BÀI TRANG BÌA | PHẢI CHĂNG KHOA HỌC ĐÃ THAY THẾ KINH THÁNH?
Những giới hạn của khoa học
Trong thời gian gần đây, một số cuốn sách giải thích quan điểm của những người được gọi là “Người vô thần mới” đã trở nên rất thịnh hành. Những ấn phẩm này thu hút sự chú ý của nhiều người và gây ra không ít tranh luận. Liên quan đến điều đó, chuyên gia thần kinh học David Eagleman viết: “Một số độc giả cho rằng các nhà khoa học biết hết mọi thứ”. Rồi ông cho biết thêm: “Nhưng ngành khoa học đích thực thì luôn cởi mở và lịch sử của khoa học đầy những khám phá bất ngờ”.
Trải qua bao thời đại, các nhà khoa học tài năng quả thật đã đạt được những bước đột phá đáng kinh ngạc trong công cuộc tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi hóc búa về thế giới tự nhiên. Nhưng một số người cũng mắc phải những sơ suất nghiêm trọng trong quá trình nghiên cứu. Isaac Newton là một trong những nhà khoa học tài ba nhất của mọi thời đại. Ông cho thấy làm sao lực hấp dẫn giữ cho các hành tinh, ngôi sao và dải ngân hà nằm trong một vũ trụ. Ông phát minh phép tích vi phân, là một khía cạnh của toán học, được dùng trong thiết kế máy vi tính, du hành trong vũ trụ và vật lý hạt nhân. Tuy nhiên, Newton cũng theo đuổi thuật giả kim, là điều trái với khoa học vì người ta nỗ lực dùng thiên văn học và ma thuật để biến đổi chì và những kim loại khác thành vàng.
Hơn 1.500 năm trước thời Newton, nhà thiên văn học Hy Lạp là Ptolemy đã khám phá bầu trời bằng mắt thường. Ông quan sát các hành tinh trên bầu trời đêm và khéo léo vẽ bản đồ. Nhưng ông tin rằng trái đất là trung tâm của mọi thứ. Nhà vật lý thiên văn Carl Sagan viết về ông Ptolemy: “Ý niệm của ông [Ptolemy] về trái đất là trung tâm của vũ trụ có tầm ảnh hưởng lớn trong 1.500 năm, một lời nhắc nhở rằng dù một người có tài năng đến đâu đi nữa thì cũng có thể sai lầm hoàn toàn”.
Ngày nay, các nhà khoa học cũng đối diện trước những thách đố như thế trong công cuộc nghiên cứu. Liệu họ có bao giờ tìm được lời giải thích thỏa đáng về vũ trụ không? Một mặt chúng ta thừa nhận rằng những tiến bộ của khoa học mang lại lợi ích cho con người, nhưng cũng cần nhớ rằng khoa học có những giới hạn. Nhà vật lý học Paul Davies nhận xét: “Liên quan đến vũ trụ, không thể nào tìm được một lời giải thích thỏa đáng trong mọi trường hợp và hoàn toàn hòa hợp với nhau”. Điều này nêu lên sự thật không thể chối cãi: Con người không thể hiểu biết hết về thế giới tự nhiên. Do đó, khi người ta cho rằng khoa học có khả năng lý giải mọi thứ, thì hãy cẩn trọng với những lý giải ấy.
Rõ ràng, Kinh Thánh đáp ứng nhu cầu của chúng ta qua những cách mà khoa học không thể
Kinh Thánh nói về những kỳ quan của thiên nhiên: “Kìa, ấy chỉ là biên-giới của các đường-lối [Đức Chúa Trời]; ta được nghe tiếng nói về Chúa xầm-xì nhỏ thay!” (Gióp 26:14). Vẫn còn đó vô vàn kiến thức ngoài tầm nhận thức và hiểu biết của con người. Phải thừa nhận rằng những lời của sứ đồ Phao-lô được viết cách nay gần 2.000 năm vẫn đúng: “Sâu thẳm thay là sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời! Những phán quyết của ngài không ai hiểu thấu, và đường lối ngài không ai dò ra được!”.—Rô-ma 11:33.