KINH NGHIỆM
Phước lành của Đức Giê-hô-va đã làm cuộc đời tôi thêm phong phú
Tôi sinh ra vào năm 1927 tại thị trấn nhỏ Wakaw, ở Saskatchewan, Canada. Cha mẹ tôi có bảy người con, bốn trai và ba gái, nên tôi sớm biết cảnh ở chung với nhiều người là như thế nào.
Gia đình tôi cảm nhận được hậu quả của thời kỳ kinh tế khốn cùng vào những năm 1930 gọi là cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế. Dù không giàu có, nhưng chúng tôi vẫn có đủ thức ăn. Vì có vài con gà và một con bò nên chúng tôi lúc nào cũng có nhiều trứng, kem, phô mai, bơ và sữa. Như anh chị có thể hình dung, mọi người trong gia đình tôi đều có việc để làm.
Tôi có nhiều ký ức đẹp về thời đó, chẳng hạn như mùi thơm ngọt ngào của những trái táo lan tỏa khắp phòng. Đó là vì vào mùa thu, khi cha lên thị trấn để bán các sản phẩm của nông trại, ông thường trở về với một hộp táo tươi hái từ trên cây. Thật thích biết bao khi mỗi chúng tôi có một trái táo thơm ngon mỗi ngày!
GIA ĐÌNH TÔI HỌC SỰ THẬT
Cha mẹ tôi được nghe về sự thật lúc tôi sáu tuổi. Anh cả của tôi là Johnny đã chết không lâu sau khi sinh. Lúc ấy đang trong cảnh quẫn trí, cha mẹ tôi đến hỏi vị linh mục địa phương: “Johnny đang ở đâu?”. Linh mục nói rằng vì chưa được làm phép rửa tội nên đứa bé không ở trên thiên đường. Vị linh mục cũng nói rằng nếu cha mẹ tôi cho ông tiền, ông sẽ cầu nguyện giúp Johnny được lên thiên đường. Anh chị sẽ cảm thấy thế nào nếu ở trong hoàn cảnh đó? Cha và mẹ đã thất vọng đến mức họ không nói chuyện với vị linh mục nữa. Dù vậy, họ vẫn thắc mắc điều gì đã xảy ra cho Johnny.
Một ngày nọ, mẹ tôi tình cờ nhìn thấy sách nhỏ có tựa đề Người chết ở đâu? (Where Are the Dead?) do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Bà đọc sách này một cách thích thú. Khi cha tôi về nhà, bà vui mừng nói: “Em biết Johnny ở đâu rồi! Con mình đang ngủ, nhưng một ngày kia con sẽ thức dậy”. Tối hôm đó, cha tôi đọc hết sách nhỏ ấy. Cha và mẹ được an ủi khi biết Kinh Thánh nói rằng người chết giống như đang ngủ và sẽ có sự sống lại trong tương lai.—Truyền 9:5, 10; Công 24:15.
Những gì cha mẹ đọc được đã thay đổi đời sống của chúng tôi, mang lại cho gia đình tôi niềm an ủi lẫn hạnh phúc. Cha mẹ tôi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và tham dự nhóm họp tại hội thánh nhỏ ở Wakaw, nơi mà phần lớn các anh chị có gia đình từ Ukraine. Không lâu sau đấy, cha mẹ tham gia công việc rao giảng.
Chẳng bao lâu sau, chúng tôi chuyển đến tỉnh British Columbia và được một hội thánh ở đó nồng nhiệt chào đón. Tôi thấy vui khi nhớ lại việc gia đình chuẩn bị Tháp Canh cho các buổi nhóm họp vào chủ nhật. Mỗi chúng tôi đang vun đắp tình yêu thương sâu đậm với Đức Giê-hô-va và với sự thật Kinh Thánh. Tôi có thể thấy cách Đức Giê-hô-va đang ban phước cho chúng tôi và làm cho đời sống của chúng tôi phong phú hơn.
Chắc anh chị có thể hiểu là với những đứa trẻ như chúng tôi thì nói chuyện với người ta về niềm tin của mình không hề đơn giản. Dù vậy, một điều đã giúp ích rất nhiều đó là việc tôi và em gái Eva thường xuyên chuẩn bị cho lời trình bày mẫu trong tháng và trình bày chúng tại Buổi họp công tác. Đây là một cách tuyệt vời để chúng tôi, những người nhút nhát, có thể học cách nói chuyện với người khác về Kinh Thánh. Tôi thật biết ơn về cách chúng tôi được huấn luyện để rao giảng!
Một trong những điều đáng nhớ nhất trong tuổi thơ của chúng tôi là có các anh chị phụng sự trọn thời gian ở chung với mình một thời gian. Chẳng hạn, chúng tôi rất vui khi anh giám thị vòng quanh Jack Nathan đến thăm hội thánh và ở nhà của chúng tôi. * Thật thích thú khi được nghe anh kể nhiều câu chuyện, và những lời khen ngợi chân thành của anh đã giúp chúng tôi muốn trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.
Tôi nhớ là mình đã nghĩ: “Khi lớn lên, mình muốn giống như anh Nathan”. Lúc đó tôi không biết rằng gương mẫu của anh đang giúp chuẩn bị mình cho sự nghiệp phụng sự trọn thời gian. Đến khi 15 tuổi, tôi đã quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va. Năm 1942, tôi và Eva làm báp-têm.
NHỮNG THỬ THÁCH VỀ ĐỨC TIN
Trong thời gian diễn ra Thế Chiến II khi tinh thần ái quốc đang dâng cao, cô Scott, một giáo viên có quan điểm cứng nhắc, đã đuổi học hai em gái và một em trai của tôi. Lý do là gì? Vì các em ấy từ chối tham gia một số nghi lễ quốc gia tại trường. Sau đó cô Scott liên lạc với giáo viên của tôi và thúc giục cô ấy đuổi học tôi. Nhưng giáo viên của tôi nói: “Chúng ta sống trong một đất nước tự do và mỗi người có quyền không tham gia các nghi lễ quốc gia”. Dù cho cô Scott gây nhiều áp lực, giáo viên của tôi đã trả lời dứt khoát: “Đây là quyết định của tôi”.
Cô Scott đáp lại: “Không, đây không phải là quyết định của cô. Tôi sẽ báo cáo nếu cô không đuổi học Melita”. Sau đó giáo viên của tôi giải thích với cha mẹ tôi rằng cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đuổi học tôi nếu muốn giữ công việc, dù cô nghĩ rằng đó là điều sai. Nhưng dẫu sao, chúng tôi đã nhận được tài liệu của trường để có thể học tại nhà. Không lâu sau, chúng tôi chuyển đến nơi mới cách chỗ ở cũ 32km, và tại đó một trường học khác đã tiếp nhận chúng tôi.
Trong những năm tháng chiến tranh, ấn phẩm của chúng ta bị cấm đoán, dù vậy chúng tôi vẫn đi rao giảng từng nhà với quyển Kinh Thánh. Nhờ thế, chúng tôi trở nên thuần thục hơn trong việc trực tiếp dùng Kinh Thánh để chia sẻ tin mừng Nước Trời. Điều này cũng giúp chúng tôi trưởng thành hơn về thiêng liêng và cảm nghiệm được sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va.
BẮT ĐẦU PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN
Ngay sau khi hoàn thành việc học tại trường, tôi và Eva đã gia nhập hàng ngũ tiên phong. Công việc ngoài đời đầu tiên của tôi là làm việc cho một quầy bán đồ ăn trong cửa hàng bách hóa. Sau đó, tôi tham gia một khóa học làm tóc kéo dài sáu tháng. Đây là việc mà trước đó tôi đã rất thích làm ở nhà. Tôi tìm được việc làm tại tiệm tóc hai ngày trong tuần và cũng dạy nghề làm tóc hai lần một tháng. Nhờ đó tôi có thể chu cấp cho bản thân để phụng sự trọn thời gian.
Vào năm 1955, tôi muốn tham dự hội nghị “Nước Trời chiến thắng” tại thành phố New York, Hoa Kỳ
và Nuremberg, Đức. Nhưng trước khi đi New York, tôi đã gặp anh Nathan Knorr từ trụ sở trung ương. Anh Knorr và vợ đang tham dự một hội nghị ở Vancouver, Canada. Trong thời gian họ đến thăm, tôi được nhờ làm tóc cho chị Knorr. Kết quả khiến anh Knorr rất hài lòng và anh ấy muốn gặp tôi. Khi nói chuyện với nhau, tôi cho anh ấy biết mình đang có kế hoạch đến New York trước khi tiếp tục qua Đức. Anh đã mời tôi làm việc tại Bê-tên Brooklyn trong chín ngày.Chuyến đi đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Tại New York, tôi gặp một anh trẻ tên là Theodore Jaracz (tên thân mật là Ted). Không lâu sau khi gặp nhau, tôi ngạc nhiên khi anh ấy hỏi: “Chị có là tiên phong không?”. Tôi đáp: “Không”. Bạn tôi là LaVonne nghe được điều đó và nói cắt ngang: “Có chứ, cô ấy là tiên phong”. Cảm thấy khó hiểu, Ted hỏi LaVonne: “Ồ, ai biết rõ hơn, chị hay cô ấy?”. Tôi giải thích rằng tôi đã làm tiên phong và có ý định bắt đầu làm tiên phong trở lại sau khi đi dự các hội nghị về.
CÓ MỘT NGƯỜI CHỒNG THIÊNG LIÊNG TÍNH
Ted sinh năm 1925 tại Kentucky, Hoa Kỳ và báp-têm lúc 15 tuổi. Dù không có ai trong gia đình của anh vào sự thật nhưng hai năm sau đó anh đã trở thành tiên phong đều đều. Đó là khởi điểm cho sự nghiệp phụng sự trọn thời gian của anh, kéo dài gần 67 năm.
Vào tháng 7 năm 1946, Ted tốt nghiệp khóa thứ bảy của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh ở tuổi 20. Sau đó anh làm giám thị lưu động tại Cleveland, bang Ohio. Khoảng bốn năm sau, anh được bổ nhiệm để phụng sự với tư cách một tôi tớ chi nhánh tại Úc.
Ted đã dự hội nghị ở Nuremberg, Đức và chúng tôi có thời gian gặp gỡ nhau. Thế là một chuyện tình lãng mạn đã chớm nở. Tôi vui vì những mục tiêu của anh ấy xoay quanh việc phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Anh là một người rất tận tâm, nghiêm túc trong việc phụng sự nhưng tính tình thì tử tế và thân thiện. Tôi có cảm nhận rằng anh đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của chính mình. Sau hội nghị ấy, Ted trở về Úc, còn tôi trở về Vancouver. Nhưng chúng tôi giữ liên lạc với nhau qua thư từ.
Sau khoảng 5 năm ở tại Úc, Ted trở về Hoa Kỳ rồi sau đó đến Vancouver và làm tiên phong tại đấy. Tôi vui khi thấy gia đình mình rất thích anh ấy. Anh trai tôi là Michael hết sức bảo vệ tôi và anh ấy thường tỏ ra lo lắng nếu có một anh nào đó để ý đến tôi. Tuy nhiên, Michael nhanh chóng quý Ted. Anh trai nói với tôi: “Melita, em có một chàng trai tốt đấy. Em nên đối xử tử tế với anh ta và hãy cẩn thận để không đánh mất cậu ấy”.
Còn về phần mình, tôi cũng rất yêu quý Ted. Chúng tôi đã kết hôn ngày 10 tháng 12 năm 1956. Chúng tôi làm tiên phong cùng nhau tại Vancouver, sau đó tại California, và rồi chúng tôi được bổ nhiệm làm công tác lưu động tại Missouri và Arkansas. Trong khoảng 18 năm, mỗi tuần chúng tôi ở một nhà khác nhau khi phụng sự trong công tác lưu động trên một phần rộng lớn của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã có những kinh nghiệm tuyệt vời trong thánh chức cũng như niềm vui khi kết hợp với các anh em đồng đạo. Những điều ấy là sự bù đắp lớn hơn nhiều cho những bất tiện của đời sống gói gọn trong chiếc va-li.
Một điều khiến tôi đặc biệt tôn trọng Ted đó là anh không bao giờ xem thường mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Anh quý trọng việc phụng sự đấng vĩ đại nhất trong vũ trụ. Chúng tôi yêu thích đọc và học Kinh Thánh cùng nhau. Vào ban đêm trước khi đi ngủ, chúng tôi quỳ cạnh giường và anh ấy cầu nguyện cho cả hai. Sau đó mỗi chúng tôi dâng lời cầu nguyện riêng. Tôi luôn nhận ra khi có một vấn đề nghiêm trọng đang đè nặng trong tâm trí Ted. Những lúc như thế, anh ấy sẽ ra khỏi giường, quỳ
gối xuống lần nữa và cầu nguyện thầm một hồi lâu. Tôi vô cùng cảm kích khi anh muốn cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về các vấn đề dù lớn hay nhỏ.Sau khi kết hôn được vài năm, Ted giải thích với tôi rằng anh sẽ bắt đầu dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm. Anh nói: “Anh đã cầu nguyện tha thiết về vấn đề này để hoàn toàn chắc chắn rằng anh đang làm điều mà Đức Giê-hô-va muốn anh làm”. Tôi không ngạc nhiên lắm về việc anh được xức dầu bằng thần khí Đức Giê-hô-va để cuối cùng sẽ phụng sự ở trên trời. Tôi xem đó như là đặc ân được hỗ trợ một trong các anh em của Đấng Ki-tô.—Mat 25:35-40.
PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TRONG NHIỆM SỞ MỚI
Năm 1974, chúng tôi rất ngạc nhiên khi Ted được mời trở thành một thành viên Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va. Với thời gian, chúng tôi được mời phụng sự tại Bê-tên Brooklyn. Trong khi Ted chu toàn các trách nhiệm trong Hội đồng Lãnh đạo thì tôi làm công việc dọn dẹp hoặc làm tóc.
Ted được cử đi thăm các chi nhánh khác nhau vì đây là một phần trong các trách nhiệm của anh ấy. Anh đặc biệt quan tâm đến công việc rao giảng tại các nước nằm sau Bức Màn Sắt. Một lần trong kỳ nghỉ của chúng tôi tại Thụy Điển, Ted đã nói: “Melita này, công việc rao giảng đang bị cấm đoán ở Ba Lan, và anh rất muốn giúp các anh chị ở đó”. Thế nên, chúng tôi đã làm visa và đến Ba Lan. Ted gặp gỡ một số anh chăm lo cho công việc tại đấy, và họ đã đi bộ thật lâu để nói chuyện hầu không ai có thể nghe lén. Các anh có bốn ngày họp đòi hỏi sự tập trung cao độ nhưng tôi vui vì thấy Ted thỏa nguyện như thế nào khi giúp cho gia đình thiêng liêng của anh.
Lần kế tiếp chúng tôi thăm Ba Lan là vào tháng 11 năm 1977. Anh Frederick William Franz và anh Daniel Sydlik cùng Ted đã có chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của thành viên Hội đồng Lãnh đạo. Lúc đó, công việc của chúng ta vẫn bị cấm đoán tại Ba Lan nhưng ba thành viên của Hội đồng Lãnh đạo có thể nói chuyện với các giám thị, tiên phong và những Nhân Chứng lâu năm tại các thành phố khác nhau.
Khi anh Milton Henschel và Ted thăm Ba Lan vào năm tiếp theo, họ đã gặp các quan chức, những người này giờ đây đã có thiện chí hơn với chúng ta cũng như công việc của chúng ta. Năm 1982, chính phủ Ba Lan đã cho phép anh em của chúng ta tổ chức các hội nghị một ngày. Năm sau đó, các hội nghị lớn hơn được tổ chức, hầu hết trong các khán phòng cho thuê. Vào năm 1985, trong khi lệnh cấm vẫn còn, chúng ta được phép tổ chức bốn hội nghị tại các sân vận động lớn. Rồi vào tháng 5 năm 1989, khi chúng ta đang thực hiện kế hoạch tổ chức các hội nghị lớn hơn thì Nhân Chứng Giê-hô-va được chính phủ Ba Lan công nhận về mặt pháp lý. Ít có sự kiện nào khiến Ted vui mừng như thế.
ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG TRỞ NGẠI VỀ SỨC KHỎE
Vào năm 2007 khi chúng tôi đang ở Anh Quốc, trong lộ trình đi dự một buổi lễ dâng hiến chi nhánh ở Nam Phi, thì Ted có vấn đề về huyết áp. Vì vậy một bác sĩ đã khuyên anh hoãn lại chuyến đi ấy. Sau khi Ted hồi phục, chúng tôi trở về Hoa Kỳ. Nhưng vài tuần sau, anh gặp cơn đột quỵ nghiêm trọng khiến phần thân bên phải bị liệt.
Sức khỏe của Ted hồi phục chậm, và ban đầu anh ấy không thể đến văn phòng. Dù vậy, chúng tôi biết ơn là anh vẫn nói được bình thường. Dù có những giới hạn, anh cố gắng duy trì hoạt động thường ngày, ngay cả tham gia buổi họp hằng tuần của Hội đồng Lãnh đạo qua điện thoại từ phòng khách của chúng tôi.
Ted rất biết ơn vì đã được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu tuyệt vời trong bệnh xá tại nhà Bê-tên. Từ từ, anh đã có lại được phần lớn cử động của cơ thể. Anh có thể chăm lo cho một số trách nhiệm thần quyền, và anh luôn giữ được niềm vui.
Ba năm sau, anh bị đột quỵ lần thứ hai và ra đi trong thanh thản vào thứ tư ngày 9 tháng 6 năm 2010. Dù luôn biết rằng Ted sẽ phải kết thúc đời sống trên đất nhưng tôi không thể miêu tả được nỗi đau mà sự mất mát ấy đã để lại trong tôi cũng như nỗi nhớ mà tôi dành cho anh ấy. Dẫu sao, hằng ngày tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va về những gì tôi đã có thể làm để hỗ trợ Ted. Chúng tôi đã cùng nhau phụng sự trọn thời gian hơn 53 năm. Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va về cách Ted giúp tôi đến gần hơn với Cha trên trời. Giờ đây, tôi tin chắc rằng nhiệm sở mới mang lại cho anh niềm vui lớn cùng sự thỏa lòng.
ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG THỬ THÁCH MỚI TRONG ĐỜI SỐNG
Sau rất nhiều năm bận rộn và hạnh phúc bên chồng, không dễ để tôi thích nghi với những thử thách hiện tại. Tôi và Ted thích gặp gỡ các khách đến thăm Bê-tên và tại phòng Nước Trời của chúng tôi. Giờ thì người chồng yêu dấu của tôi đã không còn ở đây và tôi không còn mạnh mẽ như lúc trước, những người mà tôi có thể kết hợp cũng giới hạn hơn. Dù vậy, tôi vẫn vui thích kết hợp với các anh chị thân yêu tại Bê-tên cũng như trong hội thánh. Nếp sống ở Bê-tên không dễ dàng, nhưng được phụng sự Đức Chúa Trời tại đây mang lại niềm vui cho tôi. Lòng yêu mến của tôi dành cho công việc rao giảng vẫn không hề suy giảm. Dù mệt mỏi và không thể đứng được lâu, tôi rất thỏa lòng khi tham gia việc làm chứng trên đường phố và điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh.
Khi thấy mọi điều tồi tệ đang diễn ra trên thế giới, tôi thật vui mừng vì mình đã được phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với một người bạn đời tuyệt vời! Phước lành của Đức Giê-hô-va quả đã làm cuộc đời tôi thêm phong phú.—Châm 10:22.
^ đ. 13 Kinh nghiệm của anh Jack Nathan được đăng trong Tháp Canh ngày 1-9-1990, trg 10-14 (Anh ngữ).