Chúng ta đến từ đâu?
Chúng ta đến từ đâu?
TẠI SAO CÂU TRẢ LỜI RẤT QUAN TRỌNG? Nhiều người được dạy sự sống trên trái đất xuất hiện một cách ngẫu nhiên theo thuyết tiến hóa. Giả thuyết này nói rằng nhân loại với khả năng về tình cảm, trí tuệ và tâm linh được hình thành qua hàng loạt những sự kiện ngẫu nhiên và không dễ gì xảy ra.
Bạn hãy thử nghĩ xem: Nếu chúng ta thật sự là sản phẩm của quá trình tiến hóa và không hề có Đấng Tạo Hóa, thì theo một khía cạnh nào đó nhân loại chẳng khác gì đứa trẻ mồ côi. Loài người sẽ không có nguồn hướng dẫn khôn ngoan và cao cả nào, không có ai giúp chúng ta giải quyết những vấn đề khó khăn. Chúng ta phải dựa vào sự khôn ngoan của con người để tránh những thảm họa môi trường, để giải quyết các cuộc xung đột chính trị và để hướng dẫn chúng ta vượt qua những khó khăn riêng.
Nếu chỉ có thể dựa vào sự khôn ngoan của con người, bạn có được bình an tâm trí không? Nếu không, hãy nghĩ đến một nguồn khôn ngoan cao cả hơn. Đây không chỉ là điều tốt đẹp hơn mà còn là điều hợp lý.
Kinh Thánh nói gì?
Kinh Thánh dạy rằng con người là do Đức Chúa Trời tạo ra. Chúng ta không phải là sản phẩm của một quá trình tiến hóa vô cảm và không trí hiểu. Ngược lại, chúng ta là con cái của một Người Cha đầy yêu thương và khôn ngoan. Bạn hãy lưu ý đến những câu Kinh Thánh sau đây:
Sáng-thế Ký 1:27. “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”.
Thi-thiên 139:14. “Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng. Công-việc Chúa thật lạ-lùng, lòng tôi biết rõ lắm”.
Ma-thi-ơ 19:4-6. “Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo-Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính-díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!”
Công-vụ 17:24, 25. “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế-giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền-thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài”.
Khải-huyền 4:11. “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”.
Lời giải đáp của Kinh Thánh mang lại bình an thật sự cho tâm trí—Như thế nào?
Khi biết rằng ‘nhờ Đức Chúa Trời mà mọi gia tộc dưới đất được đặt tên’, chúng ta sẽ có quan điểm khác về người xung quanh (Ê-phê-sô 3:15, Bản Dịch Mới). Sự hiểu biết đó cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của chúng ta về bản thân và những vấn đề khó khăn của mình, đặc biệt trong những khía cạnh sau đây:
Đứng trước vấn đề khó quyết định: Chúng ta sẽ không quá lo lắng khi người ta có nhiều ý kiến mâu thuẫn với nhau. Ngược lại, chúng ta tin cậy nơi lời khuyên của Kinh Thánh. Tại sao? Vì “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.
Đúng là để áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh, chúng ta phải nỗ lực và có kỷ luật. Đôi khi Kinh Thánh có thể khuyên chúng ta nên làm những điều dường như trái với khuynh hướng bẩm sinh của mình (Sáng-thế Ký 8:21). Tuy nhiên, nếu chúng ta chấp nhận rằng có một Người Cha yêu thương ở trên trời đã tạo ra mình, thì chẳng phải điều hợp lý là Ngài biết đường lối nào là tốt nhất cho chúng ta hay sao? (Ê-sai 55:9). Vì thế, Lời Đức Chúa Trời bảo đảm rằng: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con” (Châm-ngôn 3:5, 6). Nếu áp dụng lời khuyên này, chúng ta sẽ không còn lo lắng nhiều như trước khi gặp phải những vấn đề khó quyết định.
Gặp phải sự thành kiến: Chúng ta sẽ không bị đè nặng bởi cảm giác thấp kém và nghĩ rằng mình không có giá trị bằng những người thuộc chủng tộc hay nền văn hóa khác. Thay vì vậy, chúng ta sẽ dần có thêm lòng tự trọng. Tại sao thế? Vì Cha chúng ta là Đức Giê-hô-va “chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”.—Công-vụ 10:34, 35.
Điều này sẽ giúp chúng ta không để sự thành kiến ảnh hưởng đến thái độ của mình với người khác. Chúng ta sẽ hiểu rằng không có lý do chính đáng nào để xem mình cao trọng hơn người thuộc chủng tộc khác, vì Đức Chúa Trời “đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất”.—Công-vụ 17:26.
Hiển nhiên, biết rằng có một Đấng Tạo Hóa đã tạo ra và quan tâm đến chúng ta là bước đầu tiên giúp chúng ta có được bình an thật sự trong tâm trí. Nhưng để duy trì được bình an nội tâm, chúng ta cần phải làm nhiều hơn thế nữa.
[Câu nổi bật nơi trang 4]
Có phải con người xuất hiện do tiến hóa không?
[Hình nơi trang 5]
Biết rằng Đấng Tạo Hóa quan tâm đến chúng ta sẽ giúp tâm trí chúng ta được bình an thật sự