Dùng Lời Đức Chúa Trời—Đó là lời sống!
“Lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực”.—HÊ 4:12.
1, 2. Đức Giê-hô-va giao nhiệm vụ nào cho Môi-se và ngài cam đoan với ông điều gì?
Bạn có thể hình dung bạn cảm thấy thế nào nếu đứng trước một người cai trị quyền lực nhất trên trái đất và nói đại diện cho dân của Đức Giê-hô-va? Rất có thể bạn cảm thấy lo lắng, không đủ khả năng và sợ. Bạn sẽ chuẩn bị lời trình bày như thế nào? Với tư cách là người đại diện cho Đức Chúa Trời toàn năng, bạn có thể làm gì để lời mình nói tăng thêm quyền lực?
2 Đây đúng là trường hợp của Môi-se. Đức Giê-hô-va đã bảo Môi-se, “người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian”, là ngài sẽ phái ông đến gặp Pha-ra-ôn để ông giải cứu dân Đức Chúa Trời khỏi ách áp bức và nô lệ ở xứ Ai Cập (Dân 12:3). Như các biến cố sắp xảy ra cho thấy Pha-ra-ôn tỏ ra bất kính và kiêu ngạo (Xuất 5:1, 2). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va muốn Môi-se ra lệnh cho Pha-ra-ôn hãy để nô lệ, tức dân của Đức Chúa Trời, ra khỏi xứ! Thật dễ hiểu, Môi-se thưa với Đức Giê-hô-va: “Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô?”. Hẳn Môi-se cảm thấy mình không đủ khả năng. Nhưng Đức Giê-hô-va cam đoan rằng ông sẽ không đơn độc. Ngài phán: “Ta sẽ ở cùng ngươi”.—Xuất 3:9-12.
3, 4. (a) Môi-se lo sợ điều gì? (b) Tại sao bạn có thể có cảm giác giống Môi-se?
3 Môi-se đã lo sợ điều gì? Hẳn Môi-se sợ Pha-ra-ôn không tiếp và không chú ý đến người đại diện cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Môi-se cũng sợ dân mình không tin Đức Giê-hô-va đã chỉ định ông là người dẫn họ ra khỏi xứ Ai Cập. Vì vậy, Môi-se thưa với Đức Giê-hô-va: “Nhưng dân đó sẽ chẳng tin và chẳng vâng lời tôi, vì sẽ nói rằng: Đức Giê-hô-va chẳng có hiện ra cùng ngươi đâu”.—Xuất 3:15-18; 4:1.
4 Câu trả lời của Đức Giê-hô-va và những biến cố sau đó dạy cho mỗi chúng ta một bài học sâu sắc. Đúng là bạn có lẽ không bao giờ phải trình diện trước một viên chức cấp cao. Nhưng có bao giờ bạn nhận thấy khó để nói chuyện về Đức Chúa Trời và Nước của ngài, ngay cả với những người bình thường mà bạn gặp không? Nếu có, hãy xem bạn có thể học được gì từ kinh nghiệm của Môi-se.
“TRONG TAY NGƯƠI CẦM VẬT CHI?”
5. Đức Giê-hô-va đặt trong tay Môi-se cái gì, và làm sao điều này làm ông bớt sợ? (Xem hình nơi đầu bài).
5 Khi Môi-se tỏ nỗi e ngại rằng người ta sẽ không xem trọng lời nói của ông thì Đức Chúa Trời trang bị để ông đối phó với những điều trước mắt. Lời tường thuật được ghi nơi Xuất Ê-díp-tô Ký cho biết: “Đức Giê-hô-va phán [với Môi-se] rằng: Trong tay ngươi cầm vật chi? Thưa rằng: Một cây gậy. Phán rằng: Hãy ném xuống đất đi. Người bèn ném xuống đất, gậy hóa ra một con rắn; Môi-se chạy trốn nó. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi ra nắm đuôi nó. Người giơ tay ra nắm, thì nó hoàn lại cây gậy trong tay. Đức Giê-hô-va phán rằng: Ấy để cho chúng nó tin rằng Giê-hô-va... đã hiện ra cùng ngươi” (Xuất 4:2-5). Nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời, cây gậy trong tay Môi-se đã biến thành con rắn! Phép lạ này chứng tỏ Môi-se là sứ giả của Đức Chúa Trời và nhận uy quyền từ ngài. Do đó, Đức Giê-hô-va bảo ông: “Ngươi hãy cầm lấy gậy nầy nơi tay, để dùng làm các dấu lạ” (Xuất 4:17). Với bằng chứng này, Môi-se có thể có đủ tự tin để nói với Pha-ra-ôn và với dân sự của Đức Chúa Trời.—Xuất 4:29-31; 7:8-13.
6. (a) Khi rao giảng, chúng ta nên có điều gì trong tay, và tại sao? (b) Hãy giải thích làm sao “lời Đức Chúa Trời là lời sống” và làm thế nào sách này “có quyền lực”?
6 Khi chia sẻ thông điệp của Đức Chúa Trời với người khác, chúng ta có điều gì trong tay của mình? Trong nhiều trường hợp, chúng ta có Kinh Thánh trong tay sẵn sàng để dùng. Dù có lẽ một số xem Kinh Thánh không khác gì một cuốn sách, nhưng Đức Giê-hô-va nói với chúng ta qua Lời được ngài hướng dẫn (2 Phi 1:21). Sách này ghi lại lời hứa của Đức Chúa Trời về những điều sẽ diễn ra dưới sự cai trị của Nước Trời. Đó là lý do sứ đồ Phao-lô có thể viết: “Lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực”. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:12). Tất cả lời hứa của Đức Giê-hô-va luôn sống động, không ngừng tại chỗ, vì ngài luôn làm việc để làm cho mọi điều được ứng nghiệm (Ê-sai 46:10; 55:11). Khi nhận ra những sự thật này về Lời Đức Chúa Trời, thì những điều mà một người đọc được trong Kinh Thánh có thể tác động mạnh mẽ trên đời sống của người ấy.
7. Làm thế nào chúng ta có thể ‘giảng dạy lời chân thật một cách đúng đắn’?
7 Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã đặt trong tay chúng ta Lời sống của ngài để chứng minh rằng thông điệp của chúng ta là đáng tin cậy và đến từ ngài. Không ngạc nhiên gì sau khi viết cho người Hê-bơ-rơ, Phao-lô thôi thúc Ti-mô-thê, người ông đỡ đầu về thiêng liêng, ‘hãy gắng hết sức giảng dạy lời chân thật của ngài một cách đúng đắn’ (2 Ti 2:15). Làm sao chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của Phao-lô? Bằng cách đọc lớn tiếng các câu Kinh Thánh khéo chọn để có thể động đến lòng người nghe. Với mục tiêu đó, các tờ chuyên đề đã phát hành năm 2013 giúp chúng ta làm được điều này.
ĐỌC MỘT CÂU KINH THÁNH KHÉO CHỌN!
8. Một giám thị công tác cho biết gì về các tờ chuyên đề?
8 Tất cả các tờ chuyên đề mới đều có chung định dạng. Thế nên khi đã học cách sử dụng một tờ chuyên đề thì chúng ta có thể sử dụng tất cả. Có dễ sử dụng không? Một giám thị công tác ở Hawaii, Hoa Kỳ, viết: “Chúng tôi không ngờ công cụ mới này hữu hiệu đến như thế trong việc rao giảng từng nhà và nơi công cộng”. Anh nhận thấy cách trình bày của tờ chuyên đề thôi thúc người ta hưởng ứng nhiều hơn, điều này thường dẫn đến các cuộc nói chuyện đầy thú vị. Anh nghĩ lý do là vì có câu hỏi cùng vài lời giải đáp ở mặt trước tờ chuyên đề. Chủ nhà không lo là mình trả lời sai.
9, 10. (a) Làm thế nào các tờ chuyên đề thôi thúc chúng ta dùng Kinh Thánh? (b) Bạn dùng tờ chuyên đề nào hữu hiệu nhất, và tại sao?
9 Mỗi tờ chuyên đề thôi thúc chúng ta đọc một câu Kinh Thánh khéo chọn. Chẳng hạn, hãy xem tờ chuyên đề Đau khổ có bao giờ chấm dứt?. Dù chủ nhà trả lời “có”, “không” hoặc “có thể”, hãy mở trang phía trong, chỉ cần nói: “Đây là những điều Kinh Thánh nói”. Rồi đọc Khải huyền 21:3, 4.
10 Tương tự, khi dùng tờ chuyên đề Bạn nghĩ sao về Kinh Thánh?, việc chủ nhà chọn lời giải đáp nào ở mặt trước của tờ chuyên đề không phải là vấn đề. Hãy mở trang trong và nói: “Kinh Thánh cho biết ‘cả Kinh Thánh được viết bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời’”. Rồi bạn có thể nói thêm: “Thật ra câu Kinh Thánh này cho biết nhiều hơn”. Rồi mở Kinh Thánh và đọc câu 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.
11, 12. (a) Bạn thỏa nguyện về điều gì khi làm thánh chức? (b) Làm thế nào các tờ chuyên đề có thể giúp bạn chuẩn bị cho lần viếng thăm kế tiếp?
11 Tùy vào phản ứng của chủ nhà, bạn sẽ quyết định đọc và thảo luận tờ chuyên đề nhiều bao nhiêu. Dù trường hợp nào đi nữa, ngoài việc trao cho người ta tờ chuyên đề, bạn thỏa nguyện khi đọc cho họ nghe Lời Đức Chúa Trời—thậm chí bạn có thể đọc chỉ một hoặc hai câu trong lần gặp đầu tiên. Sau đó, bạn có thể trở lại và tiếp tục cuộc thảo luận.
12 Mặt sau của mỗi tờ chuyên đề có một câu hỏi dưới tiểu đề “Hãy thử nghĩ” và các câu Kinh Thánh có thể dùng để thảo luận trong lần viếng thăm kế tiếp. Trong tờ chuyên đề Bạn nghĩ sao về tương lai?, câu hỏi cho lần viếng thăm kế tiếp là: “Đức Chúa Trời sẽ làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn như thế nào?”, Ma-thi-ơ 6:9, 10 và Đa-ni-ên 2:44 được viện dẫn. Đối với tờ chuyên đề Người chết sẽ được sống lại không?, câu hỏi là: “Tại sao chúng ta già và chết?”, Sáng-thế Ký 3:17-19 và Rô-ma 5:12 được viện dẫn.
13. Hãy giải thích cách dùng tờ chuyên đề để bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh.
13 Các tờ chuyên đề nhắm đến mục tiêu giúp chúng ta bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Khi một người quét mã QR * ở mặt sau của tờ chuyên đề, người ấy sẽ được hướng dẫn vào trang web của chúng ta. Tại đây người này sẽ được mời tìm hiểu Kinh Thánh. Tờ chuyên đề cũng nêu bật sách mỏng Tin mừng từ Đức Chúa Trời! và chỉ rõ bài học cụ thể trong sách ấy. Chẳng hạn, tờ chuyên đề Bạn nghĩ sao về tương lai? dẫn đến bài 7 của sách mỏng. Tờ chuyên đề Đâu là bí quyết giúp gia đình hạnh phúc? dẫn đến bài 9. Qua việc dùng các tờ chuyên đề theo đúng cách, bạn sẽ có thói quen về việc dùng Kinh Thánh trong lần gặp đầu tiên và viếng thăm. Điều này có lẽ dẫn đến việc bắt đầu nhiều cuộc học hỏi hơn. Để hữu hiệu trong việc dùng Lời Đức Chúa Trời trong thánh chức, bạn có thể làm thêm điều gì?
THẢO LUẬN ĐỀ TÀI NGƯỜI TA ĐANG QUAN TÂM
14, 15. Làm thế nào bạn có thể noi theo thái độ của Phao-lô đối với thánh chức?
14 Trong thánh chức, Phao-lô rất muốn hiểu lối suy nghĩ của “càng nhiều người càng tốt”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 9:19-23). Hãy lưu ý, hy vọng của Phao-lô là “để được những người Do Thái... được những người ở dưới luật pháp... được những người không luật pháp... được những người yếu đuối”. Thật vậy, ông muốn đến với “mọi loại người, hầu cứu được một số người, bằng bất cứ cách nào có thể được” (Công 20:21). Làm thế nào chúng ta có thể noi theo thái độ của Phao-lô khi chuẩn bị chia sẻ sự thật với “mọi loại người” trong khu vực?—1 Ti 2:3, 4.
15 Các lời trình bày mẫu được đăng trên Thánh Chức Nước Trời mỗi tháng. Hãy thử áp dụng. Nhưng nếu những người trong khu vực của bạn quan tâm đến những đề tài khác, hãy chuẩn bị cách trình bày khiến họ chú ý. Hãy nghĩ đến môi trường bạn sống, về những người sống ở đấy và về những điều họ quan tâm nhiều nhất. Rồi nghĩ đến một câu Kinh Thánh liên quan đến đề tài ấy. Một giám thị vòng quanh nói về cách mà anh và vợ tập trung vào Kinh Thánh: “Phần lớn chủ nhà cho phép chúng tôi đọc một câu Kinh Thánh nếu chúng tôi nói ngắn gọn và thẳng vào vấn đề. Sau khi chào hỏi xã giao và cầm cuốn Kinh Thánh được mở sẵn trên tay, chúng tôi đọc câu Kinh Thánh”. Hãy xem vài đề tài, câu hỏi và câu Kinh Thánh chứng tỏ hữu hiệu trong thánh chức mà bạn có thể dùng trong khu vực của mình.
16. Hãy giải thích cách Ê-sai 14:7 có thể được dùng trong thánh chức.
16 Nếu bạn sống trong khu vực không được an ninh cho lắm, bạn có thể hỏi: “Ông/Bà có bao giờ hình dung điều sau đây sẽ xuất hiện trên trang đầu của tờ báo: ‘Nay cả đất được yên-nghỉ bình-tĩnh, trổi giọng hát mừng’? Đó là những gì Kinh Thánh nói nơi Ê-sai 14:7. Thật ra, Kinh Thánh ghi lại nhiều lời hứa của Đức Chúa Trời về thời kỳ yên bình sắp đến”. Rồi đề nghị đọc một trong những lời hứa ấy từ Kinh Thánh.
17. Làm thế nào bạn có thể đưa câu Ma-thi-ơ 5:3 vào cuộc nói chuyện?
17 Nhiều người nam trong khu vực của bạn có thấy khó để kiếm sống không? Nếu có, bạn có thể bắt chuyện khi hỏi: “Để có gia đình hạnh phúc thì một người nam cần phải kiếm bao nhiêu tiền?”. Đợi trả lời rồi hỏi tiếp: “Nhiều người kiếm tiền nhiều hơn số ấy, nhưng gia đình họ vẫn không thỏa lòng. Vậy họ thật sự cần điều gì?”. Rồi đọc Ma-thi-ơ 5:3 và mời họ tìm hiểu Kinh Thánh.
18. Để an ủi người khác, bạn có thể dùng câu Thi-thiên 37:11 như thế nào?
18 Những người trong khu vực của bạn có bị ảnh hưởng bởi một thảm họa nào gần đây không? Bạn có thể bắt đầu trình bày: “Tôi đến để mang lại niềm an ủi cho ông/bà. (Đọc Thi-thiên 37:11). Bạn có lưu ý hai điều mà Đức Chúa Trời muốn dành cho chúng ta không? ‘Khoái-lạc’, tức hạnh phúc, và ‘bình-yên’. Chẳng phải khi biết ngài muốn chúng ta hưởng một đời sống tốt đẹp là điều tốt hay sao? Nhưng làm sao việc này có thể xảy ra?”. Rồi mời họ xem một bài thích hợp trong sách mỏng Tin mừng.
19. Chúng ta có thể dùng Khải huyền 14:6, 7 như thế nào khi nói chuyện với người có đạo?
19 Bạn có sống trong một khu vực nơi mà người ta quan tâm đến tôn giáo không? Nếu có, bạn có thể bắt đầu cuộc nói chuyện bằng cách hỏi: “Nếu một thiên sứ nói với ông/bà, liệu ông/bà có nghe những lời thiên sứ ấy nói không? (Đọc Khải huyền 14:6, 7). Vì thiên sứ này nói ‘hãy kính sợ Đức Chúa Trời’, nên Đức Chúa Trời ở đây là đấng nào? Thiên sứ cho chúng ta một gợi ý khi nói đây là ‘đấng tạo nên trời, đất’. Đấng đó là ai?”. Rồi đọc Thi-thiên 124:8: “Sự tiếp-trợ chúng ta ở trong danh Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên trời và đất”. Sau đó hỏi họ xem mình có thể giải thích thêm về Giê-hô-va Đức Chúa Trời không.
20. (a) Bạn có thể dùng Châm-ngôn 30:4 thế nào để giúp người ta biết danh của Đức Chúa Trời? (b) Có câu Kinh Thánh nào bạn dùng đạt được kết quả không?
20 Bạn có thể bắt đầu cuộc nói chuyện với một người trẻ: “Tôi muốn đọc một câu Kinh Thánh nêu lên một câu hỏi hết sức quan trọng. (Đọc Châm-ngôn 30:4). Không người nào phù hợp với sự miêu tả này, nên hẳn đó là Đấng Tạo Hóa *. Làm sao chúng ta có thể biết danh ngài? Mời bạn xem danh ấy trong Kinh Thánh”.
HÃY ĐỂ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ QUYỀN LỰC TRONG THÁNH CHỨC BẠN
21, 22. (a) Làm sao một câu Kinh Thánh khéo chọn có thể thay đổi đời sống của một người? (b) Khi thi hành thánh chức, bạn quyết tâm làm gì?
21 Bạn không biết được người ta sẽ phản ứng thế nào trước một câu Kinh Thánh khéo chọn. Chẳng hạn, hai Nhân Chứng ở Úc gõ cửa nhà của một phụ nữ. Một anh hỏi cô ấy: “Chị có biết danh của Đức Chúa Trời không?”, rồi đọc Thi-thiên 83:18. Phụ nữ ấy nói: “Tôi rất ngạc nhiên! Sau khi họ đi, tôi lái xe 56km để đến nhà sách hầu kiểm tra các bản dịch Kinh Thánh khác, rồi tra danh ấy trong từ điển. Khi biết chắc danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va, tôi thắc mắc, còn điều gì khác mà tôi chưa biết không”. Không lâu sau, cô và người chồng tương lai bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, và họ đã làm báp-têm.
22 Lời Đức Chúa Trời thay đổi đời sống của những ai đọc sách này và vun trồng đức tin mạnh nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Thông điệp của Kinh Thánh có quyền lực hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể nói hầu cố động đến lòng của người khác. Đó là lý do, trong mọi trường hợp có thể, chúng ta nên dùng Lời Đức Chúa Trời. Đó là lời sống!