Đức tin là gì?
Đức tin là gì?
Bạn định nghĩa đức tin là gì? Một số người quan niệm đức tin là lòng tin tuyệt đối, không cần bằng chứng. Một nhà văn tiểu luận và cũng là nhà báo nổi tiếng của Hoa Kỳ là ông H. L. Mencken cũng gọi đức tin là “niềm tin phi lý nơi những chuyện viển vông”.
Ngược lại, Kinh Thánh cho biết đức tin không phải là lòng tin vô căn cứ và cũng không phải là niềm tin phi lý. Lời Đức Chúa Trời nói: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”.—Hê-bơ-rơ 11:1, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Vì những quan điểm về đức tin rất khác nhau nên chúng ta hãy tìm câu trả lời cho các câu hỏi sau đây:
• Định nghĩa của Kinh Thánh về đức tin khác với quan niệm của nhiều người như thế nào?
• Tại sao vun trồng đức tin mà Kinh Thánh nói đến là điều tối quan trọng?
• Làm sao bạn có thể xây dựng đức tin vững chắc?
Đức tin là chứng thư và có bằng chứng vững chắc
Vào thời câu Hê-bơ-rơ 11:1 được viết ra bằng tiếng Hy Lạp, từ dịch là “bảo đảm” được sử dụng phổ biến. Từ này thường xuất hiện trong các văn tự, để bảo đảm về quyền sở hữu một điều gì đó trong tương lai. Vì thế, một tài liệu tham khảo cho biết có thể dịch câu Kinh Thánh trên như sau: “Đức tin là chứng thư về những điều ta hy vọng”.
Nếu bạn đã từng mua món hàng từ một công ty có uy tín và đợi họ giao hàng, bạn đã thể hiện lòng tin như câu Kinh Thánh trên. Hóa đơn bạn cầm trong tay là cơ sở để bạn tin công ty ấy. Hóa đơn đó giống như một chứng thư, bảo đảm bạn sẽ nhận được món hàng mà bạn đã mua. Nếu đánh mất hoặc bỏ đi hóa đơn, bạn sẽ không còn bằng chứng cho thấy bạn là chủ món hàng. Tương tự thế, những ai có đức tin nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời được bảo đảm là sẽ nhận được những gì họ hy vọng. Ngược lại, những người không có hoặc mất đức tin thì không thể nhận được những điều Đức Chúa Trời hứa.—Gia-cơ 1:5-8.
Một từ quan trọng khác nơi Hê-bơ-rơ 11:1 là từ được dịch “bằng chứng”. Từ này muốn nói đến chứng cớ được đưa ra để chứng minh một điều là đúng, dù khác với điều trước mắt. Chẳng hạn, chúng ta nhìn thấy mặt trời mọc ở hướng đông, di chuyển qua bầu trời và lặn ở hướng tây, nên có vẻ như mặt trời chuyển động quanh trái đất. Tuy nhiên, thiên văn học và toán học cung cấp bằng chứng cho thấy trái đất không phải là trung tâm của hệ mặt trời. Một khi đã biết đến bằng chứng ấy và chấp nhận đó là sự thật, bạn sẽ tin rằng trái đất xoay quanh mặt trời, cho dù mắt bạn thấy gì đi nữa. Cũng thế, đức tin khác với việc tin mà không cần hiểu biết. Đức tin giúp bạn hiểu điều thật sự xảy ra, chứ không phải theo vẻ bề ngoài của sự việc.
Tại sao cần đức tin vững chắc?
Đức tin mà Kinh Thánh khuyến khích chúng ta vun trồng là đức tin vững chắc, dựa trên bằng chứng rõ ràng—tuy điều mình tin có thể cần phải thay đổi. Đức tin như thế rất quan trọng vì sứ đồ Phao-lô viết: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”.—Hê-bơ-rơ 11:6.
Không dễ để vun trồng đức tin như vậy. Nhưng nếu làm theo bốn bước được đề cập trong những bài tiếp theo, bạn có thể thành công.