Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Tạo dựng lại lòng tin

Tạo dựng lại lòng tin

Anh Nhân * nói: “Tôi không ngờ Hảo lại phản bội tôi. Tôi mất hết lòng tin ở vợ mình. Tôi đã nghĩ rằng làm sao mình có thể tha thứ cho cô ấy”.

Chị Hảo nói: “Tôi hiểu tại sao anh Nhân không còn tin tôi nữa. Phải mất nhiều năm tôi mới có thể chứng tỏ cho chồng thấy mình đã thật sự hối hận”.

Kinh Thánh cho người hôn phối bị phản bội quyền lựa chọn có ly dị hay không * (Ma-thi-ơ 19:9). Anh Nhân, được nói đến ở trên, đã quyết định không ly dị vợ. Cả anh và chị Hảo đều quyết tâm cứu vãn hôn nhân của mình. Dù thế, hai người đều sớm nhận ra điều này không đơn giản là chỉ tiếp tục chung sống với nhau. Tại sao? Như lời họ nói ở trên, sự không chung thủy của chị Hảo đã phá đổ lòng tin giữa họ. Vì sự tin cậy giữa hai vợ chồng là điều thiết yếu để có một hôn nhân hạnh phúc nên họ phải nỗ lực để tạo dựng lại lòng tin.

Nếu vợ chồng bạn đang gắng sức cứu vãn hôn nhân, sau một chuyện nghiêm trọng như ngoại tình, chắc hẳn bạn phải đối mặt với thách đố. Những tháng đầu sau khi biết chuyện có lẽ là khó nhất. Nhưng bạn sẽ thành công! Bằng cách nào bạn có thể tạo dựng lại lòng tin? Lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh có thể giúp bạn. Hãy xem xét bốn đề nghị sau.

1 Thành thật với nhau.

Sứ đồ Phao-lô viết: “Nay anh em đã từ bỏ sự dối trá,... hãy nói thật” (Ê-phê-sô 4:25). Nói dối, nói nửa sự thật hoặc ngay cả im lặng cũng có thể làm tổn hại đến lòng tin. Vì thế, bạn cần trò chuyện cởi mở và thành thật với nhau.

Lúc đầu, có lẽ cả hai đều buồn bực khi nói về chuyện ngoại tình. Dù vậy, cuối cùng thì bạn vẫn phải trò chuyện thẳng thắn với nhau về việc đã xảy ra. Có thể bạn không cần phải nhắc đến mọi chi tiết, nhưng hoàn toàn tránh nhắc đến cũng không phải là khôn ngoan. Chị Hảo nói: “Mới đầu, tôi thấy rất khó khăn và không thoải mái khi nói về việc mình đã làm. Tôi vô cùng ân hận và muốn chôn vùi mọi chuyện vào quên lãng”. Tuy nhiên, thiếu trò chuyện với nhau sẽ càng gây ra vấn đề. Tại sao? Anh Nhân cho biết: “Vì Hảo không muốn nói tới chuyện đó nên tôi vẫn ngờ vực vợ”. Nghĩ lại lúc ấy, chị Hảo thừa nhận: “Việc tôi không nhắc đến chuyện đó đã làm vết thương lòng của ông xã khó được chữa lành”.

Chắc chắn là nói bất cứ điều gì về chuyện phản bội cũng sẽ gây đau lòng. Chồng chị Debbie, là anh Paul, đã “vụng trộm” với cô thư ký của anh. Chị nói: “Tôi đã tự hỏi rất nhiều điều. Làm sao? Tại sao? Họ nói chuyện gì với nhau? Nhiều tuần trôi qua, tinh thần tôi bị suy sụp, tôi cứ suy nghĩ về chuyện đó và càng đặt ra nhiều câu hỏi hơn”. Anh Paul nói: “Có lúc cuộc trò chuyện của tôi và Debbie trở thành trận khẩu chiến cũng là điều dễ hiểu. Nhưng sau mỗi lần như vậy, vợ chồng tôi đều xin lỗi nhau. Khi nói chuyện thật lòng với nhau như thế thì chúng tôi gần gũi nhau hơn”.

Làm sao bạn có thể làm dịu bớt bầu không khí căng thẳng trong những cuộc nói chuyện như thế? Hãy nhớ rằng mục đích chính của bạn không phải là trừng phạt bạn đời, nhưng là rút ra bài học từ chuyện đau thương và củng cố hôn nhân. Chẳng hạn, vợ chồng anh Chul Soo và chị Mi Young đã xem lại mối quan hệ của họ sau khi anh ngoại tình. Anh Chul Soo nói: “Tôi nhận ra mình chỉ biết quan tâm đến bản thân. Tôi cũng bận tâm quá nhiều đến việc làm hài lòng người khác và đáp ứng mong đợi của họ. Hậu quả là tôi chỉ dành ít thời giờ cho vợ mình”. Với thời gian, việc nhận thức được điều này đã giúp hai vợ chồng họ thực hiện những thay đổi có thể củng cố hôn nhân.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Nếu bạn là người không chung thủy, đừng biện hộ hay đổ lỗi cho người hôn phối. Hãy chịu trách nhiệm về hành động của mình và sự tổn thương mà mình đã gây ra. Nếu bạn là người bị phản bội, đừng la lối hay lăng mạ bạn đời. Khi tránh cách nói chuyện như thế, người bạn đời sẽ dễ tiếp tục nói chuyện cởi mở với bạn hơn.—Ê-phê-sô 4:32.

2 Chung sức đồng lòng.

Kinh Thánh nói rằng “hai người hơn một”. Vì sao? “Vì họ sẽ được công-giá tốt về công-việc mình. Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên” (Truyền-đạo 4:9, 10). Đây là một nguyên tắc thực tế khi bạn đang phải nỗ lực để tạo dựng lại lòng tin.

Nếu vợ chồng đồng lòng với nhau thì có thể vun đắp lại sự tin cậy giữa hai người. Cả hai đều phải thật lòng muốn cứu vãn hôn nhân. Nếu chỉ một mình bạn đương đầu, có thể bạn còn gặp nhiều vấn đề hơn. Vì thế, hai vợ chồng bạn cần xem nhau như những người cùng chung vai sát cánh.

Anh Nhân và chị Hảo đã cảm nhận được điều này. Chị Hảo cho biết: “Mất nhiều thời gian nhưng tôi và anh Nhân đã có thể chung sức với nhau để xây đắp một hôn nhân bền vững. Nhất định là tôi không bao giờ làm anh phải đau đớn thêm một lần nào nữa. Dù anh bị tổn thương, anh đã dứt khoát không để hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ. Mỗi ngày, tôi tìm cách cho anh thấy lòng chung thủy của mình, còn anh thì cứ bày tỏ tình yêu với tôi. Tôi luôn biết ơn chồng mình về điều này”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Chung sức đồng lòng với nhau để tạo dựng lại lòng tin giữa hai vợ chồng.

3 Bỏ thói quen cũ và tập thói quen mới.

Sau khi Chúa Giê-su cảnh báo người ta đừng phạm tội ngoại tình, ngài khuyên: “Nếu mắt bên phải khiến anh em phạm tội, hãy móc nó ra và ném đi” (Ma-thi-ơ 5:27-29). Nếu bạn là người có lỗi, bạn có nghĩ đến hành động hay thái độ nào mà mình cần loại bỏ để mang lại lợi ích cho hôn nhân không?

Dĩ nhiên, bạn phải chấm dứt mối quan hệ với “người thứ ba” * (Châm-ngôn 6:32; 1 Cô-rinh-tô 15:33). Anh Paul, được nói đến ở trên, đã thay đổi lịch làm việc và số điện thoại di động để không phải gặp người phụ nữ kia. Dù cố gắng như thế nhưng anh vẫn không thể cắt đứt mọi liên lạc với cô ta. Vì nhất quyết tạo dựng lại lòng tin nơi vợ nên anh đã nghỉ việc. Anh cũng bỏ điện thoại và chỉ sử dụng điện thoại của vợ. Nỗ lực ấy có mang lại kết quả không? Chị Debbie cho biết: “Đã sáu năm trôi qua, thỉnh thoảng tôi vẫn lo là cô ấy sẽ cố liên lạc với chồng tôi. Nhưng giờ đây, tôi tin là anh Paul sẽ không rơi vào cám dỗ nữa”.

Nếu là người có lỗi, có lẽ bạn cần sửa đổi tính cách của mình. Chẳng hạn, có thể bạn có tính hay tán tỉnh hoặc thích thu hút sự chú ý của người khác phái, hoặc bạn thường mơ tưởng đến cuộc tình lãng mạn với người khác. Nếu thế, “hãy lột bỏ nhân cách cũ cùng các việc làm của nó”. Bỏ những thói quen cũ và tập những thói quen mới để người hôn phối tin tưởng bạn hơn (Cô-lô-se 3:9, 10). Quá trình sinh trưởng có khiến bạn khó biểu lộ tình cảm không? Dù lúc đầu có thể bạn thấy ngại nhưng hãy thường xuyên nói lời yêu thương và làm yên lòng bạn đời của mình. Anh Nhân nhớ lại: “Hảo thường vỗ về tôi bằng đôi tay của mình. Cô ấy cũng thường xuyên nói ‘em yêu anh’”.

Trong một thời gian, điều tốt là kể cho người hôn phối nghe về những sinh hoạt hằng ngày của mình. Chị Mi Young, được nói đến ở trên, nói: “Anh Chul Soo cố gắng kể cho tôi nghe về mọi chuyện diễn ra trong ngày, thậm chí là những chuyện nhỏ nhất, để cho tôi thấy rằng anh không che giấu tôi điều gì cả”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Hỏi bạn đời xem người ấy nghĩ những hành động nào có thể giúp tạo dựng lại lòng tin giữa hai người. Ghi ra các điều ấy và thực hiện. Ngoài ra, hãy thêm vào thời gian biểu của bạn một số hoạt động mà hai vợ chồng có thể cùng nhau tham gia.

4 Biết khi nào là lúc bắt đầu cuộc sống mới.

Đừng vội cho rằng lúc này cuộc sống của hai vợ chồng có thể bắt đầu trở lại như bình thường. Châm-ngôn 21:5 (Bản Dịch Mới) cảnh báo: “Mọi kẻ hấp tấp sẽ đưa đến thiếu thốn”. Cần có thời gian, có thể nhiều năm, để tạo dựng lại lòng tin.

Nếu bạn là người bị phản bội, hãy cho mình thời gian để hoàn toàn tha thứ. Chị Mi Young hồi tưởng: “Tôi từng nghĩ việc một người vợ không thể tha thứ cho người chồng ngoại tình là điều rất lạ. Tôi không thể hiểu tại sao người vợ giận chồng lâu như vậy. Thế nhưng, khi chồng tôi không chung thủy, tôi mới hiểu được tại sao tha thứ lại khó đến thế”. Sự tha thứ và tin cậy sẽ diễn ra từ từ.

Truyền-đạo 3:1-3 nói rằng: “Có kỳ chữa lành”. Lúc đầu, có thể bạn thấy không bộc lộ cảm xúc của mình cho người hôn phối là cách an toàn nhất. Tuy nhiên, nếu cứ làm thế thì bạn không thể tạo dựng lại lòng tin của mình đối với người ấy. Để hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt, hãy tha thứ và cho thấy điều đó qua việc thổ lộ suy nghĩ thầm kín cũng như cảm xúc cho bạn đời biết. Ngoài ra, hãy khuyến khích bạn đời chia sẻ với bạn niềm vui cũng như mối quan tâm của người ấy.

Đừng nuôi lòng cay đắng. Hãy gắng sức vượt qua điều đó (Ê-phê-sô 4:32). Suy ngẫm về chính gương mẫu của Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể giúp bạn. Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va rất đau lòng khi những người thờ phượng ngài quay lưng với ngài. Thậm chí, Đức Giê-hô-va còn ví ngài như người hôn phối bị phản bội (Giê-rê-mi 3:8, 9; 9:2). Nhưng ngài “chẳng ngậm giận đời đời” (Giê-rê-mi 3:12). Khi dân Y-sơ-ra-ên thật lòng ăn năn và quay về cùng ngài thì ngài tha thứ cho họ.

Với thời gian, khi cả hai vợ chồng đều hài lòng với những điều chỉnh cần thiết mà mình đã làm thì hai người sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Sau đó, thay vì chỉ tập trung vào việc cứu vãn hôn nhân, hai bạn có thể cùng nhau thực hiện những mục tiêu khác. Thậm chí, hai vợ chồng nên thường xuyên xem lại mình đã tiến bộ đến đâu. Đừng dừng lại và tự mãn. Hãy vượt qua những trở ngại nhỏ nhặt và hứa sẽ gắn bó với nhau suốt đời.—Ga-la-ti 6:9.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Thay vì cố gầy dựng lại hôn nhân giống như thuở ban đầu, hai vợ chồng hãy nghĩ rằng mình sẽ xây đắp một mối quan hệ mới và bền vững hơn trước kia.

Bạn có thể thành công

Nếu đôi khi bạn cảm thấy mình không thể vượt qua vấn đề, hãy nhớ rằng: Đức Giê-hô-va là đấng sáng lập hôn nhân (Ma-thi-ơ 19:4-6). Vì thế, với sự trợ giúp của ngài, bạn có thể làm hôn nhân của mình bền vững. Những cặp vợ chồng được đề cập ở trên đã áp dụng lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh và cứu vãn được hôn nhân của họ.

Hơn 20 năm trôi qua kể từ khi hôn nhân của anh Nhân và chị Hảo đứng trên bờ vực thẳm. Anh Nhân nói về quá trình hàn gắn lại tình cảm của họ: “Kể từ khi học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng tôi đã có những điều chỉnh đáng kể. Sự giúp đỡ chúng tôi nhận được là vô giá. Kết quả là chúng tôi có thể vượt qua những tháng ngày khó khăn đó”. Chị Hảo nói: “Tôi thấy vợ chồng tôi thật có phước khi có thể đương đầu với quãng thời gian tồi tệ đó. Nhờ học Kinh Thánh cùng nhau, cộng với nhiều nỗ lực, giờ đây chúng tôi có một hôn nhân tuyệt vời”.

^ đ. 3 Các tên đã được thay đổi.

^ đ. 5 Để biết làm sao quyết định, xin xem tạp chí Tỉnh Thức! tháng 10-12 năm 1999, trang 6, và Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ra ngày 8-8-1995, trang 10, 11.

^ đ. 17 Nếu trong một thời gian vẫn không thể hoàn toàn chấm dứt liên hệ với người ấy (chẳng hạn như trong công việc) thì phải hạn chế, chỉ liên hệ khi thật sự cần thiết. Chỉ gặp người ấy khi có mặt những người khác và khi đã cho người hôn phối biết.

HÃY TỰ HỎI:

  • Những lý do nào đã khiến tôi muốn duy trì hôn nhân của mình dù trước đây bạn đời không chung thủy?

  • Giờ đây, tôi thấy những phẩm chất đáng quý nào nơi người bạn đời?

  • Lúc mới hẹn hò, tôi đã quan tâm từng chút đến bạn đời như thế nào? Giờ đây, tôi có thể làm giống như thế không?