Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Thức ăn của tôi là làm theo ý muốn Đức Chúa Trời’

‘Thức ăn của tôi là làm theo ý muốn Đức Chúa Trời’

Điều gì mang lại niềm vui lớn cho chúng ta? Có lẽ mối quan hệ hôn nhân, chăm sóc gia đình hoặc vun đắp tình bạn là điều mang lại niềm vui lớn. Hẳn chúng ta thích dùng bữa với những người thân yêu. Tuy nhiên, là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chẳng phải việc làm theo ý muốn ngài, học hỏi Lời ngài và rao giảng tin mừng là những điều mang lại niềm vui sâu xa hay sao?

Trong một bài ngợi khen Đấng Tạo Hóa, vua Đa-vít đã hát rằng: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi 40:8). Bất kể những khó khăn và áp lực trong đời, Đa-vít thật sự vui thích khi làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, Đa-vít không phải là tôi tớ duy nhất của Đức Giê-hô-va vui thích trong việc phụng sự ngài.

Liên kết những lời nơi Thi-thiên 40:8 với Đấng Mê-si, tức Đấng Ki-tô, sứ đồ Phao-lô viết: “Khi đến thế gian, Đấng Ki-tô nói: ‘“Ngài không muốn lễ vật và vật tế lễ, nhưng ngài chuẩn bị cho con một thân thể. Ngài không nhậm lễ vật thiêu và lễ vật chuộc tội”. Rồi con nói: “Đức Chúa Trời ơi! Con đến (trong cuộn sách có viết về con) để làm theo ý muốn ngài”’”.—Hê 10:5-7.

Khi sống trên đất, Chúa Giê-su vui thích quan sát các công trình sáng tạo, gặp gỡ bạn bè và dùng bữa với họ (Mat 6:26-29; Giăng 2:1, 2; 12:1, 2). Tuy nhiên, điều quan tâm hàng đầu và mang lại niềm vui lớn nhất cho ngài là làm theo ý muốn của Cha trên trời. Thật thế, Chúa Giê-su nói: “Thức ăn của tôi là làm theo ý muốn của đấng sai tôi đến và hoàn thành công việc ngài giao” (Giăng 4:34; 6:38). Các môn đồ Chúa Giê-su học từ Thầy của họ bí quyết có được hạnh phúc thật. Họ sẵn sàng và háo hức chia sẻ thông điệp Nước Trời với lòng đầy vui mừng.—Lu 10:1, 8, 9, 17.

“HÃY ĐI DẠY DỖ MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỒ”

Chúa Giê-su ban mệnh lệnh cho các môn đồ: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí, và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em. Này! Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến  khi thời đại này kết thúc” (Mat 28:19, 20). Thi hành sứ mạng ấy bao gồm việc rao giảng cho người ở khắp mọi nơi, thăm lại những người chú ý và hướng dẫn Kinh Thánh cho họ. Công việc này có thể là nguồn mang lại niềm vui lớn.

Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta tiếp tục rao giảng bất kể sự thờ ơ

Thái độ của chúng ta đóng vai trò chính yếu để tìm thấy niềm vui trong thánh chức, dù người ta có chú ý đến thông điệp hay không. Tại sao chúng ta tiếp tục rao truyền tin mừng bất kể sự thờ ơ và lãnh đạm? Vì chúng ta biết việc rao giảng và đào tạo môn đồ là bằng chứng cho thấy tình yêu thương mình dành cho Đức Chúa Trời và người đồng loại. Thật thế, mạng sống nhiều người đang lâm nguy, cả mạng sống của chúng ta lẫn người khác (Ê-xê 3:17-21; 1 Ti 4:16). Hãy xem xét vài điểm đã giúp nhiều anh chị duy trì hoặc lấy lại lòng sốt sắng tại những khu vực có nhiều thách thức.

TẬN DỤNG MỌI CƠ HỘI

Đặt câu hỏi thích hợp thường mang lại kết quả tốt trong thánh chức. Vào một buổi sáng, chị Amalia thấy một người đàn ông đang đọc báo trong công viên. Chị đến hỏi ông có đọc được tin vui nào không. Ông bảo là không và chị nói: “Tôi mang đến cho ông tin mừng về Nước Đức Chúa Trời”. Điều này khiến ông chú ý và chấp nhận học Kinh Thánh. Chị Amalia đã bắt đầu ba học hỏi Kinh Thánh tại công viên đó.

Một chị khác tên Janice xem nơi làm việc là khu vực rao giảng. Khi một bảo vệ cùng người bạn tỏ ra chú ý đến một bài trong Tháp Canh, chị Janice đề nghị mang tạp chí cho họ đều đặn. Chị cũng làm thế với một đồng nghiệp khác vì ông thích các chủ đề phong phú trong Tháp Canh Tỉnh Thức!. Điều này lại khiến một nữ đồng nghiệp khác cũng hỏi xin tạp chí. Chị Janice nói: “Đây quả là ân phước từ Đức Giê-hô-va!”. Cuối cùng, chị có 11 người trong lộ trình tạp chí tại chỗ làm.

TÍCH CỰC

Một giám thị lưu động đã đề nghị rằng khi rao giảng từng nhà, các công bố không nên kết thúc cuộc thảo luận bằng cách nói sẽ trở lại vào một ngày khác. Thay vì thế, họ có thể hỏi: “Tôi có thể cho ông/bà thấy cách tìm hiểu Kinh Thánh được không?” hoặc “Ngày giờ nào ông/bà muốn tôi trở lại để tiếp tục thảo luận?”. Anh giám thị lưu động báo cáo rằng nhờ áp dụng phương pháp này, các anh chị trong một hội thánh anh viếng thăm đã bắt đầu 44 cuộc học hỏi Kinh Thánh trong một tuần.

Nhanh chóng trở lại thăm sẽ mang lại kết quả tốt, dù chỉ vài ngày sau lần gặp đầu tiên. Tại sao? Vì làm thế cho thấy chúng ta thật sự muốn giúp những người có lòng thành hiểu Kinh Thánh. Khi hỏi một phụ nữ tại sao cô đồng ý học Kinh  Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, cô nói: “Tôi bắt đầu học vì họ bày tỏ sự quan tâm và yêu thương chân thành đối với tôi”.

Bạn có thể hỏi chủ nhà: “Tôi có thể cho ông/bà thấy cách tìm hiểu Kinh Thánh được không?”

Một thời gian ngắn sau khi tham dự Trường dành cho tiên phong, chị Madaí đã hướng dẫn 15 học hỏi Kinh Thánh và giao 5 người nữa cho các công bố khác. Một số học hỏi của chị đã đều đặn tham dự nhóm họp. Điều gì giúp chị Madaí có nhiều học hỏi đến thế? Trường tiên phong đã khắc ghi vào lòng chị tầm quan trọng của việc kiên trì thăm lại cho đến khi gặp được người ban đầu tỏ ra chú ý. Một chị khác đã giúp nhiều người học Kinh Thánh cho biết: “Tôi học được rằng việc kiên trì thăm lại là chìa khóa để giúp những người muốn biết về Đức Giê-hô-va”.

Nhanh chóng trở lại thăm những người muốn biết về Kinh Thánh cho thấy chúng ta có lòng quan tâm chân thật đối với họ

Thăm lại và hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh đòi hỏi nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, phần thưởng nhận được vượt xa mọi công khó chúng ta bỏ ra. Khi chuyên tâm rao giảng về Nước Trời, chúng ta có thể giúp người khác “hiểu biết chính xác về sự thật” và điều này có thể cứu họ (1 Ti 2:3, 4). Về phần chúng ta, đó là điều mang lại sự thỏa nguyện và vui mừng không gì sánh được.