HÃY ĐẾN GẦN ĐỨC CHÚA TRỜI
“Thấy rõ các đặc tính của ngài”
Bạn tin có Đức Chúa Trời không? Nếu tin, bạn có thể đưa ra bằng chứng về sự hiện hữu của ngài? Thật ra xung quanh chúng ta có bằng chứng về Đấng Tạo Hóa khôn ngoan, quyền năng và yêu thương. Bằng chứng ấy là gì và có sức thuyết phục đến mức nào? Để giải đáp, hãy xem những lời của sứ đồ Phao-lô trong thư ông gửi các tín đồ ở Rô-ma.
Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời là vô hình, nhưng từ lúc thế gian được dựng nên, khi xem xét những vật ngài tạo ra thì người ta có thể thấy rõ các đặc tính của ngài, tức quyền năng muôn đời và cương vị Chúa Trời; bởi thế, họ không thể bào chữa cho mình” (Rô-ma 1:20). Như Phao-lô cho biết, Đấng Tạo Hóa đã để lại dấu ấn trong công trình sáng tạo của ngài. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn lời của Phao-lô.
Phao-lô ghi nhận, các đặc tính của Đức Chúa Trời có thể nhận thấy “từ lúc thế gian được dựng nên”. Trong bối cảnh này, từ Hy Lạp được dịch là “thế gian” không ám chỉ trái đất. Thay vì thế, từ này nói đến nhân loại a. Do đó, ý của Phao-lô là từ lúc con người được tạo ra, họ có thể thấy bằng chứng về Đấng Tạo Hóa qua những gì ngài tạo ra.
Bằng chứng đó ở xung quanh chúng ta. Nó không bị giấu kín trong thiên nhiên, nhưng “được thấy rõ”. Từ vật lớn nhất đến vật nhỏ nhất, sự sáng tạo cho thấy rõ không những có Đấng Tạo Hóa mà ngài còn có các đặc tính tuyệt vời. Chẳng phải sự thiết kế thông minh trong thiên nhiên cho chúng ta thấy đặc tính khôn ngoan của Đức Chúa Trời sao? Các từng trời đầy sao, tiếng sóng vỗ bờ không cho thấy quyền năng của ngài sao? Vô số thực phẩm chúng ta thưởng thức, vẻ đẹp của bình minh lẫn hoàng hôn không cho thấy tình yêu thương ngài dành cho nhân loại sao?—Thi-thiên 104:24; Ê-sai 40:26.
Bằng chứng rõ ràng đến mức nào? Đến mức ai không thấy và không tin Đức Chúa Trời thì “không bào chữa được”. Một học giả minh họa điều này như sau: Hãy hình dung một người lái xe lờ đi biển báo “Rẽ trái”, hướng dẫn đi vòng. Một cảnh sát chặn ông lại và đưa giấy phạt. Ông cố gắng biện hộ, cho rằng mình không thấy biển báo. Nhưng lời này là phi lý, vì biển báo được đặt ở nơi dễ thấy và ông có thị lực tốt. Ngoài ra, trách nhiệm của người lái xe là để ý và làm theo biển báo. Bằng chứng về Đức Chúa Trời trong thiên nhiên cũng như thế. “Biển báo” này rất dễ thấy. Là những tạo vật thông minh, chúng ta có khả năng để nhận thức điều ấy. Không gì có thể bào chữa cho việc lờ đi “biển báo”.
Đấng Tạo Hóa đã để lại dấu ấn trong công trình sáng tạo của ngài
Thật thế, công trình sáng tạo tiết lộ nhiều điều về Đấng Tạo Hóa. Nhưng có một cuốn sách tiết lộ nhiều hơn về ngài, đó là Kinh Thánh. Qua sách này, chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi quan trọng: Đức Chúa Trời có ý định gì đối với trái đất và con người? Lời giải đáp này có thể giúp bạn đến gần Đức Chúa Trời hơn, đấng mà chúng ta “thấy rõ các đặc tính của ngài” xung quanh mình.
Phần đọc Kinh Thánh trong tháng tám
a Kinh Thánh cũng nói về “thế gian” có tội và cần đấng cứu thế. Điều này cho thấy rõ là trong những bối cảnh ấy, cụm từ đó nói đến con người, chứ không phải trái đất.—Giăng 1:29; 4:42; 12:47.