Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Xây dựng hôn nhân vững mạnh và hạnh phúc

Xây dựng hôn nhân vững mạnh và hạnh phúc

“Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây-cất làm uổng công”.—THI 127:1a.

1-3. Vợ chồng phải đối mặt với những thử thách nào? (Xem hình nơi đầu bài).

Một người chồng có hôn nhân hạnh phúc trong 38 năm cho biết: “Nếu bạn thật lòng nỗ lực và cho thấy mình muốn hôn nhân thành công, bạn có thể nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va”. Đúng vậy, người chồng và người vợ có thể hạnh phúc với nhau và nâng đỡ lẫn nhau khi gặp gian nan.—Châm 18:22.

2 Tuy nhiên, không có gì lạ khi vợ chồng phải trải qua một vài “khốn khổ về xác thịt” (1 Cô 7:28). Tại sao? Việc đối phó với các vấn đề hằng ngày có thể làm cho hôn nhân căng thẳng. Lưỡi bất toàn gây ra sự tổn thương, hiểu lầm và truyền đạt không rõ ràng. Đó có thể là một thử thách ngay cả trong những hôn nhân thành công nhất (Gia 3:2, 5, 8). Nhiều cặp vợ chồng cảm thấy rất khó khi vừa đối mặt với áp lực công việc vừa chăm lo con cái. Vì căng thẳng và kiệt sức, một số cặp thấy khó dành thời gian cần thiết để củng cố hôn nhân. Vấn đề tài chính, sức khỏe hoặc các khó khăn khác có thể làm xói mòn tình yêu và sự tôn trọng họ dành cho nhau. Ngoài ra, nền móng của một hôn nhân có vẻ vững mạnh vẫn có thể suy yếu bởi “các việc làm của xác thịt” như gian dâm, trâng tráo, thái độ thù địch, tranh chấp, ganh ghét, giận dữ và bất hòa.—Ga 5:19-21.

3 Tệ hơn nữa, người ta trong “những ngày sau cùng” thì ích kỷ và không tin kính, là những thái độ đầu độc hôn nhân (2 Ti 3:1-4). Thêm vào đó, hôn nhân phải chống chọi với cuộc tấn công quyết liệt của một kẻ thù hiểm độc. Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo chúng ta: “Kẻ thù anh em là Kẻ Quỷ Quyệt đang đi lảng vảng như sư tử gầm rống, tìm kiếm người nào đó để cắn nuốt”.—1 Phi 5:8; Khải 12:12.

4. Làm thế nào có thể có một hôn nhân vững mạnh và hạnh phúc?

4 Một người chồng ở Nhật thừa nhận: “Tôi rất căng thẳng về vấn đề kinh tế. Và vì tôi không thật sự nói chuyện với vợ nên vợ tôi cũng chịu nhiều áp lực. Hơn nữa, vợ tôi vừa mới bị bệnh nặng. Thế nên, đôi khi sự căng thẳng này đã khiến chúng tôi xung đột với nhau”. Trong hôn nhân, có một số thử thách không thể tránh khỏi nhưng không phải là không thể vượt qua. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, các cặp vợ chồng có thể hưởng được một hôn nhân vững mạnh và hạnh phúc. (Đọc Thi-thiên 127:1). Chúng ta hãy thảo luận về năm “khối đá” giúp xây dựng hôn nhân vững mạnh và bền lâu, rồi xem làm thế nào những “khối đá” ấy được gắn kết với nhau bằng tình yêu thương.

ĐẶT ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TRONG HÔN NHÂN

5, 6. Vợ chồng có thể làm gì để đặt Đức Giê-hô-va trong hôn nhân?

5 Nền tảng vững chắc của một hôn nhân an ổn là sự trung thành và vâng phục đối với đấng thiết lập hôn nhân. (Đọc Truyền-đạo 4:12). Vợ chồng có thể đặt Đức Giê-hô-va trong hôn nhân bằng cách làm theo sự hướng dẫn yêu thương của ngài. Kinh Thánh nói về dân Đức Chúa Trời thời xưa: “Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:20, 21). Ngày nay, các cặp vợ chồng có thể “nghe” tiếng Đức Giê-hô-va qua việc cùng đọc Lời ngài (Thi 1:1-3). Họ có thể củng cố thêm cho hôn nhân bằng chương trình lý thú và tươi tỉnh về thiêng liêng trong Buổi thờ phượng của gia đình. Ngoài ra, cầu nguyện chung mỗi ngày là điều thiết yếu để xây dựng một hôn nhân có thể đứng vững trước sự tấn công dữ dội của thế gian Sa-tan.

Qua việc cùng nhau tham gia các hoạt động thiêng liêng, vợ chồng gắn bó với Đức Chúa Trời và với nhau trong mối quan hệ gần gũi hạnh phúc (Xem đoạn 5, 6)

6 Anh Gerhard ở Đức cho biết: “Mỗi khi gặp khó khăn hoặc sự hiểu lầm khiến chúng tôi mất niềm vui, lời khuyên từ Lời Đức Chúa Trời đã giúp chúng tôi vun trồng tính kiên nhẫn và tập tha thứ. Những đức tính này không thể thiếu trong một hôn nhân thành công”. Khi các cặp vợ chồng nỗ lực đặt Đức Chúa Trời trong hôn nhân qua việc cùng nhau tham gia các hoạt động thiêng liêng, họ gắn bó với Đức Chúa Trời và với nhau trong mối quan hệ gần gũi hạnh phúc.

NGƯỜI CHỒNG—THI HÀNH QUYỀN LÀM ĐẦU CÁCH YÊU THƯƠNG

7. Người chồng nên thi hành quyền làm đầu như thế nào?

7 Cách người chồng thi hành quyền làm đầu có thể ảnh hưởng nhiều đến việc xây dựng hôn nhân vững mạnh và hạnh phúc. Kinh Thánh nói: “Đấng Ki-tô là đầu của mỗi người nam, người nam là đầu của người nữ” (1 Cô 11:3). Văn cảnh của câu này cho biết cách người chồng nên thi hành quyền làm đầu: Đó là giống như cách Chúa Giê-su thi hành quyền của ngài đối với con người. Chúa Giê-su không bao giờ bạo ngược hoặc khắc nghiệt nhưng luôn yêu thương, tử tế, phải lẽ, ôn hòa và có lòng khiêm nhường.—Mat 11:28-30.

8. Làm thế nào người chồng có thể được vợ yêu thương và tôn trọng?

8 Người chồng đạo Đấng Ki-tô không cần phải nhiều lần đòi hỏi vợ kính trọng mình. Thay vì thế, họ “tiếp tục ăn ở với vợ theo sự hiểu biết”, tức là quan tâm và thấu hiểu vợ. Họ “trân trọng vợ như đối với cái bình dễ vỡ hơn, tức phái nữ” (1 Phi 3:7). Dù tại nơi công cộng hay nhà riêng, người chồng cho thấy vợ là quý giá với mình qua lời nói tôn trọng và hành động trắc ẩn (Châm 31:28). Khi người chồng thi hành quyền làm đầu cách yêu thương như thế, vợ sẽ yêu thương và tôn trọng anh, và Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho cuộc hôn nhân ấy.

NGƯỜI VỢ—KHIÊM NHƯỜNG VÂNG PHỤC

9. Một người vợ có thể cho thấy chị khiêm nhường vâng phục như thế nào?

9 Tình yêu thương theo nguyên tắc và bất vị kỷ dành cho Đức Giê-hô-va khiến tất cả chúng ta khiêm nhường hạ mình xuống dưới tay quyền năng của ngài (1 Phi 5:6). Một cách quan trọng mà người vợ vâng phục cho thấy chị tôn trọng uy quyền của Đức Giê-hô-va là qua việc hợp tác và ủng hộ trong gia đình. Kinh Thánh nói: “Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, vì đó là điều thích hợp cho môn đồ của Chúa” (Cô 3:18). Trên thực tế, không phải mọi quyết định của chồng đều đúng ý vợ. Tuy nhiên, nếu quyết định của anh không trái với luật pháp Đức Chúa Trời, một người vợ vâng phục sẽ sẵn lòng chiều theo.—1 Phi 3:1.

10. Tại sao vâng phục với lòng yêu thương là quan trọng?

10 Người vợ có vị trí đáng trọng là “bạn” hay người cộng tác của chồng (Mal 2:14). Chị đóng góp những ý kiến quý giá về các quyết định trong gia đình bằng cách lễ độ nói ra suy nghĩ và cảm xúc của mình nhưng vẫn giữ tinh thần vâng phục. Người chồng khôn ngoan sẽ lắng nghe kỹ khi vợ bày tỏ cảm nghĩ (Châm 31:10-31). Ngoài ra, vâng phục với lòng yêu thương sẽ mang lại niềm vui, bình an và hòa hợp trong gia đình, cũng như giúp hai vợ chồng được thỏa nguyện vì biết mình đang làm hài lòng Đức Chúa Trời.—Ê-phê 5:22.

TIẾP TỤC SẴN LÒNG THA THỨ NHAU

11. Tại sao việc tha thứ là thiết yếu?

11 Một trong những “khối đá” cốt yếu để xây dựng hôn nhân bền lâu là sự tha thứ. Hôn nhân được vững mạnh khi cả hai vợ chồng “tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau” (Cô 3:13). Mặt khác, mối quan hệ hôn nhân bị yếu đi khi vợ chồng ghi nhớ những oán giận cũ và thường dùng chúng để làm vũ khí cho cuộc tấn công mới. Như những vết nứt có thể làm suy yếu một tòa nhà, sự bất bình và oán giận có thể nảy nở trong lòng khiến chúng ta càng khó tha thứ. Trái lại, mối quan hệ hôn nhân được vững mạnh thêm khi vợ chồng tha thứ nhau như Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho họ.—Mi 7:18, 19.

12. Tình yêu thương che lấp “vô số tội lỗi” như thế nào?

12 Tình yêu thương chân chính “không ghi nhớ điều gây tổn thương”. Thật thế, “tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi” (1 Cô 13:4, 5; đọc 1 Phi-e-rơ 4:8). Nói cách khác, tình yêu thương không đặt giới hạn số lần mà chúng ta có thể tha thứ. Khi sứ đồ Phi-e-rơ hỏi Chúa Giê-su rằng ông nên tha thứ người khác bao nhiêu lần, ngài đáp: “Đến bảy mươi bảy lần” (Mat 18:21, 22). Chúa Giê-su muốn nói rằng số lần mà một tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên tha thứ người khác là không có giới hạn.—Châm 10:12. *

13. Làm sao chúng ta có thể kháng cự khuynh hướng không tha thứ?

13 Chị Annette cho biết: “Nếu một cặp vợ chồng không muốn tha thứ thì sự tức giận và hồ nghi sẽ dần lớn lên, là điều đầu độc hôn nhân. Nhưng sự tha thứ sẽ thắt chặt hôn nhân và kéo vợ chồng lại gần nhau hơn”. Để kháng cự khuynh hướng không tha thứ, hãy cố gắng vun trồng lòng biết ơn và quý trọng. Hãy thường xuyên khen người hôn phối cách chân thành (Cô 3:15). Hãy cảm nhận sự bình an tâm trí, sự hợp nhất và ân phước của Đức Chúa Trời dành cho những ai có lòng tha thứ.—Rô 14:19.

ÁP DỤNG LUẬT VÀNG

14, 15. Luật Vàng là gì, và luật này có giá trị thực tế nào trong hôn nhân?

14 Hẳn là bạn muốn được đối xử tôn trọng. Bạn cảm kích khi người khác nhận biết những suy nghĩ và quan tâm đến cảm xúc của mình. Tuy nhiên, có lẽ bạn từng nghe một người nói: “Hắn đối xử với tôi thế nào thì tôi sẽ xử lại với hắn thế ấy”. Đôi khi có thể thông cảm với phản ứng như thế, nhưng Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Chớ nên nói: Tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi” (Châm 24:29). Thật ra, Chúa Giê-su khuyến khích cách phản ứng tích cực hơn để xử lý tình huống khó khăn. Cách phản ứng đó nổi tiếng đến độ được gọi là Luật Vàng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, hãy làm như vậy cho họ” (Lu 6:31). Chúa Giê-su muốn nói chúng ta nên đối xử với người khác theo cách mà chúng ta muốn được đối xử. Đừng nên đáp trả bằng hành động thiếu tử tế khi bị đối xử thiếu tử tế. Trong hôn nhân, điều này có nghĩa là nếu chúng ta mong nhận điều gì thì cần đầu tư điều ấy vào mối quan hệ vợ chồng.

15 Cặp vợ chồng củng cố mối quan hệ hôn nhân khi thật sự quan tâm đến cảm xúc của người hôn phối. Một người chồng ở Nam Phi nhận xét: “Chúng tôi đã cố gắng áp dụng Luật Vàng. Đúng là lắm lúc cũng thấy bực bội nhưng chúng tôi đã nỗ lực đối xử với nhau theo cách mình muốn được đối xử, là với lòng tôn trọng”.

16. Vợ chồng không nên đối xử với nhau thế nào?

16 Đừng vạch ra nhược điểm của người hôn phối hoặc nói đi nói lại những tính khí khiến bạn bực mình, dù chỉ là đùa giỡn. Hãy nhớ rằng hôn nhân không phải là cuộc thi để tìm ra ai mạnh hơn, lớn tiếng hơn hay có thể nghĩ ra những lời gây tổn thương nhất. Tất cả chúng ta đều có thiếu sót, và đôi khi làm người khác buồn lòng. Nhưng không bao giờ có lý do chính đáng để người chồng hoặc người vợ nói những lời mỉa mai và làm mất phẩm giá của nhau, hoặc tệ hơn là xô đẩy hay đánh nhau.—Đọc Châm-ngôn 17:27; 31:26.

17. Người chồng có thể sống theo Luật Vàng như thế nào?

17 Trong vài văn hóa, một người bắt nạt hay đánh đập vợ được xem là người đàn ông có bản lĩnh. Nhưng Kinh Thánh cho biết: “Người chậm nóng-giận thắng hơn người dõng-sĩ; và ai cai-trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm-lấy thành” (Châm 16:32). Một người cần có nghị lực để kiềm chế tính khí và noi theo Chúa Giê-su, người vĩ đại nhất đã từng sống. Người hành hạ vợ qua lời nói hay hành động thì không phải là người đàn ông có bản lĩnh, và người ấy sẽ mất đi mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Người viết Thi-thiên là Đa-vít, một người đàn ông mạnh mẽ và can đảm, nói rằng: “Nếu bực bội cũng đừng phạm tội, lúc trên giường, hãy thầm nhủ với lòng và chớ nói ra”.—Thi 4:4, NW.

“HÃY MẶC LẤY TÌNH YÊU THƯƠNG”

18. Tại sao tiếp tục vun trồng tình yêu thương là điều quan trọng?

18 Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:4-7. Tình yêu thương là đức tính quan trọng nhất trong hôn nhân. “Anh em hãy mặc lấy lòng trắc ẩn dịu dàng, sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại và kiên nhẫn... Nhưng bên cạnh những điều ấy, hãy mặc lấy tình yêu thương, vì đó là mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn” (Cô 3:12, 14). Tình yêu thương bất vị kỷ như Đấng Ki-tô chính là “vữa” để gắn chặt các “khối đá” của mối quan hệ hôn nhân vững chắc. Nó giúp hôn nhân vững mạnh dù vợ chồng có phải khó chịu về các thói xấu, gặp thử thách nghiêm trọng về sức khỏe, căng thẳng do khủng hoảng tài chính và đối phó với vấn đề gia đình đôi bên.

19, 20. (a) Làm thế nào vợ chồng có thể thành công trong việc xây dựng hôn nhân vững mạnh và hạnh phúc? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tiếp theo?

19 Thật vậy, chúng ta cần hết lòng yêu thương, chung thủy và nỗ lực chân thành để có hôn nhân thành công. Khi gặp khó khăn, thay vì từ bỏ hôn nhân, vợ chồng nên quyết tâm gắn bó với nhau hơn. Các cặp vợ chồng yêu thương Đức Giê-hô-va và yêu thương nhau nên quyết tâm giải quyết các khó khăn, vì “tình yêu thương tồn tại mãi”.—1 Cô 13:8; Mat 19:5, 6; Hê 13:4.

20 Vì đang sống trong “thời kỳ đặc biệt” nên việc chúng ta xây dựng hôn nhân vững mạnh và hạnh phúc là một thử thách (2 Ti 3:1). Nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, điều đó có thể làm được. Tuy nhiên, vợ chồng vẫn phải đấu tranh với tình trạng đạo đức suy đồi đang lan tràn trong thế gian. Bài tiếp theo sẽ xem xét những điều vợ chồng có thể làm để bảo vệ hôn nhân khỏi sự vô luân.

^ đ. 12 Dù các cặp vợ chồng cố gắng tha thứ và giải quyết khó khăn, Kinh Thánh cho người hôn phối vô tội quyền quyết định tha thứ hay ly dị người hôn phối phạm tội ngoại tình (Mat 19:9). Xin xem sách Hãy giữ mình nơi Phụ lục “Quan điểm của Kinh Thánh về ly dị và ly thân”, trang 219-221.