Đi đến nội dung

NGA

Bị cầm tù vì đức tin—Nga

Bị cầm tù vì đức tin—Nga

Lịch sử của Nhân Chứng Giê-hô-va thời hiện đại tại Nga là một câu chuyện về sự bắt bớ và ngược đãi. Hầu như trong cả thế kỷ 20, chính quyền Nga đã hành hung và ngược đãi các Nhân Chứng dù họ được biết đến là những công dân sống hòa thuận và tuân thủ pháp luật. Mục tiêu của chính quyền Liên bang Xô Viết là ép buộc Nhân Chứng theo hệ tư tưởng Xô Viết, dù bằng cách thuyết phục hay cưỡng chế. Họ không được phép có Kinh Thánh hoặc các ấn phẩm tôn giáo, luôn bị giám sát và phải bí mật tổ chức các buổi nhóm họp. Nếu bị phát hiện, họ sẽ bị đánh và bỏ tù dài hạn. Chính quyền đã lưu đày hàng ngàn người đến Siberia.

Điều này bắt đầu thay đổi vào năm 1991 khi Nhân Chứng Giê-hô-va được chính quyền Nga công nhận về mặt pháp lý và được phép tự do thờ phượng mà không bị chính quyền can thiệp. Tuy nhiên, giai đoạn bình an đó không kéo dài.

Vào năm 2009, sự chống đối và hạn chế bắt đầu gia tăng khi Tòa án Tối cao ở Nga đồng ý với quyết định của tòa cấp dưới về việc ghi nhận một hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va là “cực đoan”. Sau nhiều năm đấu tranh pháp lý, vào tháng 4 năm 2017, Tòa án Tối cao ở Nga ban lệnh đóng cửa các thực thể pháp lý của Nhân Chứng vì cho rằng tổ chức này có các hoạt động cực đoan. Ngay lập tức, chính quyền Nga tiến hành tịch thu tài sản của Nhân Chứng, đóng cửa những nơi thờ phượng và tuyên bố rằng những ấn phẩm tôn giáo của họ là “tài liệu cực đoan”.

Không dừng lại ở việc tấn công các thực thể pháp lý của Nhân Chứng, chính quyền Nga còn nhắm vào các cá nhân là Nhân Chứng Giê-hô-va. Thậm chí, họ liên kết việc thờ phượng riêng tư của từng Nhân Chứng với một tổ chức bị cấm. Cảnh sát đột kích nhà ở, ngược đãi và thẩm vấn họ một cách gắt gao. Các Nhân Chứng, cả nam lẫn nữ, thuộc mọi lứa tuổi đều đã bị bắt, buộc tội và bị kết án tù hoặc giam lỏng tại gia.

Kể từ khi lệnh cấm được ban hành vào tháng 4 năm 2017, hàng trăm Nhân Chứng đã bị giam trong trại tạm giam chờ xét xử hoặc bị kết án tù vì tội cực đoan. Tính đến ngày 17-9-2024, tổng cộng có 134 Nhân Chứng đang bị cầm tù.

Việc Nga ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va vấp phải sự phản đối kịch liệt

Chính quyền Nga tiếp tục kết án Nhân Chứng Giê-hô-va về tội hoạt động cực đoan bất kể quốc tế lên tiếng phản đối và yêu cầu nước này ngưng sự bắt bớ tàn nhẫn đối với Nhân Chứng. Những nhà quan sát chuyên môn và tòa án trên thế giới đã phê phán chính quyền Nga về sự đàn áp không ngừng của họ đối với Nhân Chứng Giê-hô-va.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu: Vào ngày 7-6-2022, Tòa án Nhân quyền Châu Âu ban hành phán quyết quan trọng đối với Nga, lên án nước này về việc ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va (Taganrog LRO và những người khác kiện Nga, mã hiệu 32401/10 và 19 vụ khác). Tòa án tuyên bố rằng việc Nga ban hành lệnh cấm đối với Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 2017 là trái với luật pháp. Nga được lệnh “phải thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo đảm rằng nước này ngưng tất cả những thủ tục tố tụng hình sự đang chờ xử lý nhắm vào Nhân Chứng Giê-hô-va... và phải thả... Nhân Chứng Giê-hô-va [bị cầm tù]”. Ngoài ra, Nga cũng được lệnh phải trao trả tất cả những tài sản mà nước này đã tịch thu hoặc bồi thường hơn 60 triệu đô-la, cũng như được lệnh phải trả cho các nguyên đơn tổng cộng hơn 3 triệu đô-la tiền bồi thường.

Lá thư từ Tổng Thư ký Hội đồng Châu Âu: Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 9-12-2022, bà Marija Pejčinović Burić tuyên bố: “Trong vụ Nhân Chứng Giê-hô-va tại Mát-xcơ-va và những người khác và vụ Krupko và những người khác, khi xét đến việc chính phủ đã giải thể cộng đồng tôn giáo của nguyên đơn và bao gồm việc ngăn cấm các hoạt động của họ, giải tán một buổi lễ tôn giáo hòa bình và tước đi quyền tự do của một số người tham gia, Hội đồng thúc giục mạnh mẽ chính quyền đảo ngược lệnh cấm đối với những hoạt động của tất cả các tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va và ngưng tất cả các thủ tục tố tụng hình sự nhắm vào họ”.

Quyết định của Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng Châu Âu: Tại cuộc họp vào tháng 9 năm 2023, Ủy ban Bộ trưởng (CoM) bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Nga đã cố ý và hoàn toàn lờ đi những chỉ thị rõ ràng (của Tòa án Nhân quyền Châu Âu) dưới Điều 46 của Công ước và phần có hiệu lực trong phán quyết của vụ Taganrog LRO và những người khác, đặc biệt liên quan đến… việc phóng thích các Nhân chứng Giê-hô-va bị cầm tù”. Vì thấy Nga không tuân thủ, CoM “quyết định trình những vụ việc này lên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, Nhóm Làm việc về Bắt giữ Tùy tiện của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và những tổ chức quốc tế liên quan xử lý vấn nạn ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va tại Liên Bang Nga, với mục tiêu là đảm bảo những đòi hỏi của các phán quyết phải được tuân thủ”.

Những ví dụ về các phán quyết khắc nghiệt gần đây

  • Vào ngày 25-1-2024, chị Sona Olopova, 37 tuổi và đã kết hôn, bị tuyên án hai năm lao động cải tạo trong tù tại vùng Samara. Cảnh sát đã tiến hành lục soát nhà của chị vào tháng 5 năm 2023. Kết quả là chị bị khởi tố hình sự và bị buộc tội hoạt động cực đoan. Trên thực tế, “tội” duy nhất của chị là thờ phượng Đức Chúa Trời một cách yên bình cùng với anh em đồng đạo. Chị Sona chia sẻ: “Công tố viên đã không suy xét rằng một người không thể vừa là Nhân Chứng Giê-hô-va vừa là người cực đoan được”.

  • Vào ngày 6-2-2024, tòa phúc thẩm giữ bản án của anh Dmitriy Barmakin. Anh bị đưa vào tù từ phòng xử án để tiếp tục thi hành bản án tám năm tù. Vào tháng 7 năm 2018, lực lượng cảnh sát vũ trang ập vào căn hộ nơi anh Dmitriy và vợ anh là chị Yelena đang ở để chăm sóc người bà 90 tuổi của chị Yelena. Anh Dmitriy và chị Yelena bị đưa trở về thành phố của họ tại Vladivostok, nơi anh Dmitriy bị bắt. Kết quả là anh bị khởi tố hình sự với tội “tổ chức hoạt động cho một tổ chức cực đoan”. Hiện anh đang ở trong trong trại giam tại khu vực Khabarovsk và sẽ được phóng thích vào tháng 11 năm 2029. Chị Yelena cũng bị xét xử vì niềm tin của mình.

  • Vào ngày 29-2-2024, anh Aleksandr Chagan, 53 tuổi và đã kết hôn, bị Tòa án Quận Tsentralniy thuộc Tolyatti trong vùng Samara kết án tám năm tù, là một trong những bản án tù dài nhất dành cho những người nam Nhân Chứng tại Nga. Khi phiên xét xử khép lại, anh bị đưa vào tù từ phòng xử án. Hiện anh đang ở trong trại giam số 4 tại vùng Samara và sẽ được phóng thích vào tháng 1 năm 2032.

  • Vào ngày 5-3-2024, một tòa án thuộc vùng Irkutsk tại miền đông Siberia kết tội chín người nam Nhân Chứng với tội cực đoan. Chín người nam này, người cao tuổi nhất là 72 tuổi, bị kết án với những mức án khác nhau lên đến bảy năm tù. Việc họ bị kết tội là đỉnh điểm của các vụ hình sự bắt đầu vào tháng 10 năm 2021, tiếp sau đó là bị lực lượng cảnh sát lục soát nhà. Vào lúc bị kết án, một trong số những người nam này là anh Yaroslav Kalin đã bị tạm giam chờ xét xử trong hơn hai năm. Anh miêu tả việc bị cầm tù là trải nghiệm cay đắng trong “những phòng giam và điều kiện tồi tệ nhất mà một người từng phải chịu”.

  • Vào tháng 4 năm 2024, anh Rinat Kiramov, người đang thi hành bản án bảy năm tù, được các viên chức nhà tù chuyển đến một trại giam có cơ sở chăm sóc y tế với cớ là nghi anh mắc bệnh lao phổi. Anh Rinat, 36 tuổi, bị khởi tố hình sự vào tháng 11 năm 2021 với tội hoạt động cực đoan. Sau khi bị tạm giam một năm rưỡi, anh bị kết án bảy năm tù. Khi được chuyển tới trại giam có cơ sở chăm sóc y tế, anh Rinat bị một nhóm tù nhân tra tấn về thể chất, thậm chí bằng súng điện. Hơn nữa, anh không được ngủ và ăn trong bốn ngày. Sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy anh Rinat không bị bệnh lao, anh được chuyển về lại nhà tù vào ngày 17-5-2024. Anh sẽ mãn hạn tù vào tháng 12 năm 2027.

  • Vào ngày 20-6-2024, ba người nam Nhân Chứng Giê-hô-va sống tại Khabarovsk bị tòa kết án tù dài nhất dành cho Nhân Chứng ở Nga kể từ khi lệnh giải thể các thực thể pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va được ban hành. Ông Nikolay Polevodov bị kết án tám năm rưỡi, ông Vitaliy Zhuk thì tám năm bốn tháng và ông Stanislav Kim thì tám năm hai tháng. Những người này bị kết tội tổ chức các hoạt động cho một tổ chức cực đoan. Tuy nhiên trên thực tế, họ chỉ nhóm lại với nhau cùng với gia đình và anh em đồng đạo trong sự bình yên để đọc và học Kinh Thánh.

Tiếp tục nỗ lực chấm dứt việc bỏ tù bất công

Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn cầu rất đau buồn vì những anh em đồng đức tin của họ bị chính quyền Nga ngược đãi. Hàng triệu Nhân Chứng trên khắp thế giới đã gửi thư đến các quan chức chính phủ Nga để yêu cầu trợ giúp thay cho những Nhân Chứng bị cầm tù. Các luật sư của những Nhân Chứng bị bỏ tù đã gửi đơn kháng án ở tất cả các cấp tòa án Nga và hàng chục đơn lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Nhân Chứng Giê-hô-va cũng nộp những đơn khiếu nại tới Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) và Nhóm Làm việc về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ đồng thời cung cấp những bản báo cáo lên các tổ chức quốc tế giám sát việc vi phạm nhân quyền. Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ tiếp tục làm mọi cách để đưa sự việc của những anh em đồng đức tin tại Nga ra ánh sáng nhằm chấm dứt tình trạng ngược đãi khủng khiếp này.

Mốc thời gian

  1. Ngày 17-9-2024

    Tổng cộng có 134 Nhân Chứng bị bỏ tù.

  2. Ngày 24-10-2023

    Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (CCPR) đưa ra quan điểm về vụ liên quan đến các Tổ chức Tôn giáo Địa phương ở Elista và Abinsk. Trong cả hai vụ này, CCPR kết luận rằng Nga đã vi phạm quyền của Nhân Chứng dưới Điều 18.1 (“quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo”) và 22.1 (“quyền tự do hội họp”) của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Các phán quyết xác định rằng không có gì trong các ấn phẩm tôn giáo của họ kích động sự hận thù và bạo lực.

  3. Ngày 7-6-2022

    ECHR ban hành phán quyết quan trọng về vụ Taganrog LRO và những người khác kiện Nga, lên án Nga về việc ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va.

  4. Ngày 12-1-2022

    Bộ Tư pháp Liên Bang Nga thêm ứng dụng JW Library vào danh sách những tài liệu cực đoan. Đây là ứng dụng đầu tiên và duy nhất bị cấm ở Nga với lý do là tài liệu cực đoan.

  5. Ngày 27-9-2021

    Tòa án Thành phố Saint Petersburg bác bỏ kháng án về phán quyết được đưa ra vào ngày 31-3-2021, là phán quyết tuyên bố ứng dụng JW Library là cực đoan và cấm sử dụng ứng dụng này trên khắp Liên Bang Nga và Crimea. Phán quyết ban đầu của tòa có hiệu lực ngay lập tức.

  6. Ngày 26-4-2019

    Nhóm Làm việc về Bắt giữ Tùy tiện cho rằng quyền lợi của anh Dimtriy Mikhailov đã bị vi phạm và tố giác sự ngược đãi của chính quyền Nga đối với Nhân Chứng Giê-hô-va.

  7. Ngày 20-4-2017

    Tòa án Tối cao Liên Bang Nga quyết định giải thể văn phòng quốc gia của Nhân Chứng Giê-hô-va và 395 Tổ chức Tôn giáo Địa phương tại Nga.