống nhau, vì thế ngài đòi hỏi tùy theo khả năng của mỗi người. Luật pháp của Ðức Giê-hô-va quy định rằng huyết con vật phải được đổ ra, điều này là “bóng của những điều tốt lành sẽ đến” qua Con ngài là Chúa Giê-su (Hê 10:1-4). Tuy nhiên, Ðức Giê-hô-va phải lẽ trong việc đòi hỏi con vật tế lễ. Chẳng hạn, ngài sẵn sàng chấp nhận lễ vật là chim cu nếu người dâng không đủ khả năng dâng con vật lớn hơn. Vì thế, ngay cả người nghèo cũng có thể vui mừng dâng lễ vật cho Ðức Giê-hô-va (Lê 1:3, 10, 14; 5:7). Dù các con vật được dâng có thể khác nhau, nhưng có hai điều đòi hỏi nơi mỗi người dâng lễ vật tự nguyện.

6. Ðức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi mỗi người dâng lễ vật, và việc tuân theo những đòi hỏi ấy quan trọng như thế nào?

 6 Thứ nhất, người dâng lễ vật phải dâng điều tốt nhất mình có. Ðức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng họ phải dâng con vật lành lặn, không khiếm khuyết, thì mới “được nhậm” (Lê 22:18-20). Thứ hai, người dâng lễ vật phải thanh sạch và không ô uế. Nếu một người không thanh sạch, người ấy phải dâng “của-lễ chuộc tội” hoặc “của-lễ chuộc sự mắc lỗi” để khôi phục lại vị thế thanh sạch trước mắt Ðức Giê-hô-va trước khi dâng lễ vật tự nguyện (Lê 5:5, 6, 15). Ðiều này rất quan trọng. Ngài quy định rằng nếu một người không thanh sạch mà ăn lễ vật thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân sự (Lê 7:20, 21). Ngược lại, nếu một người có vị thế tốt trước mắt Ðức Giê-hô-va và dâng lễ vật không khiếm khuyết, thì người ấy sẽ cảm thấy vui mừng và mãn nguyện.—Ðọc 1 Sử-ký 29:9.

DÂNG “LỄ VẬT” VÀO THỜI NAY

7, 8. (a) Việc hy sinh cho Nước Trời mang lại niềm vui nào cho nhiều anh chị? (b) Chúng ta có gì để dâng cho Ðức Giê-hô-va?

7 Ngày nay, nhiều tín đồ cũng sẵn sàng hy sinh hết mình trong việc phụng sự Ðức Giê-hô-va, và ngài vui lòng khi thấy điều này. Làm việc để giúp anh em mang lại cho chúng ta niềm vui. Một anh tham gia vào dự án xây Phòng Nước Trời và công tác cứu trợ tại những vùng xảy ra thiên tai đã nói rằng, không thể diễn tả hết sự thỏa nguyện mà những hoạt động này mang lại. Anh chia sẻ: “Thấy các anh chị địa phương vui mừng và cảm kích khi ở trong Phòng Nước Trời mới hoặc nhận được sự trợ giúp khi gặp thiên tai, tôi cảm thấy mọi công sức và nỗ lực thật đáng công”.

Nhiều lễ vật của dân Y-sơ-ra-ên mang tính tự nguyện, giống như nhiều “lễ vật” của chúng ta ngày nay (Xem đoạn 7-13)

8 Tổ chức của Ðức Giê-hô-va thời nay luôn tìm cơ hội để ủng hộ công việc của ngài. Năm 1904, anh Russell viết: “Mỗi tín đồ phải xem mình là người được Chúa bổ nhiệm làm người quản trị thời gian, quyền hành, tiền bạc và những thứ khác mình có, và cố gắng hết sức dùng những điều này để tôn vinh Chủ”. Dù việc ủng hộ công việc của Ðức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải hy sinh một số điều, nhưng sự hy sinh này mang lại nhiều ân phước (2 Sa 24:21-24). Chúng ta có thể dùng hiệu quả hơn những gì mình có không?

Những thành viên của nhà Bê-tên Úc

9. Liên quan đến việc dùng thời gian, chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc nào rút ra từ chỉ dẫn của Chúa Giê-su nơi Lu-ca 10:2-4?

 9 Thời gian. Cần nhiều thời gian và nỗ lực để dịch và in các ấn phẩm, xây những nơi thờ phượng, tổ chức các kỳ hội nghị, cứu trợ anh em sống ở vùng bị thiên tai và tham gia nhiều hoạt động cần thiết khác. Mỗi ngày, chúng ta chỉ có một lượng thời gian nhất định, nhưng Chúa Giê-su đưa ra một nguyên tắc có thể giúp chúng ta khéo dùng thì giờ. Khi phái các môn đồ đi rao giảng, ngài bảo họ “đừng dừng lại để chào hỏi ai dọc đường” (Lu 10:2-4). Tại sao ngài đưa ra chỉ dẫn đó? Một học giả Kinh Thánh nói: “Ðối với người Ðông phương, chào hỏi không chỉ là cúi người một chút hoặc bắt tay như chúng ta thường làm, mà là những cái ôm, cúi xuống nhiều lần, thậm chí sấp mình xuống đất. Mất nhiều thời gian để thực hiện tất cả nghi lễ này”. Chúa Giê-su không khuyến khích các môn đồ tỏ ra khiếm nhã. Thay vì thế, ngài giúp họ ý thức rằng vì chỉ có ít thời gian nên họ cần tận dụng tối đa để chu toàn những điều quan trọng hơn (Ê-phê 5:16). Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc này hầu có thêm thời gian để ủng hộ công việc Nước Trời không?

Những người công bố tại Phòng Nước Trời ở Kenya, châu Phi

10, 11. (a) Khoản đóng góp cho công việc rao giảng toàn cầu đang được dùng vào một số việc nào? (b) Nguyên tắc nào nơi 1 Cô-rinh-tô 16:1, 2 có thể giúp chúng ta?

10 Tiền bạc. Cần một khoản tiền lớn để ủng hộ công việc Nước Trời. Mỗi năm, hàng chục triệu đô la được dùng để trang trải chi phí cho giám thị lưu động, tiên phong đặc biệt và giáo sĩ. Từ năm 1999, hơn 24.500 Phòng Nước Trời được xây trong những nước ít điều kiện về vật chất, nhưng hiện nay vẫn cần thêm gần 6.400 Phòng Nước Trời nữa. Mỗi tháng, khoảng 100 triệu cuốn tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! được in. Tất cả công việc này được tài trợ do sự đóng góp tình nguyện của các anh chị.

11 Dưới sự hướng dẫn của Ðức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô đưa ra một nguyên tắc về việc đóng góp. (Ðọc 1 Cô-rinh-tô 16:1, 2). Ông khuyến khích anh em ở Cô-rinh-tô đừng đợi đến cuối tuần xem còn dư hay không, mà vào đầu tuần hãy dành riêng một khoản để đóng góp, tùy theo khả năng của mình. Như vào thế kỷ thứ nhất, các anh chị thời nay lên kế hoạch để đóng góp một cách rộng rãi, tùy hoàn cảnh của mỗi người (Lu 21:1-4; Công 4:32-35). Ðức Giê-hô-va quý trọng tinh thần hy sinh như thế.

Một tình nguyện viên thuộc Ủy ban Xây cất Vùng tại Tuxedo, New York, Hoa Kỳ

12, 13. Lối suy nghĩ nào có thể cản trở một số người dâng hết khả năng và sức lực cho Ðức Giê-hô-va, nhưng ngài sẽ giúp họ ra sao?

12 Khả năng và sức lực. Ðức Giê-hô-va hỗ trợ khi chúng ta dùng khả năng và sức lực cho công việc Nước Trời. Ngài hứa sẽ tiếp sức khi chúng ta mệt mỏi (Ê-sai 40:29-31). Chúng ta có cảm thấy mình không đủ khả năng để tham gia công việc Nước Trời? Chúng ta có lý luận rằng nhiều anh chị khác có khả năng hơn mình không? Hãy nhớ rằng Ðức Giê-hô-va có thể cải tiến kỹ năng vốn có của một người, như ngài đã làm cho Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp.—Xuất 31:1-6; xem hình nơi đầu bài.

13 Ðức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta đừng để bất cứ thứ gì cản trở mình dâng cho ngài những điều tốt nhất (Châm 3:27). Trong thời gian xây lại đền thờ, Ðức Giê-hô-va khuyến giục người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem xem lại việc họ đang làm để ủng hộ công việc xây cất (A-ghê 1:2-5). Thật ra họ đã bị phân tâm và không còn ưu tiên cho công việc của Ðức Giê-hô-va. Chúng ta có xem việc làm theo ý muốn của Ðức Giê-hô-va là điều quan trọng nhất trong đời sống không? Thật tốt nếu chúng ta “xem-xét đường-lối mình” và suy ngẫm làm thế nào mình có  thể ủng hộ Nước Trời nhiều hơn trong những ngày sau cùng này.

DÂNG TÙY THEO NHỮNG GÌ MÌNH CÓ

14, 15. (a) Chúng ta được tác động ra sao từ gương của các anh chị có tài chính eo hẹp? (b) Chúng ta nên có ước muốn nào?

14 Nhiều nơi trên thế giới có đời sống rất khó khăn, thường xuyên xảy ra đói nghèo. Tổ chức của chúng ta cố gắng “bù đắp” cho sự thiếu thốn của những anh em sống trong các nước như thế (2 Cô 8:14). Tuy nhiên, ngay cả những anh em có tài chính eo hẹp cũng quý trọng đặc ân đóng góp. Ðức Giê-hô-va rất vui khi thấy những tôi tớ thiếu thốn về vật chất hiến tặng cách vui lòng.—2 Cô 9:7.

15 Tại một nước rất nghèo ở châu Phi, một số anh chị dành ra một khoảng đất trong khu vườn của mình, và dùng số tiền bán sản vật thu được từ khoảng vườn ấy để ủng hộ công việc Nước Trời. Cũng trong nước đó, dự án xây cất một Phòng Nước Trời được lên kế hoạch. Các anh chị địa phương muốn tham gia trợ giúp, nhưng dự án sẽ được tiến hành vào giữa mùa gieo giống. Tuy nhiên vì quyết tâm cao độ, các anh chị đã tham gia xây Phòng Nước Trời vào ban ngày và buổi tối ra đồng gieo hạt. Thật là một tinh thần hy sinh đáng nể phục! Các anh chị ấy gợi chúng ta nhớ đến anh em ở Ma-xê-đô-ni-a vào thế kỷ thứ nhất. Dù “nghèo túng”, nhưng họ đã nài xin Phao-lô cho họ đặc ân đóng góp để trợ giúp anh em (2 Cô 8:1-4). Noi gương các anh chị ấy, mong sao mỗi chúng ta ‘dâng tùy theo phước mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ban cho mình’.—Ðọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:17.

16. Bằng cách nào chúng ta có thể đảm bảo rằng những điều mình dâng cho Ðức Giê-hô-va được đẹp ý ngài?

16 Tuy nhiên, có một điều chúng ta cần thận trọng. Như những người Y-sơ-ra-ên, chúng ta phải đảm bảo rằng những điều mình tự nguyện dâng cho Ðức Giê-hô-va được đẹp ý ngài. Chúng ta phải giữ thăng bằng để chu toàn các trách nhiệm quan trọng nhất, tức trách nhiệm đối với gia đình và việc thờ phượng Ðức Giê-hô-va. Chúng ta không nên để cho việc hy sinh thời gian, sức lực và tiền của cho người khác khiến mình sao lãng trách nhiệm chăm sóc gia đình về thể chất hoặc thiêng liêng, vì như thế thì giống như chúng ta dâng những điều mình không có. (Ðọc 2 Cô-rinh-tô 8:12). Ngoài ra, chúng ta cũng phải duy trì tình trạng thiêng liêng của bản thân (1 Cô 9:26, 27). Nhưng nếu chúng ta đang sống phù hợp với tiêu chuẩn Kinh Thánh, hãy tin chắc rằng những sự hy sinh của mình sẽ mang lại niềm vui và thỏa nguyện, đồng thời được Ðức Giê-hô-va vui lòng đón nhận.

NHỮNG HY SINH CỦA CHÚNG TA CÓ GIÁ TRỊ LỚN

17, 18. Chúng ta cảm thấy thế nào về những anh chị đang hy sinh vì Nước Trời, và mỗi chúng ta nên xem xét điều gì?

17 Nhiều anh chị cống hiến hết mình cho công việc Nước Trời khác nào “rượu đổ trên vật tế lễ” (Phi-líp 2:17). Chúng ta thật sự quý trọng những anh chị thể hiện tinh thần như thế. Những người vợ và con cái của các anh dẫn đầu công việc Nước Trời cũng đáng được khen vì tinh thần rộng rãi và hy sinh bất vị kỷ của họ.

18 Cần nhiều sự góp sức để đẩy mạnh công việc Nước Trời. Mong sao tất cả chúng ta cầu nguyện và xem xét kỹ hoàn cảnh của mình để có thể tham gia vào công việc ấy càng nhiều càng tốt. Khi làm thế, chúng ta sẽ nhận được ân phước ngay bây giờ và nhiều ân phước hơn “trong thế giới mới sẽ đến”.—Mác 10:28-30.

^ đ. 2 Xin xem bài “Hết mình dâng vật tế lễ cho Ðức Giê-hô-va” trong Tháp Canh ngày 15-1-2012, trang 21-25.