Đi đến nội dung

NGÀY 24-9-2014
ERITREA

Hai mươi năm bị cầm tù ở Eritrea​—Bao giờ mới chấm dứt?

Hai mươi năm bị cầm tù ở Eritrea​—Bao giờ mới chấm dứt?

Hai mươi năm trước, ba anh trẻ đã bị chính quyền Eritrea bắt và giam giữ trong tình trạng khắc nghiệt ở trại tù Sawa và họ vẫn bị cầm tù cho đến nay. Họ không được xét xử chính thức, cũng không có cơ hội để bào chữa trước tòa.

Anh Paulos Eyasu, Negede Teklemariam và Isaac Mogos đều là Nhân Chứng Giê-hô-va, họ bị cầm tù vì cớ lương tâm dựa trên niềm tin vững chắc về tôn giáo. Ba anh lần lượt hiện nay 41, 40 và 38 tuổi, đã phải trải qua tuổi trẻ của mình trong tù. Họ đã không thể có cơ hội kết hôn và sinh con, chăm sóc cho cha mẹ lớn tuổi hay sống cuộc đời mình muốn. Họ cũng không thể cùng anh em đồng đạo tham gia các hoạt động thờ phượng.

Sau khi bị bắt vào ngày 17-9-1994, anh Paulos, Negede và Isaac đã bị đối xử tàn bạo, thậm chí là bị các viên chức trong trại tù Sawa tra tấn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc đối xử khắc nghiệt như thế đã chấm dứt, và lòng quyết tâm giữ vững đức tin của mình đã giúp các anh có được sự tôn trọng từ những viên cai tù.

Các Nhân Chứng khác bị cầm tù trong điều kiện khắc nghiệt

Không nơi nào trên thế giới mà Nhân Chứng Giê-hô-va bị bắt bớ dữ dội như ở Eritrea. Tính đến thời điểm viết bài này, đã có 73 Nhân Chứng bị cầm tù, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già. Nhiều người đã phải chịu cảnh nóng bức khắc nghiệt, thiếu thức ăn, nước uống và bị các viên chức nhà tù ngược đãi. Có ba anh Nhân Chứng khác cũng bị cầm tù trong hơn mười năm ở trại Sawa nhưng anh Paulos, Negede và Isaac là những anh bị giam giữ lâu nhất ở Eritrea.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi Eritrea chấm dứt việc ngược đãi về tôn giáo

Việc Eritrea ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va và các nhóm tôn giáo nhỏ khác đã được cộng đồng quốc tế biết đến.

  • Kể từ năm 2004, mỗi năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều liệt Eritrea vào diện “quốc gia cần đặc biệt chú ý”, tức là “quốc gia mà chính quyền tham dự vào hoặc dung túng những hành động vi phạm quyền tự do tín ngưỡng một cách nghiêm trọng, có hệ thống và diễn ra liên tục”.

  • Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ mối quan ngại về “sự vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng của chính quyền Eritrea đối với công dân của họ”. Tổ chức này kêu gọi chính phủ Eritrea “tôn trọng quyền tự do... tư tưởng, lương tâm và tôn giáo hay tín ngưỡng của mỗi người”.

  • Trong Báo cáo Thường niên năm 2014, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ nói rằng: “Tình trạng bị xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng là đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp của... Nhân Chứng Giê-hô-va”.

  • Trong bản Báo cáo Thế giới năm 2013, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền xác nhận rằng chính phủ Eritrea đang tiếp tục bắt, giam giữ và tra tấn các thành viên thuộc các tổ chức tôn giáo “không được công nhận” và “Nhân Chứng Giê-hô-va là những nạn nhân chính”.

  • Tháng 12 năm 2005, Ủy ban Nhân quyền và Nhân dân Châu Phi đã thông qua Nghị quyết về vấn đề nhân quyền ở Eritrea nhằm kêu gọi Eritrea “đảm bảo quyền được xét xử công bằng, tự do bày tỏ ý kiến và tự do ngôn luận cũng như quyền được tự do hội họp vào mọi lúc”.

Anh Philip Brumley, cố vấn pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã lên tiếng bênh vực Nhân Chứng trên khắp thế giới khi nói: “Chúng tôi tha thiết mong rằng chính phủ Eritrea sẽ trả tự do cho tất cả các Nhân Chứng đang bị giam giữ, trong đó có ba anh đã bị giam trong suốt 20 năm, và chấm dứt việc bắt bớ những anh em đồng đạo của chúng tôi”.