Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Vào thời Chúa Giê-su, người ta có thổi sáo tại tang lễ không?

Kinh Thánh nói đến việc người ta thổi sáo vào những dịp lễ hội (1 Các Vua 1:40; Ê-sai 5:12; 30:29). Kinh Thánh cũng nói rằng người ta đã thổi sáo ở một tang lễ. Trong trường hợp này, sáo là nhạc cụ duy nhất được nhắc đến. Sách Phúc âm của Ma-thi-ơ cho biết một người cai nhà hội người Do Thái xin Chúa Giê-su chữa lành đứa con gái sắp chết của ông. Tuy nhiên, khi đến nhà ông, Chúa Giê-su “thấy những người thổi sáo và một đám đông ồn ào, huyên náo”, vì bé gái đã chết.—Ma-thi-ơ 9:18, 23.

Vậy, lời tường thuật của Ma-thi-ơ về phong tục này có chính xác không? Dịch giả Kinh Thánh William Barclay đã viết: “Trong hầu hết các nước của thế giới cổ đại như La Mã, Hy Lạp, Phê-ni-xi, A-si-ri và Phi-li-tin, khi tiếng sáo vang lên buồn thảm, người ta biết rằng ai đó đã chết hoặc có thảm kịch xảy ra”. Theo sách Talmud, vào thế kỷ thứ nhất công nguyên (CN), ngay cả một người Do Thái góa vợ nghèo nhất cũng thuê hai người thổi sáo và một người phụ nữ khóc than cho vợ quá cố của ông. Sử gia Flavius Josephus sống vào thế kỷ thứ nhất ghi lại rằng vào năm 67 CN, quân La Mã xâm chiếm làng Jotapata, xứ Ga-li-lê và tàn sát dân cư ở đó. Khi thành Giê-ru-sa-lem nghe tin này, “nhiều người than khóc thuê những người thổi sáo đệm nhạc để họ hát trong tang lễ”.

Hai tên tội phạm bị hành hình chung với Chúa Giê-su mang tội gì?

Kinh Thánh gọi hai tên tội phạm này là “cướp” (Ma-thi-ơ 27:38; Mác 15:27). Một số từ điển Kinh Thánh cho biết Kinh Thánh dùng những từ khác nhau để phân biệt các loại tội phạm. Từ Hy Lạp kleptes nói đến kẻ cắp, là kẻ âm thầm hành động để không bị phát giác. Từ này cũng được dùng cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là kẻ lén lút lấy trộm tiền trong hộp tiền của các môn đồ (Giăng 12:6). Trái lại, từ lestes thường nói đến một kẻ cướp dùng vũ lực, và cũng ám chỉ những kẻ đảo chính, nổi dậy hoặc phản loạn. Hai tên tội phạm bị hành hình chung với Chúa Giê-su thuộc loại thứ hai. Thật vậy, một trong hai tên đã nói: “Chúng ta bị thế này là đích đáng, tương xứng với những gì mình đã làm” (Lu-ca 23:41). Câu này cho thấy tội của họ không chỉ là ăn cắp.

Như hai tên cướp này, Ba-ra-ba cũng bị gọi là lestes (Giăng 18:40). Tên Ba-ra-ba này chắc chắn không chỉ là kẻ cắp, vì Lu-ca 23:19 cho biết rõ hắn “bị bỏ tù vì vụ nổi loạn trong thành và giết người”.

Vậy, dù hai tên tội phạm bị hành hình chung với Chúa Giê-su mang tội ăn cướp nhưng có thể họ cũng dính líu đến việc nổi loạn hoặc thậm chí giết người. Dù là trường hợp nào đi nữa, quan tổng đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát xem họ là những kẻ đáng bị đóng đinh.