Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va—Đấng Cung Cấp và Đấng Bảo Vệ chúng ta

Đức Giê-hô-va—Đấng Cung Cấp và Đấng Bảo Vệ chúng ta

“Bởi vì người tríu-mến ta, nên ta sẽ giải-cứu người; ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh ta”.—THI 91:14.

1, 2. Chúng ta có hoàn cảnh gia đình cũng như cách đến với sự thật khác nhau như thế nào?

Gia đình trên đất là do Đức Giê-hô-va sáng lập (Ê-phê 3:14, 15). Dù sống trong một gia đình, các thành viên cũng có cá tính và hoàn cảnh khác nhau. Có lẽ bạn đã sống chung với cha mẹ từ khi sinh ra đến khi khôn lớn. Số khác thì ngay từ lúc nhỏ đã mất cha mẹ vì cha mẹ bị bệnh, gặp tai nạn hay lý do khác. Cũng có những người không biết cha mẹ mình là ai.

2 Là thành viên trong gia đình gồm những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng đến với sự thật theo nhiều cách khác nhau. Có thể bạn được cha mẹ dạy các nguyên tắc của Đức Chúa Trời (Phục 6:6, 7). Hoặc có lẽ bạn là một trong số hàng ngàn anh chị biết sự thật khi được tôi tớ của Đức Giê-hô-va rao giảng cho.—Rô 10:13-15; 1 Ti 2:3, 4.

3. Chúng ta có một số điểm chung nào?

3 Dù có những yếu tố khác nhau, chúng ta vẫn có một số điểm chung. Do sự bất tuân của A-đam nên mọi người đều gánh chịu sự bất toàn, tội lỗi và sự chết (Rô 5:12). Tuy nhiên, là những người thờ phượng thật, chúng ta được gọi Đức Giê-hô-va là Cha. Ê-sai 64:8 viết: ‘Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Cha chúng tôi!’. Như vậy, vào thời xưa, dân được chọn của Đức  Chúa Trời có thể gọi ngài là Cha. Hơn nữa, Chúa Giê-su mở đầu lời cầu nguyện mẫu bằng câu: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh”.—Mat 6:9.

4, 5. Chúng ta nên làm gì khi xem xét những yếu tố giúp mình gia tăng lòng quý trọng Cha trên trời?

4 Cha trên trời sẵn sàng cung cấp sự chăm sóc và bảo vệ cần thiết cho chúng ta, những người kêu cầu ngài với đức tin. Người viết Thi-thiên ghi lại những lời sau của Đức Chúa Trời: “Bởi vì người [một người thờ phượng chân chính] tríu-mến ta, nên ta sẽ giải-cứu người; ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh ta” (Thi 91:14). Thật vậy, Đức Giê-hô-va yêu thương giải cứu và bảo vệ chúng ta với tư cách là một dân, nhờ thế chúng ta không bị kẻ thù tuyệt diệt.

5 Để gia tăng lòng quý trọng Cha trên trời, chúng ta hãy xem xét ba yếu tố: (1) Ngài là Đấng Cung Cấp. (2) Ngài là Đấng Bảo Vệ. (3) Ngài là Bạn tốt nhất của chúng ta. Khi xem xét những yếu tố này, chúng ta hãy suy ngẫm về mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời và cố gắng nhận ra làm thế nào chúng ta có thể tôn vinh ngài. Cũng hãy suy ngẫm về những ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho những người đến gần ngài.—Gia 4:8.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ĐẤNG CUNG CẤP VĨ ĐẠI

6. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va là đấng ban cho “mọi món quà tốt lành”?

6 Môn đồ Gia-cơ viết: “Mọi món quà tốt lành và hoàn hảo đều từ trên mà xuống, tức từ Cha của ánh sáng” (Gia 1:17). Chính sự sống là món quà tuyệt diệu từ Đức Giê-hô-va (Thi 36:9). Khi dùng đời sống để thi hành ý muốn của ngài, chúng ta nhận được vô vàn ân phước ngay bây giờ và sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới (Châm 10:22; 2 Phi 3:13). Nhưng với những hậu quả tai hại từ sự bất tuân của A-đam thì làm thế nào chúng ta có thể hưởng được các điều tốt lành đó?

7. Đức Chúa Trời mở đường như thế nào để chúng ta có mối quan hệ mật thiết với ngài?

7 Đức Giê-hô-va là Đấng Cung Cấp Vĩ Đại theo vô số cách khác nhau. Chẳng hạn, lòng nhân từ bao la của ngài mang lại sự cứu rỗi cho chúng ta. Thật vậy, tất cả chúng ta đều có tội và bị di truyền sự bất toàn từ người cha đầu tiên trên đất (Rô 3:23). Tuy nhiên, vì yêu thương, Đức Giê-hô-va đã chủ động mở đường cho chúng ta có mối quan hệ mật thiết với ngài. Sứ đồ Giăng viết: “Trong trường hợp của chúng ta, tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một của ngài xuống thế gian, hầu nhờ Con ấy mà chúng ta có sự sống. Tình yêu thương trong trường hợp này là: Không phải chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng ngài yêu thương chúng ta và phái Con ngài đến làm lễ vật cầu hòa vì tội lỗi chúng ta”.—1 Giăng 4:9, 10.

8, 9. Đức Giê-hô-va chứng tỏ là Đấng Cung Cấp Vĩ Đại như thế nào vào thời Áp-ra-ham và Y-sác? (Xem hình nơi đầu bài).

8 Vào thế kỷ 19 TCN, một biến cố đã xảy ra tiết lộ sự cung cấp đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va để những người vâng lời nhận được sự sống vĩnh cửu. Hê-bơ-rơ 11:17-19 giải thích: “Bởi đức tin, Áp-ra-ham xem như đã dâng Y-sác trong khi bị thử thách; người đàn ông từng vui mừng nhận các lời hứa đã toan dâng chính con một của mình, dù có lời phán với ông: ‘Những kẻ được gọi là “dòng dõi của ngươi” sẽ ra từ Y-sác’. Nhưng ông nghĩ rằng Đức Chúa Trời có thể làm con mình sống lại; và ông đã nhận lại con mình từ cái chết, theo cách mà sau này trở thành hình ảnh tượng trưng”. Như Áp-ra-ham đã sẵn sàng dâng Y-sác, Đức Giê-hô-va sẵn lòng ban Con của ngài, Chúa Giê-su Ki-tô, để cứu chuộc nhân loại.—Đọc Giăng 3:16, 36.

 9 Y-sác hẳn vui mừng biết bao khi mình không phải dâng mạng sống! Chắc chắn, ông rất biết ơn Đức Chúa Trời vì ngài đã cung cấp vật tế lễ thay thế—một con chiên đực mắc trong bụi cây (Sáng 22:10-13). Chỗ đó được đặt tên là “Giê-hô-va Di-rê”, tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp”.—Sáng 22:14.

SỰ CUNG CẤP ĐỂ GIẢI HÒA

10, 11. Những ai dẫn đầu trong việc “giải hòa”, và họ làm điều này qua cách nào?

10 Khi suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va chứng tỏ là Đấng Cung Cấp Vĩ Đại, chúng ta ý thức được tầm quan trọng của sự hy sinh của Chúa Giê-su. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng tôi đã kết luận như vầy: Một người chết vì mọi người; quả vậy, mọi người đã chết; và ngài chết cho mọi người, để những người sống thì không sống cho chính mình nữa, mà sống cho đấng đã chết vì họ và đã được sống lại”.—2 Cô 5:14, 15.

11 Vì yêu thương Đức Chúa Trời và quý trọng đặc ân vô giá là được phụng sự ngài, các tín đồ thời ban đầu đã vui lòng đón nhận “chức vụ giải hòa”. Nhờ công việc rao giảng và đào tạo môn đồ mà họ thực hiện, những người có lòng thành có thể hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, hưởng tình bạn với ngài và cuối cùng trở thành con thiêng liêng của ngài. Ngày nay, những tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va cũng thi hành chức vụ ấy. Nhờ công việc họ làm với tư cách là đại sứ của Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô, những người có thái độ đúng có thể được Đức Giê-hô-va kéo đến và thờ phượng ngài.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:18-20; Giăng 6:44; Công 13:48.

12, 13. Bằng cách nào chúng ta thể hiện lòng biết ơn về những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va?

12 Biết ơn Đấng Cung Cấp Vĩ Đại, mọi tín đồ có hy vọng sống mãi trên đất cùng tham gia công việc rao giảng về Nước Trời với những tín đồ được xức dầu. Khi làm công việc này, chúng ta sử dụng Kinh Thánh, một sự cung cấp tuyệt vời khác của Đức Chúa Trời (2 Ti 3:16, 17). Bằng cách khéo dùng Lời Đức Chúa Trời trong thánh chức, chúng ta cho người khác cơ hội nhận được sự sống vĩnh cửu. Để làm được việc này, mỗi chúng ta nương cậy nơi một sự cung cấp nữa đến từ Đức Giê-hô-va, đó là thần khí (Xa 4:6; Lu 11:13). Nhờ thế, công việc rao giảng đạt được thành quả rất ấn tượng, như được thấy trong bảng báo cáo hằng năm về hoạt động rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va. Thật vinh dự khi được tham gia công việc này để ngợi khen Cha và Đấng Cung Cấp của chúng ta!

13 Rõ ràng, Đức Chúa Trời cung cấp rất nhiều điều cho chúng ta. Vậy, hãy tự hỏi: “Mình có làm hết sức trong thánh chức để cho Đức Giê-hô-va thấy mình quý trọng sâu xa những sự cung cấp của ngài không? Mình có thể cải thiện thánh chức như thế nào để trở thành người truyền giáo hữu hiệu hơn?”. Chúng ta có thể thể hiện lòng biết ơn về những cung cấp tuyệt vời của Đức Giê-hô-va bằng cách luôn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống. Khi chúng ta làm thế, ngài sẽ chăm lo mọi nhu cầu cho chúng ta (Mat 6:25-33). Để đáp lại lòng quan tâm đầy yêu thương của Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta muốn cố gắng hết sức để làm ngài vui lòng.—Châm 27:11.

14. Đức Giê-hô-va chứng tỏ là Đấng Giải Cứu đối với dân ngài như thế nào?

14 Người viết Thi-thiên là Đa-vít từng hát: “Tôi là khốn-cùng và thiếu-thốn; dầu vậy Chúa tưởng đến tôi. Chúa là sự tiếp-trợ tôi, và là Đấng giải-cứu tôi” (Thi 40:17). Đức Giê-hô-va đã nhiều lần chứng tỏ là Đấng Giải Cứu đối với dân ngài với tư cách là một nhóm, đặc biệt khi họ bị kẻ thù bắt bớ dữ dội và gây áp lực nặng nề. Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì  ngài luôn cung cấp sự trợ giúp cần thiết để chúng ta giữ lòng trung thành trong thời kỳ khó khăn như thế.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ĐẤNG BẢO VỆ

15. Hãy nêu ví dụ cho thấy một người cha yêu thương cố gắng bảo vệ con.

15 Một người cha yêu thương không chỉ chu cấp cho con mà còn bảo vệ con. Nếu con gặp nguy hiểm, đương nhiên người cha sẽ cố gắng giải cứu con. Một anh nhớ lại chuyện xảy ra khi anh còn bé. Sau buổi rao giảng, hai bố con anh đang trên đường về nhà và phải đi qua một con suối. Một trận mưa lớn vào sáng hôm đó đã biến dòng suối thành dòng lũ. Cách duy nhất để băng qua là nhảy từ tảng đá nọ sang tảng đá kia. Anh đi trước bố và bị trượt chân ngã xuống nước, chới với dưới dòng nước chảy xiết. Anh thật biết ơn vì bố đã nhanh chóng túm lấy vai anh và giải cứu anh! Cha trên trời giải cứu chúng ta khỏi Sa-tan và những “dòng nước xiết” trong thế gian của hắn. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va là Đấng Bảo Vệ có một không hai.—Mat 6:13; 1 Giăng 5:19.

16, 17. Đức Giê-hô-va đã trợ giúp và bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên như thế nào khi họ chiến đấu với dân A-ma-léc?

16 Sự bảo vệ yêu thương của Đức Giê-hô-va được thấy rõ qua một sự kiện xảy ra sau khi ngài giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai Cập và bảo vệ họ khi họ băng qua Biển Đỏ vào năm 1513 TCN. Sau khi đi đoạn đường trong hoang mạc hướng về núi Si-na-i, dân Y-sơ-ra-ên đã đến Rê-phi-đim.

17 Phù hợp với lời tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15, hẳn Sa-tan đã điên cuồng tìm mọi cách để tấn công dân Y-sơ-ra-ên yếu thế. Hắn làm điều này qua dân A-ma-léc, vốn là kẻ thù của dân Đức Chúa Trời (Dân 24:20). Hãy xem Đức Giê-hô-va đã làm gì qua bốn tôi tớ trung thành là Giô-suê, Môi-se, A-rôn và Hu-rơ. Khi Giô-suê chiến đấu với dân A-ma-léc, thì Môi-se, A-rôn và Hu-rơ đứng ở một ngọn đồi gần  đó. Khi nào Môi-se giơ tay lên thì dân Y-sơ-ra-ên chiếm thế thượng phong. Khi tay ông mỏi thì A-rôn và Hu-rơ đỡ tay của ông lên. Với sự trợ giúp và bảo vệ của Đức Giê-hô-va, ‘Giô-suê đánh bại A-ma-léc và dân-sự người’ (Xuất 17:8-13). Môi-se lập một bàn thờ, “đặt tên là ‘Giê-hô-va cờ-xí của tôi’”.—Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 17:14, 15.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TIẾP TỤC BẢO VỆ CHÚNG TA KHỎI NANH VUỐT CỦA SA-TAN

18, 19. Đức Chúa Trời cung cấp sự bảo vệ nào cho các tôi tớ thời hiện đại?

18 Đức Giê-hô-va bảo vệ những người yêu mến ngài và vâng lời ngài. Như dân Y-sơ-ra-ên tại Rê-phi-đim, chúng ta hướng đến Đức Giê-hô-va để được bảo vệ khi bị kẻ thù đe dọa. Đức Giê-hô-va đã nhiều lần bảo vệ chúng ta với tư cách là một nhóm, và ngài tiếp tục gìn giữ chúng ta khỏi nanh vuốt của Kẻ Quỷ Quyệt. Hãy nghĩ đến những trường hợp của các anh em được Đức Chúa Trời bảo vệ khi bị bắt bớ vì giữ lập trường trung lập, chẳng hạn như vào thời quốc xã tại Đức và những nước khác trong thập niên 1930 và đầu thập niên 1940. Khi đọc và suy ngẫm những kinh nghiệm trong Tháp Canh và Niên giám (Yearbook) về việc Đức Chúa Trời bảo vệ những anh em bị bắt bớ, chúng ta sẽ càng tin cậy ngài, nơi nương náu của chúng ta.—Thi 91:2.

Đức Giê-hô-va có thể dùng anh em đồng đạo để giúp chúng ta giữ sự trung thành trong thời kỳ khó khăn (Xem đoạn 18-20)

19 Qua tổ chức của Đức Giê-hô-va và những ấn phẩm mà tổ chức cung cấp, chúng ta nhận được những lời nhắc nhở yêu thương nhằm bảo vệ chúng ta. Hãy xem điều này đã mang lại lợi ích nào trong thời gian gần đây. Khi thế gian ngày càng chìm đắm trong vũng bùn trụy lạc và tài liệu khiêu dâm, Đức Giê-hô-va cung cấp những lời nhắc nhở kịp thời và sự trợ giúp thực tế hầu giúp chúng ta cảnh giác trước những mối nguy hiểm về đạo đức. Chẳng hạn, chúng ta nhận được lời khuyên đầy quan tâm về việc tránh lạm dụng mạng xã hội, điều có thể khiến chúng ta kết hợp với người xấu *.—1 Cô 15:33.

20. Chúng ta nhận được sự hướng dẫn và bảo vệ nào từ hội thánh?

20 Làm sao chúng ta cho thấy mình thật sự đang “được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ”? Bằng cách cẩn thận làm theo các mệnh lệnh của ngài (Ê-sai 54:13). Tại hội thánh, nơi trú ẩn an toàn, chúng ta nhận được sự hướng dẫn và bảo vệ cần thiết, vì tại đây có những trưởng lão trung thành cung cấp sự giúp đỡ và lời khuyên dựa trên Kinh Thánh (Ga 6:1). Qua các anh, Đức Giê-hô-va thể hiện lòng quan tâm trìu mến với chúng ta (Ê-phê 4:7, 8). Chúng ta nên đáp lại thế nào? Khi sẵn lòng vâng lời và phục tùng, chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời ban phước.—Hê 13:17.

21. (a) Chúng ta nên quyết tâm làm gì? (b) Bài kế tiếp sẽ xem xét điều gì?

21 Vậy, hãy quyết tâm nương cậy sự trợ giúp của thần khí và chấp nhận sự hướng dẫn của Cha trên trời. Chúng ta cũng cần suy ngẫm về đời sống của Con ngài là Chúa Giê-su, và cố gắng noi gương xuất sắc của ngài. Vì vâng lời cho đến chết, Chúa Giê-su đã nhận được phần thưởng lớn (Phi-líp 2:5-11). Như ngài, chúng ta sẽ được ban phước nếu hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va (Châm 3:5, 6). Vậy, mong sao chúng ta luôn nương cậy Đức Giê-hô-va, Đấng Cung Cấp và Đấng Bảo Vệ vô song. Thật vui mừng và vinh dự khi được phụng sự ngài! Tình yêu thương của chúng ta dành cho ngài sẽ lớn dần khi suy ngẫm về yếu tố thứ ba—tình bạn với ngài. Bài kế tiếp sẽ giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va là Bạn tốt nhất như thế nào.

^ đ. 19 Một số lời nhắc nhở được đăng trong bài “Internet—Hãy khôn ngoan sử dụng công cụ toàn cầu này” trong Tháp Canh ngày 15-8-2011, trang 3-5 và hai bài “Coi chừng bẫy của Kẻ Quỷ Quyệt!”, “Đứng vững và tránh bẫy của Sa-tan!” trong Tháp Canh ngày 15-8-2012, trang 20-29.