Tại sao người ta lo sợ?
Tại sao người ta lo sợ?
“Nhân loại đang đứng bên bờ vực thẳm, ngay cả người không có tín ngưỡng tôn giáo cũng nghĩ như vậy”.—STEPHEN O’LEARY, PHÓ GIÁO SƯ ĐẠI HỌC NAM CALIFORNIA *.
Bạn có đồng ý với câu nói trên không? Loạt bài này đề cập đến một số lý do mà con người lo sợ về tương lai, nhưng cũng cho biết tại sao bạn có thể tin rằng sự sống trên trái đất sẽ không chấm dứt. Bạn có nhiều lý do để lạc quan, ngay cả khi đọc những tin đáng ngại dưới đây.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn ở mức cao. Năm 2007, bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists) đã khuyến cáo: “Kể từ khi những quả bom đầu tiên được ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, thế giới chưa bao giờ đứng trước những lựa chọn mang tính quyết định như ngày nay”. Tại sao vậy? Theo bản tin ấy, trong năm 2007, có khoảng 27.000 vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại trên thế giới và 2.000 trong số đó “sẵn sàng hoạt động bất cứ lúc nào”. Chỉ cần một phần nhỏ trong những vũ khí này được sử dụng thì hậu quả thật thảm khốc!
Kể từ năm đó, nguy cơ chiến tranh hạt nhân có suy giảm không? Hiện nay, năm quốc gia sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất là: Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Trung Quốc. Cuốn niên giám 2009 của viện SIPRI (SIPRI Yearbook 2009) * * cho biết: “Các nước này đang triển khai những loại vũ khí hạt nhân mới hoặc dự định sẽ làm như vậy”. Theo niên giám ấy, không chỉ có những nước trên mới sở hữu vũ khí hạt nhân. Các nhà nghiên cứu ước tính Ấn Độ, Pakistan, Israel, mỗi nước đang sở hữu từ 60 đến 80 quả bom nguyên tử. Ngoài ra, họ cũng cho biết hiện nay trên thế giới, có tổng số 8.392 vũ khí hạt nhân sẵn sàng hoạt động.
Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến thảm họa. Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử cho biết: “Các mối nguy hiểm do biến đổi khí hậu
cũng đáng lo sợ gần như mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân”. Những nhà khoa học uy tín như ông Stephen Hawking, giáo sư danh dự của trường Đại học Cambridge, và Sir Martin Rees, hiệu trưởng trường Trinity College thuộc Đại học Cambridge cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự. Họ nhận thấy việc thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý công nghệ, và tác động của con người đến môi trường sẽ thay đổi đời sống trên đất tới mức không thể phục hồi, thậm chí chấm dứt nền văn minh của nhân loại.Lời tiên đoán về ngày tận thế khiến hàng triệu người lo lắng. Hãy thử lên mạng Internet đánh cụm từ “tận thế’’ và năm “2012”. Bạn sẽ thấy hàng trăm trang web nói rằng ngày tận thế sẽ xảy ra vào năm 2012. Tại sao người ta tiên đoán như thế? Vì một bộ lịch cổ của người Maya có tên “Long Count” kết thúc vào năm 2012. Nhiều người sợ đây là dấu hiệu báo trước nền văn minh của nhân loại sẽ chấm dứt vào năm đó.
Nhiều người có tín ngưỡng tôn giáo tin rằng trái đất sẽ bị hủy diệt. Một số khác nghĩ người sùng đạo sẽ được lên thiên đàng, còn những người không theo đạo thì bị đày xuống hỏa ngục hoặc phải sống đau khổ trên trái đất hỗn độn.
Lời của Thượng Đế là Kinh Thánh có dạy trái đất sẽ bị hủy diệt không? Kinh Thánh khuyên: “Đừng vội tin những người tự cho mình được thần linh cảm ứng: trước hết phải thử xem có thật không” (1 Giăng 4:1, Bản Diễn Ý). Thay vì vội tin những gì người khác nói, tại sao bạn không tìm hiểu Thượng Đế nói thế nào về ngày tận thế? Những gì Lời Ngài dạy sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
[Chú thích]
^ đ. 2 Trích từ bài “Disasters Fuel Doomsday Predictions”, đăng trên trang web MSNBC, ngày 19-10-2005.
^ đ. 5 SIPRI là tên viết tắt của Stockholm International Peace Research Institute (Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm)
^ đ. 5 Báo cáo trong niên giám 2009 của viện SIPRI được viết bởi: bà Shannon N. Kile, chuyên gia và trưởng dự án vũ khí hạt nhân của Chương trình kiểm soát và chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc viện SIPRI; ông Vitaly Fedchenko, chuyên gia của Chương trình kiểm soát và chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc viện SIPRI; và ông Hans M. Kristensen, giám đốc dự án thông tin vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà Khoa học Mỹ.
[Nguồn hình ảnh nơi trang 4]
Mushroom cloud: U.S. National Archives photo; hurricane photos: WHO/League of Red Cross and U.S. National Archives photo