SỰ KHÔN NGOAN VƯỢT THỜI GIAN
Sẵn lòng tha thứ
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy tiếp tục... sẵn lòng tha thứ nhau dù có lý do để phàn nàn về người khác. Đức Giê-hô-va đã sẵn lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy”.—Cô-lô-se 3:13.
Điều này có nghĩa gì? Trong Kinh Thánh, tội lỗi được ví như món nợ và sự tha thứ được ví như việc xóa nợ (Ma-thi-ơ 18:21-35). Một tài liệu tham khảo nói rằng trong Kinh Thánh, động từ Hy Lạp được dịch là “tha thứ” có nghĩa là “xóa đi món nợ bằng cách không đòi phải trả”. Vì vậy, khi chọn tha thứ cho người phạm lỗi với mình, chúng ta không cần đòi hỏi người ấy làm điều gì đó để chuộc lỗi. Sẵn lòng tha thứ không có nghĩa là chúng ta tán thành hành vi sai trái của người đó hoặc giảm nhẹ sự tổn thương mà mình phải gánh chịu. Nhưng chỉ đơn giản là chúng ta quyết định bỏ đi sự oán giận, ngay cả khi “có lý do để phàn nàn”.
Điều này có thực tế không? Là người không hoàn hảo, tất cả chúng ta đều phạm tội (Rô-ma 3:23). Vì vậy, sẵn lòng tha thứ cho người khác là điều khôn ngoan vì sớm muộn gì chúng ta cũng cần được người khác tha thứ. Ngoài ra, chúng ta cũng được lợi ích khi chọn tha thứ cho người khác. Tại sao có thể nói thế?
Nếu không tha thứ mà cứ cưu mang hờn giận và thù hận, chúng ta sẽ làm hại chính mình. Những cảm xúc tiêu cực như thế có thể cướp đi hạnh phúc của chúng ta, ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày và khiến chúng ta khổ sở. Những cảm xúc ấy cũng có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Trong tờ Journal of the American College of Cardiology, bác sĩ Yoichi Chida và giáo sư tâm lý học Andrew Steptoe đã đưa ra kết luận sau: “Những phát hiện gần đây cho thấy bệnh tim mạch vành có liên hệ đến sự nóng giận và thù hận”.
Nhưng hãy xem những lợi ích của việc tha thứ. Khi sẵn lòng tha thứ cho người khác, chúng ta có sự hòa thuận và hợp nhất, nhờ đó gìn giữ được các mối quan hệ. Quan trọng hơn, chúng ta cho thấy mình đang bắt chước Đức Chúa Trời. Ngài sẵn lòng tha thứ cho những người phạm tội nhưng biết ăn năn và đòi hỏi chúng ta cũng làm thế.—Mác 11:25; Ê-phê-sô 4:32; 5:1.