Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CÂU HỎI ĐỘC GIẢ

Các tập tục trong Lễ Giáng Sinh có gì sai?

Các tập tục trong Lễ Giáng Sinh có gì sai?

Lễ Giáng Sinh từ lâu đã được biết đến là ngày lễ truyền thống của Ki-tô giáo để ăn mừng ngày sinh Chúa Giê-su. Tuy nhiên, có thể chúng ta thắc mắc làm thế nào nhiều tập tục trong ngày lễ này lại liên quan đến sự ra đời của Chúa Giê-su.

Chẳng hạn như truyền thuyết về Ông già Nô-en. Ông già Nô-en thời hiện đại là một ông già vui nhộn có râu tóc bạc phơ, má ửng hồng và mặc quần áo đỏ. Năm 1931, một công ty nước giải khát ở Bắc Mỹ đã thành công khi dùng hình ảnh này để quảng cáo vào dịp Lễ Giáng Sinh. Trong thập niên 1950, một số người Brazil cố gắng thay thế Ông già Nô-en bằng một nhân vật trong truyền thuyết bản địa, đó là Ông già Indian (Grandpa Indian). Kết quả là gì? Giáo sư Carlos E. Fantinati nói rằng Ông già Nô-en không chỉ đánh bại Ông già Indian mà còn “đánh bại cậu bé Giê-su và trở thành biểu tượng chính thức của ngày lễ 25 tháng 12”. Nhưng ngoài những truyền thuyết như Ông già Nô-en, Lễ Giáng Sinh còn có gì sai nữa không? Để tìm câu trả lời, chúng ta hãy quay ngược thời gian trở về với đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu.

Bách khoa từ điển Anh Quốc (Encyclopedia Britannica) cho biết: “Trong suốt hai thế kỷ đầu tiên của đạo Đấng Ki-tô, các tín đồ phản đối dữ dội việc ăn mừng ngày sinh của những người tử vì đạo và của Chúa Giê-su”. Tại sao? Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô xem việc ăn mừng sinh nhật là phong tục ngoại giáo, một thứ phải tuyệt đối tránh. Sự thật là Kinh Thánh không đề cập gì đến ngày sinh của Chúa Giê-su.

Vào thế kỷ thứ tư CN, bất chấp lập trường của tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu phản đối phong tục ăn mừng sinh nhật, giáo hội Công giáo vẫn thiết lập ngày Lễ Giáng Sinh. Giáo hội muốn củng cố vị thế của mình bằng cách loại bỏ đi một trong những trở ngại chính, đó là sự thịnh hành của các tôn giáo La Mã và các ngày lễ trong kỳ đông chí. Sách về Giáng Sinh ở Hoa Kỳ (Christmas in America) của tác giả Penne L. Restad cho biết từ ngày 17 tháng 12 đến ngày 1 tháng 1 hàng năm, “nhiều người La Mã ăn uống, tiệc tùng, vui chơi, diễu hành và tham gia vào các hoạt động lễ hội khác để tôn vinh các vị thần của họ”. Và vào ngày 25 tháng 12, người La Mã ăn mừng sinh nhật của thần Mặt trời Vô địch. Khi lấy ngày đó làm Lễ Giáng Sinh, giáo hội đã kéo được nhiều người La Mã ăn mừng ngày sinh của Chúa Giê-su thay vì của thần mặt trời. Một sách về Ông già Nô-en (Santa Claus, a Biography) của Gerry Bowler cho biết người La Mã “vẫn có thể tham gia những trò vui của các kỳ lễ giữa mùa đông”. Thực tế, họ “tiếp tục ăn mừng ngày lễ mới theo phong tục cũ”.

Vậy, rõ ràng, điều sai trái lớn nhất của Lễ Giáng Sinh chính là nguồn gốc xấu xa của nó. Trong một sách về nguồn gốc Lễ Giáng Sinh (The Battle for Christmas), tác giả Stephen Nissenbaum xem Lễ Giáng Sinh “không khác gì một ngày lễ ngoại giáo được khoác áo Ki-tô giáo”. Vì vậy, Lễ Giáng Sinh làm ô danh Đức Chúa Trời và Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô. Có phải đây là việc nhỏ nhặt không? Kinh Thánh nêu ra câu hỏi: “Sự công chính và gian ác có mối giao hảo nào chăng? Hay ánh sáng và bóng tối có chung gì chăng?” (2 Cô-rinh-tô 6:14). Như một thân cây đã bị cong, Lễ Giáng Sinh thật xấu xa đến mức “không thể ngay lại được”.—Truyền-đạo 1:15.