Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Ông đã làm cho nét mặt Đức Giê-hô-va dịu lại’

‘Ông đã làm cho nét mặt Đức Giê-hô-va dịu lại’

Hãy đến gần Đức Chúa Trời

‘Ông đã làm cho nét mặt Đức Giê-hô-va dịu lại’

“Tôi thấy mình không xứng đáng”. Đó là nhận xét của một người không sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời một thời gian, dù được dạy dỗ từ nhỏ. Khi bắt đầu thực hiện những bước để thay đổi đời sống, ông sợ Đức Chúa Trời không bao giờ tha thứ cho ông. Nhưng người phạm tội biết ăn năn này có hy vọng nhờ lời tường thuật của Kinh Thánh về vua Ma-na-se, ghi nơi 2 Sử-ký 33:​1-​17. Nếu cảm thấy mình không xứng đáng vì những tội lỗi trong quá khứ, bạn cũng có thể được an ủi qua trường hợp của Ma-na-se.

Ma-na-se được nuôi dạy trong một gia đình kính sợ Đức Chúa Trời. Cha ông là vua Ê-xê-chia, một trong những vị vua nổi bật của Giu-đa. Ma-na-se được sinh ra khoảng ba năm sau khi Đức Chúa Trời làm phép lạ kéo dài sự sống của cha ông (2 Các Vua 20:​1-​11). Chắc hẳn Ê-xê-chia xem người con này là món quà đến từ lòng thương xót của Đức Chúa Trời và cố gắng vun trồng nơi Ma-na-se lòng yêu quý sự thờ phượng thanh sạch. Tuy nhiên, con cái có cha mẹ tin kính không luôn luôn theo gương cha mẹ mình. Đó là trường hợp của Ma-na-se.

Khi Ma-na-se khoảng 12 tuổi thì cha ông qua đời. Đáng buồn là ông “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” (Câu 1, 2). Vị vua trẻ này có bị ảnh hưởng bởi những cố vấn không ủng hộ sự thờ phượng thật không? Kinh Thánh không nói điều này nhưng cho biết Ma-na-se tệ đến nỗi thờ hình tượng gớm ghiếc và làm điều gian ác. Ông dựng các bàn thờ cho thần giả, dâng những con trai mình làm tế lễ, thực hành ma thuật và đặt một tượng chạm trong đền thờ của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem. Vua Ma-na-se ngoan cố đã nhiều lần không nghe lời cảnh báo từ Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời đã làm phép lạ mà nhờ đó ông được sinh ra.​—Câu 3-​10.

Cuối cùng, Đức Giê-hô-va để cho Ma-na-se bị xiềng và lưu đày sang Ba-by-lôn. Tại đó, Ma-na-se có cơ hội để suy ngẫm về đường lối mình. Giờ đây, ông có thấy những hình tượng vô tri, bất lực đã không bảo vệ được ông không? Ông có nghĩ về những điều mà người cha kính sợ Đức Chúa Trời đã dạy ông khi còn nhỏ không? Dù nghĩ gì đi nữa, Ma-na-se đã thay đổi thái độ. Lời tường thuật nói: “Vua đã làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của vua, dịu lại, và vua đã hạ mình xuống tột bậc​... Vua đã cầu nguyện với Người”. (Câu 12, 13, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Nhưng một người từng phạm nhiều tội nghiêm trọng như thế có thể được Đức Chúa Trời tha thứ không?

Đức Giê-hô-va cảm động trước sự ăn năn chân thành của Ma-na-se. Ngài nghe lời cầu xin được thương xót và “cho vua trở về Giê-ru-sa-lem để cai trị vương quốc”. (Câu 13, GKPV). Sau đó, để cho thấy lòng ăn năn, Ma-na-se đã làm những gì có thể nhằm sửa chữa lỗi lầm, dẹp bỏ việc thờ hình tượng khỏi vương quốc và thôi thúc người dân “phục-sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời”.​—Câu 15-​17.

Nếu cảm thấy không xứng đáng được Đức Chúa Trời tha thứ vì tội lỗi trong quá khứ, hãy nhớ đến gương của Ma-na-se. Lời tường thuật này là một phần trong lời Đức Chúa Trời soi dẫn (Rô-ma 15:4). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết Ngài “sẵn tha-thứ” (Thi-thiên 86:5). Điều quan trọng với Ngài không phải là tội lỗi, mà là tình trạng lòng của người phạm tội. Nếu cầu nguyện với lòng ăn năn, từ bỏ đường lối sai trái và cương quyết nỗ lực làm điều đúng, người phạm tội có thể ‘làm cho nét mặt Đức Giê-hô-va dịu lại’, như Ma-na-se đã làm.​—Ê-sai 1:​18; 55:​6, 7.

Phần đọc Kinh Thánh trong tháng Giêng:

2 Sử-ký 29E-xơ-ra 10