Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lương tâm của anh chị có phải là sự hướng dẫn đáng tin cậy không?

Lương tâm của anh chị có phải là sự hướng dẫn đáng tin cậy không?

‘Mục tiêu của lời chỉ dẫn này là chúng ta nên có tình yêu thương xuất phát từ tấm lòng trong sạch và lương tâm tốt’.—1 TI 1:5.

BÀI HÁT: 57, 48

1, 2. Ai đã ban cho chúng ta lương tâm, và tại sao chúng ta biết ơn vì mình có lương tâm?

Giê-hô-va Đức Chúa Trời tạo ra con người với tự do ý chí, đó là sự tự do lựa chọn giữa điều này và điều khác. Ngài đã ban một sự hướng dẫn quý giá cho người nam và người nữ đầu tiên cùng con cháu tương lai của họ. Đó là lương tâm, tức khả năng nhận thức về điều đúng và điều sai. Khi được sử dụng một cách đúng đắn, lương tâm có thể giúp chúng ta làm điều tốt và tránh làm điều xấu. Vì thế, lương tâm là một bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta và ngài muốn tất cả nhân loại đều làm điều lành.

2 Ngày nay, con người vẫn có lương tâm. (Đọc Rô-ma 2:14, 15). Dù cho nhiều người đã xa rời các tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh, chúng ta thấy một số cá nhân vẫn thường làm điều tốt và gớm ghét điều xấu. Lương tâm ngăn cản nhiều người làm những điều vô cùng gian ác. Hãy thử tưởng tượng xem tình trạng thế gian sẽ tồi tệ đến mức nào nếu không một ai có lương tâm! Hẳn chúng ta sẽ nghe về tội ác thậm chí còn nhiều hơn bây giờ. Chúng ta thật biết ơn vì Đức Chúa Trời đã ban cho loài người lương tâm!

3. Thế nào là một lương tâm được rèn luyện đúng cách, và nó mang lại lợi ích nào?

3 Khác với người ta nói chung, tôi tớ của Đức Giê-hô-va muốn rèn luyện lương tâm của mình. Họ muốn lương tâm của mình được uốn nắn theo những tiêu chuẩn về điều đúng và điều sai, điều tốt và điều xấu như được phản ánh trong Lời Đức Chúa Trời. Một lương tâm được rèn luyện đúng cách như thế sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Tuy nhiên, việc rèn luyện và sử dụng lương tâm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô không chỉ là một hoạt động trí óc. Kinh Thánh liên kết một lương tâm tốt với đức tin và tình yêu thương. Phao-lô viết: “Mục tiêu của lời chỉ dẫn này là chúng ta nên có tình yêu thương xuất phát từ tấm lòng trong sạch, lương tâm tốt và đức tin chân thật” (1 Ti 1:5). Khi chúng ta rèn luyện và lắng nghe lương tâm mình, tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va sẽ sâu đậm hơn và đức tin của chúng ta sẽ được củng cố. Thực ra, cách chúng ta sử dụng lương tâm cho thấy mức độ thiêng liêng tính, phẩm chất của tấm lòng cũng như ước muốn của chúng ta trong việc làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Quả thật, lương tâm cho thấy chúng ta thật sự là loại người nào.

4. Chúng ta có thể rèn luyện lương tâm của mình như thế nào?

4 Nhưng chúng ta có thể rèn luyện lương tâm bằng cách nào? Chúng ta cần đều đặn học hỏi Kinh Thánh, suy ngẫm về những điều mình đọc và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta áp dụng những gì đã học. Hiển nhiên, điều này bao hàm nhiều hơn là chỉ tích lũy thông tin và học những luật lệ. Việc học hỏi Kinh Thánh nên giúp chúng ta dần dần thấy được hình ảnh chính xác hơn về Đức Giê-hô-va, các đức tính của ngài và những gì ngài thích hoặc không thích. Khi đó, lương tâm của chúng ta sẽ nhận biết được đường lối của Đức Giê-hô-va. Càng rèn luyện lương tâm, chúng ta càng có suy nghĩ giống như ngài.

5. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

5 Tuy nhiên, có lẽ chúng ta thắc mắc: “Một lương tâm được rèn luyện tốt có thể giúp chúng ta ra sao khi cần đưa ra quyết định? Làm thế nào chúng ta có thể tôn trọng quyết định dựa trên lương tâm của một anh em đồng đạo? Bằng cách nào lương tâm có thể thúc đẩy chúng ta làm những việc lành?”. Hãy xem xét ba lĩnh vực mà trong đó chúng ta cần một lương tâm được rèn luyện tốt: (1) Chăm sóc sức khỏe, (2) giải trí, và (3) thánh chức.

HÃY PHẢI LẼ

6. Chúng ta cần đưa ra những quyết định nào liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe?

6 Kinh Thánh khuyến khích chúng ta tránh những thực hành tai hại và cần chừng mực trong các thói quen, chẳng hạn như trong việc ăn uống (Châm 23:20; 2 Cô 7:1). Khi áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta sẽ bảo vệ sức khỏe của mình ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn mắc bệnh và già đi. Chúng ta có thể phải đưa ra những quyết định nào liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe? Tại một số quốc gia, người ta có thể dùng các phương pháp điều trị tây y thông thường hoặc họ có thể chọn được chữa trị bằng các phương pháp điều trị thay thế như thảo dược hay các liệu pháp tự nhiên khác. Các văn phòng chi nhánh thường xuyên nhận được thư của những anh chị đang cân nhắc về việc dùng một phương pháp điều trị này hay một phương pháp điều trị khác. Nhiều người hỏi: “Một tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể chấp nhận phương pháp điều trị đó không?”.

7. Chúng ta có thể đưa ra quyết định như thế nào về các phương pháp điều trị y khoa?

7 Văn phòng chi nhánh hay các trưởng lão của hội thánh địa phương đều không có quyền quyết định cho một Nhân Chứng về việc chăm sóc sức khỏe, ngay cả khi được người ấy hỏi về điều mà người ấy nên làm (Ga 6:5). Dĩ nhiên, họ có thể chia sẻ những gì Đức Giê-hô-va nói để giúp người đó đưa ra quyết định khôn ngoan. Chẳng hạn, một tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần ghi nhớ mệnh lệnh của Kinh Thánh là “phải kiêng huyết” (Công 15:29). Mệnh lệnh này rõ ràng cho thấy các phương pháp điều trị y khoa bao gồm việc tiếp máu toàn phần hoặc một trong bốn thành phần chính của máu là không thích hợp. Sự hiểu biết này thậm chí có thể ảnh hưởng đến lương tâm của một tín đồ khi người ấy đưa ra quyết định cá nhân liên quan đến các chất chiết xuất từ một trong bốn thành phần chính của máu. * Nhưng những lời khuyên nào khác trong Kinh Thánh có thể hướng dẫn chúng ta trong trường hợp chúng ta đang suy nghĩ đến việc điều trị y khoa?

8. Phi-líp 4:5 có thể giúp chúng ta như thế nào trong việc chăm sóc sức khỏe?

8 Châm-ngôn 14:15 nói: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. Một số loại bệnh có lẽ chưa có cách chữa. Thế nên điều khôn ngoan là hãy cảnh giác với các phương pháp điều trị được cho rằng sẽ chữa khỏi bệnh một cách kỳ diệu nhưng chẳng qua chỉ dựa trên những tin đồn và nhận xét vô căn cứ. Phao-lô được soi dẫn để viết: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em” (Phi-líp 4:5). Tính phải lẽ cũng giúp chúng ta tránh dành quá nhiều thời gian cho việc chăm sóc sức khỏe đến mức những điều thiêng liêng bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Nếu để cho vấn đề chăm sóc sức khỏe trở thành trọng tâm chính trong đời sống, chúng ta sẽ có nguy cơ chú tâm quá mức đến bản thân (Phi-líp 2:4). Chúng ta biết mình không thể có sức khỏe hoàn hảo trong thế gian này nên hãy có mong đợi phải lẽ, đồng thời hãy chắc chắn rằng việc phụng sự Đức Giê-hô-va là điều quan trọng nhất trong đời sống anh chị.—Đọc Phi-líp 1:10.

Anh chị có áp đặt quan điểm của mình lên người khác không? (Xem đoạn 9)

9. Rô-ma 14:13, 19 ảnh hưởng thế nào đến các quyết định liên quan tới sức khỏe, và sự hợp nhất của chúng ta có thể bị đe dọa ra sao?

9 Một tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải lẽ sẽ không áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Tại một nước ở châu Âu, một cặp vợ chồng hăng hái giới thiệu những thực phẩm bổ sung cùng một chế độ ăn kiêng. Họ đã thuyết phục được một số anh em dùng các thực phẩm bổ sung này nhưng những người khác thì chọn không làm thế. Sau một thời gian, khi các thực phẩm bổ sung và chế độ ăn kiêng ấy không mang lại kết quả như mong đợi, nhiều anh chị đã tỏ ra bực tức. Cặp vợ chồng trên có quyền lựa chọn cho chính mình việc họ có dùng thực phẩm bổ sung và theo một chế độ ăn kiêng hay không. Tuy nhiên, có phải lẽ không khi để cho vấn đề chăm sóc sức khỏe đe dọa sự hợp nhất trong hội thánh? Trong một thời gian, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở Rô-ma đã có quan điểm khác nhau về việc ăn những thức ăn và giữ các ngày lễ nào đó. Phao-lô đã đưa ra cho họ lời khuyên gì? Về việc giữ các ngày lễ, ông nói: “Người thì xem ngày này trọng hơn ngày kia, kẻ cho rằng mọi ngày như nhau; mỗi người hãy tin chắc điều trong trí mình”. Điều quan trọng là không đặt cớ gây vấp ngã trước mặt người khác.—Đọc Rô-ma 14:5, 13, 15, 19, 20.

10. Tại sao chúng ta nên tôn trọng các quyết định cá nhân của người khác? (Xem hình nơi đầu bài).

10 Nếu không hiểu quyết định dựa trên lương tâm của một anh em đồng đạo về vấn đề cá nhân nào đó, chúng ta không nên vội vàng xét đoán hoặc cảm thấy rằng mình cần gây áp lực để anh chị ấy thay đổi ý kiến. Có lẽ lương tâm của anh chị ấy còn “yếu đuối” và cần được rèn luyện thêm hay lương tâm của họ quá nhạy cảm (1 Cô 8:11, 12). Mặt khác, có lẽ chúng ta cần xem xét lương tâm của chính mình. Lương tâm của chúng ta có thể cần được rèn luyện thêm theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Liên quan đến những vấn đề như chăm sóc sức khỏe, mỗi chúng ta nên sẵn sàng đưa ra các quyết định cá nhân và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

GIẢI TRÍ LÀNH MẠNH

11, 12. Chúng ta nên nhớ đến lời khuyên nào trong Kinh Thánh khi lựa chọn cách giải trí?

11 Đức Giê-hô-va tạo ra loài người theo cách họ có thể vui thích và nhận lợi ích từ việc giải trí. Sa-lô-môn viết rằng “có kỳ cười” và “có kỳ nhảy-múa” (Truyền 3:4). Nhưng không phải thú tiêu khiển nào cũng có lợi, giúp thư giãn hay mang lại sự tươi tỉnh. Đồng thời cũng không tốt nếu giải trí quá nhiều hoặc quá thường xuyên. Lương tâm có thể giúp chúng ta như thế nào để vui thích và nhận lợi ích từ việc giải trí lành mạnh?

12 Kinh Thánh cảnh báo chúng ta tránh những hành vi được miêu tả là “các việc làm của xác thịt”. Những việc làm này bao gồm “gian dâm, ô uế, trâng tráo, thờ thần tượng, tà thuật, thái độ thù địch, tranh chấp, ganh ghét, giận dữ, bất hòa, chia rẽ, bè phái, ghen tị, say sưa, truy hoan trác táng và những điều giống như vậy”. Phao-lô viết rằng “ai có những thói như thế sẽ không được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời” (Ga 5:19-21). Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: “Lương tâm có thúc đẩy mình tránh xa những môn thể thao mang tính chất cạnh tranh cao độ, bạo lực hay đề cao chủ nghĩa dân tộc không? Lương tâm có cảnh báo khi mình bị cám dỗ xem một bộ phim có những cảnh khiêu dâm hoặc cổ vũ sự vô luân, say sưa hay ma thuật không?”.

13. Lời khuyên nơi 1 Ti-mô-thê 4:8 và Châm-ngôn 13:20 có thể giúp chúng ta như thế nào trong việc giải trí?

13 Liên quan đến việc giải trí, Kinh Thánh cũng đưa ra những nguyên tắc có thể giúp chúng ta rèn luyện lương tâm. Một nguyên tắc là “việc tập luyện thân thể có ích một phần” (1 Ti 4:8, Bản Phổ thông). Nhiều người cho rằng tập thể dục thường xuyên giúp có sức khỏe tốt, làm tươi tỉnh về mặt tâm trí và thể chất. Nếu muốn tập thể dục trong một nhóm, chúng ta có nên tập chung với bất cứ ai không? Châm-ngôn 13:20 cho biết: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. Chẳng phải điều này cho thấy chúng ta nên thư giãn hay giải trí một cách có chọn lọc theo sự hướng dẫn của lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện sao?

14. Một gia đình đã áp dụng những nguyên tắc nơi Rô-ma 14:2-4 như thế nào?

14 Anh Christian và chị Daniela có hai con gái ở tuổi vị thành niên. Anh Christian kể lại: “Trong Buổi thờ phượng của gia đình, chúng tôi đã thảo luận về việc giải trí. Chúng tôi đồng ý rằng có những cách vui chơi lành mạnh trong khi có những cách khác thì không. Ai có thể được xem là người tốt để kết hợp? Một trong các con gái của chúng tôi than phiền rằng trong giờ giải lao của trường, một số bạn trẻ Nhân Chứng có hành vi mà cháu nghĩ là không thích hợp, và cháu cảm thấy bị áp lực để cư xử giống như thế. Chúng tôi đã lý luận rằng mỗi người có một lương tâm và chúng tôi nên để lương tâm hướng dẫn trong việc chọn làm gì và kết hợp với ai”.—Đọc Rô-ma 14:2-4.

Lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện có thể giúp bạn tránh những mối nguy hiểm (Xem đoạn 14)

15. Xem xét Ma-thi-ơ 6:33 có thể giúp ích cho chúng ta thế nào khi lên kế hoạch giải trí?

15 Một vấn đề khác là giải trí vào lúc nào. Anh chị có đặt việc giải trí sau các hoạt động thần quyền như tham gia nhóm họp, đi thánh chức và học hỏi cá nhân không? Hay anh chị nhận thấy mình đang cố sắp xếp các hoạt động thần quyền để không cản trở việc giải trí? Đâu là điều anh chị ưu tiên? Chúa Giê-su nói: “Hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của ngài trước hết, rồi anh em sẽ được mọi thứ ấy” (Mat 6:33). Lương tâm của anh chị có thúc đẩy anh chị đặt những điều ưu tiên phù hợp với lời khuyên của Chúa Giê-su không?

ĐƯỢC THÔI THÚC ĐỂ LÀM NHỮNG VIỆC LÀNH

16. Làm thế nào lương tâm có thể thôi thúc chúng ta rao giảng?

16 Một lương tâm tốt làm nhiều hơn là cảnh báo chúng ta tránh những điều sai trái. Lương tâm ấy thôi thúc chúng ta làm những việc lành. Việc lành quan trọng nhất chúng ta có thể làm là tham gia thánh chức rao giảng từng nhà và tận dụng cơ hội để làm chứng bán chính thức. Lương tâm của Phao-lô đã thôi thúc ông làm thế. Ông cho biết: “Đó là bổn phận của tôi. Thật thế, khốn thay cho tôi nếu không công bố tin mừng!” (1 Cô 9:16). Khi chúng ta bắt chước Phao-lô, lương tâm nói với chúng ta và đảm bảo rằng chúng ta đang làm điều đúng. Đồng thời qua việc rao giảng tin mừng, chúng ta tác động đến lương tâm của những người mình nói chuyện. Phao-lô viết: “Qua việc bày tỏ sự thật, chúng tôi làm gương tốt cho mọi người [lương tâm mọi người] trước mặt Đức Chúa Trời”.—2 Cô 4:2, cước chú.

17. Một bạn trẻ đã hành động phù hợp với lương tâm của mình như thế nào?

17 Khi Jacqueline 16 tuổi, em học môn sinh học tại trường. Thuyết tiến hóa được giải thích một cách khá tỉ mỉ. Jacqueline chia sẻ: “Lương tâm của em không cho phép em tham gia đầy đủ vào các cuộc thảo luận trên lớp như em đã thường làm. Em không thể ủng hộ thuyết tiến hóa. Em đã đến gặp thầy giáo và giải thích quan điểm của mình. Thật ngạc nhiên, thầy rất thoải mái và cho em cơ hội nói với cả lớp về đề tài sự sáng tạo”. Jacqueline cảm thấy thỏa nguyện sâu xa khi em đã lắng nghe và hành động phù hợp với lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện. Tương tự, lương tâm của anh chị có thúc đẩy anh chị làm điều đúng không?

18. Tại sao chúng ta muốn có một lương tâm tốt và đáng tin cậy?

18 Mục tiêu của chúng ta là ngày càng sống phù hợp với tiêu chuẩn và đường lối của Đức Giê-hô-va. Lương tâm là một món quà vô giá có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu đó. Qua việc đều đặn học hỏi, suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời và nỗ lực áp dụng những gì mình học, chúng ta có thể rèn luyện lương tâm của mình. Nhờ thế, món quà tuyệt vời ấy sẽ là sự hướng dẫn đáng tin cậy trong đời sống của chúng ta!

^ đ. 7 Xem bài “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-6-2004, trg 29-31.