TỪ KHO TÀNG TƯ LIỆU
“Một mùa vô cùng đặc biệt”
Năm 1870, một nhóm nhỏ ở Pittsburgh (Allegheny), Pennsylvania, Hoa Kỳ bắt đầu tra cứu Kinh Thánh. Dưới sự dẫn đầu của anh Charles Taze Russell, họ nghiên cứu về đề tài giá chuộc của Đấng Ki-tô và mau chóng nhận ra đây là trọng tâm trong ý định của Đức Giê-hô-va. Họ vô cùng hứng khởi khi biết rằng giá chuộc mở đường cho sự cứu rỗi, ngay cả cho những người chưa từng nghe về Chúa Giê-su! Lòng biết ơn thôi thúc họ hằng năm tưởng niệm cái chết của ngài.—1 Cô 11:23-26.
Sau này, anh Russell xuất bản Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower). Tạp chí này bênh vực cho giá chuộc, biểu hiện cao cả nhất về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Tháp Canh gọi khoảng thời gian diễn ra Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su là “một mùa vô cùng đặc biệt” và khuyến khích độc giả tổ chức lễ này ở Pittsburgh hay trong các nhóm riêng lẻ ở nơi khác. “Ngay cả khi chỉ có hai hay ba người cùng đức tin”, hoặc chỉ một người, họ vẫn có thể tin rằng “theo một nghĩa nào đó, Chúa ở cùng họ”.
Mỗi năm càng có thêm nhiều người đến Pittsburgh để tham dự Lễ Tưởng Niệm. Trên giấy mời có dòng chữ: “Quý vị sẽ được chào đón một cách nồng nhiệt”. Thật vậy, Học viên Kinh Thánh tại địa phương đã mời các anh chị em thiêng liêng dùng bữa và ở lại nhà họ. Vào năm 1886, một hội nghị kéo dài vài ngày được tổ chức trong mùa Lễ Tưởng Niệm. Tháp Canh khuyến giục: “Hãy tới tham dự với tấm lòng tràn đầy tình yêu thương dành cho Chủ, anh em đồng đạo và sự thật ngài dạy”.
Trong nhiều năm, Học viên Kinh Thánh ở Pittsburgh đã tổ chức các hội nghị cho những ai tin nơi giá chuộc và đến dự Lễ Tưởng Niệm. Số Học viên Kinh Thánh càng gia tăng thì số nơi và quy mô tổ chức Lễ Tưởng Niệm trên khắp thế giới càng phát triển. Anh Ray Bopp thuộc hội thánh Chicago nhớ lại là vào thập niên 1910, phải mất hàng giờ mới chuyền xong các món biểu tượng vì có hàng trăm người tham dự và hầu hết đều dùng món biểu tượng.
Những món biểu tượng nào được dùng? Dù biết rằng Chúa Giê-su đã dùng rượu trong Bữa Tiệc của Chúa, có một thời gian Tháp Canh đề nghị sử dụng nước ép nho tươi hoặc nước nho khô nấu, để không trở thành cám dỗ cho những ai “yếu đuối về xác thịt”. Tuy nhiên, rượu được chuyền cho những ai cảm thấy “đúng ra phải dùng rượu nho lên men”. Sau này Học viên Kinh Thánh hiểu được rằng rượu nho đỏ thuần chất là biểu tượng thích hợp cho huyết của Chúa Giê-su.
Việc tưởng niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại cơ hội để suy ngẫm sâu xa. Nhưng trong
một số hội thánh lại tràn ngập bầu không khí đau buồn, và khi chương trình kết thúc, mọi người đều lặng lẽ ra về. Sách Đức Giê-hô-va (Jehovah), xuất bản năm 1934, nói rằng Lễ Tưởng Niệm không nên được tổ chức “trong buồn thảm” về cái chết đau đớn của Chúa Giê-su, nhưng “trong vui mừng” vì ngài đã lên ngôi làm Vua từ năm 1914.Năm 1935 đánh dấu một sự thay đổi lớn ảnh hưởng đến các Lễ Tưởng Niệm từ đó trở đi. Ý nghĩa của cụm từ “đám đông” trong Khải huyền 7:9 giờ đây được sáng tỏ. Trước đó, tôi tớ của Đức Giê-hô-va xem nhóm người này là những tín đồ dâng mình kém sốt sắng. Nhưng giờ đây đám đông này được nhận diện là những tôi tớ trung thành có hy vọng sống trong địa đàng. Sau khi biết sự giải thích mới này và cẩn thận xem xét lại bản thân, anh Russell Poggensee nhận ra: “Đức Giê-hô-va không dùng thần khí để kêu gọi tôi nhận hy vọng lên trời”. Anh Poggensee cùng nhiều người trung thành khác đã ngưng dùng các món biểu tượng, nhưng vẫn tiếp tục tham dự Lễ Tưởng Niệm.
Trong “mùa vô cùng đặc biệt” này, các đợt rao giảng đặc biệt là cơ hội tốt để mọi người thể hiện lòng biết ơn đối với giá chuộc. Tờ Bản tin (Bulletin) năm 1932 khuyên các tín đồ không nên là “các thánh trong Lễ Tưởng Niệm”, chỉ dùng món biểu tượng mà không tham gia rao truyền sự thật. Năm 1934, tờ Bản tin đưa ra lời kêu gọi cho “những người phụ trợ” (nay gọi là tiên phong phụ trợ): “Từ giờ đến Lễ Tưởng Niệm, liệu sẽ có 1.000 người đăng ký không?”. Đối với những người được xức dầu, tờ Informant bình luận: “Niềm vui của họ chỉ trọn vẹn khi tham gia làm chứng về Nước Trời”. Với thời gian, điều này cũng áp dụng cho những người có hy vọng sống trên đất. *
Đối với dân của Đức Giê-hô-va, Lễ Tưởng Niệm là buổi tối thiêng liêng nhất trong năm. Họ tổ chức lễ này ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Năm 1930, chị Pearl English cùng người chị là Ora đi bộ khoảng 80km để đến tham dự Lễ Tưởng Niệm. Trong thời gian bị biệt giam ở Trung Quốc, một anh giáo sĩ tên là Harold King đã sáng tác các bài thơ và bài hát về Lễ Tưởng Niệm. Anh cũng tự làm các món biểu tượng từ quả lý chua đen và cơm. Từ Đông Âu cho đến Trung Mỹ và cả châu Phi, các tín đồ đã can đảm tưởng niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su, bất chấp chiến tranh hay bị cấm đoán. Cho dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cùng nhau tụ họp để tôn vinh Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Ki-tô trong mùa Lễ Tưởng Niệm vô cùng đặc biệt.
^ đ. 10 Tờ Bulletin sau này được gọi là Informant, giờ đây là Thánh Chức Nước Trời.