Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời có thật sự quan tâm đến bạn không?

Đức Chúa Trời có thật sự quan tâm đến bạn không?

Đức Chúa Trời có thật sự quan tâm đến bạn không?

Bạn có cảm thấy được yêu thương không? Hoặc đôi khi có cảm giác là không ai quan tâm đến bạn? Trong thế giới hối hả và ích kỷ này, có thể rất dễ nghĩ rằng bạn quá nhỏ bé, không đáng chú ý. Đúng như sự miêu tả của Kinh Thánh về thời kỳ chúng ta, phần lớn người ta ngày nay quá chú trọng về bản thân đến nỗi không quan tâm đến người khác.—2 Ti-mô-thê 3:1, 2.

Bất kể thuộc độ tuổi, văn hóa, ngôn ngữ hoặc chủng tộc nào, nhu cầu thiết yếu của con người là yêu và được yêu. Theo một số báo cáo, hệ thần kinh chúng ta đặc biệt được thiết kế để cảm nhận tình yêu thương và sự dịu dàng. Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng tạo ra chúng ta, hiểu hơn ai hết về nhu cầu được yêu thương và quý mến. Bạn cảm thấy thế nào nếu Ngài bảo đảm rằng Ngài yêu quý bạn? Hẳn đó là điều quý giá nhất mà bạn có được. Làm sao chúng ta chắc chắn là Đức Giê-hô-va chú ý đến loài người nhiều khuyết điểm? Ngài có quan tâm đến từng cá nhân không? Nếu có, điều gì khiến một người đáng quý trước mặt Ngài?

Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm

Khoảng 3.000 năm trước đây, một người kính sợ Đức Chúa Trời đã viết sách Thi-thiên. Ông thán phục khi nhìn bầu trời bao la đầy sao. Hẳn ông biết rằng Đấng tạo ra vô số các vì sao đó vô cùng cao cả. Suy ngẫm về sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va và sự nhỏ bé của con người, người viết Thi-thiên bày tỏ lòng cảm phục vì sự yêu thương quan tâm của Đức Giê-hô-va: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm-viếng [“chăm sóc”, Bản Dịch Mới] nó?” (Thi-thiên 8:3, 4). Thật dễ để nghĩ rằng Đấng Tối Cao ở quá xa hoặc quá bận rộn không chú ý đến loài người nhiều khuyết điểm. Tuy nhiên, người viết Thi-thiên biết rằng dù con người nhỏ bé và có đời sống ngắn ngủi, họ vẫn quan trọng đối với Đức Chúa Trời.

Một người viết Thi-thiên khác nói về sự bảo đảm này: “[Đức Giê-hô-va] bèn là đẹp lòng người kính-sợ Ngài, và kẻ trông-đợi sự nhân-từ của Ngài” (Thi-thiên 147:11). Lời của hai bài Thi-thiên này thật cảm động. Đức Giê-hô-va, Đấng cao cả, không chỉ chú ý đến con người, mà còn “chăm sóc” và “đẹp lòng” về họ.

Điều này cũng được nhấn mạnh trong một lời tiên tri của Kinh Thánh nói về những sự kiện xảy ra trong thời chúng ta. Qua nhà tiên tri A-ghê, Đức Giê-hô-va cho biết công việc rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện trên khắp thế giới. Kết quả là gì? Hãy lưu ý một trong số kết quả đó: “Những sự ao-ước của các nước hầu đến; rồi ta sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy”.—A-ghê 2:7.

“Những sự ao-ước” được mang về từ các nước là gì? Hẳn không phải là sự giàu có về vật chất (A-ghê 2:8). Điều làm Đức Giê-hô-va vui lòng không phải bạc hoặc vàng. Ngài đẹp lòng về những người, dù có nhiều khuyết điểm, nhưng thờ phượng Ngài với lòng yêu thương (Châm-ngôn 27:11). Họ là “những sự ao-ước” đem lại vinh hiển cho Ngài, và Ngài quý sự hết lòng và việc phụng sự sốt sắng của họ. Bạn có ở trong số đó không?

Có lẽ khó tin rằng con người nhiều khuyết điểm được xem là đáng quý trước mặt Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại của vũ trụ. Nhưng sự thật này thôi thúc chúng ta nhận lời mời nồng ấm là đến gần Đức Chúa Trời.—Ê-sai 55:6; Gia-cơ 4:8.

“Ngươi đã được yêu-quí lắm”

Khi về già, nhà tiên tri Đa-ni-ên có một cuộc gặp mặt đáng kinh ngạc. Vào một buổi chiều nọ, trong lúc ông đang cầu nguyện, một vị khách đặc biệt bỗng nhiên xuất hiện. Người đó là Gáp-ri-ên. Đa-ni-ên đã gặp người này trước đây và nhận ra đó là thiên sứ của Đức Giê-hô-va. Gáp-ri-ên cho biết lý do của sự xuất hiện đột ngột ấy: “Hỡi Đa-ni-ên, bây giờ ta ra để ban sự khôn-ngoan và thông-sáng cho ngươi... vì ngươi đã được yêu-quí lắm”.—Đa-ni-ên 9:21-23.

Một dịp khác, một thiên sứ của Đức Giê-hô-va đến nói với Đa-ni-ên: “Hỡi Đa-ni-ên, là người rất được yêu-quí”. Rồi để thêm sức cho ông, thiên sứ này nói: “Hỡi người rất được yêu-quí, đừng sợ-hãi; nguyền cho sự bình-an ở với ngươi!” (Đa-ni-ên 10:11, 19). Vì thế ba lần Đa-ni-ên được gọi là người “rất được yêu-quí”. Cụm từ này cũng có thể mang nghĩa là “được quý mến”, “được quý trọng” và thậm chí “đặc biệt quý chuộng”.

Hẳn Đa-ni-ên đã cảm thấy gần gũi với Đức Chúa Trời và biết rằng Ngài chấp nhận việc phụng sự hết lòng của ông. Tuy nhiên, cụm từ đầy yêu thương mà Đức Chúa Trời truyền qua thiên sứ hẳn đã trấn an ông rất nhiều. Không ngạc nhiên gì khi Đa-ni-ên đáp: “Chúa đã khiến tôi nên mạnh”.—Đa-ni-ên 10:19.

Lời tường thuật ấm lòng về tình cảm dịu dàng của Đức Giê-hô-va đối với nhà tiên tri trung thành được ghi lại trong Lời Ngài vì lợi ích chúng ta (Rô-ma 15:4). Ngẫm nghĩ về gương của Đa-ni-ên giúp chúng ta hiểu điều gì khiến một người trở nên quý báu đối với Cha trên trời yêu thương.

Đều đặn học Lời Đức Chúa Trời

Đa-ni-ên là người siêng năng học Kinh Thánh. Chúng ta biết điều này vì chính ông đã viết: “Ta... bởi các sách biết rằng số năm... để cho trọn sự hoang-vu thành Giê-ru-sa-lem” (Đa-ni-ên 9:2). Các sách mà ông có thời đó có lẽ gồm những sách được soi dẫn của Môi-se, Đa-vít, Sa-lô-môn, Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và những nhà tiên tri khác. Chúng ta có thể hình dung Đa-ni-ên ngồi giữa nhiều cuộn sách, miệt mài đọc và so sánh những lời tiên tri liên quan đến việc khôi phục sự thờ phượng thật ở Giê-ru-sa-lem. Có thể trong phòng trên lầu, ông tập trung suy ngẫm về ý nghĩa của những lời đó. Việc học hỏi có mục tiêu đã củng cố đức tin và giúp ông đến gần Đức Giê-hô-va.

Học hỏi Lời Đức Chúa Trời cũng uốn nắn nhân cách của Đa-ni-ên và tác động đến lối sống của ông. Nhờ có sự hướng dẫn của Kinh Thánh từ lúc nhỏ, chàng thanh niên Đa-ni-ên đã quyết tâm giữ theo Luật pháp của Đức Chúa Trời về việc ăn kiêng được áp dụng thời bấy giờ (Đa-ni-ên 1:8). Sau này, ông dạn dĩ công bố thông điệp của Đức Chúa Trời với những vua Ba-by-lôn (Châm-ngôn 29:25; Đa-ni-ên 4:19-25; 5:22-28). Ông nổi tiếng là người siêng năng, chân thật và đáng tin cậy (Đa-ni-ên 6:4). Trên hết, thay vì thỏa hiệp để cứu mạng sống, Đa-ni-ên hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va (Châm-ngôn 3:5, 6; Đa-ni-ên 6:23). Không lạ gì khi ông “rất được yêu-quí” trước mắt Đức Chúa Trời!

Về một vài phương diện, việc nghiên cứu Kinh Thánh thời nay dễ hơn thời Đa-ni-ên. Những cuộn sách kềnh càng được thay thế bằng những cuốn sách tiện lợi. Ngày nay, chúng ta có trọn bộ Kinh Thánh, bao gồm những lời tường thuật về cách một số lời tiên tri của Đa-ni-ên được ứng nghiệm. Và chúng ta cũng có sẵn rất nhiều ấn phẩm giúp học Kinh Thánh và những công cụ để nghiên cứu *. Bạn có tận dụng những công cụ này không? Bạn có đều đặn dành thời gian cụ thể cho việc đọc và suy ngẫm Kinh Thánh không? Nếu làm thế, bạn cũng sẽ được lợi ích như Đa-ni-ên. Bạn sẽ xây dựng đức tin vững chắc và có mối quan hệ mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va. Lời Đức Chúa Trời sẽ là nguồn hướng dẫn vững chắc cho đời sống của bạn, bảo đảm là Ngài yêu thương chăm sóc bạn.

Bền lòng cầu nguyện

Đa-ni-ên xem việc cầu nguyện là một phần quan trọng trong đời sống. Ông cầu xin Đức Chúa Trời những điều hợp lý. Khi còn trẻ, ông đứng trước nguy cơ bị xử tử nếu không giải thích được giấc mơ của vua Nê-bu-cát-nết-sa. Không chần chừ, Đa-ni-ên cầu khẩn Đức Giê-hô-va nâng đỡ và bảo vệ ông (Đa-ni-ên 2:17, 18). Nhiều năm sau, nhà tiên tri trung thành này đã khiêm nhường nhận thức sự bất toàn của mình, xưng tội của ông và tội của dân sự, đồng thời cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ (Đa-ni-ên 9:3-6, 20). Ngoài ra, Đa-ni-ên đã xin Đức Chúa Trời giúp khi không hiểu những điều Ngài soi dẫn. Vào một lần, thiên sứ mà đã giúp Đa-ni-ên hiểu rõ hơn về những điều đó đã khẳng định với ông: “Những lời ngươi đã được nghe”.—Đa-ni-ên 10:12.

Tuy nhiên, người trung thành Đa-ni-ên không chỉ cầu xin Đức Chúa Trời mà còn làm hơn thế nữa. Đa-ni-ên 6:10 cho biết: “Cứ một ngày ba lần, người... cầu-nguyện, xưng-tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước”. Đa-ni-ên có nhiều lý do để cảm tạ và ca ngợi Đức Giê-hô-va. Và ông đều đặn làm thế. Thật vậy, cầu nguyện là một phần quan trọng trong sự thờ phượng của ông, đến nỗi ông không ngừng việc này dù mạng sống bị đe dọa. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va yêu quý ông vì sự kiên định này.

Đặc ân cầu nguyện quả là món quà tuyệt vời thay! Đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không nói chuyện với Cha trên trời. Hãy nhớ cảm tạ và ca ngợi về những sự tốt lành của Ngài. Hãy bày tỏ những mối lo lắng và quan tâm của bạn. Hãy nghĩ về cách mà lời cầu xin của bạn được nhậm, và bày tỏ lòng biết ơn. Hãy tâm sự với Ngài qua lời cầu nguyện. Khi mở lòng với Đức Giê-hô-va như thế, chúng ta sẽ cảm nhận tình yêu thương của Ngài với cá nhân mình. Quả là lý do thúc đẩy chúng ta “bền lòng mà cầu-nguyện”!—Rô-ma 12:12.

Tôn vinh danh Đức Giê-hô-va

Tình bạn không thể lớn mạnh hơn nếu một bên trở nên ích kỷ. Mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va cũng vậy. Đa-ni-ên ý thức điều này. Hãy xem ông quan tâm biết bao đến việc làm vinh hiển danh Đức Giê-hô-va.

Khi Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của ông qua việc tiết lộ giấc mơ của vua Nê-bu-cát-nết-sa và lời giải của nó, Đa-ni-ên nói: “Ngợi-khen danh Đức Chúa Trời đời đời vô-cùng! Vì sự khôn-ngoan và quyền-năng đều thuộc về Ngài”. Sau đó, khi cho vua Nê-bu-cát-nết-sa biết giấc mơ và lời giải, Đa-ni-ên nhiều lần quy công trạng cho Đức Giê-hô-va, nhấn mạnh rằng chỉ có Ngài là Đấng “tỏ ra những điều kín-nhiệm”. Tương tự, khi cầu xin sự tha thứ và giải cứu, Đa-ni-ên nói: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi... thành Ngài và dân Ngài đã được xưng bằng danh Ngài!”.—Đa-ni-ên 2:20, 28; 9:19.

Chúng ta có nhiều cơ hội để noi theo gương Đa-ni-ên trong lĩnh vực này. Khi cầu nguyện, chúng ta có thể nói lên lòng quan tâm về việc danh Đức Chúa Trời “được thánh” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Chúng ta không bao giờ muốn hạnh kiểm của mình làm ô danh thánh của Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, mong sao chúng ta luôn luôn tôn vinh Đức Giê-hô-va qua việc chia sẻ với người khác điều chúng ta học được về tin mừng Nước Trời.

Thế giới này thiếu tình yêu thương và lòng quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta được an ủi rất nhiều khi biết rằng Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm đến từng cá nhân người thờ phượng Ngài. Người viết Thi-thiên nói: “Đức Giê-hô-va đẹp lòng dân-sự Ngài; Ngài lấy sự cứu-rỗi trang-sức cho người khiêm-nhường”.—Thi-thiên 149:4.

[Chú thích]

^ đ. 18 Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản những công cụ học hỏi và nghiên cứu có thể giúp việc đọc và học Kinh Thánh hữu hiệu hơn. Nếu bạn muốn có những công cụ này, xin vui lòng liên lạc với một Nhân Chứng Giê-hô-va.

[Câu nổi bật nơi trang 21]

Đức Chúa Trời cho thấy Ngài yêu mến Đa-ni-ên qua việc sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thêm sức cho ông

[Câu nổi bật nơi trang 23]

Nhờ siêng năng học hỏi và cầu nguyện, Đa-ni-ên được uốn nắn nhân cách và được Đức Chúa Trời quý mến